Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng Xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng Xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Tình cảm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nhân dân Ấn Độ có từ rất sớm, xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ về số phận của những người dân mất nước; của kiếp người nô lệ. Các bài viết của Hồ Chí Minh về Ấn Độ, nhân dân Ấn Độ thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả, tình thương yêu giai cấp, yêu thương con người và lập trường kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thuộc địa, vì tự do hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân, vì nền độc lập của mỗi dân tộc. Đó có thể coi là những viên gạch đầu tiên mà Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Ấn Độ.

02:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1) 

Hồ Chí Minh – người đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

PGS. TS. Trần Minh Trưởng*

Như những người bạn lâu ngày gặp mặt, phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hôm nay, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Păngđi Neerru, vị lãnh tụ yêu quý của nước Ấn Độ vĩ đại, vị chiến sĩ tận tụy cho hòa bình châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam”[1]. Sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng J.Nehru, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ mở ra những trang đầu trong lịch sử quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Ấn.

Trong những năm cuối thập niên năm mươi, tình hình cách mạng miền Nam đang bị lực lượng Mỹ - Ngụy đàn áp và khủng bố khốc liệt, nhằm khơi dậy và đáp lại tình cảm hữu nghị của các nước bè bạn, anh em, đáp lại tình cảm của Thủ tướng Ấn Độ J.Nêru, tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc đi thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ và Miến Điện, đồng thời để tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á – Phi, do đó, thêm lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới”[2].

Coi trọng mối quan hệ Việt Nam- Ấn Độ, phát biểu trước đông đảo cán bộ, nhân dân ra tiễn Người ở sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước Ấn Độ là một nước rất to và nhân dân Ấn Độ rất anh dũng. Trước đây cùng hoàn cảnh như chúng ta bị thực dân áp bức, nhân dân Ấn Độ và Miến Điện đã đấu tranh thắng lợi cho độc lập dân tộc và đang xây dựng đất nước. Chúng tôi đi chắc học được nhiều kinh nghiệm quý báu. Lúc về sẽ thuật lại cho đồng bào nghe để học tập anh em chúng ta”[3].

Chuyến thăm của Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các tầng lớp nhân dân Ấn Độ. Thủ tướng J. Nehru trong bài phát biểu chào mừng đã nói: “Chúng ta đã tiếp xúc với một người, mà người ấy là một bộ phận của lịch sử châu Á. Chúng ta đã gặp gỡ một vĩ nhân, đồng thời chúng ta đã gặp gỡ một giai đoạn lịch sử”[4]. Trong bài diễn văn đáp từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng tôi đến thăm đất nước vĩ đại của các bạn với mối cảm tình sâu sắc đã gắn bó hai dân tộc chúng ta.”[5]. Theo Hồ Chí Minh, tình hữu nghị và mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được hình thành và gắn bó với nhau bởi sự tương đồng về văn hóa, lịch sử: “Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hoá và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta tạm bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta”[6].

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh cảm ơn nhân dân  Ấn Độ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam; cảm ơn Chính phủ Ấn Độ làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát, góp phần quan trọng vào việc thi hành Hiệp định Geneve ở Việt Nam, càng làm cho mối tình Việt - Ấn thêm khăng khít.

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành sự kiện nổi bật, đỉnh cao của quan hệ giữa hai nước. Sau khi về nước, Hồ Chí Minh đã viết bài: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, ghi nhận tình cảm nồng ấm và mà các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ dành cho Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý  tin tưởng rằng, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ sẽ được duy trì, củng cố và ngày càng phát triển.

Tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Ấn mà Hồ Chí Minh và J.Nehru đã đặt nền móng, trong những năm Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thông qua hoạt động của tổ chức Phong trào không liên kết; Tổ chức Nhân dân Á - Phi đoàn kết với Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 7/01/1972, Việt Nam và Ấn Độ chính thức đặt quan hệ ngoại giao, đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Ấn.

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam Ấn Độ được nâng tầm và phát triển nhanh chóng. Tháng 7/2007, Ấn Độ và Việt Nam đó thỏa thuận ký kết nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Năm 2012, hai nước đó kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Về tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người (19/5/2010), cuốn Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hindi, do tác giả Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam bang Tây Bengan biên soạn, đã được xuất bản tại Ấn Độ. Trong lời tựa của quyển sách, Nghị sĩ Karan Singh, Chủ tịch Hội đồng Ấn Độ về các mối quan hệ văn hóa (ICCR) viết: “Tôi tin Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người có thể truyền cảm hứng và khai sáng những người đang dồn tâm lực để chống lại những lực lượng đi ngược lại lợi ích nhân dân và những chính sách sai lầm của họ. Mục đích chính về việc xuất bản quyển sách này là để người dân Ấn Độ am hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

 Trong cuốn sách của mình, tác giả Geetesh Sharma nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chính khách vĩ đại của thời đại chúng ta. Người là hình tượng không chỉ của cá nhân tác giả, mà cũng là hình tượng của hàng triệu người trên thế giới. Vì vậy mà Geetesh Sharma đã tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Người đối với Ấn Độ để chuyển tải sang tiếng Hindi cho người dân Ấn Độ hiểu thêm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015), nhìn lại mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp mà Người và các nhà lãnh đạo tiền bối của Ấn Độ đã đặt nền móng xây dựng và dày công vun đắp đã và đang ngày càng đơm hoa kết trái. Ngày nay, mỗi chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phát triển để mối quan hệ Việt - Ấn ngày càng gắn bó, bồi đắp cho mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Ấn Độ thu được kết quả tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước.


* Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7.NXBCTQG.H.2001. tr.370.

[2] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (1995), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr.32.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9.NXBCTQG.H.2001. tr.35.

[4] Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, tr.36.

[5] Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, tr.36.

[6] Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, tr.39.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục