Hành hương về đất Phật (Phần 1)
Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Ấn Độ là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Văn hoá, triết học, nghệ thuật của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học của Ấn Độ đã lan khắp thế giới.
HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT
GS, TS Nguyễn Hùng Hậu*
Tôi đã sang Ấn Độ hai lần, đặc biệt lần thứ hai đi nghiên cứu đạo Phật. Hành hương đến xứ Phật, thật không gì sung sướng bằng. Ấn Độ quả thật là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Ấn Độ là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Văn hoá, triết học, nghệ thuật của Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học của Ấn Độ đã lan khắp thế giới. Nền văn hoá và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Ấn Độ, theo C. Mác, còn là chiếc nôi của các ngôn ngữ và tôn giáo nhân loại. Phân tích Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, C. Mác cho rằng, lịch sử phương Đông có dạng hay mang hình thức lịch sử của những tôn giáo. Trong Lịch sử văn minh Ấn Độ, Will Durant viết: “Không có một xứ nào mà tôn giáo có thế lực và đóng vai trò quan trọng bằng Ấn Độ; người Ấn Độ sở dĩ dễ chấp nhận sự thống trị của ngoại nhân một phần vì họ không cần biết những kẻ thống trị họ thuộc giống người nào; họ cho tôn giáo mới là cốt yếu, chứ không phải chính trị; linh hồn mới là chính, chứ không phải thể xác; các kiếp sau mới là vô tận, chứ kiếp này chỉ là phù du”[1].
Ngay từ khoảng năm 3000 - 2000 trước Công Nguyên, Ấn Độ đã có một nền văn minh Indus mà xét ở một vài phương diện, nó vượt xa nền văn minh Ba Tư và Ai Cập đương thời. Năm 321 trước Công Nguyên, Chandragupta lần đầu tiên thống nhất toàn bộ Ấn Độ và lập nên nhà nước Maurya hùng mạnh. Người cháu của vị vua này là Ashoka (272-232 trước Công Nguyên) đã đưa Ấn Độ đến giai đoạn cực thịnh, biến nó thành một trung tâm quốc tế quan trọng. Năm 120, vua xứ Kushan lên trị vì. Dưới thời ông, nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp - Phật giáo ra đời; Ashvaghosha (Mã Minh) và Nagarjuna (Long Thọ) đặt cơ sở cho Đại thừa Phật giáo (Mahayana). Từ năm 320 - 530 là triều đại của Gupta - triều đại hoàng kim của văn học, nghệ thuật, tư tưởng Ấn Độ. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của sáu hệ thống triết học Balamon, Phật giáo và các trường phái tư tưởng khác. Sử sách mô tả, vào thời kỳ này, con người sống yên ổn, muốn ở đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi, không hề có trộm cắp, ngăn cản ức hiếp, tầng lớp Balamon được phục hồi trở lại; hai tập sử thi nổi tiếng thế giới Mahabaharata và Ramayana được chép thành sách và tồn tại cho đến ngày nay; Ashanga (Vô Trước) và Vashanbandhu (Thế Thân) đã làm cho Phật giáo phát triển đến đỉnh cao.
Kỷ nguyên rực rỡ của Văn hóa Ấn Độ bị gián đoạn gần 100 năm bởi cuộc xâm lăng của Hung Nô. Sau đó một hậu duệ của dòng Gupta - vua Harsha Vardhana - giành được độc lập, và văn học, nghệ thuật lại bắt đầu nở rộ vào đầu thế kỷ thứ VII. Dưới thời ông, Đường Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh. Sau khi ông băng hà, Ấn Độ trải qua gần một nghìn năm hỗn loạn, trong đó đẫm máu nhất là các cuộc xâm lăng của người Hồi, và phải đợi đến khi Đại vương Akbar xuất hiện (1560 - 1605), cảnh thái bình thống nhất mới được phục hồi. Nhưng cảnh đó cũng không được lâu, năm 1690, người Anh đã kéo đến Calcutta để rồi năm 1858, Ấn Độ bị mất hoàn toàn. Chín mươi năm sau, tức năm 1948, Ấn Độ mới giành được độc lập.
Qua hàng ngàn năm, nền văn hóa Ấn Độ không thể tồn tại, nếu không có một cái gì đó rất cơ bản, bền vững. Vậy, cái đó là gì? Jawaharlal Nehru từng đặt câu hỏi: “Ngoài phương diện vật chất và địa lý, Ấn Độ đại diện cho cái gì trong quá khứ?”. Sau khi tìm hiểu Ấn Độ, ông cho rằng, Ấn Độ giống như một bản viết trên da cừu; ở đó các lớp ý nghĩ và suy tư được viết chồng chất lên nhau, nhưng lớp viết sau không làm mất hẳn hoặc che khuất hẳn lớp viết trước. Tất cả những cái đó làm nên tính cách phức tạp và huyền bí của Ấn Độ. Theo Will Durant, sức mạnh và nhược điểm của người Ấn Độ là ở chỗ, người Ấn Độ coi trọng tôn giáo hơn khoa học, vì tôn giáo cho họ thấy cái vô minh của loài người không bao giờ hết mà quyền năng của loài người chỉ là hư ảo. Vì có tâm hồn và suy nghĩ đó mà họ mộ đạo, hiền từ, có thói quen phản tỉnh, và cũng chính vì vậy mà họ lạc hậu, thâm thúy, không hiếu chiến và rất nghệ sĩ. Ông viết: “Có lẽ, bị phương Tây cướp bóc một cách vô liêm sỉ, Ấn Độ để đáp lại sẽ dạy cho chúng ta (người phương Tây) bài học khoan hồng cao thượng, dấu hiệu của một tâm hồn già dặn, dạy cho chúng ta một tâm hồn thanh thản, thỏa mãn, dễ tiếp thu những ý mới, có một trí óc bình tĩnh, hiểu được hết thảy, tha thứ cho hết thảy, sau cùng, có một tấm lòng nhân từ yêu thương mọi sinh vật, chỉ có tấm lòng đó mới đoàn kết mọi người với nhau được thôi” (tr. 439). Ấn Độ có một nền văn hóa lâu đời dựa trên một nhân sinh quan chung đã tạo nên một tinh thần riêng biệt của nó và để lại dấu ấn ở tất cả các thời kỳ lịch sử, dù chúng có khác biệt với nhau như thế nào đi chăng nữa. Điều này thể hiện rõ nhất trong đạo Hindu mà theo Jawaharlal Nehru, đó là toàn bộ văn hóa Ấn Độ. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Nxb Văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 208.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục