Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay (Phần 3)

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay (Phần 3)

Trong khuôn khổ Chương trình nói chuyện của những nhân vật kiệt xuất Ấn Độ - ASEAN (ASEAN-India Eminent Person’s Lecture Series), theo lời mời của Tổ chức Thông tin và Nghiên cứu về các nước đang phát triển (Research and Information System for Developing Coutries), ngày 13/08/2014, tại Trung tâm Rabindranath Tagore thuộc Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi nói chuyện với các học giả, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ với chủ đề “Cục diện chính trị và kinh tế mới ở châu Á”. Bài nói chuyện đã được dư luận Ấn Độ và quốc tế đánh giá cao.

02:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay*

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng**

Đề xuất khai phát Vịnh Bắc bộ mở rộng của Trung Quốc có ba mục tiêu chính:

Thứ nhất là vấn đề vận tải biển. Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng của mình trên Biển Đông (chúng tôi gọi là Biển Đông, còn Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Đây là tuyến vận tải chủ yếu của Trung Quốc. Trong số 39 tuyến vận tải của Trung Quốc ra thế giới, có 21 tuyến qua Biển Đông, nơi có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc.

Thứ hai là vấn đề tài nguyên chiến lược biển. Trung Quốc quan tâm nhiều đến dầu lửa. Trung Quốc đã chuẩn bị hai nhà máy lọc dầu lớn (Khâm Châu và nhà máy Dương Phủ đặt trên đảo Hải Nam). Hiện nay, các nhà máy lọc dầu này hoạt động chủ yếu dựa vào nhập khẩu dầu từ Bắc Phi và Trung Đông; họ đã ký hợp đồng 10 tỷ USD với Iran. Sự chuẩn bị các nhà máy lọc dầu tại đây là hướng tới tranh giành tài nguyên chiến lược trên Biển Đông.

Thứ ba là vấn đề an ninh quốc phòng. Ở phía xa trên Thái Bình Dương, Mỹ đã thiết lập một chuỗi phòng thủ từ đảo Guam và thông qua các đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Trung Quốc muốn thiết lập một chuỗi đảo từ biển Hoàng Hải sang biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực xây dựng hệ thống phòng thủ với việc xây dựng các khu đóng quân, các cơ sở hậu cần trên các đảo đá ngầm, thậm chí Trung Quốc đã ngang nhiên cải tạo nhiều bãi đá (chiếm của Việt Nam) với quy mô lớn và dường như đang muốn xây dựng sân bay trên một vài bãi đá mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988. Trung Quốc không chỉ tranh chấp đảo với một số nước ở Đông Á và Đông Nam Á mà còn thiết lập nhận diện phòng không trên biển Hoàng Hải. Điều tương tự, đang được Trung Quốc toan tính làm trên Biển Đông.

Vài tháng trước (tháng 5/2014), Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dư luận thế giới phản đối kịch liệt. Đồng ý với nhiều dự đoán, phân tích của học giả quốc tế, chúng tôi ý thức rất rõ rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, chuyện tìm dầu lửa ở độ sâu 2000m chắc chắn là rất khó khăn và chưa phải là chuyện lúc này. Không chỉ vì lý do dầu lửa, đây chính là bước đi trong chủ trương độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Họ tự vẽ bản đồ với đường lưỡi bò đứt đoạn kéo dài xuống phía nam để chiếm gần như trọn Biển Đông, sát với vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. Đây là những toan tính và đòi hỏi hoàn toàn vô căn cứ.

Các chứng cứ pháp lý cũng như lịch sử đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi. Các bản đồ cổ, thư tịch tiếng Hán, tiếng Nôm, tiếng Pháp và tiếng Anh đã cho thấy sự hiện diện của người Việt Nam trên các quần đảo này từ thế kỷ XVI. Các bản đồ cổ, thư tịch của các triều đại Trung Quốc cho đến thế kỷ XX đều khẳng định cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Vậy mà, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đặt giàn khoan nằm ngay trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các bạn đều biết, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam kiểm soát. Năm 1988 Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm nhiều bãi đá của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma (Johnson South Reef) làm nhiều chiến sỹ và sỹ quan của quân đội Việt Nam hy sinh.

Hiện nay, Trung Quốc luôn nói rằng, tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề của hai nước nên chỉ giải quyết song phương. Nhưng thực tế đây không phải là vấn đề của hai nước mà liên quan đến tự do hàng hải, tài nguyên chiến lược, phòng thủ chiến lược và là vấn đề của cả khu vực và thế giới. Vấn đề này liên quan không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với cả Phillipines và các nước khác. Trung Quốc luôn đòi hỏi không đưa ra tòa án quốc tế, để giải quyết song phương, không đa phương hóa. Liệu chỉ dừng như vậy có bảo đảm được môi trường hòa bình, không xung đột trên Biển Đông và trong toàn khu vực? Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 47 của các nước ASEAN, trong đó có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ...v.v., các nước đều tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC. Chúng ta kỳ vọng vào sự điều chỉnh của Trung Quốc. Nhưng theo chúng tôi, Trung Quốc không hề thay đổi mục tiêu, chiến lược của họ. Tôi cho rằng giải quyết vấn đề Biển Đông không phải là trách nhiệm đơn lẻ của quốc gia nào mà đòi hỏi phải có hành động của quốc tế. Điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa xây dựng được các thể chế quốc tế phù hợp giúp xử lý những vấn đề xung đột, bất đồng, khác biệt để hướng tới một thế giới hòa bình.

Trong Liên hợp quốc, quyền của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quá lớn. Chẳng hạn, năm 2003, bất chấp nghị quyết 1441 của Liên hợp quốc phản đối Mỹ tấn công Iraq, Mỹ đã tiến hành tấn công Iraq. Các nước hoàn toàn có thể đệ trình báo cáo về các vấn đề xảy ra, nhưng Liên hợp quốc vẫn không có một cơ chế xử lý cụ thể nào về những vấn đề các bên tranh chấp. Nếu đổi mới các định chế quốc tế thì phải bắt đầu từ Liên hợp quốc. Tại sao không tăng số lượng các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho phép những nước lớn khác, ví dụ như Ấn Độ có thể tham gia, mà cố định chỉ có 5 thành viên. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta phải hành động để có một cơ chế mới công bằng, rộng rãi hơn trong xử lý vấn đề toàn cầu.

Cũng cần nói rằng, quan hệ với Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Mối quan hệ Việt – Trung là mối quan hệ có vị trí cực kỳ quan trọng từ xa xưa trong lịch sử. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, cả thời kỳ chống Pháp cũng như trong thời kỳ chống Mỹ, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất có hiệu quả. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ đó. Sự thủy chung, hữu nghị, đặc biệt với láng giềng chính là tư tưởng nhân văn truyền thống của Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc rất yêu chuộng hòa bình. Trên kênh đối ngoại nhân dân, chúng tôi luôn tăng cường mối quan hệ hữu nghị thông qua nhiều hoạt động để tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước, tổ chức nhiều diễn đàn học giả giữa hai bên để trao đổi, làm rõ những vướng mắc, thiện chí giải quyết các mâu thuẫn. Do đó, luận điểm cho rằng, Việt Nam dựa vào nước này, nước khác để chống Trung Quốc là hoàn toàn không đúng. Chúng tôi chỉ mong muốn hòa bình, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, mong muốn có một môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển. Sự phát triển của Việt Nam cũng đồng thời là sự phát triển của khu vực.

Bởi vậy, Việt Nam khẳng định tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện với Trung Quốc. Đây là lẽ tự nhiên trong hội nhập vào các thị trường, các nền kinh tế có sự tương tác, bổ sung cho nhau. Chúng tôi là thành viên đầy đủ của ASEAN, tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, cùng nỗ lực để thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, trong hợp tác phải lựa chọn các ưu tiên, nhất là về thu hút đầu tư hoặc thiết lập các quan hệ thương mại. Chúng tôi chú trọng đa dạng hóa và mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ các nước, đặc biệt là nước có công nghệ, kỹ thuật cao, và luôn quan tâm đến các tiêu chí tối ưu để lựa chọn các dự án đầu tư.

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống. Hai nước đã có một quá trình hữu nghị dài lâu và ngày càng hiểu biết lẫn nhau sâu sắc dựa trên nền móng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Neru đã xây dựng. Là một trong những quốc gia khởi xướng Phong trào Không liên kết, Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ấn Độ luôn đứng về Việt Nam trong các cuộc kháng chiến. Chúng ta cũng đã có những biểu trưng thiêng liêng cho quan hệ đoàn kết hữu nghị của hai quốc gia như tượng đài Indira Gandhi ở Hà Nội và tượng đài Hồ Chí Minh ở Kolkata.

Ấn Độ đã mở rộng quan hệ đầu tư và hợp tác với Việt Nam, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới đạt 7 tỷ USD. Tôi tin tưởng vào chính sách của chính phủ mới của Ấn Độ hiện nay và quan điểm tiếp cận mới về kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 20 tỷ USD chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, trong thế giới hội nhập phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm dựa trên lợi thế so sánh của từng nước.

Việt Nam đang trông đợi đầu tư từ Ấn Độ vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dược phẩm và các công nghệ hiện đại khác. Tôi rất quan tâm đến việc đào tạo các chuyên gia về công nghệ thông tin. Người Việt Nam rất có khả năng tiếp nhận những công nghệ này. Đồng thời thị trường của Ấn Độ rất tiềm năng cho việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam hiện nay đang giữ vị trí hàng đầu thế giới. Ấn Độ có thể là một thị trường lý tưởng cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng dệt may và nhập khẩu sợi, nhuộm  và các linh kiện phục vụ cho dệt may. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới và Ấn Độ với quy mô trên 1 tỷ dân, sẽ là thị trường lý tưởng cho gạo Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa hai nước có thể tính đến các mặt hàng cao su, hạt điều, hạt tiêu, các sản phẩm về chăn nuôi, điện tử... Du lịch cũng là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn trong quan hệ giữa hai nước. Nhiều người Việt Nam rất muốn đến thăm Ấn Độ và chắc chắn nhiều người Ấn Độ cũng muốn đến Việt Nam. Việc thiết lập đường bay thẳng giữa thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi và Mumbai trong một vài tháng tới sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương giữa hai nước. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để tiếp tục mở ra những cơ hội kinh doanh mới, tạo ra những bước đột phá trong quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam. 

Đứng trước những thách thức mới về an ninh khu vực, Ấn Độ sẽ là một đối tác đặc biệt tham gia vào vấn đề cân bằng chiến lược trong khu vực. Tôi đánh giá rất cao chính sách “Hướng đông” của Ấn Độ. Năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN hoàn tất quá trình thương lượng để đi vào hoạt động, chính sách này sẽ mở ra triển vọng mới trong hợp tác Ấn Độ - ASEAN và Ấn Độ - Việt Nam.

Trong hợp tác quốc phòng, bất chấp thái độ của một vài nước, tàu chiến hiện đại nhất của quân đội Ấn Độ vẫn nhiều lần đến thăm viếng và giao lưu với Việt Nam. Ấn Độ vẫn hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí trong khi một số nước rút khỏi các dự án đã lên kế hoạch. Gần đây các bạn đã cam kết hợp tác xây dựng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Tôi đánh giá cao thiện chí, tầm nhìn xa của những chính sách rất tích cực này.

Chúng ta, giới nghiên cứu, các học giả, những nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đều hiểu rất rõ rằng, chính sách muốn hợp lý, muốn tối ưu đều phải dựa trên các luận cứ khoa học tin cậy. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu triển khai, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn vì sự phát triển của hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

Với một số điểm như vậy, tôi muốn nói để chúng ta thấy rằng, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, nền tảng là vững chắc, tiềm năng là to lớn, sự tin cậy là sâu sắc và triển vọng là tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!

*  Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

** Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục