Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dạy học trực tuyến: xu thế tất yếu hay giải pháp tình thế

Dạy học trực tuyến: xu thế tất yếu hay giải pháp tình thế

Dạy học trực tuyến (e-learning) đang trở thành một xu thế mới trong quá trình trao quyền tự chủ cho người học. Trong đại dịch Covid-19, e-learning còn là giải pháp tình thế để ngành giáo dục của nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện chức năng dạy và học. E-learning trong thời kỳ bùng nổ mạng xã hội cần tạo ra không khí học tập vui vẻ, thoải mái, dễ dàng và thuận tiện cho người học, cho dù đó là một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số từ phía người dạy.

03:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dạy học trực tuyến là gì?    

Dạy học trực tuyến (e-learning) là thuật ngữ do nhà giáo dục học người Mỹ Elliott Masie đưa ra tại Hội thảo Công nghệ dạy học (TechLearn) tháng 11/1999. Tại thời điểm đó, thuật ngữ e-learning tương đương với “online learning”, nghĩa là dạy học trực tuyến. Theo Donnelly (2012, tr.11), e-learning gồm các hợp phần như sau:

  • Dạy và học trên máy tính, computer - based training (CBT);

  • Dạy và học có sự hỗ trợ của máy tính, computer - supported learning (CSL);

  • Dạy và học trên Internet, Internet - based training (IBT);

  • Dạy và học trên web, Web - based training/instruction (WBT/I);

  • Học theo hướng dẫn của máy tính, computer - aided (assisted) learning/instruction (CAL/I);

  • Học nâng cao trên nền kỹ tảng kỹ thuật, technology - enhanced learning (TEL).

Nói chung, e-learning là thuật ngữ chỉ việc dạy và học có sự hỗ trợ của công nghệ điện tử, chủ yếu được thực hiện ngoài phạm vi lớp học truyền thống. Nội dung có thể được chuyển tải trên Internet, hoặc băng ghi âm, ghi hình, truyền hình, đĩa CD – ROM, v.v…cho phép người học tự quyết định tiến độ học tập, tự học theo hướng dẫn, và có thể tự học qua các phương tiện truyền thông dưới dạng chữ viết, hình ảnh, hình ảnh động video hoặc âm thanh audio.[2] Ngày nay, quá trình học tập diễn ra trên đám mây, người học được lựa chọn nội dung, thời gian, thời lượng, thiết bị dạy học…So với trước đây, hình thức dạy học trực tuyến trao quyền tự chủ nhiều hơn cho người học. Nhưng cũng dẫn đến tình trạng người học thực hiện đa nhiệm vụ đồng thời với quá trình học trực tuyến, và hiệu quả của quá trình học phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu học tập của người học. 

E-learning trong thực tế            

Năm 2017, Tiến sĩ Adrian Raftery chuyên ngành tài chính kế toán đăng lên mạng xã hội LinkedIn một bức ảnh lớp học không có sinh viên khi giờ học đã bắt đầu được 15 phút Raftery viết: “Tôi không biết thế hệ trẻ ngày nay thế nào, thế hệ chúng tôi phải đến lớp nghe giảng và học bài, nhất là khi đây là buổi đầu tiên của môn học…Môn tôi dạy hôm nay là Khai thác bất động sản - một môn tổng hợp kiến thức luật, tiền hưu bổng, thuế, và lập kế hoạch tài chính, và là một trong những môn khó nhất trong chương trình học. Nếu bạn là tôi bạn sẽ xử lý thế nào?”. Bức ảnh này đã tạo ra làn sóng tranh luận về việc dạy và học trong thời đại công nghệ hiện nay.

Lớp học tại Đại học Deakin, Úc (Nguồn: Adrian Raftery)

2017 cũng là năm nước Úc trao quyền tự quyết cho sinh viên, theo đó sinh viên được lựa chọn đến lớp học trực tiếp, hoặc sẽ xem lại video bài giảng. Sinh viên không bắt buộc phải đến lớp nghe giảng tại các trường đại học Úc, nhưng vẫn bắt buộc phải tham gia các giờ thảo luận và thực hành. Một nghiên cứu của đại học Western Australia, công bố tháng 2/2020, cho thấy, từ sau khi có quy định này, chỉ có 38% sinh viên đến nghe giảng. Trong đó, tuần đầu tiên của môn học có nhiều sinh viên đến lớp nhất (57%), tuần giữa học kỳ khi sinh viên phải nộp tiểu luận, chỉ có 26% sinh viên đến lớp, và buổi học cuối cùng của môn học có khoảng 35% sinh viên đến lớp. Tỷ lệ sinh viên dự giờ thảo luận và thực hành vẫn giữ mức cao (84%).

Cũng theo nghiên cứu nêu trên, sinh viên không đến lớp vì nhiều lý do. Lý do chủ yếu là người học chọn xem lại video bài giảng, để có thể chủ động xem lại, ghi chép và tìm thông tin bổ sung cho ghi chép (18%). Lý do thứ hai là do sinh viên bận đi làm, không thể dự giờ giảng, và chọn xem video sau giờ giảng (16%). Tiếp theo là các lý do như trùng giờ học với môn khác (12%), thời gian lớp học hoặc ngày học không hợp với lịch sinh hoạt của sinh viên (ví dụ lớp học bắt đầu từ sáng sớm 11%), và do sinh viên bận làm tiểu luận (8%).

Ngoài xu hướng trao quyền tự quyết cho người học, từ đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã tạm chấm dứt hình thức học trực tiếp trên lớp, chuyển sang hình thức học tập trực tuyến cả phần thuyết giảng, và phần thảo luận, thực hành. Có thể nói học tập trực tuyến là phương thức học mới phù hợp với xu thế và tình thế, cụ thể là phù với trình độ phát triển và sử dụng công nghệ, xu hướng trao quyền cho người học, và đôi khi là phương thức duy nhất phải lựa chọn trong tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp.

E-learning trong thời đại truyền thông xã hội

Sử dụng mạng xã hội là xu hướng trong dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện nayTheo nghiên cứu của Friesen và Lowe (2010, tr.191), đặc trưng của dạy học trực tuyến là tạo ra sự vui vẻ, thoải mái cho người học. Facebook là một ví dụ cụ thể của việc tạo ra cảm giác vui vẻ và thoải mái cho người sử dụng mạng xã hội này. Thông qua các công cụ kỹ thuật như nút Like và Chia sẻ (mà không có nút DisLike và Bất đồng), Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung khuyến khích người sử dụng bộc lộ mối quan tâm và mở rộng mạng lưới mối quan hệ dựa trên những mối quan tâm chung (Friesen và Lowe, 2010, tr.191). Trong bối cảnh số đông người học sử dụng mạng xã hội, người dạy trực tuyến cần theo hướng tạo ra không khí vui vẻ và thoải mái cho người học. Nhà quản lý giáo dục sẽ cần thiết kế những tiêu chí mới để kiểm soát kỷ luật trong lớp học, đảm bảo người học dù vui vẻ, thoải mái nhưng vẫn giữ thái độ đúng đắn trong việc học.

Dạy học, thực hành và tác nghiệp trực tuyến trên quy mô rộng sẽ là thử thách với người quản lý giáo dục. Tâm lý ngại sử dụng công nghệ sẽ nhanh chóng được khắc phục. Ví dụ: nhà nghiên cứu ngôn ngữ học người Mỹ nổi tiếng, giáo sư Noam Chomsky, sinh năm 1928, vẫn từ chối sử dụng công nghệ, nhưng tới ngày 2/4/2019, khi đã hơn 90 tuổi, giáo sư bắt đầu sử dụng PowerPoint trong dạy học. E-learning là trạng thái bình thường mới, đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhanh chóng thích nghi.

Tác giả: TS. Mạch Lê Thu - Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://congnghevadoisong.vn/day-hoc-truc-tuyen-xu-the-tat-yeu-hay-giai-phap-tinh-the-d36529.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục