Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhìn về Hướng Đông đến Hành động Hướng Đông: Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam

Nhìn về Hướng Đông đến Hành động Hướng Đông: Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam

03:52 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhìn về Hướng Đông đến Hành động Hướng Đông: Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam

Shristi Pukhrem*

Ấn Độ và Đông Nam Á, mặc dù có lịch sử chung về văn hóa và giao thương, nhưng lại có những ưu tiên khác nhau ở nhiều lĩnh vực như địa chính trị và địa kinh tế trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh. Giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh đã chứng kiến sự chuyển dịch của chính trị quốc tế, quan hệ của Ấn Độ và ASEAN cũng dần dần cải thiện, tạo điều kiện cho hợp tác song và đa phương ở những lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho cả hai khu vực. Ấn Độ triển khai Chính sách cải cách kinh tế năm 1991 và sau đó là chính sách Nhìn về hướng Đông – một sáng kiến đối ngoại năng động thể hiện rõ ràng và tích cực lợi ích thiết thực của Ấn Độ trong hợp tác kinh tế và chiến lược với các nước Đông Nam Á. Các quốc gia ASEAN cũng bắt đầu nhìn về hướng Tây trong thời kì khủng hoảng kinh tế châu Á cuối những năm 1990. Sự chuyển đổi chiến lược của chính sách đối ngoại Ấn Độ, mà kết quả là chính sách Nhìn về hướng Đông, và sự thay đổi trong nhận thức của ASEAN về Ấn Độ (như là một tác nhân chính ở châu Á) đã củng cố quan hệ hai bên. Chiến lược của Ấn Độ là tạo chỗ đứng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện tiềm năng kinh tế của mình nhằm thu hút đầu tư và thương mại mà không thể hiện tham vọng bá chủ. Điều này giúp hình ảnh của Ấn Độ thân thiện hơn đối với các nước ASEAN. Mở đầu kỷ nguyên mới, khi ý tưởng thiết lập sự kết nối thật sự với Đông Nam Á được thúc đẩy, Ấn Độ đang thực hiện giai đoạn hai của chính sách Nhìn về hướng Đông, với phạm vi lớn hơn gồm cả hợp tác an ninh, vận tải trong khu vực, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quan hệ thương mại, khai thông về phía Đông Bắc, khu vực không những có tiềm năng kinh tế dồi dào mà còn sở hữu vị trí địa lý chiến lược ở Đông Nam Á. Chính sách này cũng báo trước rằng quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho khu vực Đông Bắc, đồng thời giảm bớt xung đột chẳng hạn như tình trạng nổi loạn. Do đó, chính sách Nhìn về hướng Đông của Ấn Độ không nhất thiết phải là chiến lược đối trọng với Trung Quốc hoặc nhằm khẳng định vai trò quan trọng của mình ở Đông Nam Á. Nói tóm lại, chính sách Nhìn về hướng Đông, mà hiện giờ đã trở thành chính sách Hành động hướng Đông, là một sáng kiến đa diện và đa chiều ở Đông Nam Á giúp Ấn Độ đạt được những bước tiến lớn.

Chính sách Nhìn về hướng Đông đã giúp Ấn Độ trở thành một phần không thể tách rời trong diễn ngôn chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách ngoại giao khôn khéo đã giúp Ấn Độ theo đuổi chính sách Nhìn về hướng Đông của mình, phát triển những mối quan hệ đa diện, triển khai ngoại giao quốc phòng đạt hiệu quả, và hợp tác với các quốc gia trong khu vực về an ninh và kinh tế. Chính sách ngoại giao hội nhập của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á cũng phản ánh được sự phát triển của chính sách Nhìn về hướng Đông. Kết nối với ASEAN ở mọi khía cạnh – vật chất, thể chế, con người với con người, tiếp tục là ưu tiên chiến lược của Ấn Độ. Quan hệ đối tác cấp Hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Ấn Độ đã cho thấy mối quan hệ này đang tiến triển theo chiều hướng mong muốn. Trên thực tế, quan hệ Ấn Độ– ASEAN không còn là ưu tiên đơn thuần của Ấn Độ.

Khu vực Đông Nam Á là trọng tâm của chính sách ngoại giao, mối quan tâm chiến lược cũng như lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Myanmar đã tham gia vào ASEAN, Ấn Độ chia sẻ biên giới đất liền với ASEAN, biên giới biển với Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Bắc cũng đang dần trở thành một đầu cầu quan trọng. Ấn Độ coi ASEAN là hạt nhân của một Đông Nam Á năng động. Ấn Độ quan ngại về tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc cũng như an ninh hàng hải khu vực. Giao thương với thế giới phụ thuộc chủ yếu vào đường biển, nên quan điểm của Ấn Độ về ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập trật tự an ninh đa phương trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong quan hệ với ASEAN, Ấn Độ và Việt Nam cũng có mối liên hệ thân thiết nhờ cùng có lịch sử đấu tranh chống chế độ thực dân. Thêm vào đó, hai nước cũng có nhiều nét văn hóa tương đồng. Vương quốc Champa cổ xưa ở Việt Nam ngày nay chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa và phong tục Ấn Độ. Chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam đầu tháng 9/2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam là một thành tố thiết yếu của chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ nhằm thắt chặt kết nối lịch sử với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á. Chính sách “Nhìn về hướng Đông” đã được đổi thành chính sách “Hành động hướng Đông” sau khi thủ tướng Modi nhậm chức vào tháng 5/2014.

Việt Nam cũng rất quan trọng đối với Ấn Độ về các mối liên kết. Sau cuộc bầu cử chính phủ dân sự ở Myanmar, Ấn Độ và Việt Nam có nhiều cơ hội kết nối với nhau hơn thông qua Myanmar cũng như những tuyến vận tải có sẵn ở Campuchia và Lào. Đường cao tốc ba nước Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan sẽ cho phép hàng hóa Ấn Độ tới Đông Nam Á và ngược lại một cách dễ dàng hơn. Trong tương lai, đường cao tốc này còn có thể kết nối với những cung đường có sẵn khác như con đường nối Thái Lan và cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là bức tường thành ngăn cản sự thống trị của bất kì một quốc gia riêng lẻ nào trong khu vực. 

Khía cạnh văn hóa trong quan hệ hai nước cũng rất mạnh mẽ, với việc Phật giáo thấm nhuần vào Việt Nam từ vùng đất khai sinh ở Ấn Độ. Việt Nam có rất nhiều người theo đạo Phật và họ cũng tới thăm các đền thờ Phật ở Ấn Độ. Như thủ tướng Modi đã phát biểu trong chuyến viếng thăm gần đây của mình, “Một số người tới đây với ý đồ gây hấn. Còn chúng ta từ lâu đã tới đây mang theo thông điệp hòa bình.”

Cũng trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi, hai nước đã quyết định nâng quan hệ từ “đối tác chiến lược” thành “đối tác chiến lược toàn diện.” Mặc dù đây là chuyến thăm cấp thủ tướng đầu tiên của lãnh đạo Ấn Độ sau 15 năm, hai nước đã trở nên gắn bó hơn trong những năm gần đây. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã thăm Việt Nam vào tháng 9/2014 và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đáp lễ tới Ấn Độ vào tháng 10 cùng năm. Chiều hướng đi lên của hợp tác Ấn Độ–Việt Nam từ những năm 1990 chứng tỏ hai nước đã trở thành đối tác quan trọng trong kỷ nguyên châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự cần thiết phải duy trì và củng cố hơn nữa động lực hợp tác hiện tại. Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau ở mức cao hơn nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Việc củng cố quan hệ chiến lược với Việt Nam báo hiệu rằng, Ấn Độ sẽ trở thành nhân tố chính trong cấu trúc an ninh mới của châu Á, đồng thời tiếp tục quan hệ với Trung Quốc và các nước châu Á khác với sức mạnh tương đương. Ấn Độ cần sẵn sàng nắm bắt các cơ hội hợp tác kinh tế và quốc phòng với Việt Nam. Cho đến nay, hợp tác quốc phòng và an ninh đã được chú trọng. Trong chuyến thăm của mình tới Ấn Độ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dừng chân tại thành phố Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở bang Bihar trước khi tới New Delhi dự hội nghị. Hành động tượng trưng này là để đáp lại nghi thức trồng cây Bồ Đề tại Lăng Hồ Chủ tịch ở Hà Nội của lãnh đạo hai nước, một món quà do Tổng thống Mukherjee biếu tặng. Sự kiện này đã minh chứng cho sức mạnh và tình hữu nghị lâu năm, cũng như quan hệ văn hóa và tôn giáo hàng trăm năm qua giữa hai nước.

Không như trong quá khứ, quan hệ của Ấn Độ và Việt Nam hiện đại đi theo định hướng chiến lược và kinh tế hơn là tư tưởng. Việt Nam đáng giá cao vai trò của Ấn Độ cũng như lịch sử yêu chuộng hòa bình của nước này. Theo hiệp định hợp tác kí kết vào năm 2003, hai bên đã nhất trí thường xuyên tổ chức các cuộc gặp cấp cao, hợp tác với Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế khác, đồng thời hỗ trợ bảo vệ lợi ích của nhau trên trường quốc tế. Với quan điểm này, Việt Nam tán thành việc Ấn Độ sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình, cũng như nỗ lực ứng cử vào vị trí thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng. Đáp lại, Ấn Độ ủng hộ Việt Nam tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hai nước phối hợp chặt chẽ với nhau trong các tổ chức như ASEAN, Hợp tác Mekong – sông Hằng (MGC), và Việt Nam cũng mong muốn giúp Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Á - Âu (ASEM).

Chính phủ Ấn Độ, cùng với khu vực tư nhân, sẽ từng bước đảm bảo rằng những mối liên hệ văn minh và văn hóa này được củng cố hơn nữa. Thúc đẩy thương mại song phương và tăng cường dòng đầu tư cá nhân giữa hai quốc gia có thể góp phần củng cố mối quan hệ đang không ngừng phát triển. Ấn Độ cần thể hiện sự sắc sảo, thực tế và sức sáng tạo nhằm gia tăng quan hệ với Việt Nam, và biến nó thành “bầu trời trong xanh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Việt Nam đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Ấn Độ bằng những hy sinh vì sự nghiệp dân tộc. Dưới thời thủ tướng Modi, Ấn Độ cũng chú trọng vào lợi ích quốc gia của mình. Việt Nam là điều phối viên của Ấn Độ trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Modi từng nói: “ASEAN là trung tâm của chính sách Hành động hướng Đông của chúng tôi. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ Việt Nam với cương vị là điều phối viên trong ASEAN của Ấn Độ, chúng tôi sẽ cùng hợp tác nhằm hướng đến một mối quan hệ đối tác bền vững trong mọi lĩnh vực.”

Ấn Độ là lựa chọn phù hợp và rõ ràng để thắt chặt các mối quan hệ. Hai nước có lịch sử bằng hữu lâu năm và quan hệ ngoại giao suốt 45 năm. Ấn Độ phản đối việc xâm lược Việt Nam, và phong trào không liên kết do Ấn Độ khởi xướng đã được đề cao ở Việt Nam sau khi nước này trở thành thành viên vào năm 1976. Hai nước cũng có nhiều hợp tác quốc phòng hiệu quả. Thương mại của Việt Nam với Ấn Độ lớn hơn với Nga, và hai nước cũng đã kí hiệp định hợp tác khai thác dầu ở biển Đông 5 năm trước, một động thái làm làm Trung Quốc phiền lòng. Về phần mình, người bạn lâu năm Việt Nam là điểm quan trọng trong “trụ đứng” của Ấn Độ, chính là  chính sách Hành động hướng Đông, một nội dung nổi bật trong tuyên bố chung đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng đến Hà Nội gần đây. Ông cũng cho rằng, hợp tác văn hóa cần tiên phong để tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác, bởi hai nước có nhiều thuận lợi thúc đẩy quan hệ văn hóa nhờ nhiều điểm chung trong nền văn hóa phong phú.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


* Nghiên cứu viên cao cấp, Quỹ Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục