Cuộc chiến trong đạo luật mới về truyền thông ở Úc, những quy định của Chính phủ áp dụng đối với các công ty công nghệ khổng lồ
10 năm trở lại đây, khi mà Google và Facebook bắt đầu lớn mạnh thì cũng là lúc những hãng thông tấn báo chí đứng trước những thách thức lớn khi số lượng công chúng báo chí ngày càng giảm sút và tiền quảng cáo thì đổ dồn vào các nền tảng mạng xã hội. Theo số liệu thống kê mới nhất, thị phần quảng cáo digital trong năm 2020 của Google, Facebook đã tăng từ 75% năm 2019 lên 78%, thậm chí tăng mạnh so với mức 66% của 2 năm trước đây.
Tại Australia, chỉ trong năm 2019, doanh thu mà Facebook, Google và Amazon kiếm được đã cao hơn nhiều lần so với nguồn thu ngân sách của Chính phủ, riêng Google đã thu từ quảng cáo khoảng 4 tỉ đô la[1]. Theo một nghiên cứu, khoảng 40% số lượt nhấp chuột vào công cụ tìm kiếm của Google là tìm đọc tin tức, đem lại hàng chục tỉ đô lợi nhuận, trong khi họ không phải trả đồng nào cho các đơn vị báo chí, xuất bản[2]. Báo cáo của Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Australia (ACCC) tại Hội nghị điều tra nền tảng kỹ thuật số năm 2019 cho thấy có sự mất cân bằng quyền lực giữa các nền tảng mạng xã hội và các công ty truyền thông, đe dọa khả năng tồn tại của các doanh nghiệp tin tức. Báo cáo chỉ ra rằng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông tại “xứ Chuột túi” đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong vòng 15 năm qua, từ mức khoảng 2,92 tỷ USD, xuống còn 177,75 triệu USD vào năm 2016.
Nhằm bảo vệ ngành truyền thông trong nước và nỗ lực kiểm soát các công ty công nghệ toàn cầu, Australia đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc đưa ra dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông, trong đó nhấn mạnh các công ty công nghệ phải ký thỏa thuận thương mại về việc trả tiền nội dung tin tức cho các tổ chức báo chí nội địa trong một thời hạn nhất định. Tháng 4/2020, Chính phủ Australia yêu cầu ACCC soạn bộ quy tắc thương lượng bắt buộc sau khi ACCC cho biết các hãng tin trong nước khó đạt được thỏa thuận tự nguyện với các công ty công nghệ lớn. Tháng 7/2020, ACCC ra dự thảo luật, trong đó quy định là nếu như các nền tảng công nghệ như Facebook hay Google mà không thỏa thuận được tiền bản quyền với báo chí thì sẽ bị một cơ quan độc lập áp đặt một mức chi trả và khi đó thì họ không có quyền lựa chọn[3]. Tháng 12/2020, dự luật được trình lên Quốc hội Australia.
Sau thời gian phản đối mạnh mẽ, thậm chí đã có những cái động tác lobby chính sách và từng đe dọa ngừng dịch vụ tại quốc gia này, nhưng cuối cùng, Google đã đồng ý trả cho các tập đoàn truyền thông Australia hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm để được sử dụng nội dung tin tức của họ và đây được xem là một bước đột phá lớn trong cuộc chiến bản quyền tin tức. Cụ thể, ngày 15/2, Seven West Media, một tập đoàn truyền thông lớn đã kí biên bản ghi nhớ với Google về việc sử dụng nội dung tin tức của tập đoàn, theo đó, Google sẽ trả cho tập đoàn này khoảng 23 triệu USD mỗi năm[4]. Tiếp đó, ngày 17/2, Nine là tập đoàn lớn thứ 2 của Australia đạt được thỏa thuận với Google với hơn 23 triệu USD/năm trong vòng 5 năm, một phần là tiền quảng cáo, phần còn lại là doanh thu từ việc sử dụng nội dung trên Youtube[5]. Ngày 17/2, Google cũng đã đạt thỏa thuận 3 năm với News Corp là tập đoàn sở hữu 2/3 cơ quan báo chí tại Australia, được trả tiền qua ứng dụng New Showcase. Theo ABC, tổng số tiền của thỏa thuận giữa Google và Murdoch vượt quá 60 triệu USD[6]. Ngoài ra, Google cũng đã ký kết các hợp đồng thương mại với một số hãng tin tức khác của Australia như Crikey, The Saturday Paper và Australian Community Media về việc cung cấp nội dung cho sản phẩm News Showcase. Đây là bước thỏa hiệp của Google với các cơ quan báo chí Australia khi muốn duy trì lợi ích lâu dài và tạo quan hệ cùng có lợi với các cơ quan báo chí, thay vì đối đầu như cuộc chiến kéo dài suốt nhiều năm qua. Đây cũng là bước đi đáng khích lệ và báo hiệu rằng hành động này có thể được mở rộng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trái ngược với động thái của Google, ngày 18/2, Facebook đã quyết định hạn chế chia sẻ nội dung tin tức ở Australia[7]. Chỉ trong một đêm, Facebook xóa toàn bộ nguồn cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông – báo chí của Australia. Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook, trong đó có các trang đưa thông tin về dịch Covid-19, cháy rừng, hay lốc xoáy. Quyết định của Facebook đã ảnh hưởng tới hơn 17 triệu người sử dụng nền tảng này ở Australia, tương đương 2/3 dân số nước này. Đây là phản ứng của Facebook trước việc Quốc hội Australia chuẩn bị thông qua dự luật trên và cho rằng, dự luật này là sự hiểu nhầm căn bản về mối quan hệ giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí. Facebook cũng tái khẳng định, các nhà sản xuất tin tức đang được hưởng nhiều lợi ích hơn so với những gì mà nền tảng này nhận lại. Ví dụ, năm 2020, có 5,1 tỉ lượt truy cập vào các trang web tin tức của Australia thông qua Facebook, nhưng lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức là rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì mà mọi người nhìn thấy trên bảng tin. Facebook còn cho rằng, chuyện giữa báo chí với các nền tảng số là chuyện nội bộ giữa 2 bên và không nên có sự can thiệp của nhà nước hay là bên thứ ba.
Thủ tướng Australia phát biểu rằng, ông quá thất vọng về sự ngạo mạn của Facebook, thậm chí còn kêu gọi lãnh đạo nhiều nước trên thế giới chung tay để có những biện pháp chống lại hành vi của Facebook[8]. Chính phủ nhiều nước như Canada, hay Châu Âu đã ủng hộ cách thức tiếp cận của Australia, truyền thông của Anh và Đức cũng ngay lập tức kêu gọi kiểm soát chặt chẽ Facebook hơn.
Sau một tuần đàm phán, phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô Canberra ngày 23/2, Bộ trưởng Tài chính Frydenberg tuyên bố: “Facebook đã kết bạn trở lại với Australia và tin tức của Australia sẽ được khôi phục trên nền tảng Facebook.” Ngày 26/2/2021, tin tức của các hãng tin đã hiển thị trở lại trên mạng xã hội Facebook kết thúc hơn một tuần đỉnh điểm đối đầu với chính phủ của Australia, người dùng Facebook tại Australia đã có thể đọc và chia sẻ tin tức[9]. Facebook đồng ý trả tiền cho báo chí khi hiển thị nội dung tin tức trên nền tảng của họ, đổi lại, chính phủ Australia đồng ý sửa đổi bộ quy tắc thương lượng truyền thông, theo đó cho phép các công ty công nghệ như Facebook có thể chủ động hơn trong quá trình đàm phán với các cơ quan báo chí về vấn đề bản quyền trước khi đưa vụ việc ra cơ quan trọng tài. Cả hai bên đều tuyên bố mình chiến thắng!
Theo luật mới, các hãng truyền thông có doanh thu tối thiểu là 150 nghìn USD là có thể tham gia đàm phán với các công ty công nghệ như Facebook về thanh toán nội dung tin tức. Tuy nhiên, quy định mới lại cho Facebook được lựa chọn cơ quan báo chí để đàm phán, điều này có thể giúp Facebook trả ít tiền hơn, hoặc cũng có thể từ chối đàm phán với các cơ quan báo chí mà không mang lại nhiều lợi ích cho Facebook, đặc biệt là các cơ quan báo chí nhỏ. 161 tờ báo khu vực trên toàn Australia lo ngại rằng, các ấn phẩm nhỏ bên ngoài các thành phố lớn có thể bị thiệt thòi[10].
Câu chuyện ở Australia không chỉ dừng lại ở vấn đề bản quyền tin tức mà là việc quyền lực của các công ty công nghệ khổng lồ đang ngày càng lớn, đang làm thay đổi thế giới, tuyên chiến với quyền lực nhà nước. Cú đòn của “ông lớn” Facebook nhằm vào quyền lực của ngành luật pháp Australia đã gây shock và bất bình không chỉ ở xứ sở chuột túi! Một nhà báo của Tây Ban Nha viết, hãy xem những gì vừa xảy ra ở Australia: Một tập đoàn công nghệ đưa ra một quyết định thản nhiên, và trong tích tắc đã tác động to lớn lên toàn xã hội. Điều đó nhắc nhở về mức độ ảnh hưởng của chỉ một công ty tư nhân lên cuộc sống của mỗi chúng ta!
Facebook chặn một số trang web cảnh báo tình hình đại dịch là cách họ đe doạ sẵn sàng chơi đến cùng, thể hiện sức mạnh của mình trước một quốc gia lớn như Australia. Cuối cùng, Facebook cũng chấp thuận lùi bước, nhưng chính phủ Australia đã phải sửa đổi dự luật, nên theo nhiều nhà phân tích, kết quả của trận đấu này vẫn là Facebook thắng Australia 1-0. Sự nhượng bộ của Australia là một minh chứng nữa về sức mạnh của các tập đoàn khổng lồ kinh doanh trên mạng, cũng cho thấy thế giới đã thiếu luật trong thời gian quá dài, cho nên trong vòng 20 năm qua các doanh nghiệp xuyên quốc gia này đã lớn mạnh, và trở thành những con quái vật, trước chỉ dám lên tiếng phản đối, nay đã đe doạ bằng hành động. Trước vụ việc xảy ra ở Australia, Facebook và một số mạng xã hội khác đã chặn phát ngôn của ông Donald Trump khi ông là đương kim tổng thống Mỹ. Hay gần đây, Facebook đã khoá tài khoản của chính quyền quân sự Myanmar. Điều đó cho thấy, quyền lực của họ đã vượt qua cả quyền lực chính trị của các quốc gia có chủ quyền.
Mặt tích cực của vụ việc không chỉ là Facebook đã chấp thuận trả tiền mà là sự kiện ở Australia đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp châu Âu và trên toàn thế giới, để họ nhìn rõ hơn vị trí thống lĩnh trên thị trường mạng khi các nền tảng kỹ thuật số đang tạo ra sự mất cân bằng quyền lực. Đó là một vấn đề mà thế giới hiện đại phải thừa nhận, đặt ra yêu cầu đối với chính phủ của các quốc gia là làm thế nào để điều chỉnh và đưa siêu quyền lực này vào vòng kiểm soát. Trên thực tế, Facebook và các ông lớn công nghệ khác đang đối mặt với sức ép từ các chính phủ như Úc, Mỹ, hay châu Âu trong nhiều vấn đề, nhưng đó vẫn là những câu chuyện riêng lẻ. Cần có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu giữa các quốc gia, tạo ra những chế tài chặt chẽ như những bộ quy tắc ứng xử toàn cầu mới có thể kiểm soát siêu quyền lực mà các hãng công nghệ này tạo ra.
Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Australia là vô cùng quan trọng khi họ thực sự quan tâm đến sức mạnh của báo chí, thấy cần phải bảo vệ báo chí để bảo vệ những nguồn tin chính xác, tin cậy và có thẩm định. Chắc chắn với sự vào cuộc của Google News Showcase, Microsoft Bing và có thể sắp tới đây là Facebook News (nếu nền tảng công nghệ này triển khai dịch vụ tương tự Google), thị trường truyền thông thế giới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi mới, trong một tương lai không xa. Và điều quan trọng nhất, đó là thế giới sẽ tiếp tục duy trì một nền báo chí, truyền thông được kiểm chứng và đáng tin cậy, góp phần đẩy lùi vấn nạn tin giả, tin độc hại.
Đối với các cơ quan báo chí, từ lâu họ tự nhận thấy bắt buộc phải có một chiến lược với mạng xã hội và coi nó là một phần không thể tách rời trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, từ vụ việc ở Australia, nhiều cơ quan báo chí cần xem lại chiến lược trên, nếu quá lệ thuộc vào mạng xã hội, coi đó như một kênh quan trọng để thu hút công chúng có thể là bước đi mạo hiểm, rủi ro, thậm chí là sai lầm. Thêm nữa, mọi thứ trên mạng xã hội được quy định bằng thuật toán, nên nội dung đến được với công chúng chưa chắc đã là nội dung chất lượng cao và là nội dung mà cơ quan báo chí mong muốn, ngược lại, trong rất nhiều trường hợp, những nội dung gây sốc, không đáng chuyển đến xã hội thì lại được nhiều người chia sẻ. Bà Isabelle Oderberg, cựu biên tập viên của Tập đoàn truyền thông News Corp (Australia) cho biết: “Facebook tự ý thực hiện các thay đổi về thuật toán đưa tin trên bảng tin News Feed của mình, thí dụ như làm cho một số bài đăng hiển thị ít hơn hoặc nhiều hơn đối với người đọc, hoặc điều chỉnh nguồn cung cấp tin tức. Các thay đổi được thực hiện mà không có thông báo trước, không có thông tin chi tiết và không có lý do… Chúng gây ra nhiều khó khăn và bất cập cho các hãng tin tức, gây ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng truy cập.”[11] Đó là lý do mà các cơ quan báo chí cần phải tính đến sự độc lập nhất định đối với mạng xã hội.
[1] Australian Competition and Consumer Commission (ACCC) (2019a). Digital Platforms Inquiry: Final Report. Canberra, ACT, Australia: ACCC.
[2] Australian Competition and Consumer Commission (ACCC) (2019a). Digital Platforms Inquiry: Final Report. Canberra, ACT, Australia: ACCC.
[3] Australian Competition and Consumer Commission (ACCC) (2019), Mandatory News Media Bargaining Code EXPOSURE DRAFT EXPLANATORY MATERIALS, ACT, Australia: ACCC.
[4] Meade, A., (2021). Seven West Media signs multimillion-dollar deal to join Google's News Showcase. The Guardian. https://www.theguardian.com/media/2021/feb/15/seven-west-media-signs-multimillion-dollar-deal-with-google
[5] Samios, Z. (2021). Google, Nine agree commercial terms for news content. The Sydney Morning Herald. https://www.smh.com.au/business/companies/google-nine-agree-commercial-terms-for-news-content-20210217-p5736c.html
[6] Coster, H. (2021). News Corp signs news partnership deal with Google. Reuters. https://www.reuters.com/article/us-news-corp-alphabet-google-idUSKBN2AH1WN
[7] ABC/Reuters. (2021). Facebook news ban stops Australians from sharing or viewing Australian and international news content. https://www.abc.net.au/news/2021-02-18/facebook-to-restrict-sharing-or-viewing-news-in-australia/13166208
[8] Scott Morrison (ScoMo). (2021, 18 February). Facebook's actions to unfriend Australia today, cutting off essential information services on health and emergency services, were as arrogant as they were disappointing. I am in regular contact with the leaders of other nations on these issues. [Facebook update]. Retrieved from https://www.facebook.com/scottmorrison4cook/posts/3992877800756593
[9] The Federal (2021). Facebook ‘re-friends’ Australia, agrees to pay for content from media houses. https://thefederal.com/international/facebook-to-lift-ban-on-australian-news/
[10] McGuirk, R. (2021). Australia passes law to make Google, Facebook pay for news. AP News. https://apnews.com/article/australia-law-google-facebook-pay-news-959ffb44307da22cdeebdd85290c0cde
[11] Mao, F. et al. (2021). Facebook Australia row: How Facebook became so powerful in news. BBC. https://www.bbc.com/news/world-australia-56109580
Tác giả: Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục