Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

Hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

03:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS Phạm Thị Túy*

Về quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch: Ấn Độ dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo, cụ thể, Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh… thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn; hai nước đã gia hạn Chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Gắn kết văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, sâu đậm; phim truyền hình Ấn Độ và YOGA đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực hợp tác chiến lược và hiệu quả. Trong đó, hợp tác quốc phòng hai nước đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực: Đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng; đồng thời, hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Thỏa thuận kỹ thuật về Chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự. Ấn Độ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng.

Hợp tác an ninh hai nước được tăng cường trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, chống khủng bố. Đồng thời, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các Diễn đàn đa phương như: Liên hợp quốc, ASEAN, ARF, ADMM+…

Thứ ba, tăng cường sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và song phương

Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách “Hành động Phía Đông”, tăng cường kết nối, hợp tác phát triển với ASEAN. Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2015 - 2018, Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.

Trong đó, đáng chú ý là với việc ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động Phía Đông” và đóng vai trò tích cực hơn vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Điều đó cho thấy Việt Nam rất chủ động hiện thực hóa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - Ấn Độ trên diễn các diễn đàn, bởi việc triển khai chính sách “Hành động Phía Đông” sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên cũng như thúc đẩy việc xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, bao trùm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việt Nam và ASEAN sẽ hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trên các lĩnh vực để cùng hướng tới mục tiêu chung vì tương lai tươi sáng của Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ở cấp chiến lược toàn diện cũng có những vấn đề đang đặt ra cần quan tâm, chẳng hạn:

- Khó khăn do khoảng cách địa lý xa, nên có hạn chế nhất định trong kết nối hạ tầng hàng không, hàng hải, đường bộ và kết nối số.

- Tồn tại không ít các rào cản thương mại, đầu tư...

+ Cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước hiện vẫn chưa  hợp lý. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu khá lớn từ Ấn Độ;

+ Hàng hóa của Việt Nam khó xâm nhập sau vào thị trường Ấn Độ, bởi lẽ, nhiều mặt hàng công nghiệp dân sự của Việt Nam nhìn chung chất lượng còn thấp, giá thành cao, tính cạnh tranh thấp;

+ Cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp tiến độ hội nhập khu vực và toàn cầu nói chung và với sự biến động của Ấn Độ nói riêng.

+ Ấn Độ vẫn là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất Châu Á. Đối với các quy định về nhập khẩu, đến nay, thị trường Ấn Độ vẫn là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất Châu Á với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao và Ấn Độ vẫn thuộc hàng các nước có thuế hải quan cao nhất thế giới. Mức thuế hải quan MFN phổ thông hiện nay của Ấn Độ là 34,442%.

- Có sự chênh lệch rõ rệt về trình độ, năng lực của các doanh nghiệp hai nước, trong đó yếu thế thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, có trình độ không cao, thiếu tính chuyên nghiệp về thương mại quốc tế nên thường bị thiệt thòi khi giao dịch với doanh nghiệp Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo tương đối tốt ở trong và ngoài nước. Trong khi tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thì doanh nghiệp Ấn Độ đã khá năng động và chủ động thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện đã có hơn 100 văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ấn Độ tại thị trường Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu hàng hoá, đầu tư.

- Chưa có cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển.

3. Một số gợi mở nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn quan hệ này trong thời gia tới.

Có nhiều lý do để tin tưởng vào triển vọng tươi sáng và khả năng phát triển toàn diện của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ như: Quan hệ Việt - Ấn có một nền tảng vững chắc qua những mối liên hệ từ lịch sử văn hóa và không ngừng củng cố và vun đắp; hai nước dành sự tin cậy chính trị cao đối với nhau, có nhiều điểm tương đồng, sự song trùng về lợi ích chiến lợc, đặc biệt trong bối cảnh mới của tình hình thế giới; là hai nền kinh tế phát triển năng động và nhanh nhất thế giới và đều đang tích cực cải cách mở cửa, tận dụng các cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu v.v...

Tuy nhiên, để quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ được hiện thực một cách hiệu quả, thì bên cạnh những nỗ lực chung của 2 nước là điều quan trọng trong tăng cường thúc đẩy mối quan hệ này, thì cần tập trung giải quyết những vấn đề sau: i/ Cải thiện, “gỡ bỏ” sớm các rào cản đã được nhận diện; ii/ Lựa chọn sáng suốt các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

i/ Cải thiện, “gỡ bỏ” sớm các rào cản đã được nhận diện

- Quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng hàng không, hàng hải, đường bộ và kết nối số nhằm tạo hạ tầng cơ sở cho thúc đẩy quan hệ kinh tế, giao lưu... giữa quốc gia, hai nền kinh tế.

- Từng bước “gỡ bỏ” các rào cản thương mại, đầu tư...

Trước hết, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam theo hướng tiệm cận với tiến độ hội nhập khu vực và toàn cầu nói chung và với sự biến động của Ấn Độ nói riêng.

Cân đối lại cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của đất nước, hạn chế tình trạng luôn là nước nhập siêu khá lớn từ Ấn Độ. Để hiện thực hóa mục tiêu này Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ thấp giá thành... để tăng tính cạnh tranh;

- Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong hợp tác, đầu tư vào thị trường Ấn Độ. Đồng thời, không ngừng nỗ lực cao trong việc nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp về thương mại quốc tế.

- Cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển.

ii/ Lựa chọn sáng suốt các lĩnh vực hợp tác tiềm năng

- Với những lợi thế của hai quốc gia (vị trí chiến lược ở Nam Á và Đông - Nam Á, dân số trẻ, lực lượng lao động lớn, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh...), hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ Nano, vật liệu mới…

- Các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ số”, “100 thành phố thông minh” và những thành tựu của Ấn Độ về kinh tế tri thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

- Với những lợi thế tự nhiên về kinh tế biển, Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược biển của mỗi nước.

- Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng… là các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cần được tăng cường thúc đẩy đầu tư.

- Hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển. Doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động, quyết liệt trong việc thúc đẩy hợp tác./.

Tài liệu tham khảo

1.Trần Đại Quang: Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển hiệu quả và bền vững. http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/35670002-dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-an-do-phat-trien-hieu-qua-va-ben-vung.html;

2. Tôn Sinh Thành: Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ. http://bnews.vn/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-viet-nam-va-an-do-ngay-cang-phat-trien-manh-me/77242.html

3. Phạm Bình Minh: Triển khai quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. (Trích từ bài " Xây dựng đối tác chiến lược, đối tác toàn diện-nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam"). http://www.mofahcm.gov.vn/en/mofa/cs_doingoai/ns14021723252


* PGS, TS Phạm Thị Túy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục