Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964) (Phần 2)

Là một quốc gia từng là thuộc địa của thực dân Anh trong hơn 2 thế kỷ, Ấn Độ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế - xã hội cũng như sự phức tạp trong tôn giáo, đẳng cấp, sắc tộc, văn hóa. Do vậy, những mầm mống ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như chia rẽ, ly khai, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… cũng bắt đầu xuất hiện khi Ấn Độ giành độc lập. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ổn định tình hình xã hội, trong hơn một thập niên của nền Cộng hòa (1950 - 1964), Chính phủ Ấn Độ luôn đề cao vấn đề ổn định chính trị xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đó.
Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964)
TS. Nguyễn Đức Toàn*
2.3. Kiên quyết, nhất quán bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ
Sau khi giành quyền tự trị (15/8/1947), Ấn Độ vẫn còn những vùng đất đang nằm trong quyền kiểm soát của Pháp và Bồ Đào Nha. Vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Bồ Đào Nha rộng khoảng 2.500 dặm vuông với dân số khoảng 624.000 người bao gồm Goa, Nam Bombay, Daman, Bắc đảo Diu, Kathiawa. Vùng đất nằm trong tay Pháp nhỏ hơn với diện tích 203 dặm vuông, dân số khoảng 362.000 người, bao gồm các vùng Chandernagore (gần Calcutta), Pondichery, Janaon và Karikal [8, tr.142]. Trong đó, Goa thuộc Bồ Đào Nha và Pondicherry thuộc Pháp là những vùng giàu có bậc nhất ở Ấn Độ.
Đối với các vùng đất thuộc Pháp, cách thức giải quyết của Chính phủ J. Nehru là đàm phán hòa bình và thương lượng đánh dấu bằng sự kiện tuyên bố Ấn - Pháp về việc trao chủ quyền Chandernagore cho Ấn Độ ngày 10/7/1949, mở đầu quá trình trao trả các vùng đất còn lại sau này và kết thúc vào ngày 16/8/1962, khi hai nước tiến hành trao đổi các văn kiện được phê chuẩn. Đồng thời, Pháp trao lại đầy đủ chủ quyền cho Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với vấn đề Goa và các vùng đất khác thuộc Bồ Đào Nha, Chính phủ J. Nehru nhiều lần đàm phán như cách đã từng thực hiện với Pháp nhưng đều bị từ chối bởi sự lập luận rằng: “Lãnh thổ Goa ở Ấn Độ không phải là một xứ thuộc địa mà là một phần của đất nước Bồ Đào Nha, và vì thế nó không thể được thương lượng, và rằng, Ấn Độ không có quyền kiểm soát. Việc bảo vệ chủ quyền Goa ở Ấn Độ cũng như những vùng khác tại châu Phi thực sự là cần thiết vì điều đó được Hiến pháp xác nhận” [7]. Tuyên bố này càng khiến Ấn Độ thêm quyết tâm thu hồi Goa. Thủ tướng J. Nehru khẳng định: “…Goa là một phần lãnh thổ của Ấn Độ độc lập và nhất định phải được thu hồi lại. Việc sáp nhập Goa vào Ấn Độ sẽ là chương cuối cùng của thời phục hưng ở Ấn Độ và một phần của sự logic trong tiến trình lịch sử” [5, tr.190].
Trên thực tế, Chính phủ J. Nehru đã linh hoạt kết hợp hài hòa sức mạnh nội tại với những nhân tố thuận lợi bên ngoài để nhanh chóng kết thúc sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân trên lãnh thổ Ấn Độ, đặc biệt là sử dụng vai trò của mình trong Phong trào không liên kết và Liên hợp quốc, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước Á, Phi. Biểu hiện rõ nét nhất là trong Hội nghị đoàn kết các nước Á - Phi ở Loke (họp từ ngày 26/12/1957 đến 1/1/1958) với sự tham gia của đại biểu 45 nước. Hội nghị kiên quyết và nhất trí lên án chủ nghĩa đế quốc với tất cả mọi biểu hiện của nó, đòi trao trả độc lập hoàn toàn cho tất cả các thuộc địa, các xứ bảo hộ và các xứ ủy trị. Nghị quyết về chủ nghĩa đế quốc của hội nghị ủng hộ những yêu sách dân tộc về việc trao trả vùng Goa của Ấn Độ, miền tây Irian của Indonesia, và đảo Okinawa của Nhật Bản, hiện đang nằm trong tay bọn thực dân cho các nước nói trên.
Thêm vào đó, ngày 14/12/1960, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1514 (XV) về việc trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện từng bước đặt hệ thống các thuộc địa và vùng lãnh thổ theo hướng tự quyết như quy định tại điều 73 của Hiến chương([1]). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thuộc địa còn lại của chủ nghĩa thực dân nói chung và của Bồ Đào Nha nói riêng tiếp tục đấu tranh để độc lập. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ nhất ở Belgrade (từ ngày 1 đến 6/9/1961) về vấn đề phi thực dân hóa, Thủ tướng J. Nehru khẳng định: “Cuộc khủng hoảng ở Angola chống lại thực dân Bồ Đào Nha càng phát triển thì càng ảnh hưởng tới chính sách của Ấn Độ đối với Goa… Goa và Angola trở thành một vấn đề duy nhất - đó là chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha” [5, tr.196].
Mặt khác, trước sự quyết liệt của Bồ Đào Nha về vấn đề Goa khi nước này tiếp tục tìm đến sự giúp đỡ của các nước phương Tây (với tư cách là một thành viên sáng lập NATO) cũng như các quốc gia đang tranh chấp với Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc để gây áp lực, Chính phủ J. Nehru lại nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô với tuyên bố cứng rắn của N. Khrushchev trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/1955, rằng: “…Goa là một phần lãnh thổ của Ấn Độ, điều đó ai cũng biết. Mọi người đều biết rằng nhân dân Goa gắn liền với tổ quốc của mình như máu với thịt, không thể nào sống tách rời khỏi nước Ấn Độ… Bọn thực dân sẽ phải bước ra khỏi nhưng đất đai không phải của chúng” [9, tr.96]. Thái độ cương quyết này của Liên Xô có thể coi như một cái phao cứu mệnh trong những điều kiện ngặt nghèo của Chính phủ J. Nehru thời gian này.
Có thể nói, những điều kiện thuận lợi trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cũng như tính hợp pháp cho Chính phủ J. Nehru hoàn tất quá trình giải phóng Goa bằng vũ lực mà không phải bận tâm về dư luận quốc tế. Theo đó, ngày 18/12/1961, Goa, Daman và Diu đã được giải phóng. Sự kiện này chấm dứt hoàn toàn 451 năm thống trị vùng đất này của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha nói riêng và phương Tây trên lãnh thổ Ấn Độ nói chung. Bước đầu, cuộc đấu tranh toàn vẹn lãnh thổ của Chính phủ J. Nehru đã giành thắng lợi, thậm chí phải hy sinh con đường hòa bình cho mục tiêu và lý tưởng chống chủ nghĩa thực dân. Điều đó góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc trong bối cảnh sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ đang gặt hái những thành tựu to lớn.
3. KẾT LUẬN
Như vậy, một trong những yêu cầu thiết thực nhất của Cộng hòa Ấn Độ ngay sau khi giành độc lập là tạo lập một nền chính trị ổn định, làm cơ sở cho sự phát triển trên các lĩnh vực khác. Về cơ bản, trong hơn một thập niên của nền Cộng hòa, Ấn Độ tỏ ra là một thể chế ổn định về chính trị hiếm thấy ở các nước đang phát triển. Chính phủ ổn định trong lúc các cuộc bầu cử tự do được tổ chức đều đặn, cải cách lãnh thổ hành chính tạo sự quản lý tập trung từ nhà nước, duy trì thế cân bằng và tính độc lập giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôn trọng các quyền cơ bản được Hiến pháp 1950 ghi nhận. Quan trọng hơn, quá trình đấu tranh thu hồi các vùng lãnh thổ thuộc Pháp và Bồ Đào Nha là dấu mốc khẳng định rằng: nếu không giữ vững chủ quyền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự ổn định và tạo môi trường dân chủ trong đời sống xã hội thì không thể nói đến sự phát triển đất nước. Có thể nói, trên cơ sở nền tảng ổn định chính trị ban đầu này, những chính phủ kế nhiệm tiếp tục đưa quốc gia tiến kịp trên con đường hiện đại hóa, xác lập vững chắc vị thế, vai trò quan trọng của Cộng hòa Ấn Độ trong khu vực và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] K. Antonova, G. Bougard - Levin, G. Kotovsky (1978), A history of India, Book 2, Progress publishers, Moscow.
[2] Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1963), Lịch sử hiện đại, tập II từ 1939 đến 1959, (Bản dịch tiếng Việt), Nxb Sự thật, Hà Nội.
[3] B. Chandra (2000), India after independence (1947 - 2000), Penguin Book, New Delhi, tr.130]
[4] T. F. Devakina (1970), Đảng Quốc đại Ấn Độ 1947 - 1964, (tiếng Nga) Moskva
[5] S. Gopal (1984), Jawaharlal Nehru: A biograph, vol 3: 1956 - 1964, Oxford University Press, New Delhi; tr.196].
[7] http://www.bharat-rakshak/LAND-FORCES/History/1961Goa.html].
[8] A. Mellor (1951), India since partition, Turnstile Press, London.
[9] Những bài diễn văn của các lãnh tụ Liên Xô trong chuyến thăm lịch sử Ấn Độ, (1956), Nxb Sự thật, Hà Nội.
[10] Showick Thorpe Edgar Thorpe (2009), The Pearson General Studies Manual (1 ed.), Pearson Education India, tr.312-313].
[11] Nguyễn Đức Toàn (2014), Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ trong giai đoạn 1950 - 1964, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Chuyên ngành Lịch sử PTCS, CNQT và GPDT, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
[12] V. Viswanathan, K. S. Rajiva (1982), The political, economic, and labor climate in India, University of Pennsylvania, Philadelphia, USA.
([1]) Điều 73 của Hiến chương Liên hợp quốc: Các thành viên của Liên hơp quốc có trách nhiệm hoặc được cho là có trách nhiệm cai trị những lãnh thổ mà dân tộc tại đó chưa giành được chủ quyền đầy đủ phải công nhận nguyên tắc đặt lợi ích của người dân tại lãnh thổ đó lên cao nhất, và trong khuôn khổ hệ thống hòa bình và an ninh quốc tế do Hiến chương này thiết lập, thừa nhận với niềm tin thiêng liêng bổn phận thúc đẩy phúc lợi của người dân của các vùng đó lên mức cao nhất…
*Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục




