Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964) (Phần 1)

Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964) (Phần 1)

Là một quốc gia từng là thuộc địa của thực dân Anh trong hơn 2 thế kỷ, Ấn Độ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế - xã hội cũng như sự phức tạp trong tôn giáo, đẳng cấp, sắc tộc, văn hóa. Do vậy, những mầm mống ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như chia rẽ, ly khai, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… cũng bắt đầu xuất hiện khi Ấn Độ giành độc lập. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ổn định tình hình xã hội, trong hơn một thập niên của nền Cộng hòa (1950 - 1964), Chính phủ Ấn Độ luôn đề cao vấn đề ổn định chính trị xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đó.

02:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964)

 

TS. Nguyễn Đức Toàn*

1. DẪN NHẬP

Với một quốc gia từng là thuộc địa của thực dân Anh trong hơn 2 thế kỷ, Ấn Độ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế - xã hội cũng như sự phức tạp trong tôn giáo, đẳng cấp, sắc tộc, văn hóa. Do vậy, những mầm móng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như chia rẽ, ly khai, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… cũng bắt đầu xuất hiện khi Ấn Độ giành độc lập. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ổn định tình hình xã hội, trong hơn một thập niên của nền Cộng hòa (1950 - 1964), Chính phủ Ấn Độ luôn đề cao vấn đề ổn định chính trị xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đó. Nội dung bài viết tập trung làm rõ ba trong số nhiều giải pháp mà Chính phủ Thủ tướng Jawaharlal Nehru tiến hành nhằm tạo sự ổn định vững chắc về chính trị, làm nền tảng phát triển đất nước trên các lĩnh vực khác.

2. NỘI DUNG

2.1. Duy trì, đảm bảo sự ổn định trong hệ thống chính trị qua 3 lần bầu cử quốc hội dân chủ

Bước vào thời kỳ xây dựng nền Cộng hòa, Chính phủ J. Nehru phải đối mặt với nhiều khó khăn và phức tạp trong nền chính trị đa đảng. Một trong số đó là những mâu thuẫn nảy sinh từ chủ trương, đường lối phát triển đất nước, củng cố độc lập dân tộc của các đảng đối lập. Do vậy, tiến hành đấu tranh về tư tưởng ngay chính trong nội bộ đảng, nhất là các đảng đối lập, tạo sự đoàn kết và thống nhất, ổn định chính trị, qua đó khẳng định đường lối nhất quán trong sự nghiệp củng cố nền độc lập và phát triển đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng trước tiên.

Trên cương vị là người đứng đầu, Thủ tướng J. Nehru cùng Đảng Quốc đại tiến hành các cuộc tổng tuyển cử (1951 - 1952, 1957, 1962) nhằm giành lấy sự ủng hộ từ quần chúng, xác lập quyền lãnh đạo đất nước, ổn định hệ thống chính trị, tiếp tục sự nghiệp củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc trước các đảng đối lập. Theo đó, kết quả của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên 1951 - 1952 cho thấy, trong 489 ghế vào Viện Nhân dân thì Đảng Quốc đại giành được 364 ghế, Đảng Cộng sản (CPI) và các đồng minh của họ chiếm 10% số ghế, các đảng cực hữu chỉ được 10 ghế [3, tr.130]. Tình hình tương tự cũng thể hiện qua kết quả bầu cử Hội nghị Lập pháp các bang. Cụ thể: Punjap (16/18 ghế), Bombay (40/45), Assam (11/12 ghế), Bihar (9/11 ghế), Madhya Pradesh (27/29 ghế). Số lượng cử tri bỏ phiếu cho đảng cầm quyền là: 45% vào Viện Nhân dân và 41,96% vào Hội nghị Lập pháp các bang. Ứng cử viên của đảng chiếm 2.247 ghế trong 3.283 ghế và có đa số trong các bang [4, tr.130]. Như vậy, đông đảo cử tri đã đứng về phía Đảng Quốc đại. Nhân dân bỏ phiếu cho đảng của M. Gandhi và J. Nehru vì họ cho rằng, đảng này sẽ thực hiện các cuộc cải cách kinh tế - xã hội được ghi trong cương lĩnh tranh cử. Kết quả trên cho phép Đảng Quốc đại thành lập Chính phủ một đảng ở trung ương và ở các bang, làm cơ sở vững chắc cho những lần bầu cử tiếp theo.

Dù giành được những thắng lợi nhất định trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, nhưng để thu hút sự quan tâm của quần chúng, tiếp tục trở thành đảng cầm quyền và lãnh đạo sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc, ổn định về chính trị, Đảng Quốc đại buộc phải có những chính sách mới để tranh cử trước những toan tính của các đảng đối lập.

Trong Tuyên ngôn trước bầu cử, Đảng khôn khéo khi nêu lên những thắng lợi của mình khi lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thủ tiêu chế độ ruộng đất Daminda và Raiyatvari, cũng như bất luận như thế nào cũng phải xây dựng hệ thống thủy lợi ở Bhakra - Nangal, Damodar, Tungabhadra… Bên cạnh đó, Đảng cũng thành lập một Ủy ban đặc biệt về bầu cử, đứng đầu là L.B. Shastri. Khắp nơi phổ biến những cuốn sách nhỏ có tranh minh họa với những tên gọi như: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”, “Vấn đề việc làm”. “Các bạn nông dân - Hãy bỏ phiếu cho Đảng Quốc đại”… Các Ủy ban cũng tiến hành dịch những cuốn sách này ra tiếng địa phương và phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Đặc biệt ra tờ Tạp chí hàng tuần bằng tiếng Anh, trong đó có nhiều bài viết nói về các hoạt động đảng tham gia. Tất cả tạo nên một cuộc vận động chính trị sôi nổi trên tiểu lục địa Ấn Độ.

Tầm quan trọng của cuộc tổng tuyển cử năm 1957 được đánh giá là lớn hơn lần thứ nhất và là bước thử nghiệm cho nền dân chủ trên thế giới khi số cử tri tăng lên hơn 20 triệu và số phiếu thu được tăng từ 103,3 triệu lên 112,3 triệu [6]. Truớc sự chuẩn bị nghiêm túc đó, thành công trong cuộc tổng tuyển cử của Đảng được minh chứng rõ ràng. Kết quả cuộc bầu cử năm 1957 cho thấy, Đảng Quốc đại vẫn là một đảng được lòng dân nhất ở Ấn Độ. Trong 494 ghế vào Viện Nhân dân, Đảng Quốc đại chiếm 371 ghế (chiếm 47,78%). Trong 3.840 đại biểu do 26 đảng giới thiệu vào Hội nghị Lập pháp các bang thì có 1.889 là đại biểu của Đảng Quốc đại, chiếm 65,1% [4, tr.139].

Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba, Đảng Quốc đại tiếp tục chiếm 353/520 ghế. Điều này cho phép Thủ tướng J. Nehru cùng Đảng Quốc đại thành lập Chính phủ một đảng ở trung ương và tại các bang cũng như thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để ổn định chính trị, thúc đẩy dân chủ, củng cố độc lập. Cụ thể: ủng hộ những kế hoạch 5 năm phát triển đất nước tại hội nghị hàng năm của Đảng; tháng 1/1955, Đảng Quốc đại thông qua Cương lĩnh xây dựng một xã hội kiểu xã hội chủ nghĩa; ngày 31/8/1956, đạo luật về phân chia lại lãnh thổ hành chính được Quốc hội thông qua với 14 bang mới và khu vực trực thuộc Chính phủ trung ương được thành lập, phá bỏ tàn tích của chế độ thực dân, thủ tiêu triệt để sự tồn tại các tiểu quốc; ban hành Luật Ngôn ngữ chính thức (1963), hội nhập các bộ lạc trong nền văn hóa dân tộc…

Cho dù, thắng lợi của những người cộng sản ở bang Kerala, Tây Bengal và Andhra Pradesh và việc thành lập ở đó một Chính phủ (do lãnh tụ E.M. Namboodiripad đứng đầu tồn tại từ năm 1957 đến 1959) là điều bất ngờ, là sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cộng sản nước này, làm rung chuyển đối với Đảng Quốc đại, nhưng trước những chính sách và biện pháp linh hoạt, cũng như kết quả của các cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, đại đa số quần chúng vẫn ủng hộ, đứng về phía Chính phủ J. Nehru. Điều này góp phần hạn chế ảnh hưởng của các lực lượng đối lập, tăng cường củng cố nền độc lập dân tộc.

Nhìn chung, qua 3 cuộc tổng tuyển cử đầu tiên dưới chính thể Cộng hòa, thắng lợi của Đảng Quốc đại làm cơ sở để Chính phủ Thủ tướng J. Nehru tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo trong sự nghiệp củng cố độc lập, xây dựng đất nước, ổn định chính trị, thúc đẩy dân chủ cũng như hạn chế ảnh hưởng các lực lượng đối lập trong hệ thống chính trị đa đảng, tăng cường củng cố nền độc lập dân tộc.

2.2. Thực hiện cải cách lãnh thổ, hành chính

Sau ngày độc lập, ở Ấn Độ tồn tại rất nhiều công quốc (601), bên cạnh các bang trực tiếp do trung ương quản lý. Trong những năm 1947 - 1949, có 555 trong số 601 công quốc lần lượt được sáp nhập vào Ấn Độ, số còn lại nhập vào Pakistan. Đây được coi là công cuộc cải cách hành chính đầu tiên, giáng một đòn chí mạng vào các thế lực phong kiến, củng cố chính quyền nhà nước và nền độc lập.

Trải qua quá trình đấu tranh từ tự trị đến Cộng hòa, sự ra đời của bản Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 26/1/1950 đưa Ấn Độ trở thành nước Cộng hòa có chủ quyền, đồng thời khẳng định đây là một “Nhà nước liên bang”. Căn cứ Hiến pháp năm 1950, nguyên tắc phân chia đơn vị hành chính ở Ấn Độ rất phức tạp. Ấn Độ tổ chức chia hành chính lãnh thổ tất cả thành 28 bang theo 3 nhóm đặc trưng lớn A, B, C. Theo đó:

- Các bang thuộc nhóm A gồm: Tây Bengal, Orissa, Madras, Bombay, Madhya Pradesh, Punjab, Assam, Bihar, Uttar Pradesh. Những bang này đều có nghị viện riêng và thuộc quyền điều khiển của các thủ hiến do nghị viện bầu ra.

- Các bang thuộc nhóm B gồm: Hydarabad, Travacore - cochin, Mysore, Vindhya, Saurastra, Rajasthan, Patiana và Đông Punjab, Jamu và Kashmir, Madhya Bharat. Những bang này có nghị viện riêng của mình, nhưng không có thủ hiến, và do các công tước cha truyền con nối cai trị.

- Những bang thuộc nhóm C gồm: Ajmer, Bhopal, Bilaspur, Cooch Behar, Coorg, Delhi, Himachal Pradesh, Cutch, Manipur, Tripura (những bang nhỏ và các công quốc). Họ không có nghị viện riêng của mình và do trung ương trực tiếp điều khiển.

Các đơn vị hành chính mới này phản ánh một thực tế là những vương quốc nhỏ không còn tồn tại. Tuy nhiên hệ thống các bang mới này vẫn không phản ánh được tính chất ngôn ngữ, tộc người vốn rất phức tạp, hình thành từ lâu đời ở Ấn Độ. Cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề dân tộc từ sự phức tạp trong các phân chia này phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở Telengana và Andhra.

Do áp lực quần chúng, sau cuộc bầu cử năm 1951 - 1952, chú ý đến tâm trạng của nhân dân các khu vực miền Bắc bang Madras, Chính phủ Ấn Độ có nhiều nhượng bộ bằng cách đã hợp nhất những khu vực này lại thành một đơn vị riêng biệt và lập ra bang Andhra. Việc thành lập bang Andhra vào ngày 19/12/1952 là một bước tiến nhất định trên con đường giải quyết vấn đề dân tộc ở vùng có cư dân Telugu sinh sống. Đến tháng 12/1953, vì phong trào đòi thành lập các bang theo nguyên tắc ngôn ngữ được tăng cường trong nhiều khu dân tộc, Chính phủ đã thành lập một Ủy ban Nghiên cứu về vấn đề này, gọi là Ủy ban Cải cách Hành chính Nhà nước (States Reorganisation Commission (SRC) do thẩm phán Fazal Ali đứng đầu. Đến năm 1955, sau gần hai năm nghiên cứu, Ủy ban này công bố bản báo cáo. Theo đó: 1. Việc tổ chức chia hành chính lãnh thổ theo 3 nhóm đặc trưng A, B, C sẽ được bãi bỏ. 2. Tước vị Rajapramukh (thủ hiến) và thỏa thuận đặc biệt trước đây với các tiểu vương sẽ được bãi bỏ. 3. Sự kiểm soát chung được trao cho Chính phủ Ấn Độ theo điều 371 của Hiến pháp sẽ được bãi bỏ. 4. Có 3 tiểu bang sau sẽ là vùng lãnh thổ hợp nhất: Andaman Nicobar, Delhi và Manipu. Các vùng khác của nhóm C có thể sáp nhập với các bang lân cận [10, tr.312-313].

Bản báo cáo này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Ấn Độ vào ngày 14/12/1955. Đến ngày 31/8/1956, dự luật dựa trên báo cáo của Ủy ban SRC được thông qua bởi Quốc hội và tiến hành những sửa đổi cần thiết trong tháng 9 để ghi vào Hiến pháp. Ngày 1/10/1956, đạo luật mới liên quan đến các đơn vị hành chính lãnh thổ của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc cải tổ các bang. Kết quả là để thay thế cho tình trạng có nhiều bang với dân cư thuộc các dân tộc khác nhau, Chính phủ đã thành lập 14 bang mới trên cơ sở các công quốc cũ. Những bang đó là: Madras, Kerala, Mysore, Assam, Andhra Pradesh, Orissa, Madhya Pradesh, Bombay, Tây Bengal, Bihar, Uttar Pradesh, Punjab, Rajasthan, Jammu và Kashmir [2, tr.577] cùng 6 vùng lãnh thổ hành chính trực thuộc trung ương: Himachal Pradesh; quần đảo Andaman và Nicobar; Delhi; vùng đảo Laccadive, Minicoy và Amindivi; Manipur; Tripura.

Tuy nhiên, cải cách lãnh thổ hành chính năm 1956 đã không giải quyết được vấn đề dân tộc ở Ấn Độ. Tình hình đặc biệt phức tạp ở các bang có nhiều ngôn ngữ như: Bombay, Assam, Punjab. Từ đây bùng lên cuộc đấu tranh nhằm thành lập các bang trên cơ sở ngôn ngữ. Kết quả là, dưới áp lực đấu tranh của các tộc người ở nhiều địa phương do một số đảng tại các nơi đó lãnh đạo, Chính phủ đã phải nhượng bộ. Lấy bang Punjab làm ví dụ: bang này có cư dân nói hai thứ tiếng Punjabi và Hindi. Sau cuộc đấu tranh lâu dài 8 năm, đến năm 1964, Chính phủ trung ương mới tách bang Haryana nói tiếng Hindi ra khỏi bang Punjab. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của phong trào đòi quyền tự trị ở bang Assam tại Đông Bắc Ấn Độ, đầu năm 1963, Chính phủ J. Nehru đã thành lập bang mới Nagaland.

Việc cải cách lãnh thổ hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhà nước sau độc lập. Về cơ bản hình thức công quốc phong kiến lỗi thời do thực dân Anh duy trì trên đất nước Ấn Độ đã bị xóa sạch, đồng thời cũng thủ tiêu triệt để sự tồn tại của các tiểu quốc, tạo điều kiện ổn định cho sự quản lý tập trung hơn từ chính quyền nhà nước. Điều này cũng được coi là một bước quan trọng tiến tới hội nhập quốc gia.

(Xem tiếp phần 2)

*Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục