Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới"
Hội thảo khoa học “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được tổ chức cả ngày 25 tháng 8 năm 2016 với sự tham gia của gần 250 đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả đến từ các cơ quan Trung ương, các học viện, các viện nghiên cứu, các trường đại học Việt Nam và Ấn Độ.
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
“VIỆT NAM - ẤN ĐỘ: BỐI CẢNH MỚI, TẦM NHÌN MỚI”
Được sự đồng ý của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới” nhân kỷ niệm 2 năm hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Ấn Độ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, kỷ niệm Ngày Độc lập Ấn Độ và chào mừng Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có 250 đại biểu, trong đó tập hợp được 189 bài tham luận của gần 200 học giả Việt Nam và thế giới, các tham luận trong Hội thảo luận giải, phân tích sâu những nội dung về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới.
Về Bối cảnh mới, tầm nhìn mới
Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung của thời đại, nhưng bối cảnh thế giới và khu vực đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc trên nhiều bình diện, ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đặc điểm của những biến động mới trong bối cảnh mới có tốc độ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn, độ phức tạp cao hơn, khó lường hơn và đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh, và ảnh hưởng, vừa gia tăng độ phục thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc và nhiều quốc gia dân tộc. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trở thành vấn đề nan giải trên toàn cầu: Chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà nổi rõ là lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang khuấy đảo Trung Đông, châu Âu và đang lan rộng sang châu Á; Vấn đề tái xu thế chạy đua vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng hoảng di cư, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, an ninh mạng, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường và nguồn nước ngày càng gia tăng.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phát triển nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực đời sống xã hội.
Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu diễn ra nhanh mạnh, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại thế giới. Cùng với đó là quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra sâu rộng, vai trò của các công ty xuyên quốc gia ngày càng lớn. Việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuối giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các nền kinh tế trên thế giới.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có nhiều biến đổi, đặc biệt là vấn đề Biển Đông – trong mối tương quan với khu vực và thế giới, Biển Đông đang thực sự bị khuấy động, đang trở thành sân khấu chính trị - kinh tế do các cường quốc điều khiển và trực tiếp tham gia diễn xuất.
Về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Bối cảnh mới đó tác động trực tiếp đến Việt Nam, Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Hai nước chúng ta từ trước đến nay vốn có quan hệ lịch sử văn minh lâu đời. Đạo Phật và đạo Hindu đã có những đóng góp không nhỏ trong giao lưu văn hóa giữa hai nước. Trong thời kỳ hiện đại, quan hệ hai nước được hai lãnh tụ, đồng thời là hai nhà văn hóa thế giới Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đặt nền tảng vững chắc, và được các thế hệ lãnh đạo hai nước không ngừng kế thừa, thúc đẩy, phát triển thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực. Hai nước liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ. Về phía Ấn Độ, cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng đã đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao không chỉ đặt nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên các kênh: Kênh Đảng, kênh Chính phủ, kênh Quốc hội, các bộ ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân; khẳng định tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như: Ủy ban Liên Chín phủ, tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định nhất quán ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, coi Việt Nam là trụ cột quan trọng nhất trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ, và trong phát triển quan hệ Ấn Độ với ASEAN.
Việt Nam - Ấn Độ nhất trí tăng cường hơn nữa trụ cột kinh tế - thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh trong 5 trụ cột của quan hệ hai nước, coi tăng cường hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược, phấn đấu kim ngạch thương mại đạt 15 tỉ USD vào năm 2020.
Hai nước nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó nổi bật là vấn đề Biển Đông. Hai nước cùng hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế như: ASEAN - Ấn Độ, Cấp cao Đông Nam Á (EAS), Hợp tác sông Hằng, sông Mekong, Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Phòng trào Không Liên kết, hợp tác Liên hợp quốc và hợp tác Nam – Nam.
Hai nước nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ việc sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử (COC), công nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông…
Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới” tập trung phân tích làm sáng tỏ những vấn đề cụ thể sau:
- Phân tích sâu bối cảnh mới tác động đến Việt Nam - Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều bình diện.
- Phân tích sâu nguyên nhân, điều kiện phát triển hợp tác; thực trạng, những thành tựu trong hợp tác, những rào cản ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng phát triển quan hệ Việt - Ấn trong tình hình mới, bối cảnh mới, tầm nhìn mới.
- Luận giải sâu sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ tác động đến quan hệ Việt - Ấn
- Phân tích rõ Chính sách Hướng Đông và Hành động Phía Đông của Ấn Độ và những đặc điểm tác động của chính sách đó đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ - ASEAN.
- Nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh và khẳng định triển vọng phát triển của hợp tác trên các lĩnh vực này giữa hai nước.
- Phân tích sâu và khẳng định những thành quả đạt được trong hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và các ngành nghề khác.
- Hội thảo cũng nêu lên những dự báo về bối cảnh mới trong xu thế phát triển của thế giới ngày nay và khuyến nghị hai nước cần có tầm nhìn mới, tư duy mới để thích ứng với thời đại mới.
- Hội thảo cũng đặt ra một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, luận giải như: Tại sao với mối quan hệ hữu nghị có độ tin cậy chính trị cao như vậy mà hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ và giao lưu nhân dân vẫn chưa tương xứng với tiềm năng?
BAN TỔ CHỨC
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục