Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới (Phần 1)
Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền từ tháng 5/2014 tỏ rõ quyết tâm muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược lớn hơn thông qua phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo ba hướng chính gồm: (i) củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương, (ii) phát triển quan hệ với các cường quốc, (iii) đẩy mạnh quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông và Đông Nam Á, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy), nâng cấp từ Chính sách Hướng Đông (Look East Policy) vốn được thực hiện nhất quán qua các kỳ Thủ tướng từ năm 1992.
Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới
PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng*
TS Đặng Cẩm Tú**
Cộng hòa Ấn Độ sở hữu nhiều nguồn lực phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ấn Độ là quốc gia lớn nhất tiểu lục địa Nam Á, với diện tích rộng thứ bảy và dân số đông thứ hai thế giới, 2/3 chiều dài đất nước tiếp giáp với biển, lãnh thổ chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là một trong những nôi văn minh của nhân loại và truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Những tiềm năng to lớn này đã củng cố niềm tin của các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ từ sau khi giành được độc lập rằng, Ấn Độ nhất định phải đóng vai trò cường quốc. Ngày 4/11/2013, phát biểu tại Hội nghị Thường niên với trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhấn mạnh định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nhằm đảm bảo “vận mệnh của Ấn Độ trong các vấn đề thế giới”, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phải tạo được môi trường toàn cầu thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ, quan hệ ổn định với các cường quốc, thúc đẩy hợp tác khu vực và tuyên truyền về các giá trị của Ấn Độ.
Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền từ tháng 5/2014 cũng đã tỏ rõ quyết tâm muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược lớn hơn thông qua phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo ba hướng chính gồm: (i) củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương, (ii) phát triển quan hệ với các cường quốc, (iii) đẩy mạnh quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông và Đông Nam Á, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy), nâng cấp từ Chính sách Hướng Đông (Look East Policy) vốn được thực hiện nhất quán qua các kỳ Thủ tướng từ năm 1992.
Với sự chủ động mới trong chính sách đối ngoại và với tiềm lực tăng lên, Ấn Độ trong 5 năm tới có triển vọng can dự ngày càng sâu vào các vấn đề khu vực và quốc tế và có vai trò quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, tuy chưa thể ngang hàng với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tham luận này nhằm phân tích các cơ sở và triển vọng của Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, qua đó dự báo vai trò của Ấn Độ tại châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm tới.
1. Mục tiêu của Chính sách Hành động Hướng Đông
Chính sách Hướng Đông ra đời năm 1992 là một trong những bước điều chỉnh nổi bật và đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh. Có thể nói, Chính sách Hướng Đông là cốt lõi của chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Ấn Độ là vươn ra khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chính sách này nhận được sự ủng hộ của cả hai chính đảng lớn thay nhau nắm quyền ở Ấn Độ. Từ thời Thủ tướng Narasimha Rao (1992) cho đến nay, Ấn Độ đã triển khai Chính sách Hướng Đông một cách toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quân sự, kinh tế, văn hóa và hợp tác tiểu khu vực. Chính sách Hành động hướng Đông được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra tại Cấp cao Đông Á tại Myanmar tháng 11/2014 được xem là sự nâng cấp của Chính sách Hướng Đông với đặc điểm nổi bật là sự phát triển từ can dự kinh tế và ngoại giao lên việc mở rộng sang các mối quan hệ an ninh và quốc phòng của Ấn Độ xuyên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Chính sách Hướng Đông và hiện nay là Hành động Hướng Đông nhằm thực hiện ba nhóm mục tiêu chủ yếu: nhóm mục tiêu chính trị - chiến lược, nhóm mục tiêu kinh tế - xã hội và nhóm mục tiêu khuếch trương các giá trị (văn hóa/tôn giáo/dân chủ).
Về chính trị - chiến lược, mục tiêu bao trùm là cải thiện vị trí chiến lược của Ấn Độ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ không có nhu cầu cấp thiết phải khẳng định vị trí nước lớn qua các tiêu chí dân số, diện tích, bề dày văn hóa/văn minh, thậm chí cả về kinh tế. Di sản chính sách đối ngoại Không liên kết cũng đã tạo vị thế riêng cho Ấn Độ trên trường quốc tế[1]. Trong những năm gần đây, Ấn Độ thể hiện rõ sự sẵn sàng muốn đóng một vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực, thông qua việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, và ASEAN, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, Chính sách Hướng Đông/ Hành động Hướng Đông của Ấn Độ nhằm làm tăng giá trị chiến lược của Ấn Độ trong trật tự đang định hình ở châu Á, nâng cao vị trí của Ấn Độ trong các cơ chế an ninh khu vực cũng như trong chiến lược của các nước lớn và ASEAN, đồng thời phần nào kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương - khu vực Ấn Độ coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình[2].
Trong bài phát biểu tại Malaysia năm 2005, Thủ tướng Manmohan Singh nói: “Một số người trong số các quý vị ở đây có thể nhớ lại rằng, Chính phủ của chúng tôi đã khởi động chính sách “Hướng Đông” vào năm 1992. Đó không đơn thuần là một chính sách về kinh tế đối ngoại mà còn là một bước chuyển hướng chiến lược trong cách nhìn nhận về thế giới và vị trí của Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu đang phát triển. Trên hết, đây là nỗ lực hướng tới các nước láng giềng có chung nền văn minh với chúng tôi ở Đông Nam Á và Đông Á, tôi luôn coi vận mệnh của Ấn Độ gắn liền với các nước này và nhất là Đông Nam Á. Tôi nhắc lại cam kết của Ấn Độ trong việc cùng ASEAN và các nước Đông Á biến thế kỷ XXI thực sự là là thế kỷ của châu Á”[3]. Việc Ấn Độ nỗ lực tham gia các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực như cơ chế đối thoại của ASEAN, ARF, ASEAN+1, EAS, ASEM, ADMM+ cũng phần nào minh chứng cho các mục tiêu chính trị - chiến lược của chính sách hướng Đông. Mục tiêu cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng của Ấn Độ về sự gia tăng hiện diện hải quân của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các quốc gia láng giềng Nam Á.
Về kinh tế - xã hội, Chính sách Hướng Đông nhằm hỗ trợ mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Ấn Độ muốn phát triển các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động về kinh tế nơi có các mô hình liên kết kinh tế mà Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh (về thị trường, lao động, vị trí địa lý, tài chính, công nghệ thông tin) và các đầu tàu kinh tế (Nhật Bản, Trung Quốc, phần nào là Mỹ và ASEAN). Thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở 8 bang vùng Đông Bắc Ấn Độ vốn là những bang kém phát triển về kinh tế - xã hội, qua đó giảm bất ổn về an ninh, là mục tiêu cụ thể hơn của chính sách này. Việc Ấn Độ tuyên bố chi 1 tỷ USD để tăng cường kết nối tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ năm 2015 cho thấy ưu tiên của Ấn Độ về “kết nối, văn hóa và thương mại” trong quan hệ với Đông Nam Á. Chuyên gia Danielle Rajendram thuộc Viện Nghiên cứu Lowy (Australia) cho rằng, thành công của Chính sách Hành động Hướng Đông sẽ được đo bằng mức độ phát triển của vùng Đông Bắc Ấn Độ trong quan hệ kết nối với khu vực ASEAN[4].
Về khuếch trương giá trị, Ấn Độ luôn nhấn mạnh nền tảng dân chủ, mà Ấn Độ là một đại diện tiêu biểu, trong chính sách đẩy mạnh quan hệ hướng Đông. Tuyên bố chung Ấn - Australia tháng 11/2015 nhấn mạnh quan hệ “đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Australia dựa trên nền tảng là mong muốn chung tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu và cùng cam kết duy trì dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp trị”. Trong cuộc gặp giữa Modi và Tổng thống Mỹ Obama, hai bên cũng ký Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược với tư cách là “hai nhà lãnh đạo của hai nền dân chủ lớn nhất nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.” Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nói về “khối kim cương an ninh dân chủ của châu Á” với bốn đỉnh là Nhật, Australia, Ấn Độ và bang Hawaii của Mỹ để bảo đảm các lợi ích biển trải dài từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương. Phát huy các giá trị văn hóa, tôn giáo không phải là nhóm mục tiêu chính vì ảnh hưởng của Ấn Độ trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á đã khá mạnh.
Có thể cho rằng, bản chất của chính sách đối ngoại Ấn Độ hiện nay nói chung và Chính sách Hướng Đông/Hành động Hướng Đông nói riêng là sự chuyển đổi mô hình liên kết về chính trị - an ninh, vượt xa hơn khỏi bản sắc truyền thống Không liên kết và Nam Á để gắn nhiều hơn với yếu tố địa chính trị/địa chiến lược đương đại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển từ mô hình liên kết kinh tế kiểu tự cung tự cấp sang gắn nhiều hơn với các chuỗi giá trị/chuỗi sản xuất của Đông Á. (Xem tiếp phần 2)
* Giám đốc Học viện Ngoại giao.
** Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước lớn, Học viện Ngoại giao.
[1] Kể cả khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng nhóm thường trực thì Ấn Độ dường như là trường hợp đương nhiên, không gặp phải sự phản đối hay cân nhắc giống như Đức hay Nhật
[2] Võ Xuân Vinh, ASEAN trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, NXB KHXH, 2013, tr.44
[3] Prime Minister (Manmohan Singh)’s keynote address at special leaders dialogue of ASEAN Business Advisory Council, Kula Lupur, December 12, 2005
[4] Danielle Rajendram, India’s New Asia-Pacific Strategy: Modi Acts East, Lowy Institute, December 2014
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục