Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam (Phần 1)

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam (Phần 1)

Ấn Độ là một nước lớn với dân số trên 1,1 tỷ người, có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng ở châu Á. Là một quốc gia đang phát triển, nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao. Với sự năng động trong phát triển kinh tế và những tiềm lực nội tại đang có, Ấn Độ được đánh giá là một cường quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh ở khu vực châu Á và trên thế giới.

02:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam

 

PGS. TS. Đỗ Thị Thạch*
ThS. Lê Thị Thu Mai**

Đặt vấn đề

Ấn Độ là một nước lớn với dân số trên 1,1 tỷ người, có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng ở châu Á. Là một quốc gia đang phát triển, nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao. Với sự năng động trong phát triển kinh tế và những tiềm lực nội tại đang có, Ấn Độ được đánh giá là một cường quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh ở khu vực châu Á và trên thế giới. Sự phát triển và sức mạnh của Ấn Độ hiện nay đã góp phần nâng cao vị thế của châu Á, đặc biệt với khu vực Đông Á và Đông Nam Á - khu vực đang có sự phát triển kinh tế năng động của thế giới. Trong lịch sử phát triển của Ấn Độ, đến nay, nền dân chủ ở đất nước này có nhiều khác biệt với các nền dân chủ khác trên thế giới - nền dân chủ tồn tại tại một quốc gia nghèo với nhiều dân tộc và đa dạng về văn hóa. Bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội, Ấn Độ vẫn  tồn tại nhiều vấn đề như nghèo đói, nạn mù chữ, suy dinh dưỡng, tình trạng tham nhũng, bạo lực, khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đẳng cấp.... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này như từ thể chế nhà nước, từ thể chế dân chủ...

1. Hệ thống chính trị và tổ chức nhà nước Ấn Độ

Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang (là hình thức quốc gia bao gồm một số thành viên cá thể có chính phủ riêng hợp thành dưới một chính phủ thống nhất) và theo chế độ dân chủ đại nghị (là hình thức chính phủ được các đại diện của dân thành lập trên nguyên tắc thi hành chủ quyền nhân dân). Các đại diện được chọn bởi đa số cử tri trong cuộc bỏ phiếu tự do và bí mật, đa đảng.

Quốc hội Liên bang gồm hai viện: Thượng viện với 245 ghế và Hạ viện với 545 ghế. Thượng viện Ấn Độ (còn được gọi là “Hội đồng của các bang”, theo tiếng Ấn Độ là Rajya Sahba) là một cơ quan thường trực và không bị giải thể. Tuy nhiên, cứ 2 năm 1 lần lại có 1/3 số thượng nghị sĩ trong Nghị viện nghỉ hưu và được thay bởi các thành viên mới. Trong số 245 ghế trong Thượng viện, có 233 ghế đại diện cho các bang và vùng liên hiệp và 12 thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống. Bầu cử ra Thượng viện là gián tiếp; các thành viên được bầu ra bởi các thành viên đã được bầu cử của các cơ quan lập pháp của các bang. Mỗi thành viên Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm.

Hạ viện (còn được gọi là “Viện nhân dân”, theo tiếng Ấn Độ là Lok Shaba) có nhiệm kỳ kéo dài 5 năm nhưng có thể bị giải thể sớm hơn để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Số ghế trong Hạ viện được phân bổ một cách chặt chẽ dựa trên tỷ lệ dân số ở các tiểu bang. Phát ngôn viên được bầu chọn bởi chính các thành viên trong Hạ viện.

Một trong những nhiệm vụ chính của Nghị viện Ấn Độ là ban hành luật. Những dự thảo luật đã được cả hai viện thông qua sẽ được trình Tổng thống và chỉ chính thức trở thành điều luật khi đã được Tổng thống chấp thuận. Phạm vi ban hành luật của Nghị viện Ấn Độ được quy định trong Điều 7 của Hiến pháp Ấn Độ, trong đó có những lĩnh vực chính là quốc phòng, ngoại giao, giao thông vận tải, tiền tệ, ngân hàng, hải quan, thuế quan. Bên cạnh đó, dựa trên việc ban hành các nghị quyết, kiến nghị hay đưa ra chất vấn đối với bộ trưởng, Nghị viện có quyền lực kiểm soát và hỗ trợ các hoạt động bộ trưởng để lãnh đạo đất nước và bảo vệ quyền lợi của công dân.

Chính phủ Liên bang gồm có: Tổng thống, Phó Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng. Cũng giống như các quốc gia dân chủ khác, Ấn Độ theo mô hình tam quyền phân lập với ba nhánh chính phủ: Lập pháp, hành pháp và tư pháp ở mức độ bang và quốc gia. Các cơ quan này tồn tại song song và kiểm tra, giám sát  lẫn nhau. Theo mô hình này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia. Điều này mang lại sự bảo vệ để chống lại khả năng lạm quyền của chính phủ - một vấn đề mà mọi nền dân chủ phải đối mặt.

Trên thế giới nhiều quốc gia áp dụng mô hình trên, nhưng mỗi quốc gia khi áp dụng mô hình này vào hệ thống chính trị đều có những biến tấu khác nhau. Ở Ấn Độ có sự phân biệt chức danh thủ tướng (người đứng đầu chính phủ) và tổng thống (người đứng đầu nhà nước). Thủ tướng Ấn Độ là người đứng đầu Chính phủ của Cộng hòa Ấn Độ, đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng, được Tổng thống bổ nhiệm để giúp Tổng thống quản lý các công việc hành pháp của Ấn Độ. Thủ tướng đương nhiệm của Ấn Độ là ông Modi. Tổng thống Ấn Độ là nguyên thủ quốc gia, là đệ nhất công dân của Ấn Độ và là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang. Tổng thống được bầu bởi thành viên của đoàn bầu cử bao gồm các thành viên đã được bầu của cả hai viện và cơ quan lập pháp của Nhà nước với phân bổ phù hợp cho mỗi phiếu bầu. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm. Cùng với các nhánh quyền lực khác, Tổng thống có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp của đất nước nếu Tổng thống cho rằng an ninh quốc gia bị đe dọa bởi chiến tranh hoặc xâm lược, hoặc khủng bố. Khi có sự vi phạm hiến pháp hoặc chức năng của nhà nước có vấn đề thì Tổng thống có thể chịu trách nhiệm. Vai trò của Tổng thống ở Ấn Độ phần lớn là mang tính lễ nghi, với quyền hành pháp thực sự được trao cho Hội đồng bBộ trưởng, do Thủ tướng đứng đầu. Tổng thống đương nhiệm của Ấn Độ là ông Pranab MukherJee.

Phó Tổng thống được bầu do hai viện theo hệ thống đại diện cân xứng bởi trung bình của phiếu bầu cá nhân. Nhiệm kỳ của Phó Tổng thống cũng là 5 năm. Phó Tổng thống là Chủ tịch bên ngoài của Thượng viện.

Hội đồng Bộ trưởng bao gồm Bộ trưởng, Bộ trưởng các bang và các Thứ trưởng. Thủ tướng đưa ra tất cả các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng liên quan đến các vấn đề hành chính và đưa ra đề xuất về dự luật lập pháp trình Tổng thống. Về tổng thể thì mỗi cục hành chính có một cán bộ được phân công như là thư ký của Chính phủ Ấn Độ, tư vấn cho các bộ trưởng về các vấn đề chính sách và hành chính. Văn phòng Thủ tướng có vai trò điều phối quan trọng trong các quyết định ở cấp cao nhất và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Cơ quan lập pháp của Liên bang, gọi là Quốc hội, bao gồm Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện. Tất cả các dự luật đòi hỏi sự đồng thuận của cả hai viện của Quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân sách thì ý chí của Hạ viện luôn chiếm thế đặc quyền.

Ấn Độ áp dụng chế độ đa nguyên đa đảng. Các đảng phái chính trị ở quốc gia này phải đăng ký với Ủy ban Bầu cử - cơ quan sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xác nhận các chương trình và hoạt động của đảng đó có phù hợp với hiến pháp và không xâm phạm đến chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ hay không.

Ở Ấn Độ có 7 đảng phái chính trị ở cấp quốc gia, trong đó có hai đảng lớn là Đảng Quốc đại và Đảng Nhân dân Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ còn có 47 đảng khu vực và khoảng 400 đảng nhỏ khác. Tất cả các đảng phái này đều cùng nhau đua tranh để giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử được coi là lớn nhất và dài nhất thế giới. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ thực chất chỉ là cuộc đua song mã giữa Đảng Quốc đại và Đảng Nhân dân Ấn Độ. Đảng Quốc đại là một trong những chính đảng dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập vào năm 1885. Đảng này đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ, với hơn 15 triệu đảng viên và 70 triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân Anh. Sau độc lập năm 1947, Đảng Quốc đại trở thành chính đảng chủ yếu ở Ấn Độ, gần như luôn luôn được lãnh đạo bởi gia đình Nehru Gandhi. Hiện nay, Đảng Quốc đại đã trở thành một đảng có tính chất toàn cầu với mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng người Do Thái Ấn Độ tại Mỹ, châu Âu và các nước khác.

Đảng Nhân dân Ấn Độ được thành lập vào năm 1980, tiền thân là một nhóm ly khai của Đảng chính trị Janata. Đảng này có mối liên hệ với Swayamsewak Rashtriya Sangh – một tổ chức được thành lập năm 1925 với mục đích tuyên truyền nội dung và giá trị của Hinđu giáo. Các nhà phân tích nhìn nhận Đảng Nhân dân Ấn Độ là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hinđu giáo với tham vọng quốc tế và chủ trương phát triển Ấn Độ thành một cường quốc về hạt nhân.

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật

(Xem tiếp phần 2)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục