Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 1)

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 1)

“Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta đều có mối quan tâm mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác, … vì một châu Á ổn định, hòa bình và thịnh vượng. .... Ấn Độ rất hoan nghênh Việt Nam nổi lên như là một nền kinh tế năng động nhất, đặc biệt là vì chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu ái, một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của chúng tôi”

02:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam[1]

TS Sampa Kundu*

 

 “Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta đều có mối quan tâm mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác, … vì một châu Á ổn định, hòa bình và thịnh vượng. .... Ấn Độ rất hoan nghênh Việt Nam nổi lên như là một nền kinh tế năng động nhất, đặc biệt là vì chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu ái, một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của chúng tôi”.

Thông cáo báo chí của TS. Manmohan Singh, Cựu Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng[2]

 

Tuyên bố này thể hiện rõ ràng rằng, với Ấn Độ, Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của Chính sách hướng Đông/Hành động phía Đông của Ấn Độ. Tầm quan trọng chiến lược gắn với Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ, cụ thể là mối quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á là rất lớn. Khi Ấn Độ và Việt Nam đang kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 9 năm quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2016, có lẽ đây chính là thời điểm thích hợp để tìm hiểu những ưu thế và khó khăn cũng như con đường phía trước của mối quan hệ hai nước.

Chính sách hành động phía Đông của Ấn Độ và Việt Nam:

Ấn Độ khởi xướng Chính sách hướng Đông của mình năm 1991 với mục tiêu tái thiết lập mối quan hệ (cả song phương và đa phương) với các nước Đông Nam Á. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã thiết lập mối quan hệ song phương thân thiện với một số nước trong khu vực. Cũng đã có những khuynh hướng tư tưởng tạo ra rào cản giữa Ấn Độ và một số nước. Sự kết thúc Chiến tranh lạnh và sự tan rã của Liên Xô đã đem đến nhiều thay đổi trong chính trị thế giới. Làn sóng toàn cầu hóa, tự do hóa cũng như khu vực hóa đã khuyến khích Ấn Độ tìm kiếm những quốc gia bạn bè xung quanh và Hiệp hội các  nước Đông Nam Á (ASEAN) cho Ấn Độ một con đường gắn kết với một khu vực Đông Nam Á đang bùng nổ kinh tế. Từ năm 1991 đến 2016, Ấn Độ đã có nhiều thay đổi trong Chính sách hướng Đông (LEP) của mình. Đã có bốn động lực chủ yếu thúc đẩy Ấn Độ theo đuổi LEP – lợi ích kinh tế (bao gồm cơ sở hạ tầng và tính liên kết), ngoại giao và chính trị, những quan tâm chiến lược cũng như quan hệ đối tác an ninh quốc phòng. Từ năm 1991 đến 2016, LEP đã trải quan nhiều thay đổi và thay đổi mới nhất chính là việc đổi tên thành Chính sách hành động phía Đông (AEP) dưới thời Thủ tướng Modi. Phạm vi địa lý của nó giờ đây được mở rộng bao gồm cả những nước như Australia, New Zealand và các quốc đảo Thái Bình dương. Thủ tướng Modi là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Australia sau 28 năm. Ngài Modi cũng là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Fiji sau 33 years.[3] Ông cũng là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Việt Nam vào đầu tháng 9/2016 để tiến hành một cuộc đàm phán song phương riêng. Theo C Raja Mohan (2015), “Mục tiêu của Ấn Độ là gắn kết với tất cả các cường quốc, tăng cường các thể chế khu vực và đóng góp hiệu quả vào việc duy trì sự ổn định cân bằng quyền lực ở châu Á và vùng biển”.[4]

Vị trí địa lý của Việt Nam ở trung tâm Đông Nam Á và các láng giềng của Việt Nam gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, Vịnh Thái Lan khiến nó trở thành một bộ phận không thể phủ nhận trong Chính sách hướng Đông/Hành động phía Đông của Ấn Độ. Thêm vào đó, Ấn Độ và Việt Nam có chung một ‘địa lý chiến lược hoàn toàn cân bằng với những lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền quốc gia, tình toàn vẹn và tăng trưởng toàn diện của dân tộc mình’.[5]

Với Việt Nam, Ấn Độ chia sẻ mối quan hệ nồng ấm từ những năm 1950. Thủ tướng Jawaharlal Nehru là vị khách nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam sau khi giành chiến thắng trước người Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Ấn Độ. Trong những năm 1970, Ấn Độ đã ủng hộ hành động của Việt Nam ở Campuchia, bất chấp sự chỉ trích của quốc tế. Đáp lại, Việt Nam ủng hộ người bạn Ấn Độ sớm tối có nhau về quan điểm đối với Kashmir, Chiến tranh giải phóng Bangladesh và các vụ thử hạt nhân vào cuối những năm 1990.[6]

Quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ đã có thêm động lực vào năm 2003 khi Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện được ký kết để bảo đảm thực hiện thường xuyên các cuộc viếng thăm cấp cao, sự hợp tác chặt chẽ trong Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, sự tương trợ trong việc tán thành những lợi ích của nhau và những bước đi để xây dựng hợp tác an ninh quốc phòng.[7] Vào năm 2007, Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và nâng cấp các quan hệ song phương hiện nay mà có thể coi là một bộ phận đột phá mới trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ.[8] Năm 2012, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lại đến thăm Ấn Độ để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Ấn Độ lần đầu tiên đưa ra đề nghị một khoản tín dụng 100 triệu USD cho một nước bên ngoài Nam Á để mua sắm trang thiết bị quốc phòng.[9] Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt tầm cao mới với cuộc viếng thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2013 dẫn đến một Bản ghi nhớ trao cho Ấn Độ quyền khai thác 5 lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam, quyền khai thác một lô dầu khí ngoài khơi ở Uzbekistan đang do Việt Nam kiểm soát và xây dựng một nhà máy nhiệt điện lớn ở Việt Nam.[10] (Danh mục thỏa thuận chi tiết đã ký kết ở Bảng 1) Trong số những cuộc viếng thăm quan trọng gần đây nhất, lưu ý rằng sau khi chính phủ Thủ tướng Modi lên cầm quyền, Bộ trưởng ngoại giao Bà Sushma Swaraj đã thăm Việt Nam tháng 8/2014, Tổng thống Pranab Mukherjee thăm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cuối năm 2014 và Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parikkar thăm Việt Nam giữa năm 2016. (Xem Bảng 1). Trong thời gian đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm Ấn Độ tháng 10/2014.  Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Ấn Độ tháng 5/2015. Việt Nam là một trong số các nước ASEAN cùng với Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia đã đề nghị New Delhi giúp đỡ huấn luyện quốc phòng và cung cấp vũ khí để đối phó với hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.[11] (Xem tiếp phần 2)

 


[1] Bài viết này có nhiều nội dung đã đăng trên Tạp chí Journal of Indian Ocean Studies, 2014.

* Trợ lý nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA)

[2] MEA. 2013. Media Statements of Prime Minister and the General Secretary of the Communist Party of Vietnam. Available at http://mea.gov.in/media-briefings.htm?dtl/22513/Media+Statements+of+Prime+Minister+and+the+General+Secretary+of+the+Communist+Party+of+Vietnam. Accessed on 17 July 2014. 

[3] Raja Mohan, C. 2015. From Looking East to Acting East. Ministry of External Affairs. India. January 29, 2015. 

[4] Ibid

[5] Bhonsle, Rahul ,Brig, (Retd.). 2013. India- Vietnam Strategic Relationship: Need to Impart Momentum.  Available at http://www.vifindia.org/article/2013/november/13/india-vietnam-strategic-relationship-need-to-impart-momentum. Accessed on 1 July 2014.

[6] Collin, K.S.L. 2013. ASEAN Perspectives on Naval Cooperation With India; Singapore and Vietnam. India Review. 12(3). pp.186-206.

Jha, Pankaj. 2008. India-Vietnam Relations: Need for Enhanced Cooperation. Strategic Analysis. 32(6). pp. 1085-1099

[7] Jha. 2008. Op Cit

[8] Jha. 2008. Op. Cit. Thayer, Carl. 2013. How India-Vietnam Strategic Ties are mutually beneficial. The Diplomat, 3 December 2013.

[9] Thayer, Carl. 2013. Ibid.

[10] Friedman, George. 2013. Vietnam’s Long Search for partners, Stratfor Geopolitical Diary. November. 

[11] Gokhale, Nitin. 2014. India’s Rising Regional Military Engagement. The Diplomat. 10 February. Available at http://thediplomat.com/2014/02/indias-rising-regional-military-engagement/. Accessed on 3 July 2014. 

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn:

Cùng chuyên mục