Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam (Phần 2)

Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam (Phần 2)

Phật giáo là một trong ba trường phái triết học không chính thống, một trào lưu tư tưởng lớn ở Ấn Độ cổ đại xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một quốc giáo ở Ấn Độ. Phật giáo từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo trở thành một tôn giáo thế giới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hoá tinh thần của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam.

02:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam

 

PGS, TS Vũ Trọng Dung* 

 

2. Về tu luyện đạo đức

 Trong tu luyện đạo đức, trước hết Phật giáo nêu ra chính ngữ. Chính ngữ là chỉ nói những điều đúng đắn, điều phải, điều tốt, lời chân thực, dịu hiền, lời đoàn kết, lời có ích đối với người nghe. Ngược lại, không được nói dối, không nói lời ác, không nói lời chia rẽ, không nói lời vô nghĩa.

Rõ ràng chính ngữ của Phật giáo đã đưa ra nguyên tắc, phương pháp nhìn nhận, xem xét người rằng, khi phê bình, đánh giá người, trước hết hãy nhìn người từ những mặt tốt, từ những ưu điểm, từ những điều đã làm được; mặt khác, hãy nhân ái, rộng lượng, khoan dung khi nói đến những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của người thì sẽ nâng người lên và người sẽ dễ tiếp thu. Từ bao đời nay người Việt Nam đã nhắc nhau: “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lựa lời mà nói ở đây là khéo khen, khéo chê.

Nguyên tắc, phương pháp đó có ý nghĩa thiết thực đối với tự do, dân chủ, tự phê bình và phê bình của chúng ta. Đừng xét nét, dè chừng, nghi kỵ nhau, đừng đao to búa lớn với nhau. Hãy thành tâm với nhau, hãy nhân ái với nhau: “Trăm năm, ngắn lắm, Người ơi! Thương nhau, cho nở nụ cường cùng hoa. Cho ta hạnh phúc cùng ta, Đời người không thể lại là kiếp con[1]”. Chúng ta chống hiện tượng trốn tránh, tự phê bình và phê bình, nhưng cũng ngăn ngừa hiện tượng lợi dụng phê bình tự do, dân chủ vô chính phủ để đả kích nhau, gây rối nội bộ.

Có chính ngữ mới có trật tự, nền nếp, kỷ cương, mới nhân ái trong quan hệ giữa người và người. Nếu Phật giáo nêu cao ý nghĩa của chính ngữ thì dân tộc Việt Nam rất coi trọng lời ăn tiếng nói, phải biết cân nhắc lời ăn tiếng nói rằng: phải “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”; “Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, bởi vì: “Sa chân thì chết đuối. Sẩy miệng thì chết oan”. Triết lý sống thường ngày của người Việt Nam là không quá lời lúc nóng giận, không ba hoa khi hứng chí, không giả dối khi giao tiếp: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Học ăn, học nói, học gói, học mở; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu, Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Từ xa xưa, người Việt Nam đã truyền lại cho nhau kinh nghiệm rằng: “Chó ba quanh mới nằm, Người ba năm mới nói”. Nghĩa là, con chó trước khi nằm, nó phải quay ba quanh (ba vòng) để quan sát vị trí rồi nó mới đặt thân xuống, chứ không phải bạ đâu nó nằm đấy. Con vật đã thế, huống chi con người hơn hẳn con vật là con người có ý thức. Từ thưở lọt lòng, trong vòng ba năm người con mới rời khỏi vòng tay ốm ấp của cha mẹ, thì nhiệm vụ của cha mẹ phải dạy con nói những lời có ý nghĩa nhất để lớn lên vào đời mới chính ngữ được.

Nếu Phật giáo khuyên bảo con người hãy nói với nhau những lời chân thực, dịu hiền, thì người Việt Nam khuyên bảo nhau rằng: “Một câu nhịn, chín câu lành”, hoặc: “Người khôn không nỡ roi đòn, Một lời nhè nhè hãy còn đắng cay”.

Nếu Phật giáo khuyên bảo con người hãy nói những lời đoàn kết, điều phải, điều tốt, lời đúng đắn với nhau, thì người Việt Nam khuyên bảo nhau rằng: “Chim khôn chết mệt vì mồi, Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to. Có điều gì không bằng lòng, mắc mớ thì hãy chân tình, thành thật nói thẳng với nhau là hay hơn cả. Đừng có tụm năm, tụm ba chỗ này, nơi khác to nhỏ, rì rầm, bàn tán với nhau những chuyện không đâu vào đâu; như thế chỉ tổ lòng vẩn đục quan hệ giữa người và người, mệt mỏi, vô bổ, chẳng đẹp và chẳng ích gì với ai.

Phật giáo khuyên bảo con người không được nói dối, không nói lời vô nghĩa, thì người Việt Nam có câu: “Đường đi hay tới, nói dối hay cùng”. Hoặc: “Hương năng thắp năng khói, người năng nói năng lỗi”, hoặc: “Rượu nhạt uống lắm cũng say, Người khôn nói lắm lời hay hóa nhàm”.

 Nếu Phật giáo khuyên bảo con người nói năng vừa phải, lời nói phải đi đôi với hành động, thì dân tộc ta phê phán cái thói nói nhiều làm ít, hay lý sự, nói đạo lý rất hay, nhưng làm rất dở, rất tồi; phê phán thói nói không đi đôi với làm như: “Làm không bằng ai, nói không ai bằng”, “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”; đừng chọn ăn, chọn việc làm: “Ăn thì ăn những miếng ngon, Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”; nói lắm thì hoá rồ: “Ăn lắm thì hết miếng ngon, Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ”; hoặc: “Chân thật thì ít lời. Gian dối lắm miệng lưỡi”. Ngược lại với nói nhiều làm ít, người Việt Nam khuyên bảo nhau nên nói ít làm nhiều:“Nói chín thì nên làm mười; Nói mười làm một, kẻ cười người chê”.

Đi liền với chính ngữchính nghiệp. Chính nghiệp là hành động, làm việc đúng đắn, không làm những điều tàn bạo, gian ác, giả dối, không lấy của không cho, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh; thực hành việc tôn trọng sự sống, bố thí, sống trong sạch không trái đạo lý.

Từ 2500 năm trước đây, Phật giáo đưa ra luật cấm sát sinh nhằm bảo vệ các loài động vật nói riêng và môi trường sinh thái nói chung, thì mãi đến tháng 6 năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất mới kêu gọi Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới không săn bắn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ tài nguyên thiên thiên, chống ô nhiễm hoặc hủy diệt môi trường. Ở đây cần thừa nhận Phật tổ là một nhà sinh thái học tiên tri.

Người Việt Nam rất yêu thích thiên nhiên, nhiều cảnh vật tự nhiên trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi, hòa đồng với con người. Trên khắp các cánh đồng Việt Nam bình yên, ở đâu đâu cũng xuất hiện cánh cò bay lả bay la: “Một đàn cò trắng bay tung, Bên nam bên nữ ta cùng hát lên”; hoặc: “Một đàn cò trắng bay quanh, Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta”.

 Vì vậy, chúng ta cần lên án nạn săn bắt động vật quý hiếm để bảo tồn tự nhiên, bảo tồn môi trường sinh thái. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nước Việt Nam phải chi trả một khoản tiền rất lớn di chuyển đàn voi hoang dã từ Ninh Thuận về Đắk Lắk, bảo vệ Sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp .... Rắn và mèo là các loài động vật ăn chuột, giúp con người bảo vệ mùa màng. Ấy thế mà hiện nay, người ta lại coi rắn, mèo là món ăn đặc sản. Không thể kể xiết có bao nhiêu rắn, mèo đã bị đưa vào các nhà hàng, quán nhậu? Hậu quả mà con người phải gánh chịu là nạn chuột sinh sôi rất nhiều, gia tăng phá hoại mùa màng. Thật tội nghiệp cho con người khi phải thay mèo bắt chuột.

Để hoàn thiện tu luyện đạo đức, cùng với chính ngữ, chính nghiệp phải thực hiện chính mệnh. Chính mệnh là tiết chế dục vọng, thực hiện lời răn, sống đúng đắn, chân thực, nhân nghĩa, không tham lam, gian tà, vụ lợi; sống theo một nếp sinh hoạt lành mạnh, giúp cho sức khoẻ, tăng năng suất lao động, khiến thâm tâm luôn luôn được thư thái, nhẹ nhàng. Tóm lại, để hoàn thiện đạo đức, con người phải giữ ngăn dục vọng. Đúng như dân tộc ta đã khuyên bảo nhau rằng: phải biết dừng lại ở mức vừa phải, bởi vì: tham thì thâm. (Xem tiếp phần 3)


* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Thơ Tố Hữu: Con người, Nxb. Văn hóa  - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 660.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục