Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới”
Ngày 25.8.2016, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới”. Hội thảo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỷ niệm 2 năm ngày khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, 69 năm Ngày Độc lập Ấn Độ và là sự kiện đón chào chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam đầu tháng 9.2016.
Tham dự Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Ngài Parvathanen Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, đồng chí Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Ngài Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Việt - Ấn, bang Tây Bengal cùng hơn 250 các nhà khoa học trong nước và 15 học giả, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu ở Ấn Độ. Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội cũng tới dự và đưa tin.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp khẳng định, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu đời từ hơn hai thế kỷ nay. Hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tình bạn tin cậy, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau luôn không ngừng được củng cố. Từ khi quan hệ song phương được nâng lên tầm đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất hơn trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh mới hiện nay, với xu thế hội nhập khu vực và thế giới ngày càng phát triển, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện hơn nữa, trong đó cần chú trọng tới nghiên cứu khoa học. Hội thảo là cơ hội thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ấn Độ, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của hai nước.
Trong báo cáo tổng thuật các tham luận gửi đến Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nhấn mạnh, 195 tham luận của gần 200 học giả trong và ngoài nước đã tập trung phân tích làm sáng tỏ những vấn đề cụ thể sau:
· Phân tích sâu bối cảnh mới trên nhiều chiều cạnh và bối cảnh đó tác động đến Việt Nam - Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều bình diện.
· Phân tích sâu nguyên nhân, điều kiện phát triển hợp tác; thực trạng, những thành tựu, những điều bất cập trong hợp tác, những rào cản ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng phát triển quan hệ Việt - Ấn trong tình hình mới, bối cảnh mới.
· Luận giải sâu sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ tác động đến quan hệ Việt - Ấn
· Phân tích rõ quá trình hình thành, nội dung, đặc điểm Chính sách Hướng Đông và Hành động Phía Đông của Ấn Độ và những tác động của chính sách đó đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ - ASEAN.
· Nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh và, khẳng định triển vọng phát triển của hợp tác trên các lĩnh vực này giữa hai nước.
· Phân tích sâu và khẳng định những thành quả đạt được trong hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và các ngành nghề khác.
· Hội thảo cũng nêu lên những dự báo về bối cảnh mới trong xu thế phát triển của thế giới ngày nay và khuyến nghị hai nước cần có tầm nhìn mới, tư duy mới để thích ứng với thời đại mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao đối với Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy mọi hoạt động xây đắp và tăng cường phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới. Ngài Đại sứ khẳng định, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đặt bối cảnh mới và tầm nhìn mới của quan hệ hai nước trong khuôn khổ chính sách Hướng Đông và cách tiếp cận Hành động phía Đông của Ấn Độ, cũng như xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với Ấn Độ về mặt lịch sử, địa lý, không gian kinh tế và chiến lược. Việt Nam là điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, hai nước đều cam kết tăng cường quan hệ đối tác song phương trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và hợp tác sông Mekong- sông Hằng. Hiện nay, mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước không ngừng phát triển mọi linh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, hợp tác khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác. Mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực, qua đó đem lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.
Cùng với việc phân tích những điểm thuận lợi trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng chí Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, thời gian tới hai bên cần tích cực hơn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin về tình hình mỗi nước, các cơ hội trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh, du lịch…; tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao để củng cố sự tin cậy chính trị, tạo động lực hợp tác về mọi mặt giữa hai bên; nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước cho tương xứng với tiềm năng. Việt Nam tích cực và chủ động hợp tác hơn nữa với Ấn Độ về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước…
Tại Hội thảo khoa học lần này, thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho ngài Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt, bang Tây Bengal. PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ giới thiệu cuốn sách “Chiến tranh giải phóng Việt Nam: vai trò của Calcutta” của ngài Geetesh Sharma. Cuốn sách này đã được Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức dịch ra tiếng Việt và trao tặng cho các đại biểu tham dự Hội thảo. (Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục