Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 5)

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 5)

Bài viết bao gồm ba phần chính: Phần thứ nhất là mô tả về các dự án CSHT liên kết quan trọng nhất của Trung Quốc tại ba nước Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka; Phần thứ hai sẽ phác họa bức tranh tổng thể về các mục tiêu của Trung Quốc thông qua hệ thống các CSHT này; Phần thứ ba sẽ phân tích phản ứng và chính sách của Ấn Độ.

03:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 4)

Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ

TS Trương Minh Huy Vũ*
Vũ Thành Công**

3.3 Pakistan

Về mặt chiến lược, viễn cảnh của các dự án do Trung Quốc đầu tư tại Pakistan đang đặt ra một sức ép không nhỏ cho chính quyền của Tổng thống Narendra Modi. Khác với Bangladesh và Sri Lanka, Pakistan không chỉ là một đồng minh của Trung Quốc mà còn có mối hiềm khích lịch sử với Ấn Độ. Với vị trí địa chiến lược đặc biệt gần eo Hormuz và dòng chảy năng lượng xấp xỉ 17 tỷ thùng dầu thô,[1] sự nổi lên của Gwadar đồng nghĩa với sự suy giảm an ninh tương đối của Ấn Độ. 

Để đương đầu với sức ép địa chính trị và duy trì cân bằng chiến lược tại khu vực giáp Vịnh Pecxich, Ấn Độ đã thúc đẩy gia tăng quan hệ với Iran và Afghanistan. Tại Iran, sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, vào tháng 5/2016, Ấn Độ đã đầu tư 500 triệu USD vào phát triển cảng Chahabar, cách Gwadar 100km về phía Tây. Chahabar có vị trí chiến lược tốt hơn hẳn Gwadar và cho phép tiếp cận eo Hormuz và khu vực Vịnh Pecxich thuận lợi hơn. Các thông tin chi tiết về dự án hiện vẫn chưa được tiết lộ.  

Không chỉ dừng ở phát triển cảng, tương tự những gì Trung Quốc làm tại Pakistan, Ấn Độ cũng đang tiến hành xây dựng một hệ thống đường ray xuyên quốc gia. Hệ thống đường ray dự kiến dài 900km nối Cảng Chahabar với Zaranj (Iran) và Hajigak (Afghanistan), chạy song song với Hành lang CPEC mà Trung Quốc dự định phát triển tại Pakistan. Vào năm 2009, hệ thống này đã hoàn thành 215km từ Delaram (phía tây Afghanistan) tới Zaranj tại biên giới Iran - Afghanistan.[2]

Hệ thống đường ray này sẽ phục vụ cùng lúc ba mục đích: Một là, giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định thông qua giao thương, đồng thời giảm lệ thuộc của Afghanistan vào Pakistan - đồng minh của Trung Quốc. Hai là, xây dựng một đối trọng tương đương với Cảng Gwadar và hành lang CPEC mà Trung Quốc đầu tư tại Pakistan, từ đó phá vỡ thế bao vây ở bờ tây Ấn Độ. Ba là, tạo ra một hành lang xuyên suốt nối liền Ấn Độ và các nước Nam Á với khu vực Trung Á.

Cảng Chahabar và Hệ thống đường ray nói trên nằm trong “Chính sách Liên kết Trung Á”, là một phần giấc mơ lớn của Ấn Độ về “Chủ nghĩa châu Á mới”, được Ấn Độ mô tả trong Đối thoại Ấn Độ - Trung Á tháng 6/2012.[3] “Chính sách Liên kết Trung Á” là một hướng tiếp cận đa cấp độ, nhằm vượt qua rào cản về địa lý để xây dựng liên kết giữa Ấn Độ và Trung Á về chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa.[4]

Kết luận

Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc đã có những bước đi đáng kể tại Nam Á thông qua hệ thống các cảng biển và CSHT liên kết mà nước này đầu tư tại Bangladesh, Sri Lanka và Ấn Độ. Bên cạnh các mục đích kinh tế và đảm bảo giao thương như Trung Quốc tuyên bố, các dự án này cũng hàm chứa các mục tiêu về chiến lược và quân sự. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ không chỉ nắm được các tuyến hàng hải tại Nam Á, mà còn có thể kiềm chế Ấn Độ và ngăn cản Mỹ xâm nhập khu vực một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, mối lo ngại này đã phần nào được giải quyết bởi các bước phản công của Ấn Độ. Biện pháp chia đũa để bẻ mà Bắc Kinh sử dụng tại Đông Nam Á đang được Ấn Độ mô phỏng một cách đầy hiệu quả tại Nam Á. Cuộc đối đầu giữa hai bên có thể sẽ chưa kết thúc, nhưng hiện tại, Ấn Độ đang đạt được các lợi thế nhất định tại Bangladesh và Sri Lanka.

Nếu Ấn Độ có thể tiếp tục giữ vững các mục tiêu của mình như hiện nay thì Trung Quốc sẽ cần phải điều chỉnh các bước đi tại Nam Á cho phù hợp. Các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc có thể vẫn sẽ hiệu quả trong thời gian tới, nhưng các mục tiêu quân sự đằng sau sẽ cần thêm nhiều nỗ lực để trở thành hiện thực.

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.

** Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh

[1] Virendra Sahai Verma, A story of two ports: Chabahar vs. Gwadar, ICS Delhi Blog, 3/6/2016, https://icsdelhiblogs.wordpress.com/2016/06/03/a-story-of-two-ports-chabahar-vs-gwadar/, truy cập vào ngày 5/8/2016.

[2] Virendra Sahai Verma, A story of two ports: Chabahar vs. Gwadar, ICS Delhi Blog, 3/6/2016, https://icsdelhiblogs.wordpress.com/2016/06/03/a-story-of-two-ports-chabahar-vs-gwadar/, truy cập vào ngày 5/8/2016.

[3] K.M. Seethi, India’s ‘Connect Central Asia Policy’, The Diplomat, 13/12/2013, http://thediplomat.com/2013/12/indias-connect-central-asia-policy/, truy cập vào ngày 5/8/2016.

[4] K.M. Seethi, India’s ‘Connect Central Asia Policy’, The Diplomat, 13/12/2013, http://thediplomat.com/2013/12/indias-connect-central-asia-policy/, truy cập vào ngày 5/8/2016.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục