Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (Phần 1)

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (Phần 1)

03:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ

GS. Baladas Ghoshal*

Cơ sở lý thuyết để nghiên cứu vấn đề: Địa - văn minh

Người ta có thể tiếp cận các mối quan hệ giữa các quốc gia và khu vực từ ba mức độ phân tích: địa - chiến lược, địa - kinh tế và địa - văn minh. Hầu hết các nhà phân tích về quan hệ quốc tế đều tập trung vào địa - chiến lược, một phương pháp nghiên cứu chính sách đối ngoại để hiểu, giải thích và dự đoán về hành vi chính trị quốc tế thông qua những thay đổi địa lý, bao gồm các nghiên cứu khu vực, khí hậu, địa hình, nhân khẩu học, tài nguyên thiên nhiên và khoa học ứng dụng của khu vực được đánh giá; hoặc về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và những thay đổi về sức mạnh và địa - chính trị của quốc gia (nói cách khác, những kết quả địa - chính trị của hiện tượng kinh tế); hoặc những hậu quả kinh tế của các xu hướng về địa chính trị và quyền lực quốc gia. Không nghi ngờ gì rằng, địa - chính trị và địa - kinh tế  tạo ra những điều kiện khách quan cho sự hội tụ các lợi ích và cải thiện quan hệ giữa các quốc gia, trong những điều kiện khác nhau chúng cũng có thể gây tranh cãi và có thể dẫn đến xung đột. Đa số các cuộc xung đột và điểm nóng chủ yếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sản phẩm của các yếu tố và những tính toán về địa - chính trị, địa - chiến lược và địa - kinh tế, ví dụ nổi bật nhất là những tranh chấp ở Biển Đông đang đe doạ hòa bình và ổn định của khu vực. Thông qua những lợi thế về địa - chiến lược và địa - kinh tế, Bắc Kinh đang ráo riết thiết lập quyền bá chủ của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tuyên bố có chủ quyền hầu như đối với toàn bộ Biển Đông trong khi những quốc gia nhỏ hơn có các tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng biển chồng lấn, một số dựa trên nguyên tắc pháp lý về vùng đặc quyền kinh tế (eez) và khuôn khổ pháp lý nêu trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Như vậy, trong một số trường hợp, các tính toán địa - chiến lược và địa - kinh tế có thể làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn, như trong trường hợp Trung Quốc và Campuchia hiện nay, hay Trung Quốc và Myanmar dưới thời Chính quyền quân sự ở Myanmar, nhưng sau đó các nhân tố tương tự đã mang lại sự khác biệt giữa lợi ích giữa hai nước trong thời hậu cải cách. Địa - chiến lược và địa - kinh tế thường dẫn tới kết quả thắng - thua, khi một bên được lợi còn bên khác thì thua thiệt. Đối với kết quả không có bên nào thua hay còn gọi là tất cả các bên đều thắng, đặc biệt đối với các quốc gia gần gũi nhau hơn về mặt địa lý, văn hoá và nền văn minh, chúng ta cần một mô hình khác để phân tích mối quan hệ có thể tạo điều kiện cho tất cả các bên cùng thắng và có thể vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của những bất đồng về mặt địa - chiến lược và địa - kinh tế. Chúng tôi muốn mô tả mô hình đó  là  mô hình “địa - văn minh”.

“Địa - văn minh là một khái niệm mới, có nghĩa là sự liên kết vĩ mô về địa lý, trong đó có hai hoặc nhiều hơn hai nền văn minh cùng chia sẻ một vị trí địa lý và các tôn giáo tương tự và các giá trị văn hoá chung. Ngược lại, nền văn minh, theo ý nghĩa truyền thống, đề cập về một thực thể  lớn về lịch sử -văn hóa chia sẻ một tập hợp chung về các giá trị. Trong địa - văn minh, mỗi một thực thể chính trị truyền thống đều liên kết với nhau, không chỉ về mặt địa - lịch sử, mà còn cả về văn hoá, kinh tế và chính trị"[1]. Nếu áp dụng cách phân tích theo kiểu quan hệ vốn - lãi, thì địa - văn minh tạo ra tình huống, trong đó chi phí cho việc liên kết giữa các dân tộc hoặc thậm chí giữa các nền văn minh là nhỏ hơn và lợi ích của  việc liên kết là lớn hơn, nghĩa là có hiệu quả hoặc năng suất tương đối cao. Theo khuôn khổ nội dung này, các thuật ngữ thông thường về "nền văn minh" và "nền văn hoá" là không đầy đủ. Địa - văn minh có thể được định nghĩa như là tình huống hay trạng thái của sự vật khi sự kết hợp của các quốc gia có thể đồng nhất và có thể thuộc về các nền văn minh khác nhau nhưng cùng chia sẻ địa điểm địa lý chung tạo thành một đơn vị địa lý tự nhiên, một siêu cộng đồng về mặt địa lý, hoặc đơn giản là một địa - văn minh[2].  Người dân sống ở những khu vực lân cận hoặc không gian địa lý chung được hưởng sự liên kết về văn hoá với nhau ở mức độ cao.  Nền văn minh là một phương cách suy nghĩ, một tập hợp các niềm tin, hay một lối sống, một tổng thể có thể được gọi là thế giới quan và, trong hầu hết các trường hợp, phát sinh từ tôn giáo và cách hành xử do một tôn giáo cụ thể áp đặt. Một nền văn minh thường phát triển một nền kinh tế phức tạp bằng các khoa học và công nghệ phức tạp cùng với hệ thống văn bản tinh vi, văn học, nghệ thuật và âm nhạc, một hệ thống pháp luật chặt chẽ.  Ruan Wei viết: "Thông qua một khu vực địa lý chung và một tập hợp các giá trị và các thể chế xã hội bắt nguồn từ khu vực đó, một nền văn minh cụ thể làm cho những người thuộc về nền văn minh đó có những đặc điểm giống nhau trong khi lại khác biệt với dân cư của nền văn minh khác. Như vậy, do sinh sống trên một  khu vực địa lý chung, có các quy tắc ứng xử chung, các thể chế xã hội chung  và ký ức lịch sử chung, một nền văn minh đem lại sự gắn kết, gắn bó và thống nhất đối với các thành viên của nó"

Định nghĩa về Nền văn minh và Nền văn hoá

Nền văn hoá là một tập hợp phức tạp bao gồm kiến ​​thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục tập quán và bất kỳ năng lực và thói quen nào khác được tạo ra bởi những con người là thành viên của xã hội, nơi mà một nhóm người có liên quan với nhau thông qua các mối quan hệ lâu dài cùng chia sẻ lãnh thổ địa lý hoặc lãnh thổ thực tế, đối tượng của cùng quyền lực chính trị và sự kỳ vọng chủ đạo về văn hoá chi phối. Nền văn minh và văn hoá có thể giúp con người gần gũi với nhau hơn về mặt cảm xúc. Văn hoá tạo ra ý thức chung và cho phép mọi người liên hệ với nhau. Văn hóa tạo dựng mối liên kết dựa trên các niềm tin chung về tôn giáo, ngôn ngữ và  sắc tộc, khi sử dụng nó một cách sáng tạo có thể tạo ra mối liên kết lâu dài giữa những người từ các quốc gia khác nhau và thậm chí với các nền văn hoá khác nhau. Mặc dù người ta thường dùng từ nền văn minh và nền văn hoá thay cho nhau, nhưng, thực ra, khái niệm nền văn minh có tính bao hàm hơn là nền văn hoá.  Một nền văn minh có thể bao gồm nhiều nền văn hoá tương tác với nhau, cũng như với những nền văn minh khác, trong khi tạo ra sự đồng nhất cho những người mà họ thuộc về nền văn minh đó. Ruan viết: "Thông qua một địa điểm địa lý chung và một tập hợp các giá trị cũng như các thể chế xã hội  chung bắt nguồn từ khu vực đó, một nền văn minh riêng biệt cho phép những người thuộc về nó có những đặc điểm giống nhau, trong khi phân biệt mình với dân cư của nền văn minh khác. Như vậy, do có việc sinh sống trên cùng một khu vực địa lý chung, có các quy tắc ứng xử, các thể chế chế xã hội chung và ký ức lịch sử chung, một nền văn minh đem lại sự gắn kết, gắn bó và thống nhất đối với các thành viên của nó. Các truyền thống văn hoá chung thúc đẩy bầu không khí vui vẻ và tạo điều kiện cho quan hệ  gắn kết giữa các nước, vốn là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của mỗi một quốc gia, trừ các mối liên hệ về địa - văn minh, như chúng ta đã lưu ý ở phần trên, ít gây tranh cãi hơn và định hình  thế giới quan chung.

Các liên kết nền văn minh của Ấn Độ với Đông Nam Á

Các liên kết nền văn minh giữa Ấn Độ và Đông Nam Á có lịch sử lâu dài. Tất cả ba tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo, đều có nguồn gốc từ Ấn  Độ hay thông qua Ấn Độ, để lại  ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá, thực hành tôn giáo và thậm chí cả khái niệm về nhà nước dưới hình thái Thiên mệnh. Có thể thấy rõ vương quốc Champa với nền văn hoá Sanskrit năng động qua những văn bản phức tạp trên văn bia khắc bằng chữ Phạn, công nghệ hàng hải tiến bộ, kiểm soát tuyến vận tải biển từ Kanchi đến Canton. Thương mại bằng đường hàng hải xác nhận về sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Kịch bản, ngôn ngữ, văn học của Ấn Độ và các yếu tố khác của các liên kết nền văn minh như dệt may, khiêu vũ, âm nhạc,... có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ thống nhà nước và mô hình văn hoá của nó ở Đông Nam Á. Ấn Độ Dương là nơi có các tuyến hàng hải quen thuộc của chúng ta từ trước đến nay. Ấn Độ là nơi có một số cảng biển đầu tiên trên thế giới và đã có truyền thống hàng hải lâu đời. Các vùng biển xung quanh chúng ta đã tạo điều kiện cho việc liên kết thương mại, văn hoá và tôn giáo với khu vực mở rộng của chúng ta qua hàng nghìn năm. Điều này được chứng minh qua những dấu tích văn hoá của Ấn Độ trải dài khắp châu Á và châu Phi. Liên kết nền văn minh này có thể  có nguồn gốc rất xa xưa từ thế kỷ thứ I trước Công Nguyên, chủ yếu qua các mối liên kết thương mại và văn hoá - xã hội vốn cũng có ảnh hưởng và tác động tới sự mở rộng tác động của Phạn ngữ và các hình thức nghệ thuật Ấn Độ ở những quốc gia đó. Chữ Java cổ có nhiều từ tiếng Phạn như Kshatriya, dharmaputra, trong khi người ta phát hiện được những mảnh gốm Ấn Độ với chữ viết Kharoshti cổ xưa, phổ biến ở Ấn Độ thời đó, đã được tìm thấy ở Bali, sự lan rộng của chữ viết Sanskrit đã giúp các nước trong khu vực này giao tiếp với nhau qua những khu vực  rộng lớn.

 Nhiều người Ấn Độ đã di cư và định cư ở một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương như một phần của chính sách và thực tế thời thuộc địa. Do có sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương, các phong tục tập quán, giá trị văn hóa và đặc tính xã hội riêng của Ấn Độ được xác định rõ ràng trong các bài hát và cuốn sách dân gian của Ấn Độ. Trong thời kỳ Kalinga, thủy thủ Ấn Độ đã từng thực hiện các chuyến đi dài ngày đến Sri Lanka, Bali, Java, Sumatra, Borneo và Malaya, Việt Nam và Trung Quốc. Do những cuộc  hành trình thường được thực hiện bằng tàu biển, cho nên nghi thức “Boitha Bandana” - thờ tàu đã có từ những thời đó. Có thể tìm thấy bằng chứng về các chuyến đi tàu biển đó ở Đền thờ thần Mặt trời ở Konarak, nơi trên tường có bức phù điêu khắc hình chiếc thuyền chở một con hươu cao cổ là sự chứng thực về mối liên kết của Ấn Độ với châu Phi. Lễ hội Bali-yatra vào đêm trăng rằm (Karthik Purnima) tháng 11 hàng năm và sự tiếp nối của truyền thống lễ hội này này thể hiện một kết nối lớn với di sản hàng hải thời cổ đại của Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)


* Tổng thư ký, Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương và Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công, Đại học Amity, Noida; Nguyên Giáo sư và Chủ tịch, Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru. 

[1] Wei Ruan, “Địa - văn minh”, Comparative Civilizations Review,

https://www.questia.com/library/journal/1P3-2691947071/geo-civilization

[2] Wallerstein, Immanuel, Geopolitics and Geoculture: Essays on the Changing World-System, Cambridge: Nhà xuất bản University of Cambridge 1994: tr. 184-199

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục