Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 2)

Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 2)

Ấn Độ được nhiều người nhìn nhận là một nước châu Á có trách nhiệm trong những cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, từ những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh mềm để củng cố vị thế trên trường quốc tế, gia tăng sức hấp dẫn của mình để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Để thực hiện điều đó, đối ngoại công chúng trở thành công cụ sức mạnh mềm quan trọng cũng như là công cụ chính sách đối ngoại thiết yếu của Ấn Độ.

03:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Xem tiếp phần 1)

Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ

PGS, TS Phạm Minh Sơn*

 

Hiện nay, Ấn Độ đang thực hiện chiến dịch “Nhãn hiệu Ấn Độ” (Brand India) do Quỹ công bằng nhãn hiệu Ấn Độ (Indian Brand Equity Foundation),  Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ và Liên minh công nghiệp Ấn Độ tổ chức. “Mục tiêu cơ bản là xây dựng nhận thức kinh tế tích cực về Ấn Độ trên toàn cầu. Quỹ tập trung giới thiệu một cách hiệu quả quả triển vọng thương mại của Ấn Độ và quan hệ đối tác kinh doanh mạnh trên thị trường toàn cầu hóa”[i]. Kết thúc, Quỹ đã phát triển được nhiều chiến dịch quảng bá bao gồm những cuốn sách quảng cáo, phim, quảng cáo in, các kênh trong đó mạnh nền kinh tế phát triển của Ấn Độ và sự khuyến khích đầu tư trong nước cũng như quốc tế nước ngoài[ii].

Trong đối ngoại công chúng, các cơ quan đối ngoại của Ấn Độ cũng hay kết hợp với các trường đại học, các cơ quan tham mưu, các tổ chức nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để tổ chức các hội thảo, hội nghị với các chủ đề về Ấn Độ; tiếp đón các đoàn đại biểu từ các nước, các tổ chức nhằm cung cấp cho họ những thông tin về Ấn Độ; tổ chức các bài giảng và các sự kiện khác ở Ấn Độ với mục tiêu củng cố nhận thức sâu sắc hơn về chính sách đối ngoại của Ấn Độ[iii]. Hoạt động này bao gồm hàng loạt các bài giảng về chính sách đối ngoại của Ấn Độ do Bộ Ngoại giao tổ chức ở các trường đại học ở Ấn Độ và ở nước ngoài như Anh, Indonesia, Hàn Quốc.

Vụ Ngoại giao công chúng Bộ ngoại giao cũng đưa ra sáng kiến “India - future of change” (IFC) nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ với vai trò chất xúc tác của sự thay đổi. IFC là sáng kiến 5 năm cam kết đưa Ấn Độ đến với thế giới, chọn các sinh viên và các nhà chuyên nghiệp trên khắp các vùng để cạnh tranh, cộng tác và củng cố mối quan hệ giữa Ấn Độ và thế giới[iv]. Sáng kiến này thể hiện nỗ lực đổi mới trong việc truyền đạt thực tại cho công chúng toàn cầu.

Vai trò của Ấn Độ trong hoạt động gìn giữ hòa bình cũng làm tăng thêm thiện chí của mình trên thế giới. Ấn Độ tích cực giúp đỡ giải quyết thảm họa và trợ giúp trong vụ sóng thần 2004 ở Nam và Đông Nam Á và động đất ở Pakistan 2005. Điều đó góp phần thực hiện thành công công tác ngoại giao công chúng của Ấn Độ.

Ngoài các kênh ngoại giao trên, thể thao cũng từ lâu trở thành một phương tiện đối ngoại hiệu quả được Ấn Độ sử dụng tích cực trong mối quan hệ với các nước ở tiểu lục địa Ấn Độ như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh. Đặc biệt, “ngoại giao Cricket” đã trở nên cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX với các trận đấu giao hữu được sắp xếp bởi một trong hai nước như là tín hiệu sẵn sàng thương lượng hoặc phương pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Bên cạnh các hoạt động mang tính chính thống và tầm quốc gia, Ấn Độ cũng đã bắt đầu khám phá các khả năng của Internet và kĩ thuật mạng điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Việc Bộ Ngoại giao thành lập tài khoản Twitter và trang Facebook riêng vào năm 2010 chỉ là những bước đi nổi bật nhất của sự phát triển mới này trong chiến lược đối ngoại công chúng của Ấn Độ. Một nỗ lực đáng kể được nhìn thấy trong việc đổi mới và sửa sang lại các trang website chính thức của Chính phủ Ấn Độ trong vài năm gần đây. Trong số các trang website của các bộ, ngành thì trang website của Bộ Ngoại giao là công phu và thân thiện với người dùng nhất vì Chính phủ hiểu rằng, đây là nơi công chúng quốc tế sẽ có sự liên lạc đầu tiên với Chính phủ Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã tung ra một ứng dụng điện thoại thông minh tích hợp các dịch vụ lãnh sự, thông tin về chính sách đối ngoại của Ấn Độ và một tính năng “Dõi theo Thủ tướng của bạn” cho phép người dùng theo dõi các chuyến thăm nước ngoài của Thủ tướng Ấn Độ. Các kênh này được thiết kế để bổ trợ cho nền ngoại giao thông thường của Ấn Độ, giao tiếp trực tiếp với giới tinh hoa chính trị và công chúng trên toàn thế giới.

Có thể thấy, Chính phủ Ấn Độ sử dụng đối ngoại công chúng một cách vững chắc để thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại của mình trên thế giới. Ấn Độ đã cố gắng sử dụng triệt để các điểm mạnh khác nhau của quốc gia để tiếp cận công chúng nước ngoài: từ nền công nghệ cao tiên tiến, lực lượng kiều bào đông đảo ở nước ngoài, nền điện ảnh nổi tiếng, đến nền văn hóa lâu đời.

Một nét chung nổi bật có thể nhận thấy ở các kênh đối ngoại công chúng đa dạng của Ấn Độ là việc hầu hết chúng đều có mục tiêu gây ảnh hưởng đến dư luận thế giới một cách gián tiếp, thay vì trực tiếp. Vì lý do này, thoạt nhìn các hoạt động của MOIA và các tổ chức khác hầu như hướng đến người Ấn ở nước ngoài hoặc nhằm đạt được các mục tiêu mang tính kinh tế cho doanh nhân Ấn Độ, chứ không nhắm đến đối tượng là người dân và Chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng phương thức hoạt động về lâu dài của các tổ chức này, có thể dễ dàng nhận thấy lợi ích dài hạn của kiểu đầu tư này của Chính phủ Ấn Độ. Ví dụ, bằng cách tổ chức các trung tâm hỗ trợ người Ấn ở nước ngoài và tích cực đàm phán với Chính phủ các nước nhằm đảo bảo quyền lợi của người lao động Ấn, Chính phủ Ấn Độ đã thành công trong việc truyền bá hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm với công dân của mình, và có cam kết nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền con người. Những hình ảnh quốc gia trên sẽ giúp Ấn Độ dành được tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn trên các diễn đàn quốc tế về lâu dài.

Thay vì chỉ tổ chức các buổi triễn lãm văn hóa, việc Ấn Độ tập trung chú trọng vào công việc viện trợ quốc tế và trao đổi công nghệ, tri thức đến các nước kém phát triển rất có thể sẽ đem lại hiệu quả cao hơn và lâu bền hơn. Những hoạt động này cũng là những hoạt động với mục tiêu gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác một cách gián tiếp và cần một khoảng thời gian dài hơn để có thể thu được kết quả.

Tuy nhiên, một điểm hạn chế của mô hình đối ngoại công chúng của Ấn Độ là việc hệ thống phương tiện truyền thông nhà nước ở nước ngoài ở nước này chưa được phát triển mạnh. Ấn Độ chưa có kênh truyền hình quốc tế nào được biết rộng rãi trên thế giới và không có trang thông tin điện tử đối ngoại lớn của Chính phủ. Sự hạn chế các kênh truyền thông chính thức và quy mô lớn sẽ hạn chế khả năng tiếp cận đến công chúng quốc tế của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, các tổ chức đối ngoại công chúng chính của Ấn Độ như ICCR, ICWA, MOIA đều hướng đến nhóm đối tượng chính là người Ấn hoặc người gốc Ấn ở nước ngoài. Tuy việc hỗ trợ nhóm cộng đồng này có thể đem lại lợi thế ngoại giao về lâu dài như đã phân tích, nhưng nếu chỉ tập trung hoàn toàn vào nhóm này mà không có sự đầu tư cần thiết để tiếp cận công chúng quốc tế thì sẽ làm cho quá trình đạt được thiện cảm của dân chúng nước ngoài của Ấn Độ bị kéo dài không cần thiết.

Nhìn chung, Ấn Độ đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại công chúng. Nội dung, hình thức, cách thức tiến hành đối ngoại công chúng rất phong phú, đa dạng, hướng đến các nhóm đối tượng trong cũng như ngoài nước nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy mối quan hệ thân thiện với công chúng ở các nước trên thế giới. Trong đó chú trọng hướng đến các bạn trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động văn hoá, giáo dục, nghiên cứu khoa học. Duy trì và phổ biến các giá trị văn hoá, tinh thần và chính sách của mình là cách thức để làm tăng hiểu biết về đất nước con người, là sợi dây kết nối giữa Ấn Độ với công chúng nước ngoài. Đó cũng chính là cách thức Ấn Độ gia tăng sức mạnh mềm của mình để đạt được những mục tiêu đối ngoại của quốc gia./. 


* Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

[i] IBEF (2008), India Brand Equity Foundation. http://www.ibef.org/aboutus.aspx

[ii] IBEF (2008), India Brand Equity Foundation. http://www.ibef.org/aboutus.aspx

[iii] Government of India,  Ministry of External Affairs, Public Diplomacy Division, http://indiandiplomacy.in/ AboutUs.aspx#p3

[iv] INDIA-future of Change, Engaging the World with India,  http://www.indiafutureofchange.com  /initiatives.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục