Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ báo cáo chuyên đề cho lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa VI tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Phần 1)
Chiều 29/5/2015, nhận lời mời của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, Bà Preeti Saran, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ đã báo cáo chuyên đề “Quan hệ Ấn – Việt: Thực trạng và triển vọng” cho lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa VI tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi báo cáo chuyên đề có PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cùng các cán bộ lãnh đạo Trung tâm. Sau khi báo cáo chuyên đề, bà Đại sứ đã dành thời gian đối thoại với các đồng chí học viên lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp về nhiều vấn đề thực trạng và triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Bà Đại sứ và các học viên đều thống nhất quan điểm rằng: Quan hệ Việt - Ấn ngày càng phát triển là một tất yếu lịch sử. Điều đó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và Chính phủ hai nước, có lợi cho sự phát triển phồn vinh của hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam
PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI SỨ ẤN ĐỘ
TẠI LỚP BỒI DƯỠNG DỰ NGUỒN CÁN BỘ CAO CẤP KHÓA 6
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 2015
Kính thưa Ngài GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,
Thưa các vị Khách quý tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
Thưa Quý Ông và Quý Bà!
Tôi rất vinh dự có mặt tại đây để trình bày trước các đại biểu là những nhà lãnh đạo cao cấp, những nhà hoạch định chính sách và đại diện của các cơ quan ban ngành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi xin được cám ơn Ngài GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng nghiệp của Ngài đã mời tôi tới đây ngày hôm nay. Sau chuyến thăm thành công tới Ấn Độ vào năm ngoái, chuyến thăm mà GS, TS Tạ Ngọc Tấn đã ký một số các văn kiện hợp tác quan trọng với các Viện nghiên cứu hàng đầu tại Ấn Độ, Ngài đã chỉ đạo thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện. Trung tâm này được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Ấn Độ đồng khai trương vào tháng 9 năm 2014. Tôi cũng có vinh dự được tham dự lễ khai trương Trang Thông tin điện tử của Trung tâm vào ngày 11 tháng 5 năm 2015. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với sự lãnh đạo năng động của vị Giám đốc sáng lập PGS, TS Lê Văn Toan, Trung tâm sẽ trở thành một cơ quan nghiên cứu quan trọng về Ấn Độ và sẽ có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Tôi cũng tin chắc rằng, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sẽ giúp đưa Ấn Độ và Việt Nam gần nhau hơn nữa.
Việt Nam và Ấn Độ có một tình hữu nghị đặc biệt, được đánh dấu bằng những tình cảm tốt đẹp, gần gũi, tin cậy, ngưỡng mộ và sự ủng hộ luôn dành cho nhau. Giao lưu giữa hai nền văn hóa đã diễn ra từ thời kỳ xa xưa với sự du nhập của Đạo Phật từ Ấn Độ. Mối quan hệ gần gũi và thân thuộc bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân và cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong thời kỳ hiện đại, trên cơ sở tình cảm cá nhân, Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt một nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước và được vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo sau này.
Ở Ấn Độ, chúng tôi luôn dành cho Việt Nam sự ngưỡng mộ vì sự bất khuất của người dân Việt Nam, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và sự can trường vượt qua những kẻ thù mạnh nhất. Ngày nay, những phẩm chất này đã trở thành động lực đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. Những thành tựu này đã giúp Việt Nam trở lên phồn vinh hơn và nâng cao được mức sống của nhân dân. Những tiến bộ này minh chứng của sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Lãnh đạo và sự bền chí của nhân dân Việt Nam.
Ấn Độ cũng đã đạt được bước tiến dài kể từ khi giành được độc lập, từ thời điểm mà phần lớn người dân Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ và tăng trưởng chậm trong hàng thập kỷ. Ngày nay, chúng tôi đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới với tăng trưởng đạt 7%-8%. Chúng tôi cũng là một trong những dân tộc trẻ nhất trên thế giới với 50% dân số 1,2 tỷ người ở độ tuổi dưới 25. Họ sẽ là động lực của tăng trưởng, không chỉ cho Ấn Độ và cho các nước với dân số già trên thế giới. Điều làm Ấn Độ khác với các cường quốc khác chính là việc Ấn Độ không đe dọa nước khác trong quá trình phát triển. Phi bạo lực và cùng tồn tại hòa bình là một phần máu thịt của người Ấn Độ. Có lẽ, đó chính là sự thấm nhuần của tư tưởng Phật giáo.
Ngày nay, khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang nổi lên trở thành nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới, triển vọng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực và giao lưu văn hóa là rất lớn.
Chúng ta có đồng quan điểm trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Chúng ta ủng hộ nhau trong các diễn đàn đa phương và khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác cùng nhau để bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại Châu Á. Chúng tôi ủng hộ lập trường duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông và tin tưởng rằng, các bên liên quan phải kiềm chế, tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ theo các quy tắc của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 và Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (DOC). Chúng tôi tin tưởng rằng, hợp tác giữa hai nước sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Là hai nước đang phát triển, có trách nhiệm với tương lai, chúng ta có thể và nên tận dụng các nguồn lực bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển.
Năm ngoái là một năm quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta. Trong vòng 3 tháng kể từ khi Chính phủ mới được thành lập tại Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã sang thăm Việt Nam vào tháng 8, Tổng thống Ấn Độ sang Việt Nam vào tháng 9 và Thủ tướng Việt Nam sang Ấn Độ vào tháng 10/2014. Những chuyến thăm ở cấp cao nhất thực tế là rất hiếm trong quan hệ quốc tế. Nó thể hiện tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước và tầm quan trọng mà hai nước dành cho nhau. Sự đồng thuận giữa các đảng phái tại Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam là cao nhất và Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ.
Chúng ta đã thiết lập được nhiều cơ chế song phương nhằm đánh giá những bước phát triển trong quan hệ song phương. Ủy ban Hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiến hành họp thường xuyên. Cuộc họp trước diễn ra tại New Delhi vào ngày 11 tháng 7 năm 2013 và cuộc họp tới sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay. Vào ngày 25 tháng 5, thứ hai tuần này, hai nước đã tổ chức thành công Tham vấn Đối ngoại lần thứ 7 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 4 ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đối thoại An ninh thường niên lần thứ 9 ở cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã được tổ chức tại New Delhi vào tháng 1 năm 2015. Cuộc họp lần thứ hai của Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp cũng được tổ chức vào tháng 1 năm 2015. Các cơ chế khác bao gồm Ủy ban Hỗn hợp về khoa học công nghệ và Nhóm công tác chung về trao đổi giáo dục.
Hợp tác Quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng nhất của Quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Năm 2014, Tư lệnh Lục Quân Ấn Độ và hai tàu Hải Quân Ấn Độ đã sang thăm Việt Nam. Sau đối thoại An ninh thường niên lần thứ 9, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ đã sang thăm Việt Nam vào tháng 4 năm 2015. Tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm thành công tới Ấn Độ. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Việt Nam đã gặp Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ và ký Văn kiện tầm nhìn về hợp tác trong vòng 5 năm tới. Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng Cảnh sát biển. Chúng tôi dự kiến một tàu Cảnh sát biển và hai tàu Hải Quân Ấn Độ sẽ sang thăm Việt Nam vào năm nay. Trọng tâm của Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước sẽ là việc đào tạo các sỹ quan của lực lượng vũ trang Việt Nam.
Khi Thủ tướng Narendra Modi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai Thủ tướng đã nhất trí hợp tác kinh tế phải trở thành ưu tiên chiến lược. Quan hệ thương mại song phương đạt mức tăng trưởng 16% hàng năm, đạt 9 tỷ đô la Mỹ, vượt mục tiêu thương mại đã được đề ra và hai nước đã điều chỉnh mục tiêu lên 15 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đã đạt mức 1 tỷ đô la Mỹ, phần lớn trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, chế biến nông sản, khai khoáng và các lĩnh vực khác. Nếu Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Ấn Độ hơn nữa, Ấn Độ có thể trở thành một trong mười nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Việc triển khai kịp thời và thành công dự án Nhiệt điện tại Sóc Trăng của Công ty Tata Power với mức đầu tư lên đến 1,8 tỷ đô la Mỹ sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp Ấn Độ khác đầu tư sang Việt Nam. Một lần nữa, điều làm cho các dự án đầu tư Ấn Độ khác với các dự án đầu tư khác là bất kỳ nơi nào họ đầu tư, họ đều tạo công ăn việc làm tại địa phương và đóng góp cho nền kinh tế của nước bản địa.
Vào thời điểm mà Việt Nam đang muốn đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư, Ấn Độ có thể trở thành thị trường quan trọng cho các sản phẩm nông sản, dệt may và du lịch. Ấn Độ cũng có thể trở thành nguồn cung quan trọng đối với nguyên phụ liệu đầu vào cho ngành dệt may đang phát triển mạnh của Việt Nam. Chính phủ hai nước đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác thương mại và đầu tư bao gồm hợp tác trong lĩnh vực du lịch, dệt may, công nghệ thông tin, nông nghiệp và chế biến nông sản, máy móc và dược phẩm.
Ấn Độ là một trong những nước có lượng người đi du lịch và chi tiêu du lịch lớn nhất trên thế giới. Khoảng 15 triệu du khách Ấn Độ đi du lịch trên thế giới và con số này có thể nâng lên 50 triệu vào năm 2020. Họ chi tiêu khoảng 13,3 tỷ đô la trên thị trường du lịch thế giới hiện nay và dự kiến sẽ tăng lên mức 90 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Tiềm năng tăng cường hợp tác du lịch song phương rất lớn. Nhiều người Việt Nam muốn sang Ấn Độ đặc biệt tới Bồ Đề Đạo tràng và các địa danh Phật giáo khác. Việt Nam cũng có nhiều địa danh mà khách du lịch Ấn Độ có thể tới thăm đặc biệt là các Tháp Hindu thuộc nền văn minh Chămpa. Đáng tiếc, không giống Thái Lan và Campuchia, những nước thu hút khoảng 2 triệu du khách Ấn Độ hàng năm, chỉ có 54.000 người Ấn Độ sang Việt Nam. Thiếu thông tin và thiếu đường bay thẳng là nguyên nhân chính cản trở phát triển du lịch và kinh doanh giữa hai nước. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Ấn Độ, Chính phủ hai nước tuyên bố Hãng hàng không Vietjet và Hãng hàng Không Quốc gia Việt Nam sẽ mở đường bay thẳng vào năm nay. Chúng tôi hy vọng rằng những quyết định này của lãnh đạo hai nước cần phải được triển khai càng sớm càng tốt.
Ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quảng bá về Việt Nam, không chỉ đối với khán giả Ấn Độ mà cả khán giả quốc tế bởi sự phổ biến của ngành điện ảnh Ấn Độ. Việc chiếu phim Ấn Độ và quảng bá văn hóa Ấn Độ trên truyền hình Việt Nam và ngược lại, việc quay phim Ấn Độ tại Việt Nam và việc tổ chức sự kiện phim ảnh cần phải được xem xét một cách nghiêm túc như một chiến lược quảng bá. Việc này sẽ giúp đưa hình ảnh Việt Nam ra khán giả quốc tế, những người yêu chuộng phim Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Sáng kiến Pariksha Pe Charcha của Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 11:00 22-07-2024
Công nghệ thông tin và giáo dục ở Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 08:00 31-01-2024