Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Phần 2)

Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Phần 2)

Những năm qua, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực phòng chống tội phạm có những chuyển biến theo cả chiều rộng và chiều sâu, phản ánh phù hợp và logic thực tế với tình hình an ninh trật tự của mỗi nước. Các thế hệ lãnh đạo của Ấn Độ rất coi trọng quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, coi đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu trong chính sách “Hướng Đông” giai đoạn mới của Ấn Độ và là một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.

02:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Thiếu tướng, PGS, TS Đặng Xuân Khang*

 

Hiện nay, vẫn ít tổ chức được các cuộc hội thảo cấp quốc gia mang tính chuyên sâu giữa hai nước về phòng chống tội phạm. Việc tổng hợp nghiên cứu các chuyên đề, đánh giá về công tác thực hiện hợp tác quốc tế Việt Nam - Ấn Độ cũng còn tản mạn và chưa được nghiên cứu đồng bộ. Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học về kinh nghiệm phòng chống tội phạm, thực hiện tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm còn ít được đề cập đến.

Trên bình diện quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò và tiềm năng của Ấn Độ như là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới, hoan nghênh Ấn Độ tham gia đóng góp tích cực vào các cấu trúc an ninh khu vực, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể nâng lên một tầm cao mới, theo các phương hướng cụ thể như sau:

Một là, về mặt chiến lược, hai nước cần tiếp tục phối hợp xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý lâu dài cho các hoạt động phối hợp nghiệp vụ, hợp tác phòng chống tội phạm và hợp tác tư pháp hình sự giữa hai nước. Cần hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định chuyển giao người bị kết án có hiệu lực, tiếp tục nghiên cứu đề xuất đàm phán, ký kết Hiệp định về bảo vệ tin mật giữa hai nước, lên kế hoạch thực hiện có hiệu quả các Hiệp định đã ký kết; xem xét khả năng nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác phòng chống tội phạm cấp bộ lên cấp chính phủ, đồng thời cụ thể hóa bằng các cơ chế, thỏa thuận, bản ghi nhớ ở cấp tổng cục, vụ, cục nhằm triển khai có hiệu quả các văn bản hợp tác song phương nói trên.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với Interpol của Ấn Độ trong phòng chống tội phạm quốc tế. Cần phát huy vai trò của Văn phòng Interpol Việt Nam để thúc đẩy trao đổi thông tin trong điều tra, truy nã tội phạm, phối hợp điều tra... Cần sử dụng đồng bộ các lực lư­ợng Cảnh sát điều tra, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự, An ninh, Xuất nhập cảnh... để tham gia phòng chống tội phạm quốc tế giữa hai quốc gia. Với vai trò là thành viên của ASEAN, Việt Nam cần thực hiện vai trò thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa Ấn Độ với cảnh sát các n­ước Đông Nam Á trong khuôn khổ Aseanpol để phòng chống tội phạm ở quy mô khu vực, tr­ước hết là chống buôn lậu, buôn bán ma tuý, c­ướp biển, không tặc, khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới...

Ba, trong lĩnh vực an ninh - tình báo chiến lược, hai nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin tình báo về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của mỗi nước, an ninh khu vực, an ninh thế giới và các vấn đề khác mà hai nước cùng quan tâm trên cơ sở định kỳ hoặc đột xuất tùy theo yêu cầu của lãnh đạo hai nước và yêu cầu nghiệp vụ của hai nước, xây dựng kênh trao đổi thông tin an ninh - tình báo chiến lược song phương trực tiếp phục vụ công tác hoạch định chính sách đối ngoại của hai nước, đặc biệt là kênh giữa Cơ quan Tình báo đối ngoại Ấn Độ (RAW) với Tổng cục An ninh và Tổng cục Tình báo Bộ Công an Việt Nam, phát huy vai trò đại diện tình báo thường trú tại mỗi nước; về cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ấn Độ, hai nước thống nhất thiết lập cơ chế cụ thể định kỳ luân phiên 02 năm/lần và phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hai nước về nội dung đối thoại và duy trì hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao. Hai nước cần tăng cường hợp tác không cho phép bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng địa bàn của nước này để hoạt động chống lại nước kia; phối hợp đảm bảo an ninh cho các hoạt động đầu tư, thương mại, lao động, sinh sống, học tập và du lịch giữa hai nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan đại diện nước này trên lãnh thổ nước kia; tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh cho các đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước thăm viếng lẫn nhau;

Bốn, trong lĩnh vực an ninh nội địa, hai bên trao đổi thông tin liên quan đến âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, các cá nhân, tổ chức đe dọa đến các lợi ích quốc gia của hai nước; trao đổi thông tin, kinh nghiệm bảo vệ bí mật Nhà nước, đặc biệt là an ninh trên mạng Internet; trao đổi kinh nghiệm sản xuất phần mềm ứng dụng kiểm soát thông tin trên mạng Internet; trao đổi kinh nghiệm đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng Internet để chống phá lợi ích của hai nước cũng như các hoạt động lợi dụng các tổ chức phi chính phủ trong nước để xâm phạm an ninh quốc gia của mỗi nước. Thường xuyên tiến hành phối hợp, trao đổi thông tin về các loại tội phạm quốc tế, các thông tin nghiệp vụ liên quan đến đối tượng, phương thức, thủ đoạn, đường dây hoạt động của các băng tội phạm quốc tế mà tất cả các bên đều quan tâm.

Năm là, trong lĩnh vực hợp tác cảnh sát và phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh phi truyền thống, hai nước cần tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, trao đổi thông tin tội phạm, phối hợp nghiệp vụ, phối hợp đấu tranh chuyên án, phối hợp điều tra truy nã tội phạm nhằm phòng chống hữu hiệu các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới, tội phạm hình sự có liên quan đến công dân hai nước, đặc biệt tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm rửa tiền, tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử v.v..

Sáu, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật; đề nghị Bộ Nội vụ Ấn Độ tiếp tục cử cán bộ chuyên gia, giáo viên sang Việt Nam phối hợp mở các khóa bồi dưỡng về chuyên đề: An ninh mạng, điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, ma túy, buôn bán người, huấn luyện Cảnh sát đặc nhiệm, chống khủng bố; tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ Bộ Công an Việt Nam tham gia dự tuyển học bổng các chương trình đào tạo ngắn, trung và dài hạn tại Ấn Độ theo các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, tiếng Hin-đi, luật, chính trị, khoa học vật liệu; Bộ Công an Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và nghiệp vụ cho cán bộ Ấn Độ tại Việt Nam.

* Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Nguồn:

Cùng chuyên mục