Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tác động đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay (Phần 2)

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tác động đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay (Phần 2)

03:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

TS. Phạm Hoàng Tú Linh*

Ngày 23/10/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, sau đó lần lượt đi thăm Thái Lan và Hàn Quốc. Hành trình của hai bộ trưởng Mỹ dường như đã bước tới toàn bộ khu vực phía Nam và rìa phía Đông của lục địa Á - Âu, trong đó đã đến rất nhiều quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương[1].

Chủ trương chính sách của Chính quyền Trump là trên cơ sở duy trì và củng cố mối quan hệ với các đồng minh tốt nhất, mạnh mẽ nhất với Chính phủ Mỹ trước đây như Hàn Quốc và Nhật Bản, mở rộng chúng tới các đối tác mới, nhất là Ấn Độ, đồng thời tìm cách thông qua sự cạnh tranh và cân bằng trong thời gian dài để đối phó với sự khuếch tán quyền lực xuất hiện ở châu Á.

Trước đó, minh chứng cho việc Mỹ không rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương chính là việc để Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc để James Mattis lần đầu tiên tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng là Trump có ý đồ lợi dụng phương thức với quy cách cao đó để nhấn mạnh sự coi trọng của ông đối với khu vực này. Tín hiệu mà ông muốn truyền đi là: Mỹ sẽ không rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù Chính quyền Trump cố gắng tránh sử dụng khái niệm châu Á - Thái Bình Dương trong quá khứ, nhưng một số chuyên gia cho rằng, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là khái niệm mới, cũng không vượt qua khuôn khổ truyền thống tiếp xúc với châu Á của Mỹ.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Trump ở góc độ nào đó cũng giống với đường lối tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của cựu tổng thống Brack Obama.  Và việc ông Trump liên tục đề cập đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới cái tên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứng tỏ ý tưởng này đóng vai trò trung tâm như thế nào trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Trump.

3. Tác động của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với ASEAN

Cạnh tranh ảnh hưởng

Thực tế, khi đề cập tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải ai cũng vội tin vào những lập luận xuôi tai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Đối thoại Shangri-La. Nói như ông Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao tại Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (trụ sở Washington), Mỹ cần thể hiện cụ thể những cam kết cho khu vực Đông Nam Á bằng những chương trình phát triển kinh tế, công nghệ, con người. Điều này xuất phát từ việc một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn hoài nghi về vai trò của mình trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông vừa đi ngược lại tinh thần tự do và rộng mở của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến các nước có lợi ích ở Biển Đông phải suy nghĩ về lợi ích của mình trong chiến lược này. Việc chuyển trọng tâm từ châu Á - Thái Bình Dương sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thì đòi hỏi các nước lớn phải thể hiện đúng trách nhiệm của mình, không những giữa các nước lớn với nhau, mà phải bảo đảm lợi ích các nước vừa, nước nhỏ.

Mặc dù vẫn còn sớm để xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như là một khuôn khổ cạnh tranh, nhưng ý nghĩa và tác động của nó đã vươn đến Trung Quốc, ASEAN và tất cả các bên có liên quan đến tương lai đang phát triển của châu Á. Việc Washington thêm từ Ấn Độ Dương vào Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có khả năng sẽ đánh động các nhà hoạch định chính sách an ninh ở Bắc Kinh. Còn với Ấn Độ, đấu trường với Trung Quốc phần lớn giới hạn ở Nam Á, đặc biệt Pakistan là mối quan tâm an ninh trực tiếp của Ấn Độ. Đối với Mỹ, cạnh tranh địa chính trị và địa lý kinh tế với Trung Quốc kéo dài trên 2 dải đất trên cả hai bờ của Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ đang đồn trú 375.000 nhân viên dân sự và quân sự tại trụ sở chỉ huy ở Hawaii. Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể dẫn đến sự dịch chuyển trọng tâm sang Nam Á với sự hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Đối với Nhật Bản và Australia, sự thay đổi mới nhất về Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có thể sẽ được coi là điều đáng khích lệ.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt sẽ là cách Trung Quốc nhìn nhận FOIP. Nếu Trung Quốc xem đây là một mặt trận mới của cuộc tấn công từ Bộ Tứ, Bắc Kinh có thể bị kích động phản kháng và chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều căng thẳng hơn trong khu vực. Điều này đã xảy ra trong quá khứ với chiến lược xoay trục và tái cân bằng của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đối với ASEAN, các hành động mà Trung Quốc tự cho là có cơ sở lịch sử, bao gồm hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, diễn ra ngay sát các quốc gia thành viên có biển của ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh, trên thực tế, đang vận hành những hòn đảo nhân tạo này như những căn cứ quân sự và gần đây được củng cố bởi một cuộc tập trận hải quân với sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh, nhóm tàu tấn công duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại.

Đối với lục địa Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng các đập trên thượng nguồn sông Mekong gây thiệt hại cho các cộng đồng dân cư hạ nguồn ở Campuchia và Việt Nam. Cũng như với Biển Đông, Trung Quốc đưa ra các quy tắc riêng của mình xung quanh sông Mekong thông qua Hợp tác Lan Thương-Mekong. Và khi Chính quyền Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP, Trung Quốc đã sốt sắng hơn với việc thúc đẩy RCEP như một nền tảng thương mại tự do khu vực và cũng là để loại trừ Mỹ. Có thể nói, ASEAN đã bị Trung Quốc áp đảo. 

FOIP đặt ra nhiều thách thức khác nhau

Thứ nhất, đối với các cường quốc lớn và trung bình trong Bộ Tứ, Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường căng thẳng địa chính trị, đặc biệt nếu Bắc Kinh nhận thấy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một sự bao vây và ngăn chặn mang tính khiêu khích. Lý do chính cho sự tồn tại của ASEAN là giữ cho các cường quốc chủ chốt ở thế kiềm chế và cân bằng, không thể áp đảo và thống trị Đông Nam Á. Mục tiêu này sẽ khó đạt được hơn nếu các cường quốc lớn lao vào cuộc đối đầu địa chiến lược.

Thứ hai, việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự tại các khu vực rộng lớn có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng. TPP đã khởi đầu như một sự hợp tác nhỏ giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, đến khi Mỹ nhảy vào, chiếc xe tự do hóa thương mại đó đã cất cánh và được hoàn thiện mặc dù không có Mỹ. Nếu Mỹ tham gia FOIP, kịch bản tương tự có thể xảy ra và chắc chắn sẽ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực bởi Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng.

Cuối cùng, FOIP là một thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Các thành viên Bộ Tứ sẽ nhấn mạnh rằng, ASEAN vẫn đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực. Tuy nhiên, FOIP có khả năng che mờ, và bỏ qua ASEAN bằng cách thực hiện hành động cấp khu vực theo những phương cách không yêu cầu ASEAN đóng vai trò chủ đạo tại thời điểm nhóm 10 thành viên Đông Nam Á không tìm được giải pháp cho các đảo nhân tạo và các đập trên thượng lưu, hoặc thậm chí là cuộc khủng hoảng Rakhine ở Myanmar.

ASEAN và cuộc chạy đua quân sự

Trong năm 2018, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh tiến hành các bước hiện thực hóa chiến lược FOIP và sự hợp tác của ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng. FOIP là một trong những khái niệm chiến lược khu vực quan trọng nhất hiện nay đối với cả hai nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chưa có nhiều dấu hiệu cụ thể về việc chiến lược này sẽ được triển khai như thế nào. Điều này sẽ thay đổi trong năm 2018, khi Tokyo triển khai kế hoạch phối hợp với các đối tác khu vực. Tuyên bố của Chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 11/2017 cũng ghi nhận chiến lược FOIP góp phần củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm, đồng thời bổ trợ cho Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.

Ông Ken Jimbo, chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Tokyo Foundation nhận định ASEAN có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng về địa chiến lược trong khu vực, không những về an ninh hay hàng hải mà còn nhiều lĩnh vực khác trong bối cảnh Nhật Bản đang đa dạng hóa hợp tác bên cạnh quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Trong đó, Việt Nam là đối tác chiến lược của Nhật Bản, giáp với tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông, nằm ở cửa hành lang kinh tế nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời đóng góp tích cực trong nỗ lực do Nhật Bản chủ xướng xây dựng CPTPP. Cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam có cơ sở vật chất lẫn vị trí rất thích hợp cho các hoạt động hợp tác hàng hải đa phương trong khu vực.

Mặt khác, Nhật Bản luôn ủng hộ vai trò trung tâm vững mạnh của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác liên quan tới Đông Nam Á, không để các đối tác bên ngoài áp đặt lên quyết định của khối.

Kết luận

Như vậy qua những phân tích nêu trên, hai yếu tố chính góp phần hình thành khái niệm Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là tự domở rộng thúc đẩy sự phát triển toàn diện khu vực ASEAN. Khía cạnh tự do nằm ở việc các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tự theo đuổi những con đường riêng mà không bị ép buộc. Ngoài ra, ở cấp độ quốc gia, Mỹ mong muốn các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hưởng quyền tự do hơn, bao gồm tự do về quản lý, quyền hạn cơ bản, minh bạch và chống tham nhũng.

Chiến lược mới của chính quyền Trump về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn bao hàm khía cạnh “mở rộng” về hậu cần - cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các quốc gia hội nhập khu vực tốt hơn và phát triển kinh tế mạnh hơn. Mỹ mong muốn giúp khu vực phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng phù hợp, thực sự hội nhập và tăng trưởng kinh tế. Khía cạnh rộng mở trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn hướng đến mục tiêu mở rộng đầu tư trong khu vực. Mỹ ủng hộ môi trường đầu tư mở cửa tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm mở đường cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, mở rộng về thương mại tự do, công bằng và có đi có lại cũng là điều Mỹ từng làm suốt hàng chục năm qua và được chính quyền Trump ủng hộ.

Tài liệu tham khảo

1. Background Briefing:  Philippines: Duterte’s Pivot to China Carlyle A. Thayer, October 21, 2016.

2. David Scott (2015), Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông.

3. Joseph ChinyongLiow (2016), Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông, Brookings, 10/6/2016.

4. LeszekBuszynski (2012), Biển Đông: Dầu, tuyên bố hàng hải và sự cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc, The Washington Quarterly, Vol. 35, 2, tr. 139-140.

5. Nguyễn Thanh Minh (2017), Xây dựng lòng tin góp phần làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, Tạp chí Cảnh sát biển, số 4.

6. Nguyễn Thanh Minh (2017), Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3, tháng 9/2017.

7. Nguyễn Thanh Minh (2018), Thực trạng và triển vọng hợp tác quốc tế trên Biển Đông giữa các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Khoa học Quân sự, số 4.

8. Rajaram Panda (2016), Xu hướng đi lên của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của Parikka, The Pioneer, 19/6/2016

TS. Phạm Hoàng Tú Linh, Học viện Quản lý giáo dục​

Nguồn:

Cùng chuyên mục