Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Phần 1)
Những năm qua, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực phòng chống tội phạm có những chuyển biến theo cả chiều rộng và chiều sâu, phản ánh phù hợp và logic thực tế với tình hình an ninh trật tự của mỗi nước. Các thế hệ lãnh đạo của Ấn Độ rất coi trọng quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, coi đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu trong chính sách “Hướng Đông” giai đoạn mới của Ấn Độ và là một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thiếu tướng, PGS, TS Đặng Xuân Khang*
Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, có mối liên hệ văn hóa, tôn giáo, thương mại tương đồng và chặt chẽ. Trong suốt tiến trình phát triển quan hệ song phương, từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng nền móng quan hệ đến việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007[1], hai quốc gia đã chứng kiến hoạt động hợp tác đa dạng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng an ninh cũng như hợp tác trên các diễn đàn khu vực và đa phương khác.
Thời đại ngày nay, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu và khách quan, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết 40/NQ-TW về nâng cao hiệu quả và chất lượng Công tác Công an trong tình hình mới ngày 8/11/2004 có xác định nhiệm vụ mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát các nước dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 3/12/2013 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng của bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới là “Triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc”. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã tích cực thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nói chung và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm nói riêng, trong đó Ấn Độ là đối tác ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng.
Những năm qua, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực phòng chống tội phạm có những chuyển biến theo cả chiều rộng và chiều sâu, phản ánh phù hợp và logic thực tế với tình hình an ninh trật tự của mỗi nước. Các thế hệ lãnh đạo của Ấn Độ rất coi trọng quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, coi đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu trong chính sách “Hướng Đông[2]” giai đoạn mới của Ấn Độ và là một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Lãnh đạo hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao quan trọng, giải quyết nhiều vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, trong đó lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phòng chống tội phạm đã và đang trở thành mối quan tâm chung, cần tìm tiếng nói đồng thuận để giải quyết. Có thể nói, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển, với nhiều nội dung được triển khai như: trao đổi thông tin trong phòng chống tội phạm; đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế trong phòng chống tội phạm; tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ tội phạm; chuyển giao công nghệ và hợp tác trong đào tạo, nâng cao trình độ của lực lượng thực thi pháp luật…
Đối với lĩnh vực đàm phán và ký kết điều ước quốc tế trong phòng chống tội phạm, hai nước đã đàm phán, ký kết được hàng chục văn bản quan trọng, có tính thời sự và thực tiễn cao. Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự được ký ngày 8/10/2007 gồm 26 điều, cụ thể về các nội dung trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự giữa hai nước như việc thực hiện yêu cầu và nội dung của yêu cầu tương trợ; vấn đề từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ; tống đạt giấy tờ; cung cấp thông tin trong phòng chống tội phạm; thu thập chứng cứ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt để cung cấp chứng cứ hoặc giúp đỡ điều tra... Bên cạnh đó, còn một số điều ước quốc tế quan trọng khác như: Bản ghi nhớ hợp tác trong phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ấn Độ năm 2008; Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và Cộng hòa Ấn Độ năm 2013; Hiệp định về chuyển giao người bị kết án (đang chờ phê chuẩn hiệu lực).... Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của hai nước tiếp tục tích cực thúc đẩy để sớm ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam với Hội đồng An ninh Quốc gia của Ấn Độ để tạo cơ sở pháp lý hợp tác giữa hai nước về trao đổi thông tin liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi nước.
Việt Nam và Ấn Độ đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học hình sự, phòng chống ma túy, trao đổi thông tin về hoạt động của các đối tượng khủng bố. Ở cấp chuyên viên, hai quốc gia đã thường xuyên trao đổi các đoàn về kinh nghiệm phòng chống tội phạm khủng bố, công nghệ cao, quản lý trật tự an toàn giao thông, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tư pháp hình sự… Thông qua các kênh hợp tác khác nhau như INTERPOL, ASEANALPOL, kênh hợp tác ngoại giao... hoạt động hợp tác trong xác minh thông tin, phối hợp điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, truy bắt tội phạm bỏ trốn giữa 02 nước đang ngày càng có hiệu quả, phục vụ công tác bảm đảm an ninh trật tự của mỗi nước. Trong 5 năm gần đây, lực lượng Công an Việt Nam đã xác minh, bắt giữ và trao trả 07 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế cho phía Ấn Độ trong đó có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm thu hút được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh đó, hàng năm, lực lượng Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng Cảnh sát, Cơ quan điều tra liên bang và các cơ quan tư pháp khác của Ấn Độ đã xác minh, làm rõ nhiều vụ án có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến hai bên trong đó chủ yếu liên quan đến các hoạt động lừa đảo thương mại, tội phạm công nghệ cao... Ấn Độ cũng là một trong các đối tác đối thoại của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia nên thường xuyên hỗ trợ các nước ASEAN trong đó có Việt Nam về các hoạt động phòng chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm mà Ấn Độ có kinh nghiệm như tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng… Điển hình như việc Ấn Độ đang hỗ trợ các cơ quan chức năng của Bộ Công an Việt Nam thành lập phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử In-đi-ra Gan-đi[3] tại Hà Nội.
Tuy nhiên, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Hiện nay giữa Việt Nam và Ấn Độ mặc dù đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định dẫn độ tội phạm nhưng việc triển khai áp dụng còn hạn chế nên trong nhiều vụ án có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến hai nước do Cơ qua điều tra của Việt Nam thụ lý việc phối hợp xử lý còn mất nhiều thời gian đặc biệt là trong các vụ án kinh tế, lừa đảo thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao… dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử ở trong nước. Cho đến nay, về cơ bản các Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng của Ấn Độ trong đó đặc biệt là Bộ Nội vụ Ấn Độ đã được triển khai thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, có những khó khăn khách quan tác động tiêu cực đến quá trình áp dụng các điều ước quốc tế trong phòng chống tội phạm như: Yếu tố về khoảng cách địa lý giữa hai nước; sự khác biệt về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách trong các cơ quan tư pháp nói chung và Công an nói riêng[4].
Việc tổ chức thực hiện Hiệp định đã ký kết có nội dung liên quan đến bắt dẫn độ tội phạm giữa hai nước vẫn còn chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các hoạt động bắt và chuyển giao đối tượng phạm tội phục vụ truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, kinh phí chi cho công tác chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, ví dụ kinh phí trong việc cử cán bộ công tác ở nước ngoài phục vụ cho các yêu cầu tương trợ, kinh phí trong việc thực hiện các yêu cầu dẫn độ. (Xem tiếp phần 2)
* Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân.
[1] Năm 2007, trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước từ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện (thiết lập từ năm 2003) lên quan hệ đối tác chiến lược.
[2] Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ bắt đầu được triển khai từ những năm 1990 và đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng.
[3] Bản Ghi nhớ về việc thành lập Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử In-đi-ra Gan-đi tại Hà Nội được ký kết nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013. Thực hiện Thỏa thuận đã ký năm 2013, đến nay, Bộ Công an đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để lắp đặt, vận hành Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử In-đi-ra Gan-đi, do Chính phủ Ấn Độ tài trợ. Hai bên đang tiến hành hoàn tất các thủ tục hải quan nhập các máy móc thiết bị phần cứng về Việt Nam để đưa Phòng Thí nghiệm đi vào hoạt động nhưng tiến độ vẫn còn chậm chưa đạt được như mong muốn ban đầu.
[4] Trong chuyến thăm và làm việc chính thức với Bộ Nội vụ Ấn Độ của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn đầu vào tháng 10/2013, hai Bên đã thống nhất về việc thiết lập Cơ chế Đối thoại An ninh giữa hai Bộ. Đến nay, Bộ Công an đã xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Hai Bên vẫn chưa thống nhất được thời gian tiến hành tổ chức phiên đối thoại đầu tiên trong thời gian tới.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục