Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” và tác động đến tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” và tác động đến tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

03:22 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

TS Nguyễn Thị Phong Lan*       

Đối với Ấn Độ, chính sách Hướng Đông được xác định từ năm 1992, dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa mạnh mẽ. Khu vực Đông Nam Á được Ấn Độ quan tâm đặc biệt bởi vị trí địa lý - chiến lược quan trọng trong giao thương quốc tế, là “tấm ván bật để chúng tôi tiến vào thị trường toàn cầu thì Đông Nam Á có thể coi là điểm đầu tiên Ấn Độ cần đặt chân đến”[1].

Với tầm nhìn này, sau 20 năm, ASEAN và Ấn Độ đã quyết định nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (2012). Đặc biệt, sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Tổng thống Mỹ B. Obama (2014), Ấn Độ đã quyết định chuyển chính sách Hướng Đông” sang chính sách “Hành động phía Đông” với các chương trình hợp tác kinh tế - đầu tư các nước ASEAN, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại.

Việc điều chỉnh chính sách trước hết do Ấn Độ đã có thực lực lớn hơn, quan tâm hơn đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước những mối đe dọa ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc Trung Quốc hành xử cứng rắn trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo càng tạo nên những thách thức, đe dọa tự do hàng hải và luật pháp quốc tế. Trong khi đó, hướng Đông là khu vực gắn bó với lợi ích thiết thân của Ấn Độ; 55% tổng lượng hàng hóa trung chuyển của Ấn Độ được chuyên chở qua khu vực biển Đông tới các nước.

2. Tác động đến quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Trong ASEAN, 4 nước Việt Nam, Singapore, Indonesia và Thái Lan ngày càng thể hiện rõ sự ủng hộ chiến lược mới. Việc Ấn Độ là một trong bốn trụ cột của Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” sẽ không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nếu có, sẽ chỉ là tác động tích cực bởi những lý do sau:

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ song phương vững mạnh. Tháng 7/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ, hai bên ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, mở đường cho quan hệ song phương sâu rộng và chặt chẽ hơn. Trong những năm gần đây, mối quan hệ này ngày càng được tăng cường nhờ phát triển quan hệ trên lĩnh vực kinh tế và sự hội tụ về những vấn đề an ninh giữa hai nước. Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách “Hướng Đông” nay là “Hành động phía Đông” của mình, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế; khẳng định việc duy trì và phát huy mối quan hệ này sẽ là cơ hội giúp thúc đẩy hơn nữa hội nhập khu vực giữa Ấn Độ với các nước ASEAN. Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Tháng 9 năm 2016, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Việt Nam, quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Thành tựu của sự hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa hai nước trong những năm đầu thế kỷ XXI có những bước phát triển nhảy vọt.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu: “Ấn Độ không chỉ đứng bên Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do, mà còn cả trong giai đoạn tái thống nhất đất nước. Cuối những năm 1970 và 1980 là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam, Ấn Độ là một trong số ít các nước hỗ trợ Việt Nam lúc đó. Chuyến thăm của tôi tới Việt Nam là biểu tượng tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện của chúng ta; thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương và đa phương trong tất cả lĩnh vực. Điều này nhằm hướng đến sự ổn định, duy trì hòa bình, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng hai nước chúng ta, khu vực châu Á và vươn ra cả ngoài khu vực này”[2].

Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng tầm, đi vào thực chất: Về thương mại, hiện nay ở mức 10 tỷ USD, hai bên cam kết sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ cho biết, sẽ tăng cường đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam, đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào vùng Đông Bắc của Ấn Độ - là khu vực trọng tâm Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ N. Modi nêu rõ: Chính sách Hành động phía Đông nhằm tạo dựng quan hệ đối tác với các nước láng giềng phía Đông; trong đó bao trùm sự hợp tác về an ninh, chiến lược, chính trị, chống khủng bố và quốc phòng bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam là một thành viên không thể thiếu của ASEAN, là trụ cột rất quan trọng của chính sách này. Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018, cả hai nước đều cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác trong các khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và Mê Công - Sông Hằng[3].

Nhận định về mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam – Ngài Parvathaneni Harish - cho rằng, lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, khám phá. Do đó, cần thúc đẩy hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tìm hiểu các cơ hội của nhau.

Về phía Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Ấn Độ nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào tháng 01; và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ vào tháng 3, với đoàn tháp tùng hùng hậu gồm các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực. Các cuộc gặp gỡ cấp cao này đã nói lên kỳ vọng về thắt chặt sự hợp tác, nâng cao hiệu quả hơn nữa về đầu tư - thương mại giữa hai nước.

Thực tế dòng vốn từ Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam hiện nay liên tục tăng: Tập đoàn Adani với dự án đầu tư năng lượng tái tạo với công suất 1.000MW sẽ triển khai tại Ninh Thuận. Tập đoàn sản xuất tua bin điện gió hàng đầu Ấn Độ Suzlon đang nghiên cứu xây dựng cánh đồng điện gió tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Tata Power đang đeo đuổi dự án Nhiệt Điện Long Phú 2 (Sóc Trăng) và đang muốn đầu tư tiếp Nhiệt điện Long Phú 3… Rất nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư đã được vạch ra trong các lĩnh vực tàu điện ngầm, đóng tàu, công nghiệp phần mềm…

Mối quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ đang gia tăng mạnh mẽ với 187,5 triệu USD năm 2017, chiếm tới 25% tổng số vốn được đăng ký của Ấn Độ vào Việt Nam trong 30 năm qua! Doanh nghiệp cả 2 nước đều mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác hơn nữa, và khi đó nguồn vốn đầu tư sẽ bùng nổ, hiện thực hóa cam kết giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Ấn Độ[4].

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có lực lượng dân số trẻ và năng động, phần lớn dân số ở dưới độ tuổi 35. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo được tương lai của chúng ta và trọng tâm của mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng đúng đắn, hướng tới việc hoàn thành khát vọng của giới trẻ cả hai nước. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo; tình bằng hữu và hiểu biết lẫn nhau đã được thử thách qua những thăng trầm lịch sử.

Mặc dù vậy, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế và những rào cản không nhỏ, đòi hỏi hai nước phải sự cố gắng nỗ lực tiếp tục để đưa quan hệ nói chung và quan hệ trên lĩnh vực kinh tế - thương mại nói riêng đạt được những mục tiêu đã đặt ra, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương không ngừng phát triển lên những tầm cao mới. Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động đang nổi lên mạnh mẽ tại châu Á, đặt những nền móng quan trọng cho cả hai nước chia sẻ cơ hội và khai thác đầy đủ tiềm năng để mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực trong tương lai.


[1] “Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (Kỳ 2): Chiến lược hướng Đông”,… Tài liệu đã dẫn.

[2] “Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (Kỳ 2): Chiến lược hướng Đông”,… Tài liệu đã dẫn.

[3] “Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (Kỳ 2): Chiến lược hướng Đông”,… Tài liệu đã dẫn.

[4] Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (Kỳ 2): Chiến lược hướng Đông,… Tài liệu đã dẫn.


* Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục