Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) (Phần 2)

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) (Phần 2)

03:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Phần 1)

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ

(Trường hợp Chùa Đót Sơn, Xã Cấp Tiến, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng)

PGS, TS Lê Văn Toan*

3. Giá trị văn hóa, lịch sử chùa Đót Sơn, Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng và một số kiến nghị

Chùa Đót Sơn, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là một ngôi chùa tối cổ có nhiều tên gọi (Chuyết Sơn, Non Đông, Đót Sơn), xưa nằm trong vùng đất thuộc tổng Kinh Lương, một phần của vùng văn hóa Câu Lâu thời cổ đại. Vùng đất này nằm trong cửa biển, nơi dễ có điều kiện tiếp nhận sự du nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa với thế giới và trung chuyển những giá trị kinh tế, văn hóa đến các vùng miền trong khu vực.

Cùng với các thời kỳ lịch sử, chùa có nhiều tên gọi khác nhau:

- Giai đoạn đầu, khi hình thành, chùa có tên gọi Chuyết sơn tự, tiếng Phạn là Juisan, với nghĩa là nơi bắt đầu của ánh sáng, ở đây, với lớp nghĩa: chùa là nơi tiếp nhận và tỏa sáng ánh sáng tư tưởng Phật giáo. Sau đó, chùa có tên là Non Đông, với nghĩa gốc là núi ở phía Đông, hay nơi thuộc vùng phía Đông của đất nước. Đến năm 1491, khi Lê Thánh Tông vi hành đến vùng này, tức cảnh bài thơ có câu: “Đót Sơn tên gọi/ Sải vải dựng xây/ Vẹn tròn tượng Phật/ Nền phúc căng đầy…” thì chùa có tên gọi Đót Sơn từ đó đến nay. Tên gọi đọc là “Đót” hay “Đốt”, vốn là một từ, được đọc chệch âm trong quy luật ngữ âm tiếng Việt (giống như các âm “chủ” hay “châu” trong Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh, “trời” thay “giời”, “trăng” hay “giăng”,… đều là một đối tượng, nhưng các âm đọc khác nhau). Từ “Đót” hay “Đốt” đều có nghĩa gốc là một “mắt” trong “mắt xích”; cây tre, cây nứa, cây luồng… có từng đốt… với nghĩa rộng, tức là một mắt khâu trong một chuỗi, một quy trình. Lê Thánh Tông đặt tên chùa là “Đót Sơn Tự”, phải chăng ông muốn gửi hàm ý, ngôi chùa này là một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống chùa thời kỳ đầu Đạo Phật du nhập và phát triển ở Việt Nam?

Qua các tên gọi của chùa từ khi bắt đầu xây dựng từ thời kỳ thuộc nhà Lương (Trung Quốc) thế kỷ thứ VI đến nay, chùa Đót Sơn luôn là nơi hội tụ và lan tỏa tư tưởng Phật giáo ở Việt Nam. Qua tư liệu hệ thống văn bia ở chùa12, qua hệ thống thần phả, thần tích, thần sắc, đạo sắc,… về làng Kinh Lương, tổng Kinh Lương – nay là thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng13, cũng như qua các sử liệu, dư địa chí Hải Phòng và các di tích hiện tồn như nền chùa cũ, gian nhà bếp của chùa, cây Bồ Đề nghìn năm tuổi, v.v., chúng ta có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chùa Đót Sơn và vùng đất Kinh Lương là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh không những của riêng huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, mà còn là di tích lịch sử văn hóa, danh thắng của Việt Nam như văn bia Tân Tạo Bồ Đề La Hán Bi Ký từng viết:

“Danh viết Đót Sơn,

Việt Nam cảnh đẹp,

Hưng công xây dựng”.

Từ xưa, vùng đất Kinh Lương đã trở thành trung tâm Phật giáo xứ Đông, gắn liền với Đức Tổ Huyền Quang và là kinh đô của Pháp môn Tịnh Độ Thiền Tông. Nơi đây là vùng văn hóa hướng biển, tạo lợi thế giữ biển.

Theo các sử liệu về vùng Tiên Lãng, Hải Phòng cũng như những ghi chép trong sách Giọt nước của dòng sông do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2004, và rất nhiều truyện kể trong nhân dân, thì vùng Kinh Lương, chùa Đót, ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa, nơi đây còn là căn cứ địa cách mạng, góp phần đảm bảo an ninh cho vùng Tiên Lãng, và cả vùng Liên Khu Ba, Quân khu Tả Ngạn sông Hồng giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946-195414.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, cũng như một số di tích khác ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chùa Đót Sơn bị tàn phá, mai một, cho đến nay, những gì được Nhà nước công nhận bằng văn bản cho di sản ở Kinh Lương, mang hồn của văn hóa Câu Lâu – Đò Mè (Domea) là ngày 15-3-2015, nhà nước đã cấp bằng vinh danh cho cây Bồ Đề ở chùa Đót Sơn là Cây Di sản Việt Nam. Từ năm 2009, sau khi được cấp giấy phép xây dựng, công việc phục dựng chùa Đót Sơn đã từng bước được triển khai. Với bao nhiêu công sức của chính quyền và nhân dân xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, cũng như của các nhà hảo tâm thiện nguyện, đến nay, hình dáng một chùa Đót Sơn mới đã được hình thành. Đối với việc khôi phục một di sản văn hóa thì đây là bước khởi đầu, đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng không phải như vậy là xong. Còn bao nhiêu việc cần tiếp tục triển khai. Đơn cử như việc tiếp tục sưu tầm nguồn tư liệu (tư liệu khảo cổ, tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm) trong khoảng thời gian hai nghìn năm dựng nước và giữ nước ở vùng quê vốn là địa linh nhân kiệt như Tiên Lãng, Hải Phòng là công việc không đơn giản, đầy phức tạp, khó khăn, nhưng việc làm được thì kết quả sẽ rất lớn, là việc làm “nhất cử lưỡng tiện”. Một là, những nguồn tư liệu này có tính quyết định cho việc vinh danh di sản văn hóa chùa Đót Sơn, cũng như Đống Dõi, Mâu Trúc, Đồng Khoán; Hai là, tập hợp được bộ sưu tập lớn các tư liệu về một vùng miền, làm phong phú nguồn tư liệu quốc gia, góp phần nghiên cứu và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa, văn minh Đại Việt được thế giới xếp vào một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại.

Khi đánh giá về những tư tưởng văn hóa ngoại nhập vào Việt Nam, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Dân tộc ta có hai lần nhảy vọt về tư tưởng: lần đầu dân tộc ta gặp Phật giáo; lần thứ hai gặp Chủ nghĩa Mác Lê nin”15.

Cố Tổng Bí thư đánh giá rất cao về tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Mác Lê nin. Điều này được chứng minh bằng những cứ liệu không thể chối cãi, đó là, Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã hơn 2.000 năm, luôn đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, nhân dân Việt Nam vẫn rất trân trọng, giữ gìn và phát triển Phật giáo.

Chùa Đót Sơn cùng với vùng văn hóa Câu Lâu, Đò Mè là nơi đầu tiên tiếp nhận, tiếp biến văn hóa Phật giáo không lẽ nào lại không được trân trọng phát triển? Câu hỏi trên đang cần các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền vào cuộc và cần rất nhiều nhà  khoa học dày công tìm tòi, khảo nghiệm, đặng góp phần minh giải khoa học tương đối đầy đủ về vùng văn hóa tâm linh, văn hóa hướng biển, giữ biển ở Tiên Lãng, Hải Phòng./.

Chú thích

  1. Thích Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, trong​ https://thuvienhoasen.org/a11495/dao-phat-va-dong-su-viet-hoa-thuong-thich-duc-nhuan
  2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
  3. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn học, H., 1990.
  4. Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, Nxb. Văn học, H., 1992.
  5. Thiền Uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ký hiệu A.3144, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
  6. Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao và tôn giáo đời Lý, (Tập 2, 1950), chép là Tùy Cao Đế.
  7. Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam des origins au XLLLe Siécle; BEFE, HN, 1932.
  8. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Tập 2, Lá Bối, SG, 1972, 1973, tái bản, 1977, 1978.​
  9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb, Khoa học xã hội, H.N., tái bản 1994.
  10. Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, bản in roneo, Tre thư Phật học Vạn Hạnh, tp.Hồ Chí Minh, 1976.
  11. Bùi Văn Nguyên, Kiến thức bổ trợ cho môn văn học cổ Việt Nam, Bài giảng lớp cao học văn học Việt Nam, bản in roneo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1977.
  12. Sách Hậu Hán thư của Trung Quốc ghi rõ là tăng sĩ từ Giao Châu đến hạ lưu sông Dương Tử bằng đường biển.​
  13. Hồ Thích trong Hồ Thích luận học cận, cho rằng, vào thế kỷ đầu Công Nguyên, các tăng sĩ từ Giao Châu đến truyền đạo ở Vũ Châu, Quảng Tây rồi đến Quảng Đông, sau đó vượt núi đi đến miền hạ lưu sông Dương Tử.​ Xem thêm: Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, trường Đại học Sư phạm Huế xuất bản, 1966.
  14. Tư liệu văn bia chùa Đót Sơn hiện lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ xưa và ngày nay ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm như: Hoàng Đồ Củng Cố Đót Sơn Tự Di Đà Phật Bi (1491); Tạo Thạch Phật Bi (3-5-1584); Tín Thí (9-6-1646); Tân Tạo Thiên Đài Trụ (5-1683); Tân Tạo Kế Giai Hậu Phòng Hành Lang Bi (4-1688); Tân Tạo Bồ Đề La Hán Bi Ký (5-1692);…
  15. Tư liệu thần phả, thần tích, thần sắc, đạo sắc còn lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như: Việt Thường thị Đinh Triều khai quốc đại hữu luân lao khả gia thần tước tam vị Đại vương ngọc phả cổ lục (Ngọc phả ba vị Đại vương là bậc khai quốc có công lao lớn được phong thần tước Triều Đinh họ Việt Thường) (1572); Có khoảng 13 Đạo sắc phong của các vua đời Nguyễn như: Các Đạo sắc số 5 (ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái nguyên niên 1889), Đạo sắc số 6 (1889), Đạo sắc số 8 (ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9-1924), v.v..
  16. Xem bài: “Khôi phục, phát triển di sản văn hóa lịch sử Đót Sơn, xã Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng” của tác giả Phạm Thắng.
  17. Lê Duẩn, Chế độ mới, kinh tế mới, con người mới, bài nói chuyện với Bộ Biên tập báo Nhân dân, tháng 12-1972.

* Giảng viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục