Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)
Bài viết làm rõ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ từ đầu những năm 1990 đến nay và tác động của chính sách này đến mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và tác động của chính sách này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Võ Văn Chỉ*
Nhóm các mục tiêu kinh tế - xã hội
Bên cạnh các mục tiêu chính trị - chiến lược, Chính sách Hướng Đông còn được kỳ vọng đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội không kém phần quan trọng.
Một là, Chính sách Hướng Đông hướng tới việc duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Ấn Độ thông qua các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Đông Á, đặc biệt là thương mại. “Ấn Độ tin rằng, Đông Á nắm giữ chiếc chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ổn định của Ấn Độ, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với tăng trưởng của Ấn Độ trong bối cảnh các khu vực khác đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng như gia tăng chính sách bảo hộ”[1].
Hai là, hội nhập kinh tế với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là một mục tiêu quan trọng trong Chính sách Hướng Đông. Mục tiêu này nhấn mạnh đến việc xây dựng Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện/Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CECA/CEPA) giữa Ấn Độ với khu vực.
Ba là, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở tám bang vùng Đông Bắc của Ấn Độ, những bang kém phát triển về kinh tế - xã hội và bất ổn an ninh, cũng là một mục tiêu quan trọng của Chính sách Hướng Đông. Ủy ban Đông Bắc (NEC) xác định rằng, một trong những lợi thế của khu vực là “gần kề với một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á”[2].
Mục tiêu lớn nhất của Chính sách Hướng Đông là góp phần đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
1.3. Các lĩnh vực triển khai của Chính sách Hướng Đông
Để thực hiện thành công Chính sách Hướng Đông, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với các nước và phần lớn các tổ chức hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương một cách toàn diện trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, an ninh - quân sự và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị - ngoại giao, kể từ năm 1990 đến nay, nhiều nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ đã có nhiều chuyến thăm cấp cao đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Thủ tướng Ấn Độ Vishwanath Pratap Singh đã có chuyến công du đến Malaysia (1990); Tổng thống Ramaswamy Venkataraman thăm Nhật Bản (1990), Philippin (1991), Trung Quốc (1992). Thủ tướng Narasimaha Rao có chuyến thăm tới Nhật Bản (1992), Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan (1993), Singapore, Việt Nam (1994), Malaysia (1995). Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee đã tiến hành hàng loạt chuyến công du tới các nước Đông Nam Á và Đông Bác Á như Việt Nam, Indonesia (1/2001), Malaysia (5/2001), Nhật Bản (10/2001), Campuchia, Singapore (2/2002). Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 11/2002. Để tiến sâu hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á vào năm 2003.
Trên lĩnh vực an ninh - quân sự, nhiều người cho rằng, Ấn Độ đã triển khai các hoạt động ngoại giao quân sự ở khu vực. Trên thực tế, thuật ngữ “ngoại giao quân sự” chỉ mới xuất hiện chính thức trong chính sách an ninh của Ấn Độ và năm 1999, dưới thời của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee[3]. Ngoại giao quân sự của Ấn Độ được triển khai ở cấp độ song phương và đa phương. Cấp độ song phương phổ biến nhất là những cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ với các nước thứ hai, là các chuyến thăm của tàu chiến Ấn Độ tới các nước, là hợp tác đào tạo quân nhân hay xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ sang một nước khác. Ở cấp độ đa phương là các diễn đàn an ninh khu vực, các thỏa thuận hợp tác liên quan đến quân sự khu vực.
Về kinh tế, Ấn Độ trở thành Đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992, “Ấn Độ đã khởi động đối thoại kinh doanh với ASEAN vào năm 1993”. Sau những thành công trong hợp tác kinh tế, đặc biệt là hoạt động trao đổi thương mại với các nền kinh tế lớn của ASEAN, Ấn Độ bước sang quán trình hội nhập kinh tế khu vực thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và Hiệp định Kinh tế toàn diện (CECA),…
Ngoại giao văn hóa là một phần đặc trưng của ngoại giao Ấn Độ, gắn liền với tư tưởng “thế giới đại đồng”. Đối với ASEAN, ngoại giao văn hóa của Ấn Độ được thể hiện trên các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghệ thông tin, du lịch, khoa học và kỹ thuật, trao đổi học giả và các bài diễn thuyết ASEAN,…
Về hợp tác tiểu khu vực, như đã đề cập ở trên, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương là hai trong số những mục tiêu chủ yếu trong Chính sách Hướng Đông. Tiếp cận theo hướng này, Ấn Độ đã chủ trương các liên kết tiểu khu vực với khu vực Đông Nam Á lục địa thông qua cơ chế hợp tác như BIMSTE và CMC,…
Tóm lại, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ được triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, an ninh - quân sự và hợp tác tiểu khu vực. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ không tồn tại riêng lẽ mà nằm trong tổng thể chính sách của Ấn Độ đối với khu vự châu Á - Thái Bình Dương.
2. Tác động của chính sách hướng đông của Ấn Độ đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
2.1. Những tác động trên lĩnh vực kinh tế
Mặc dù quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ trong gần hai thập kỷ Ấn Độ triển khai Chính sách Hướng Đông vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhưng nhìn chung, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Về thương mại, giá trị xuất - nhập khẩu song phương Việt Nam - Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 1992, thương mại hai chiều mới đạt 28,4 triệu USD thì đến năm 2002, đã đạt 273,4 triệu USD, tăng 9,6 lần trong vòng 9 năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, đến năm 2011, thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đã đạt 3,9 tỉ USD, gấp hơn 10 lần giá trị thương mại năm 2001 (273,4 triệu USD).
Với mức tăng đó, giá trị trao đổi thương mại song phương thực tế đã vượt xa so với mục tiêu mà hai nước đặt ra. Một tín hiệu khác khá tốt đẹp trong quan hệ kinh tế lẫn chính trị giữa Ấn Độ và Việt Nam là Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc công nhận VIệt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ được ký vào ngày 15 tháng 10 năm 2009. Các số liệu thống kê cũng cho thấy một thực tế rằng, Việt Nam là bên nhập siêu trong quan hệ thương mại với Ấn Độ. Năm 1994, Việt Nam mới chỉ nhập siêu của Ấn Độ khoảng 14 triệu USD thì đến năm 2004 và 2008, mức nhập siêu của Việt Nam lần lượt tăng lên 515 triệu USD và 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại gần đây của hai nước đã trở nên cân bằng hơn, từ con số 1,7 tỉ USD giảm xuống còn 770 triệu USD và 792 triệu USD lần lượt vào các năm 2010 và 2011.
Về đầu tư, kể từ khi Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam nhìn chung còn những tiến triển đáng kể. Cần nhấn mạnh rằng, “Ấn Độ là một trong những đối tác có tỉ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký cao nhất trong số các nước có FDI vào Việt Nam, Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất trong những nước thành viên của ASEAN từ Ấn Độ”[4]. (Còn tiếp)
[1] Zhang Dong (2006), “India looks east: strategies and impacts”, Ausaid Working Paper, Septemper, p.17.
[2] North Eastern Council Secretariat, Annual Plan 2007 - 2008 North Eastern Council, Shillong, p.5.
[3] Chaulia Sreeram (2002), BJP, “India’s Foreign Policy and the “Realist Alternative” to the Nehruvian Tradition:, International Politics 39, June, p.223.
[4] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, http://www.mofa.gov.vn/vi/nr04087104143/ns070705102310/view.
* Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục