Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) (Phần 1)

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) (Phần 1)

03:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ

(Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng)

PGS, TS Lê Văn Toan*

Khi bàn về giá trị văn hóa của một địa danh, một vùng miền cụ thể, cần phải khảo chứng, xem xét địa danh, vùng miền đó và những khu vực có liên quan trên nhiều bình diện: địa lý tự nhiên, lịch sử, đặc biệt là con người – nhân vật trung tâm tạo tác nên giá trị văn hóa địa danh, vùng miền đó. Từ cách tiếp cận đó, khi bàn về giá trị văn hóa của Trung tâm Phật giáo Câu Lâu, mà chùa Đót Sơn, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là một điểm nhấn, cần lý giải những khoảng trống về mặt khoa học sau: 1/Đạo Phật hoằng dương chính pháp vào thời gian nào? 2/Đạo Phật du nhập vào Việt Nam vào thời gian nào và địa danh nào ở Việt Nam tiếp nhận Phật giáo đầu tiên; 3/ Giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Đót Sơn, Tiên Lãng, Hải Phòng và một số kiến nghị.

Trong phạm vi một bài nghiên cứu, tôi chỉ nêu khái quát những gì đã và đang tìm tòi, gặt hái được trong những nội dung trên.

1. Về niên đại Đạo Phật hoằng dương chính pháp

Hoàng đế của đế quốc Mauryan (273-232 trước Công Nguyên) là A Dục Vương (Asoka Đại Đế). Ông là vị vua đầu tiên của nước Ấn Độ cổ đại, là người ủng hộ sự hình thành, phát triển và lưu truyền Phật giáo. Ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong bộ sách Đạo Phật và dòng sử Việt1, Hòa thượng Thích Đức Nhuận cho rằng: “… Phật giáo được 218 năm, thánh quân Asoka hết lòng hoằng dương chính pháp và đã thực hiện được ba việc lớn:

(1) Triệu tập Đại hội kết tập kinh điển kỳ III;

(2) Dựng tháp thờ Phật và xây tu viện;

(3) Thành lập phái đoàn tăng sĩ hoằng pháp.

Được sự hỗ trợ tích cực của vua A Dục (Asoka) và Đại lão Hòa thượng chủ tọa Moggaliputta Tissa, sau khi kết tập kinh điển lần thứ III, Phật giáo đã cử chín đoàn tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước Ấn Độ để hoằng dương chính pháp. Trong đó, ngài Sona và Uttara dẫn đầu đoàn thứ tám đến các vùng Kim địa, bao gồm các nước Miến Điện, các nước Đông Dương và Mã Lai, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, thời kỳ vua A Dục cử chín đoàn truyền giáo đi khắp nơi là khoảng thế kỷ thứ II, thứ III trước Công Nguyên.

2. Thời gian và địa điểm đạo Phật du nhập vào Việt Nam

Về niên đại, thời kỳ Asoka cử đoàn đi truyền giáo sang Đông Nam Á trùng với thời kỳ cuối của văn hóa Đông Sơn – cuối thời đại Hùng Vương và đầu thời kỳ An Dương Vương. Nhưng khi nào Đạo Phật du nhập vào Việt Nam? Thật khó xác định thời gian cụ thể.

Từ các truyện cổ tích Việt Nam, ta thấy, truyện Tấm Cám, khắc họa hình ảnh ông Bụt nhiều lần hiện lên, cứu độ cho cô Tấm hiền lành; truyện Trầu Cau kết thúc bằng sự luân hồi thác sinh thành cây, thành đá; truyện Cây Nêu và Tấm áo Cà sa – tấm áo của Đức Phật,v.v. cho thấy, từ rất lâu trong lịch sử dân tộc, người Việt đã tiếp nhận sâu sắc giáo lý Nhân Quả, Luân Hồi, Nghiệp Báo của Đạo Phật, những triết lý bàn về cái khổ và phương pháp diệt khổ từng bước thấm nhuần tự nhiên, gần gũi trong tâm tưởng con người Việt Nam thời cổ đại.

Khảo cứu từ các sử liệu, nhiều học giả cho rằng, Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường, đường biển từ phương Nam và đường bộ từ phương Bắc. Việt Nam là đất nước nằm dọc theo bờ Biển Đông, do vậy, đi đường biển thuận lợi hơn nên Phật giáo từ Ấn Độ du nhập trực tiếp vào Việt Nam sớm hơn rất nhiều từ phương Bắc.

Sách Đạo giáo nguyên lưu của Thiền sư Ân Thiền (thế kỷ XIX), trong chương “Hùng Vương Phạm Tăng” đã bàn riêng về Phật giáo Hùng Vương, liên hệ gần gũi với Phật giáo thời Đại Đế Asoka.

Tác giả Lê Mạnh Thát, trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam – từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, cho rằng: “Phật giáo đã đặt nền móng tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, sư dạy đạo đầu tiên là sư Phật Quang, phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử”2. Hai tác giả, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, khi khảo về sách Lĩnh Nam chích quái, đều cho rằng, Chử Đồng Tử là ông tổ của Đạo Phật Việt Nam. Ông là người làng Chử Xá, xã Văn Đức, nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội3.

Theo sách Lĩnh Nam chích quái4, Tiên Dung, Công chúa Vua Hùng thứ 18 và Chử Đồng Tử gặp một đại thương gia dùng thuyền đi buôn và nói: “Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quý, sang năm có thể thành mười dật”. Ngoài biển có hòn đảo tên là Quỳnh Viên (có sách ghi là Quỳnh Vi). Người đại thương gia và Chử Đồng Tử đã ghé thuyền vào đảo để lấy nước ngọt. Nơi đây có một am và có một vị tăng sĩ tên là Phật Quang (có sách ghi là Ngưỡng Quang). Đồng Tử được vị tăng sĩ Phật Quang thuyết pháp và truyền pháp khí là “chiếc gậy và cái nón lá” rồi bảo rằng: “những cái ấy làm chìa khóa cho mọi năng lực thần bí”. Theo các tác giả Đồng Hồng Hoàn và Trịnh Minh Hiên trong bài viết Thành Nê Lê - Đồ Sơn thời Asoka thì địa danh Quỳnh Viên – núi Quỳnh trong Lĩnh Nam chích quái nói đến tức là núi Mẫu (hay còn gọi là núi Ngọc, núi Tháp ở Nê Lê, Đồ Sơn, Hải Phòng,… Truyện Chử Đồng Tử học Đạo Phật ở Nê Lê – Đồ Sơn, đến việc cứu con Bà Đa thoát chết ở trang Minh Liễn là hoàn toàn hợp lô gích về truyền thuyết, lịch sử, địa lý Đồ Sơn như: sông, nhánh sông, địa điểm thờ cúng,… chùa Hang – Đồ Sơn và miếu Bà Đa.

Sách Thiền Uyển tập anh5 có chép câu chuyện đối đáp giữa Quốc sư Thông Biện (Trí Không) trả lời câu hỏi của bà Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, tức Ỷ Lan Nguyên phi về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam. Sau đó, Trí Không còn dẫn lại lời pháp sư Đàm Thiên Trung Quốc khi vua Tùy Cao tổ (581-604)6 ngỏ ý với pháp sư Đàm Thiên là muốn làm chùa tháp ở Giao Châu và tuyển danh tăng sang hoằng hóa… Pháp sư tâu: “Xứ Giao Châu có tường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (Liên Lâu) đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp; độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi”. “Như vậy là Phật giáo đã được truyền đến Giao Châu trước nước ta (Trung Quốc). Hồi ấy đã có các vị cao tăng như Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác,v.v. cư trú tại đó”. Từ chứng cứ trên, Trần Văn Giáp nêu giả thuyết rằng: “Thuyền buôn Ấn Độ sang Quảng Châu có ghé Giao Châu mua bán hàng hóa. Nhà tu hành đi theo làm công việc cúng lễ trên tàu biển và chữa bệnh dọc đường. Khi vào Giao Châu, thầy tu lên chữa bệnh cho dân bản xứ và giảng đạo”7. Sau này, trong các công trình nghiên cứu liên quan, các tác giả Mật Thể, Hoàng Xuân Hãn, Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát đều nhất trí với giả thuyết của Trần Văn Giáp. Đặc biệt, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh)8, Lê Mạnh Thát9, Bùi Văn Nguyên đã minh chứng xác đáng rằng, Phật giáo theo đường biển từ phương Nam truyền giáo vào Giao Châu sớm hơn theo đường bộ từ phương Bắc truyền xuống, vì đi đường biển nhanh hơn và thuận lợi, an toàn hơn. Bùi Văn Nguyên còn nêu giả thuyết về hai con đường thỉnh Kinh ngày xưa: 1/Từ chùa Dâu (Luy Lâu, Bắc Ninh) qua Ninh Bình hoặc Hòa Bình và miền Thanh Hóa sang Sầm Nưa – Lào. Từ Sầm Nưa đi Tích Lan - Ấn Độ. Đây là con đường thỉnh Kinh của quận Giao Chỉ cũ. 2/Chùa Hương Tích – Nghệ Tĩnh đi Linh Cảm qua Na Phê – Lào. Từ Lào đi Tích Lan - Ấn Độ. Đây là con đường thỉnh Kinh của quận Cửu Chân cũ10. Hồi ấy, Giao Châu là một trung tâm truyền bá Đạo Phật rất lớn mà Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) là thủ phủ. Từ trung tâm Luy Lâu, Phật giáo truyền sang trung tâm Bành Thành, sau đó đến trung tâm Lạc Dương ở Trung Quốc. Điều này chứng tỏ trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước trung tâm Phật giáo Bành thành và Lạc Dương. Như vậy, trung tâm Phật giáo Luy Lâu đóng vai trò trung gian truyền bá đạo pháp. Các vị sư Ấn Độ, Trung Á muốn đến Trung Quốc thì phải đến Luy Lâu một thời gian để học tập Hán ngữ; còn các vị sư Trung Quốc muốn qua Ấn Độ học tập thì trước tiên phải đến Luy Lâu để học Phạn ngữ. Lúc này, Luy Lâu nổi tiếng là một trung tâm dịch kinh Phạn ngữ sang Hán ngữ và truyền bá Phật học.

Các tác giả Trần Văn Giáp, Mật Thể, Hoàng Xuân Hãn, và Henri Maspéro và P. Pelliot đều căn cứ theo sách Thiền uyển tập anh, cho rằng, Mâu Bác (thế kỷ thứ II), Khương Tăng Hội (thế kỷ thứ III), Ma Ha Kỳ Vực (thế kỷ thứ III), Chi Cương Lương (thế kỷ thứ III) là bốn vị sư đầu tiên truyền đạo ở Việt Nam. Theo các tài liệu lịch sử Phật giáo thì Mâu Bác và Khương Tăng Hội tuy là người nước ngoài, nhưng đã sống và xuất gia học đạo, viết sách, dịch Kinh Phật tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, thời gian ấy, Đạo Phật đã truyền và bắt đầu thịnh hành, phát triển mạnh ở Việt Nam rồi, nên hai vị này mới có điều kiện quy y, thọ giới và học Đạo tại Giao Châu. Chính khi viết và đề tựa chú giải Kinh sách, Khương Tăng Hội đã đề cập đến Thiền học và phương pháp Thiền quán. Về sau, ông còn truyền bá Đạo Thiền sang tận Kinh đô Kiến Nghiệp của Đông Ngô Trung Quốc vào năm Xích Ô thứ hai, năm 247.

Như vậy, từ những sử liệu đã dẫn, có thể khẳng định rằng:

- Đạo Phật từ Ấn Độ trực tiếp truyền sang Việt Nam bằng đường biển sớm nhất có thể vào thời kỳ Asoka (thế kỷ thứ III, II trước Công Nguyên), thời kỳ này, trong lịch sử Việt Nam là thời kỳ Vua Hùng.

- Địa danh mà Đạo Phật du nhập, truyền bá đầu tiên ở Việt Nam vào thời vua Hùng là Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các sử liệu, địa lý học, khảo cổ học, Đồ Sơn, Hải Phòng thời vua Hùng là bộ Dương Truyền, thời thuộc Hán là quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu, đời thuộc Tấn thuộc lộ Hải Đông, thời thuộc Minh là đất của phủ Tân An, đến thời Lê Quang Thuận mới đặt vào phủ Kinh Môn. Các di chỉ khảo cổ học ở Kiến An, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, Hải Phòng cho thấy, vùng đất này bao bọc 9 ngọn núi Đồ Sơn nhô ra biển, tạo nên giá trị văn hóa khảo cổ phong phú ở Hải Phòng vào thời tiền sử. Trầm tích văn hóa Đông Sơn ở vùng này đã ghi rõ dấu ấn văn hóa biển của nước Văn Lang, Âu Lạc thời Vua Hùng.

- Đạo Phật được truyền trực tiếp từ Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường biển đến Đồ Sơn, Hải Phòng trước khi được truyền đến Trung Quốc. Đồ Sơn, Hải Phòng là nơi giao thương sầm uất của đất nước thời vua Hùng. Từ đây, có thể đi theo sông Thái Bình hay đi lối cửa sông Văn Úc (lấy núi Voi làm mốc) vào đất liền hay ra biển vào cửa sông Bạch Đằng lên thành Luy Lâu, Kẻ Chợ, phố Hiến rất thuận lợi. Đây cũng là con đường mà Chử Đồng Tử truyền phát Đạo Phật từ Đồ Sơn, Hải Phòng đến Phố Hiến, Kẻ Chợ, Thăng Long, Luy Lâu, Bắc Ninh, tạo tiền đề đầu tiên khởi phát, hình thành nên kinh đô Phật giáo Luy Lâu, từ Luy Lâu du truyền Phật giáo sang Bành Thành, Lạc Dương, Trung Quốc. Điều này không những nhà sư Đàm Thiên, Trung Quốc khẳng định với Vua Tùy Cao Tổ (581-604), mà các học giả Trung Quốc thế kỷ XX như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan cũng đã thừa nhận trong các công trình của mình11. (Xem tiếp phần 2)


* Giảng viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục