Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa (Phần 2)

Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa (Phần 2)

Từ tháng 7 năm 1991, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức quyết định thực hiện chính sách cải cách theo hướng tự do hóa. Quyết định này có thể nói là bước chuyển cơ bản, một bước ngoặt trong chiến lược công nghiệp hóa nói riêng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Ấn Độ, đã và đang là một trong những yếu tố tạo đà cho kinh tế Ấn Độ cất cánh nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Chính nhờ thực hiện một cuộc cải cách mang tính cách mạng và toàn diện theo hướng tự do hóa, GDP của Ấn Độ đã liên tục tăng từ năm khởi đầu cải cách 1991 đến nay, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo và sức mạnh nền kinh tế.

02:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa

PGS, TS Đỗ Đức Định*

Một trong những mục tiêu hàng đầu của cuộc cải cách theo hướng tự do hoá ở Ấn Độ là nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các công ty và sản phẩn Ấn Độ. Để làm việc đó, Ấn Độ đã quyết định thực hiện những chuyển đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế. Một công trình nghiên cứu năm 1997 của Ngân hàng Thế giới về Ấn Độ[1] nhận xét: “Những phát triển tích cực cơ bản trong nền kinh tế Ấn Độ là những biến đổi cơ cấu quan trọng. Việc giảm bớt vai trò của các ngành công cộng, kể từ chương trình cải cách năm 1991, là một trong những thay đổi cơ cấu cơ bản nhất kể từ khi độc lập. Tự do hoá nền kinh tế đã mở ra cho khu vực tư nhân những lĩnh vực mà trước đây khu vực công nắm giữ như ngành công nghiệp nặng, ngân hàng, hàng không dân dụng, viễn thông, năng lượng, cầu cảng và đường xá. Quan trọng hơn là tự do hoá kinh tế đã giảm bớt những méo mó, lệch lạc và tăng tính cạnh tranh trong và ngoài nước”. 

Trong nông nghiệp, tính thương mại cũng được tăng cường, dẫn đầu bằng cây trồng có giá trị thương mại, hàng hoá nông nghiệp trở thành một trong những loại mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ. Trong ngành chế tạo, các công ty Ấn Độ đã tái đầu tư và nâng cấp các cơ sở công nghiệp của họ thông qua sự liên kết với các công ty nước ngoài, trong đó có sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia. Do cải tiến chất lượng sản phẩm, số lượng các công ty Ấn Độ nhận được chứng chỉ ISO 9000 đã tăng lên gấp hơn 10 lần. 

Việc cải cách ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ điển hình cho các công ty lớn của Ấn Độ dưới chương trình tự do hoá. Để nâng cao năng lực trong cạnh tranh quốc tế, các công ty này đã tăng đầu tư, cải tiến sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Các công ty Ấn Độ đã liên doanh với công ty nước ngoài, lắp đặt máy móc thiết bị mới, cải tiến quản lý, chuyển từ các dây chuyền sản xuất hàng loạt theo chức năng sang cơ cấu sản xuất theo đội. Công nhân ký hợp đồng lao động mới theo cơ chế tình nguyện nhằm giảm biên chế. Nhờ đó năng suất lao động đã tăng lên trên hai lần, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Mặc dù có nhiều cố gắng và thực tế đã đạt được một số tiến bộ, nhưng cải cách xí nghiệp công vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất trong quá trình cải cách ở Ấn Độ. Tuy các xí nghiệp công đã tăng được sức cạnh tranh, nhưng sự độc lập tự chủ của chúng vẫn bị hạn chế, làm giảm năng lực của giới quản lý trong việc tạo ra những cải cách cơ cấu cần thiết. Hơn nữa, cổ phần của Chính phủ trung ương vẫn rất cao (trong nhiều trường hợp chiếm tới 90%), kể cả trong các xí nghiệp hoạt động thương mại, làm cho hoạt động tài chính của xí nghiệp công rất khó cải thiện.

Cùng với những nỗ lực cải cách cơ cấu, chuyển đổi phương thức quản lý xí nghiệp công, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều chương trình cải cách vĩ mô, nhất là những cải cách trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng, tiếp đến là những cải cách về thương mại, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, và những thay đổi trong chính sách quản lý các bang, chính sách tư nhân hoá và cải cách thủ tục hành chính.

Một trong những khâu đột phá trong tiến trình cải cách của Ấn Độ là vừa nới lỏng vừa phát triển hệ thống thể chế trong lĩnh vực hoạt động tài chính - tiền tệ - ngân hàng nhằm tạo cơ hội cho các ngành kinh tế – xã hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư phát triển một cách vững chắc. Theo các nhà cải cách Ấn Độ, đây là khâu đóng vai trò quyết định đối với sự thành, bại và hiệu quả của cải cách. Với quyết tâm cải cách, Chính phủ Ấn Độ đã giảm dần sự kiểm soát chặt chẽ và can thiệp sâu trước đây, khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực ngân hàng, cho phép các ngân hàng nhà nước bán cổ phần, cổ phiếu ra thị trường tự do. Việc cấp vốn cho các dự án dài hạn, ngoài 3 tổ chức tài chính quốc gia còn có một số tổ chức tài chính của các bang và các khu vực được giao nhiệm vụ thực hiện. Các tổ chức tài chính này hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu và các dự án đầu tư có tính chất mạo hiểm. Nhờ cải cách, các hoạt động tín dụng, thuế, mua cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất, cấp vốn cho các dự án đầu tư và cả các hoạt động của thị trường chứng khoán ở Ấn Độ đã sôi động hơn nhiều so với trước cải cách, nhiều ngân hàng đã dần thích nghi với sự chuyển đổi của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng Ấn Độ đã được nâng cao.

Tuy những cải cách trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ đã tạo ra những khả năng phát triển năng động và thông thoáng hơn, giảm tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh tiền tệ, nhưng so với sự hoạt động của hệ thống ngân hàng ở nhiều nước châu Á khác, hệ thống ngân hàng Ấn Độ vẫn bị coi là kém tự do hoá. Mức độ tự quản của các ngân hàng công vẫn thấp, thêm vào đó vẫn nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi, chưa đáp ứng sự cạnh tranh ngày càng tăng của các ngân hàng tư nhân mới và các tổ chức tín dụng. Nhà nước vẫn can thiệp khá sâu vào các quyết định kinh doanh cơ bản của các ngân hàng thương mại, chưa loại bỏ nhiều hạn chế hiện hành và cho phép có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng tư nhân. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)

[1] “India: Sustaining Rapid Economic Growth”, WB Country Study, 1997, p.6.

* Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn:

Cùng chuyên mục