Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh nghiệm xuất bản tạp chí theo chuẩn Scopus

Kinh nghiệm xuất bản tạp chí theo chuẩn Scopus

Ngày 14 tháng 6 năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phối hợp với Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xuất bản tạp chí theo chuẩn Scopus. Giáo sư Reena Marwah, giảng viên Đại học Delhi, Ấn Độ, tổng biên tập sáng lập tạp chí, đã chia sẻ kinh nghiệm xuất bản tạp chí Millennial Asia. Tham dự tọa đàm có gần 40 lãnh đạo và biên tập viên các tạp chí, bản tin trong hệ thống Học viện.

03:46 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Millennial Asia là một tạp chí đa ngành, hiện nay xuất bản định kỳ bốn số mỗi năm. Millennial Asia thuộc nhóm các tạp chí quốc tế nghiên cứu châu Á của Hiệp hội Học giả Châu Á (AAS), là một hiệp hội của các cựu sinh viên của Quỹ Học bổng Châu Á (ASF). Tạp chí này do nhà xuất bản Sage phát hành. Millennial Asia khuyến khích nghiên cứu đa diện, đa ngành và liên ngành về châu Á, để tìm hiểu bối cảnh thay đổi nhanh chóng của châu Á trong vai trò là một cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo chia sẻ của Giáo sư Reena Marwah tại tọa đàm, tạp chí Millennial Asia xuất bản lần đầu vào năm 2005, khi đó chỉ ra hai số mỗi năm. Trong hơn 17 năm phát triển, tạp chí này đã trải qua lộ trình như sau để được ghi danh trong danh mục Scopus.

Giai đoạn 1: Xuất bản trong nước tại Ấn Độ

Trong ba năm đầu tiên, tạp chí đăng ký xuất bản tại Ấn Độ. Với số vốn ít ỏi, tạp chí chỉ có một tổng biên tập, một vài biên tập viên, và một nhóm tiếp thị. Ngay từ đầu, tạp chí chọn được tên không trùng với bất kỳ tạp chí nào khác của Ấn Độ, cũng như không trùng tên với các tạp chí khác trong các danh mục xuất bản quốc tế. Tạp chí mời những nhà khoa học nổi tiếng tại Thái Lan, Mỹ và các nước khác tham gia hội đồng biên tập. Trong giai đoạn này, tạp chí lưu trữ mọi thông tin minh chứng về ít nhất 50 người đặt mua dài hạn.

Giai đoạn 2: Xuất bản tại nhà xuất bản Sage

Tới năm 2008, tạp chí Millennial Asia bắt đầu tiếp cận với nhà xuất bản Sage. Đây là nhà xuất bản lớn của thế giới với nhiều văn phòng đại diện tại Mỹ, châu Âu, New Delhi. Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam Á của nhà xuất bản Sage đặt tại Singapore.

Để được nhà xuất bản Sage tiếp nhận, tạp chí Millennial Asia cần bảo đảm các điều kiện sau:

Thứ nhất, lập danh sách ít nhất 200 người đặt mua tạp chí dài hạn tạp chí do Sage phát hành, kèm bằng chứng cho thấy họ đã đặt tiền để mua.

Thứ hai, tạp chí phải có tên, tôn chỉ, mục đích (Scope and Aims) riêng, không trùng lặp với bất kỳ tạp chí nào đã có từ trước.

Thứ ba, tạp chí phải cung cấp các bằng chứng về quy trình biên tập khắt khe, gồm các bước như bình duyệt ẩn danh ít nhất hai lần (double blind review), tác giả chỉnh sửa theo ý kiến bình duyệt và nộp lại, các tiêu chuẩn khác về trích dẫn, độ trùng lặp, ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn, độ dài mỗi bài từ 7000 tới 8000 chữ.

Trong giai đoạn này, tạp chí Millennial Asia dần tăng kỳ, từ hai số lên ba số, và hiện nay là bốn số mỗi năm. Tạp chí Millennial Asia được nhà xuất bản Sage ghi nhận là xuất bản đúng kỳ hạn, hoàn thành nội dung trước kỳ hạn và sớm hơn hẳn các tạp chí khác của Ấn Độ.

Trong giai đoạn này, tạp chí Millennial Asia chỉ cần chịu trách nhiệm về nội dung, mọi khâu còn lại, như in ấn, phát hành, xuất bản bản giấy và bản điện tử, marketing, tổ chức các hội thảo, tọa đàm thường niên, chào bán tạp chí cho thư viện các trường đại học và viện nghiên cứu, là trách nhiệm của nhà xuất bản Sage. Sage chi trả mọi khoản, nhưng được hưởng lợi từ số tiền bán lượt tải bài báo. Ban biên tập không được hưởng lợi về tài chính, nhưng được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học do Sage hỗ trợ tổ chức.

Giai đoạn 3: Ghi danh tạp chí vào các danh mục lớn

Trong giai đoạn này, tạp chí Millennial Asia đã được đưa vào nhóm gần 150 tạp chí của nhà xuất bản Sage, và được các trường đại học và viện nghiên cứu mua để giảng viên, học viên dùng tài khoản do trường và viện cấp để tải về và sử dụng. Các chỉ số về số lượt người xem, số lượt tải xuống, số lượt trích dẫn là rất quan trọng, thể hiện uy tín của tạp chí. Đặc biệt, có một số bài báo đã được tải xuống trên 17000 lần, mang lại uy tín về học thuật cho tạp chí, và mang lại lợi nhuận lớn cho nhà xuất bản. Lúc này, các chỉ số đã đủ để tạp chí nộp hồ sơ để được các danh mục tạp chí công nhận. Sau nhiều năm được các danh mục tại Ấn Độ, tại châu Á ghi nhận, đến năm 2014, tạp chí Millennial Asia bắt đầu được xếp hạng trong danh mục Scopus.

Giáo sư Reena Marwah nhận định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện lợi thế để nâng tầm tạp chí lên theo chuẩn quốc tế.

Thứ nhất, Học viện đã xuất bản nhiều tạp chí bằng tiếng Anh, với cấu trúc bài viết tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, và có độ dài bài viết đang được nâng dần lên đến 7-8000 chữ.

Thứ hai, Học viện là cơ quan hàng đầu của Việt Nam tổ chức nghiên cứu một số chủ đề đặc thù mà Việt Nam có thế mạnh, và thế giới rất quan tâm, ví dụ: chủ đề nghiên cứu Hồ Chí Minh, chủ đề nghiên cứu chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, Học viện có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy có năng lực và quyết tâm để đưa các tạp chí lên chuẩn quốc tế. Giáo sư Reena Marwah sẵn sàng tư vấn, đồng hành cùng các tạp chí trong hệ thống Học viện, giúp các tạp chí kết nối với nhà xuất bản Sage, cũng như giúp đỡ về mặt kỹ thuật để bài viết nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sẵn sàng làm đầu mối kết nối các đơn vị trong và ngoài Học viện với các đối tác Ấn Độ, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nghiên cứu, giảng dạy, đối ngoại và nhiều lĩnh vực khác. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Giáo sư Reena Marwah nói riêng và các đối tác Ấn Độ nói chung để tăng cường trao đổi giao lưu chính trị, học thuật, văn hóa, đối ngoại, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ

Bấm vào đây để xem ảnh sự kiện tọa đàm.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục