Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)
Thời gian là giá trị hiện hữu, vĩnh hằng. Còn chia thời, chia năm, chia tháng chỉ là sự quy ước của con người. Năm qua đi, tháng qua đi, thế giới chắc là sẽ còn đổi thay. Nhưng dù vật đổi sao dời, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Hồ Chí Minh đặt nền móng vẫn tươi thắm.
Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
GS. TS. Mạch Quang Thắng*
Nghĩ suy một số điều về hôm nay và mai sau
Những gì của hôm nay và mai sau đều bắt nguồn từ hôm qua. Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tinh thần lớn lao và vô cùng quý báu, mà một trong những giá trị đó là tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.
Vẫn còn một số trắc trở do sự chế định rất phức tạp của hoàn cảnh quốc tế. Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình và trong khung chế định của tình hình thế giới để củng cố tình hữu nghị, sự hợp tác Việt Nam - Ấn Độ, làm cho tình hữu nghị, hợp tác đó phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quãng thời gian từ năm 1959 đến năm 1969, do sự phức tạp của tình hình thế giới, nhất là mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mối quan hệ giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, cả mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, cho nên tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ bị thử thách. Cuộc chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ đã xảy ra năm 1962, đặt Việt Nam vào thế khó xử trong mối quan hệ bang giao ở châu Á. Ấn Độ là nước sớm đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở cấp độ Tổng lãnh sự quán, nhưng mãi đến năm 1972 hai nước mới thiết lập được quan hệ ngoại giao đầy đủ ở cấp đại sứ quán. Trong dịp thăm Ấn Độ, đã có một nhà báo Mỹ hỏi Hồ Chí Minh rằng (hỏi một cách "gài bẫy", hỏi khó): “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến của Ngài về Kashmire”?, tức là liên quan đến sự xung đột lúc bấy giờ giữa Ấn Độ và Pakistan trong tranh chấp vùng Kashmire. Hồ Chí Minh trả lời: “Nếu nói đến Kashmire thì cũng phải nói đến New Delhi, Bănggalo, Bombay, v.v. Như thế thì sẽ phải nhiều thì giờ lắm”. Đó là câu trả lời rất tế nhị về mặt ngoại giao của một chính trị gia, một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm, nhưng vẫn còn đó sự đọng lại của các mối quan hệ chằng chịt, đan chéo, phức tạp giữa các nước châu Á nói riêng và các nước trên thế giới nói chung tại thời gian ngự trị của Chiến tranh Lạnh, của các mối quan hệ hai phe, hai hệ thống! Như thế để thấy rằng, trong quan hệ quốc tế, không phải đơn giản là tấm lòng thành thực với nhau mà còn là những hình thức biểu hiện sao cho hợp với "mặt bằng" quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các nước lớn và trong một hoàn cảnh cụ thể khi đã hình thành hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa của một chế định Chiến tranh Lạnh.
Hoàn cảnh những thập niên tới đây của thế kỷ XXI ở trên thế giới đã khác trước nhiều. Chiến tranh Lạnh đã lùi về dĩ vãng. Sự đối đầu hai phe, hai hệ thống không còn do biến động chính trị dữ dội của một phía là hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ. Việt Nam và Ấn Độ cần đến nhau hơn bao giờ hết. Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ là điều cần cho cả hai nước vì cả hai có rất nhiều điểm chung, vì lợi ích của nhân dân, Chính phủ hai nước; đồng thời cũng là vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định của vùng Nam Á - Đông Nam Á và trên thế giới. Rất tiếc là đến nay, trên thực tế, mối quan hệ giữa hai nước chưa phát huy hết tác dụng, chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn, chưa đạt đến những điều mong mỏi từ hai bậc vĩ nhân - hai kiến trúc sư làm nên mối tình hữu nghị đó là Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru.
Tháng 5-2003, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm Ấn Độ và đã ký kết Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thế kỷ XXI. Năm thập niên đầy biến cố đã thử thách tình hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ. Sự hợp tác Việt Nam - Ấn Độ bắt đầu biểu hiện một cách toàn diện hơn, những tuyên bố trên trường quốc tế giữa các đại diện hai nước ủng hộ nhau vang lên dày hơn. Những hoạt động thiết thực vun đắp cho sự hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc tấp nập hơn. Hình như hiện nay (và chắc chắn mai sau nữa) đang hồi sinh, tái hiện lại những tấm lòng, tư tưởng của hai vị lãnh tụ anh minh của hai nước là Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru.
Ngoài quan hệ giữa hai nhà nước, ngoại giao nhân dân đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xây đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam - Ấn Độ. Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã làm được nhiều việc hữu ích. Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam được thành lập năm 1970 có trụ sở ở Kolkata đã thu hái được nhiều kết quả tích cực. Sau khi năm 1987 UNESCO thông qua Nghị quyết Về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ấn Độ đã tổ chức long trọng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhân vật kiệt xuất Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn đầu Đoàn đại biểu của Việt Nam sang Ấn Độ tham dự hội thảo nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của UNESCO.
Vừa qua, ngài Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma và Đoàn đại biểu của Ủy ban này đã có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh tham dự các hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Ngày 9-5-2015, một trong những hoạt động có ý nghĩa lớn ở Ấn Độ là tại Kolata, các nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo, các nhà khoa học đã tập trung lại để tưởng nhớ Hồ Chí Minh. Ngày 17-5-2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức lễ mít tinh Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng Giao lưu văn hóa Ấn Độ (ICCR) Lokesh Chandra, Chủ tịch Hội Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam K.L. Malhotra, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal Geetesh Sharma cùng đông đảo bạn bè Ấn Độ đã tới dự lễ mít tinh.
Phát biểu khai mạc cuộc mít tinh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nêu rõ Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất được UNESCO công nhận. Có nhiều sách, truyện, thơ và bài hát về Hồ Chí Minh đã được viết ở Việt Nam và nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Những bài tiểu luận trong cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam - Hồ Chí Minh đã chứng tỏ thêm rằng, người Ấn Độ hiểu biết rất sâu sắc về Hồ Chí Minh, về Việt Nam và quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam phát biểu rằng, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở các nhà lãnh đạo Việt Nam phải phát triển quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Chính Hồ Chí Minh và Jawarharlal Nerhu đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.
Mốc quan trọng bậc nhất đánh dấu sự tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ theo tư tưởng của Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru là vào tháng 7- 2007, tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Thủ tướng Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhằm đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ lên một tầm cao mới. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước đột phá mới trong quan hệ hai nước ở tầm vĩ mô, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước Việt Nam và Ấn Độ, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Để triển khai xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược mới này, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác chính trị theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy, đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước. Hai bên cũng thỏa thuận tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, đặc biệt là trong hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, chống khủng bố, cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên nhất trí đẩy mạnh và nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm. Trong hợp tác thương mại, hai bên thỏa thuận tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ lên mức 2 tỷ USD năm 2010 và 5-7 tỷ USD năm 2015.
Phía Ấn Độ tích cực ghi nhận việc Việt Nam đề nghị Ấn Độ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng thời nhất trí tiến hành các biện pháp cần thiết để khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ nhằm giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại hiện nay giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường và hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, tín dụng, văn hoá, du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải. Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên bày tỏ hài lòng về sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEM, Cấp cao Đông Á, ARF, hợp tác sông Hằng - sông Mê Công và các diễn đàn quốc tế và khu vực khác. Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh với tổng trị giá lên đến gần 4,5 tỷ USD, trong đó đáng lưu ý là Thỏa thuận Hợp tác giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Thép Tata của Ấn Độ. Ngay sau khi ký Tuyên bố về hợp tác chiến lược, hai bên đã ký 8 văn kiện hợp tác quan trọng khác, bao gồm: Hiệp định vận tải đường biển; Bản ghi nhớ về trao đổi đất và tài sản đối với cơ quan đại diện ngoại giao; Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng; Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ để triển khai Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản; Chương trình trao đổi văn hóa; Chương trình trao đổi giáo dục; Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vào những thập niên của thế kỷ XXI này, đất nước Việt Nam vẫn tiếp tục tích cực thực hiện những ý tưởng, mong muốn của Hồ Chí Minh đối với việc tăng cường hơn nữa mối tình hữu nghị, hợp tác thủy chung lâu bền với Ấn Độ. Đối tác chiến lược giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ được cụ thể hóa bằng nhiều công việc. Sự kiện quan trọng nhất và là gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam từ ngày 15 đến ngày 17-9-2014 của Tổng thống Pranab Mukherjee cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Ấn Độ.
Tổng thống Ấn Độ đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2007. Tổng thống Ấn Độ khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong “Chính sách hướng Đông" của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN, mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí, văn hóa, kết nối nhân dân, hợp tác khu vực và đa phương. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là Ủy ban Liên chính phủ, tham khảo chính trị và đối thoại chiến lược, đối thoại an ninh và các cơ chế đối thoại khác giữa hai nước. Hai bên khẳng định thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới; nhất trí rằng, hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; bày tỏ hài lòng về hợp tác hiện nay trong lĩnh vực này cũng như việc ký kết Bản ghi nhớ về hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới.
Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước; đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 và nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân; nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, trong đó có việc thành lập ở Việt Nam Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần cuối)
*Giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục