Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 2)

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 2)

“Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta đều có mối quan tâm mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác, … vì một châu Á ổn định, hòa bình và thịnh vượng. .... Ấn Độ rất hoan nghênh Việt Nam nổi lên như là một nền kinh tế năng động nhất, đặc biệt là vì chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu ái, một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của chúng tôi”

02:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam

TS Sampa Kundu*

Cần đề cập đến một số đặc điểm cụ thể sau khi xem xét mối quan hệ Ấn Độ- Việt Nam trong phạm vi ASEAN. Với tư cách một phần ủng hộ của Ấn Độ đối với Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), Ấn Độ đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam dưới hình thức Trung tâm đào tạo tiếng Anh Việt - Ấn tại Đà Nẵng, bắt đầu hoạt động tháng 7/2007 và Trung tâm Đào tạo phát triển doanh nhân Việt-Ấn ở Hà Nội, khánh thành tháng 5/2006. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ đang có kế hoạch thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Việt-Ấn tại Học viện Quốc phòng, Trung tâm Đào tạo nghề ở TP Hồ Chí Minh, một Trung tâm thu thập, theo dõi dữ liệu hình ảnh vệ tinh.[1] Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong-sông Hằng lần thứ 7 tổ chức vào cuối tháng 7/2016 ở Lào, đại diện của Ấn Độ, Bộ trưởng ngoại giao V K Singh phát biểu rằng Ấn Độ đang có kế hoạch mở rộng đường cao tốc ba nước Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan đến Lào, Việt Nam và Campuchia và hiện tại, để thúc đẩy dự án đường cao tốc, Ấn Độ đang hoàn chỉnh lần cuối Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới với Thái Lan và Myanmar.[2]

Bảng 1: Những văn kiện mới ký kết giữa Ấn Độ và Việt Nam

Người dẫn đầu đoàn đại biểu

Năm

Biên bản ghi nhớ MoU/Hiệp định

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tháng 11/ 2013

Hiệp định dịch vụ hàng không; MOU về thành lập Phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi (IGHCL ) ở Hà Nội; Hiệp định về Bảo vệ tương hỗ trao đổi thông tin mật; MOU giữa hai Bộ trưởng Tài chính; Hiệp định hợp tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội và Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Ấn Độ; MoU về Hợp tác giữa Viện Quản lý Ấn Độ (IIM) tại Bangalore và Học viện Chính trị Quốc gia HCM; MoU giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty dầu khí ONGC Videsh Limited(OVL); MOU giữa Bộ Công thương và Công ty điện lực Tata Power Ltd. về dự án phát triển Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 ở Sóc Trăng

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee

Tháng 9/2014

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề hải quan; MoU về Hạn mức tín dụng 100 triệu USD dành cho mua sắm quốc phòng; MoU giữa Bộ Nông nghiệp Ấn Độ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực bệnh dịch động vật; MoU giữa Cục phát triển ngư nghiệp quốc gia của bang Hyderabad, Vụ Chăn nuôi, sản xuất sữa và đánh cá của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&NT về hợp tác trong lĩnh vực nuôi cá ba sa ở Ấn Độ; MoU giữa Bộ Phát triển kỹ năng, doanh nhân, vấn đề thanh niên và thể thao Ấn Độ và Trung ương Đoàn thanh niên về hợp tác trong vấn đề thanh thiếu niên; Thảo ước hợp đồng giữa Công ty ONGC Videsh Limited Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam); MoU  giữa hãng hàng không Jet Airways (Ấn Độ) và Vietnam Airlines

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

 

Tháng 10/ 2014

MoU về thành lập trường đại học Nalanda; MoU về bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam; MoU về thành lập Trung tâm tiếng Anh và Đào tạo công nghệ thông tin tại Học viện Bưu chính Viễn thông; Chương trình Giao lưu văn hóa 2015-17; MoU về Trao đổi các chương trình nghe nhìn; MoU giữa OVL và PetroVietnam; MoU giữa ONGC và PetroVietnam

 

Nguồn: Bộ Ngoại giao 2013[3] và 2016[4]

 

Bên cạnh đó, ở cấp độ đa phương khu vực, Ấn Độ và Việt Nam hợp tác với nhau trên nhiều diễn đàn bao gồm Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hợp tác Mekong-sông Hằng và Hội nghị Á Âu và nhiều diễn đàn khác. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ ứng cử vào tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).[5] Về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam, Tổng tư lệnh không quân Ấn Độ Norman Anil Kumar Browne đã nói, “Ấn Độ đặt tầm quan trọng rất lớn đối với việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là về quốc phòng và coi Việt Nam là đối tác hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á”.[6] Mặt khác, Việt Nam cùng với hầu hết các nước ASEAN khác coi Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của mình. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ và cuộc hành trình được đánh giá cao của tầu hải quân Ấn Độ Sudarshini đến các nước ASEAN là những điển hình của quan hệ đối tác tăng lên giữa Ấn Độ và Việt Nam cùng với tất cả các đối tác ASEAN. (Xem tiếp phần 3)

 


* Trợ lý nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA)

[1] MEA. India-Vietnam Relations. January 2016. Available at http://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Vietnam_13_01_2016.pdf. Accessed on August 2, 2016.

[2] MEA. 2016. Main Remarks by the Minister of State for External Affairs Dr. V. K. Singh at the 7th Mekong-Ganga Cooperation Finance Ministers Meeting in Vientiane, Laos (July 24, 2016). August 1, 2016. 

[3] MEA. 2013. List of documents signed during the State Visit of Nguyen Phu Trong, General Secretary of Communist Party of Vietnam to India. 

[4] MEA. 2014. Agreements/MoUs signed during the State Visit of Hon’ble President to Vietnam (15 September, 2014). 

MEA. India-Vietnam Relations. January 2016. Op Cit.

[5] Mishra, Rahul. 2014. India-Vietnam: New Waves of Strategic Engagement. Issue Brief, Indian Council of World Affairs, New Delhi.

Bhonsle. 2013. Op Cit.

[6] Vietnam Plus. 2013. India Boosts Defence Cooperation with Vietnam. 24 September. Available at http://en.vietnamplus.vn/Home/India-boosts-defence-cooperation-with-Vietnam/20139/39302.vnplus. Accessed on 25 September 2013, as quoted in Rahul Mishra. 2014. Op. Cit. 

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn:

Cùng chuyên mục