Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ (Phần 1)
Ấn Độ là một trường hợp nghiên cứu khá thú vị về những nhân tố XHCN trong lịch sử và hiện tại. Ý tưởng nghiên cứu này còn được gợi mở và truyền cảm hứng từ những nhà tư tưởng lớn như C. Mác qua các nghiên cứu về tác động hai mặt của sự thống trị của thực dân Anh trước đây ở Ấn Độ; qua những nghiên cứu sâu sắc và tình cảm nồng nhiệt của Hồ Chí Minh với Chính phủ Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ…
Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn An Ninh*
1. Phương pháp tiếp cận
Nếu hiểu chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một triển vọng bao gồm những nhân tố, xu thế phát triển để hướng tới cái xã hội trong quá trình phát triển và được hình thành từ các quá trình kinh tế xã hội, từ lịch sử và hiện tại của một quốc gia;
Nếu hiểu CNXH là những giá trị, quan niệm hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do, độc lập và hòa bình… vốn đã định trong tâm thức, khát vọng từ rất lâu trong lịch sử của một dân tộc;
Nếu hiểu rằng, những xu thế ấy, những giá trị ấy ngày hôm nay vẫn tiếp diễn và được hỗ trợ thêm bởi những nhân tố mới của phát triển hiện đại: sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ngày càng mang tính xã hội hóa, nền chính trị ngày càng dân chủ hóa và nỗ lực tham gia vào toàn cầu hóa, ý thức trách nhiệm của quốc gia với hòa bình, ổn định và cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới;
Thì, Ấn Độ là một trường hợp nghiên cứu khá thú vị về những nhân tố XHCN trong lịch sử và hiện tại. Ý tưởng nghiên cứu này còn được gợi mở và truyền cảm hứng từ những nhà tư tưởng lớn như C. Mác qua các nghiên cứu về tác động hai mặt của sự thống trị của thực dân Anh trước đây ở Ấn Độ; qua những nghiên cứu sâu sắc và tình cảm nồng nhiệt của Hồ Chí Minh với Chính phủ Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ…
Với quan niệm và tiền đề như vậy, chúng tôi có vài ý tưởng nghiên cứu ban đầu như sau:
2. Điểm qua một số nhân tố xã hội chủ nghĩa cơ bản của Ấn Độ
2.1. Những giá trị xã hội chủ nghĩa trong lịch sử Ấn Độ cùng các biểu hiện đặc sắc của nó
Phương thức sản xuất châu Á ở Ấn Độ
Mác chứng minh về tất yếu hướng tới chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm là con người xã hội, trong một nền sản xuất và quản lý xã hội ngày càng xã hội hóa mà CNTB là môi trường xã hội điển hình. Trước đấy, Adam Smith với lý thuyết “bàn tay vô hình” từng cho rằng, trong quá trình theo đuổi hạnh phúc của mình, cá nhân và sở hữu tư nhân, dường như là vô thức, sẽ mang lại lợi ích chung cho xã hội, cộng đồng. CNTB trước đây và CNĐQ sau này đã xác nhận rằng “bàn tay vô hình” là không đủ để quản lý và định hướng xã hội tới một sự cân bằng trong phát triển chứ chưa nói gì tới công bằng, bình đẳng. Bởi vậy, Mác mới đặt ra vấn đề theo quy luật kinh tế cơ bản của mọi hình thái kinh tế xã hội, rằng lực lượng sản xuất trong CNTB thúc đẩy và buộc quan hệ sản xuất phải mang tính xã hội hóa, tổ chức xã hội theo đó cũng vận hành theo nguyên tắc mới là mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người. Con người cá nhân buộc phải trở thành con người xã hội và chỉ trở thành tự do trong một thể liên hiệp cộng đồng xã hội. CNXH xuất hiện từ những tiền đề kinh tế và sự giác tha ấy.
Nhưng “phương thức sản xuất châu Á”[1] - mà Ấn Độ là trường hợp nghiên cứu điển hình của Mác, thời đó lại khá trì trệ trong quan niệm cộng đồng phát triển trên cơ sở phi tư hữu ruộng đất hay chế độ ruộng đất công. Trong phương thức sản xuất nhỏ lạc hậu, sở hữu công cộng ruộng đất có lẽ lại chính là sự ràng buộc, hạn chế sự phát triển của sức sản xuất trong xã hội nông nghiệp. Song chính Mác và sau này là Hồ Chí Minh lại thấy ở đây những tiền đề kinh tế cho quá trình phát triển rút ngắn để đi lên một xã hội cộng đồng, những thuận lợi từ sở hữu cổ truyền phương Đông cho một quá trình phát triển mới dựa trên tính chất xã hội của sở hữu. Công hữu về ruộng đất trong các cộng đồng nông thôn Ấn Độ nên được nhìn nhận như một nhân tố thuận lợi về sở hữu cho định hình và định hướng XHCN. Sau những tác động từ công nghiệp hóa của Anh, từ khi giành độc lập, các cuộc “cách mạng Xanh” trong trồng trọt, “cách mạng Trắng” trong chăn nuôi vào những năm 60 - 80 (XX) ở Ấn độ có lẽ vừa tiếp nối vừa bổ sung, và làm nảy nở thêm nhân tố xã hội hóa ấy. Nó đã bù đắp cho sự thiếu hụt của phương thức cổ truyền là trình độ sản xuất cao, bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.
Công xã nông thôn và dân chủ kiểu phương Tây
Những manh nha của dân chủ ở Ấn Độ đã được hình thành lâu đời, từ các công xã nông thôn vẫn tồn tại đến ngày nay. Chắc chắn là có không ít những giá trị của thời cổ đại có thể đồng hành với nền dân chủ hiện đại.
Thời cận đại, dân chủ kiểu phương Tây đã sớm đến với xã hội Ấn Độ, tuy nhiên thông qua cái “éo le của lịch sử” là sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Anh. Người Anh đã mang lại một số yếu tố khai hóa, nhưng thông qua chế độ dân chủ phương Tây, với cơ chế dân chủ đại diện, đã làm mất dần đi cơ chế dân chủ trực tiếp của cộng xã nông thôn Ấn Độ. Ý chí của mỗi cá nhân, hay “quyền được nói ra” của thành viên, theo đó cũng bị trừu tượng hóa đi bởi các đại biểu. Trong một xã hội mà đẳng cấp, thứ bậc xã hội còn ảnh hưởng khá nặng nề, đẳng cấp Paria liệu có còn có tiếng nói và vị thế công bằng trong xây dựng nền dân chủ? Chỉ có thực tiễn của Ấn Độ mới trả lời được chính xác vấn đề này.
Một số tư tưởng của Ấn Độ giáo, Phật giáo với khá gần gũi với nhiều nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.
Trước tiên có thể dễ nhận thấy những giá trị về công bằng, bình đẳng, vị tha, hữu ái, khoan hồng với đồng loại và hòa bình ở các tôn giáo tối cổ của Ấn Độ, có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng XHCN.
Cái đặc thù của tư tưởng cổ truyền Ấn Độ là tư tưởng vô ngã, vong ngã” Tư tưởng quên đi cái tôi, làm mất đi cái tôi, hòa cùng vạn vật không hẳn là tư tưởng XHCN, nhưng nó là sự khác biệt với xu thế tôn thờ bản ngã của triết lý phổ biến ở Phương Tây, nó đối lập với chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Một tư tưởng có nguồn gốc từ tôn giáo tối cổ của Ấn độ - Upanishad: “Sông đổ vào biển và mất cả tên, cả hình thể, nhà hiền triết cũng vậy, bỏ được cái tên và hình thể rồi nhập vào Thượng đế, vượt lên trên tất cả!” Đây là khác biệt sâu sắc khi so sánh tư tưởng Ấn Độ với tư tưởng Phương Tây, rằng mỗi phát minh lý thuyết đều gắn với tên tác giả như một sở hữu. Will Durant nhận xét: “Người Phương Tây, từ tôn giáo tới các chế độ chính trị kinh tế đều thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân”[2].
Khác với một số tôn giáo mang tính quốc tế mà sự xâm thực của nó tới các miền đất mới thường đồng hành cùng binh đao, bạo lực, Phật giáo là tôn giáo của hòa bình. Cách mà Phật giáo đến với nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là thông qua bước chân truyền đạo của những vị chân sư một lòng “hoằng dương Phật pháp” hay qua những chuyến tàu buôn hải hồ của thương lái khi xưa… Đúng như nhận định của Will Durant: “Đạo Phật lan tràn khắp Ấn Độ và bắt đầu xâm chiếm châu Á một cách hòa bình… từ Kady ở đảo Tích lan, tới Kamacura ở Nhật Bản, nét mặt an tĩnh của Đức Thích ca còn gợi cho người ta khoan hồng với đồng loại và yêu mến hòa bình”[3].
2.2. Những tiền đề và điều kiện có tính chất XHCN nảy sinh trong quá trình phát triển của Ấn Độ cận đại và hiện đại
Sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân và khát vọng giải phóng dân tộc
Anh đã xâm lược và biến Ấn Độ thành thuộc địa trong quãng thời gian dài và coi như một sở hữu của mình với cái tên “British India” (Ấn Độ thuộc Anh). Người Anh cũng bằng mọi cách để duy trì sự thống trị của mình và hiển nhiên nhân dân Ấn Độ không chịu khuất phục. Rất nhiều cuộc đấu tranh vì độc lập đã nổ ra trên lục địa này, và hầu như tất cả những vĩ nhân thời cận đại hay hiện đại của Ấn Độ đều là những con người từng xả thân vì lý tưởng giải phóng, độc lập, tự do. Mohandas Karamchand Gandhi (1869 - 1848) là một ví dụ điển hình. Tận hiến cho sự nghiệp độc lập và phát triển Ấn Độ, ông xứng đáng với sự suy tôn của nhân dân là Thánh Găng đi (Mahatma Gandhi). R.Tagore đã nhận định về con người mà “Sự tôn xưng của nhân dân đã thành tên thực” là vì thế.
Hai xung lực khác hướng: một là từ sự áp đặt của chủ nghĩa thực dân, một là từ khát vọng giải phóng và độc lập của dân tộc Ấn Độ đã tạo ra tất yếu chính trị mà sau này, nhà tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát hiện: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đã chuẩn bị sẵn mảnh đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng mà thôi”[4].
Với cái nhìn duy vật biện chứng về lịch sử, cũng cần thấy tác động thúc đẩy của kiểu công nghiệp hóa thực dân mà người Anh mang vào Ấn Độ. Anh đã xây dựng ở Ấn Độ hệ thống đường sắt rộng rãi, gần khắp cả nước và một vài ngành công nghiệp, chủ yếu là bông vải, để Ấn Độ có thể xuất khẩu và chiếm vị thế nhất định trên thị trường thế giới. Người Anh cũng xây dựng một hệ thống hành chính và công chức quen với thủ tục hành chính hiện đại. So với Trung Quốc ở cùng thời điểm, Ấn Độ có trình độ công nghiệp hóa và quản lý công quyền tiên tiến hơn nhiều. Đó là cơ sở kinh tế kỹ thuật cho Ấn Độ có khả năng phát triển sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1947. (Xem tiếp phần 2)
* Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Phương thức sản xuất châu Á là một khái niệm khoa học do Mác đề ra lần đầu tiên vào năm 1859 trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” để biểu thị một số đặc thù của xã hội phương Đông cổ xưa. Mác có nhận định rằng: “Về đại thể, có thể coi phương thức sản xuất châu Á cùng với cổ đại, phong kiến và tư bản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế xã hội…”
[2] Will Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, maxreading.com/sachhay
[3] Will Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, maxreading.com/sachhay
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2002, t.1, tr.28.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục