Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 1)
Ấn Độ được nhiều người nhìn nhận là một nước châu Á có trách nhiệm trong những cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, từ những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh mềm để củng cố vị thế trên trường quốc tế, gia tăng sức hấp dẫn của mình để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Để thực hiện điều đó, đối ngoại công chúng trở thành công cụ sức mạnh mềm quan trọng cũng như là công cụ chính sách đối ngoại thiết yếu của Ấn Độ.
Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ
PGS, TS Phạm Minh Sơn*
Đối với Chính phủ Ấn Độ, tầm quan trọng của các hoạt động đối ngoại công chúng ngày càng lớn khi nó đã trở thành công cụ sức mạnh mềm thiết yếu, được sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của đất nước trên thế giới và để duy vị thế của mình trong quan hệ quốc tế. Đối ngoại công chúng đã hòa nhập vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ để hình thành nên một chiến lược toàn diện và chặt chẽ, có mặt ở tất cả các khâu trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.
Ấn Độ là đất nước có tiềm năng khá mạnh về sức mạnh mềm, ngay cả khi yếu về sức mạnh cứng[i] và luôn cố gắng thông qua sức mạnh mềm để đạt được những mục tiêu đối ngoại. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Ấn Độ đã thực thi chính sách đối ngoại dựa trên những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và bình đẳng kinh tế trong nền kinh tế thế giới. Ấn Độ luôn quảng bá cho triết lý không liên kết trong quan hệ quốc tế và là một trong những quốc gia đi đầu trong Phong trào Không liên kết. Ấn Độ tích cực tìm cách làm đẹp hình ảnh quốc gia và đạt được thiện cảm từ bạn bè quốc tế thông qua việc quảng bá tính chất dân chủ của bộ máy chính quyền nước nhà, lịch sử hào hùng của dân tộc, di sản văn hóa và những đóng góp của quốc gia trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bạo lực.
Ấn Độ được nhiều người nhìn nhận là một nước châu Á có trách nhiệm trong những cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu[ii]. Đặc biệt, từ những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh mềm để củng cố vị thế trên trường quốc tế, gia tăng sức hấp dẫn của mình để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Để thực hiện điều đó, đối ngoại công chúng trở thành công cụ sức mạnh mềm quan trọng cũng như là công cụ chính sách đối ngoại thiết yếu của Ấn Độ.
Ấn Độ xây dựng và phát triển đối ngoại công chúng theo mô hình của Anh, theo đó đối ngoại công chúng Ấn Độ được chia làm 3 phần lớn: trao đổi văn hóa và giáo dục; liên kết trí thức và nghiên cứu khoa học; truyền thông hướng đến khán giả nước ngoài và được tài trợ bởi Chính phủ. Trong đó, việc trao đổi văn hóa và giáo dục cũng như kết nối tri thức và nghiên cứu khoa học là do Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (Indian Council for Cultural Relations – ICCR) và Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ (Indian Council of World Affairs – ICWA) đảm trách. Còn về truyền thông, Ấn Độ xây dựng hệ thống truyền thông nhà nước phát ở nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động của Ban Đối ngoại của Đài Phát thanh toàn Ấn Độ (The External Services of All India Radio - AIR) phát bằng 27 ngôn ngữ đến hơn 100 nước và ấn phẩm “India Perspective” được xuất bản bằng 17 ngôn ngữ và phát hành trên 150 quốc gia trên thế giới. Tạp chí muốn quảng bá di sản văn hóa phong phú của Ấn Độ, một xã hội đa nguyên phức hợp và một nền kinh tế đầy sức sống.
Từ năm 2000, Ấn Độ mở rộng các kênh đối ngoại công chúng truyền thống và đưa ra nhiều sáng kiến mới được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao và một số cơ quan khác của Chính phủ. Trong số những sáng kiến mới, có 5 điểm phát triển đáng chú ý là[iii]: 1) Nỗ lực tiếp cận người Ấn Độ ở nước ngoài; 2) Cố gắng xây dựng kết nối với doanh nhân nước ngoài; 3) Các chương trình viện trợ phát triển quốc tế; 4) Sử dụng các sự kiện lớn để biểu dương và quảng bá hình ảnh quốc gia; 5) Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mới để tiếp cận công chúng trẻ yêu công nghệ.
Để hiện thực hóa những sáng kiến mới, năm 2004, Ấn Độ thành lập Bộ về các vấn đề của người Ấn ở nước ngoài (Ministry of Overseas Indian Affairs - MOIA). Nhiệm vụ của MOIA là trở thành điểm nút mà người Ấn ở nước ngoài, cộng đồng hải ngoại, thương mại và công nghiệp, người làm luật, các chuyên gia cố vấn, các bên có quyền lợi liên quan trực tiếp đến xã hội và chính quyền, và Chính phủ có thể đến để thu thập thông tin, thành lập quan hệ đối tác, và nhận hỗ trợ về mọi vấn đề liên quan đến người Ấn Độ ở nước ngoài. Cơ cấu hoạt động của Bộ được tổ chức một cách linh hoạt và có tính phản ứng nhanh theo kiểu hợp tác quản lý của bộ máy Chính phủ các nước Tây Âu. Bằng cách này, MOIA dự định không chỉ giúp đỡ người Ấn ở nước ngoài, mà còn giới thiệu hình ảnh một nước Ấn Độ mới đến họ và công chúng nước ngoài: một Ấn Độ trẻ, năng động, mang tính tương tác cao, hiện đại và hiệu quả. Từ năm 2004, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư một số tiền tương đối lớn vào MOIA. Ngân sách của MOIA chủ yếu được sử dụng cho mục đích xuất bản, tổ chức hội thảo, hội nghị, bao gồm Ngày người Ấn ở nước ngoài (Day of Indians Abroad). Hội nghị này là nơi kết nối các chính trị gia từ Chính phủ và chính quyền địa phương với đại diện từ các cộng đồng người Ấn hải ngoại, doanh nhân, lãnh đạo văn hóa, học giả.
Tiếp đó, năm 2006, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thành lập Bộ phận đối ngoại công chúng (Public Diplomacy Division) với mục đích giáo dục và gây ảnh hưởng đến dư luận trong nước và toàn cầu về những vấn đề chính sách chủ yếu và quảng bá hình ảnh tốt hơn của đất nước, xứng đáng với vị trí quốc tế đang lên của mình. Bên cạnh đó, Bộ phận đối ngoại công chúng cũng cố gắng “gây thiện cảm và ảnh hưởng đến các cơ quan tham mưu, các trường đại học, giới truyền thông và các chuyên gia để họ hiểu biết nhiều hơn về quan điểm của Chính phủ với những vấn đề quan trọng”[iv]. Từ tháng 1/2014, Vụ đối ngoại công chúng sáp nhập với Vụ Quảng bá đối ngoại (External Publicity Division) thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ[v].
Các hoạt động hướng tới công chúng nước ngoài của Ấn Độ được chia thành 2 phần: đối ngoại công chúng với các nước trong khu vực và châu Phi mà chủ yếu liên quan đến chương trình viện trợ quốc tế và hỗ trợ công nghệ, và đối ngoại hướng tới công chúng thế giới mà chủ yếu là công chúng phương Tây, doanh nhân và tầng lớp thượng lưu.
Ấn Độ đã có một quỹ viện trợ quốc tế tương đối nhỏ trong suốt nửa thế kỷ mà chủ yếu hướng tới Bhutan, Myanmar và Nepal. Kể từ năm 2000, chương trình này được thay đổi diện mạo và bổ sung bằng một số sáng kiến hỗ trợ công nghệ. Vào năm 2008, Ấn Độ đã dành ra 627 triệu đô la Mỹ vào chương trình viện trợ của mình bao gồm tiền trợ cấp, cho vay, và đóng góp vào các tổ chức quốc tế. Một phần lớn trong khoản tiền đầu tư mới này được đổ vào Afghanistan và châu Phi. Các khoản tiền viện trợ cho các nước này nhằm tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ với các nước đó, trong khi khoản tiền đóng góp vào các tổ chức quốc tế được Chính phủ đầu tư với mục đích xây dựng sức ảnh hưởng của Ấn Độ ở các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Tiền tệ quốc tế.
Mục đích chính của Ấn Độ ở châu Phi là xây dựng nguồn năng lực mềm để có thể chuyển thành lợi thế chính trị và kinh tế về lâu dài, và một phần nữa là để tiếp cận nguồn nguyên liệu thô để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ. Với mục đích này, Ấn Độ không chỉ tặng những khoản tiền lớn, mà còn thành lập các chương trình hỗ trợ công nghệ cao có tầm quốc gia. Chương trình nổi bật nhất là hệ thống liên kết Liên Phi (Pan - African e - Network) - một doanh nghiệp hợp tác với Liên minh châu Phi (African Union) vào năm 2009 nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống viễn thông để hỗ trợ giáo dục từ xa (tele - education) và y tế từ xa (tele - medicine). Hệ thống e - Network trị giá 115 triệu đô la Mỹ này sẽ liên kết các trường đại học và bệnh viện ở châu Phi với các trường và bệnh viện ở Ấn Độ, giúp các sinh viên châu Phi được học và nhận bằng cấp dưới sự giảng dạy của giáo sư người Ấn, cũng như cho phép người dân châu Phi được khám và tư vấn sức khỏe bởi các bác sĩ người Ấn.
Ngoài các nỗ lực hợp tác và đối ngoại với các nước nghèo phía Nam bán cầu, Ấn Độ cũng tích cực nhắm đến các nước phát triển phía Bắc. Ấn Độ đã rất cố gắng tranh thủ và theo đuổi những nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh, thành lập một chuỗi hội đồng kinh doanh và phòng thương mại nhằm xây dựng mối liên lạc với các người lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, và đem lại sức sống mới cho các tổ chức hiện tại. Mặc dù mục đích chính của các hoạt động này là để đẩy mạnh thương mại và đầu tư, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh Ấn Độ ra thế giới và vận động hành lang để dành sức ảnh hưởng về chính trị tại các thủ đô lớn.
Ví dụ cụ thể là Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn (US - India Business Council) đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức như Uỷ ban hành động chính trị Mỹ-Ấn (Us - India Political Action Committee) và Hội đồng hữu nghị Mỹ - Ấn (US - India Friendship Council) để vận động cho Thảo thuận Hợp tác Hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ (US - India Nuclear Agreement) và đạt được sự tán thành từ các nhà làm luật và công chúng Mỹ[vi]. Mặc dù việc sử dụng các tổ chức tương tự để dành ảnh hưởng về chính trị ở những nơi khác là kém rõ ràng hơn, ý định sử dụng các nhóm kinh doanh như trên để đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn đã được ra hiệu.
Ngoài các hoạt động thiên về kinh doanh thương mại, Ấn Độ cũng đã cố gắng gây ảnh hưởng đến dư luận phương Tây một cách khái quát hơn bằng cách sử dụng các triển lãm trưng bày các tác phẩm đã được chọn theo mục đích với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia. Năm 2006, Ấn Độ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý ở Hội nghị Thượng đỉnh Davos bằng chiến dịch “Ấn Độ ở khắp mọi nơi” (India Everywhere). Trong chiến dịch này, khăn choàng pashmina, các bài hát Bollywood, và tài liệu quảng bá nền công nghiệp công nghệ cao của Ấn Độ đã được phát ra cho người tham dự.
Ngay sau chiến dịch thành công này, Ấn Độ tiếp tục tổ chức India@60 vào năm 2007, bao gồm hàng loạt sự kiện ở Ấn Độ, Mỹ và châu Âu, cùng rất nhiều bài báo được đăng tải trên các tờ báo danh tiếng trên thế giới như ấn bản đặc biệt của tạp chí Forbes. Cũng trong năm 2007, Ấn Độ bắt đầu thực hiện chiến dịch quảng bá câu khẩu hiệu “Ấn Độ lạ kỳ” (Incredible India) - một trong những nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia rõ rệt nhất theo đánh giá của các chuyên gia về thương hiệu quốc gia[vii]. (Xem tiếp phần 2)
[i] Rajamohan, C., “Indian Diaspora and Soft Power”, The Hindu, 6 March 2003.
[ii] Chaulia, S., ‘India’s Soft Power: Lessons from Nehru’, Indo-Asian News Service, 12 March 2007.
[iii] Tham khảo thêm: Phạm Minh Sơn, Nguyễn Thị Quế, Mai Hoài Anh (2015), Hoạt động ngoại giao công chúng của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Số 12 (37)/2015
[iv] The Times of India, India Launches Public Diplomacy Office. May 5, 2006
[v] The New Indian Express, Indian Ocean Region Still a Blur on MEA Map, January 19, 2014
[vi] Subrata Ghoshroy, The U.S.- India Nuclear Deal: Triumph of the Business Lobby, The Audit of Conventional Wisdom, MIT Center for International Studies, September 2010, http://web.mit.edu/stgs/ pdfs/Audit_09_14_ Ghoshroy.pdf
[vii] Amitabh Kant, Branding India (2007), An Incredible Story. New Delhi: Harper Collins India, 2007
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục