Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội (Phần 2)

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội (Phần 2)

Những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện từ thế kỷ XVI trong tác phẩm Utopia (Xã hội không tưởng) của Thomas More - một nhà nghiên cứu người Anh. Trong tiến trình hình thành và phát triển tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau, nhiều quan niệm, tư tưởng khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là cuộc đấu tranh trung tâm của nhân loại, luôn là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi giai cấp và dân tộc trên toàn thế giới. Riêng những luận chiến trong chính vấn đề chủ nghĩa xã hội đã, luôn và mãi mãi vẫn là đề tài nóng đầy hấp dẫn.

02:15 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Những trình bày ở trên là những cơ sở để tìm kiếm, xem xét, lựa chọn trước tác của gần 100 học giả trên thế giới được tập hợp trong bộ sách Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội. Bộ sách gồm hai tập: Tập 1: Chủ nghĩa xã hội: từ lý luận đến thực tiễn cung cấp hai nội dung chính trong cuộc tranh luận gồm: phần 1: “Những tranh luận về vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội” và phần 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI: Những tranh luận về nội dung và cách thức tiến hành”.

Phần 1, tập 1 giới thiệu 15 công trình nghiên cứu của các học giả, các nhà khoa học trên thế giới luận bàn sâu về chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác, sự sáng tạo của Lênin, những cống hiến của ông trên mặt trận lý luận về chủ nghĩa xã hội và tổ chức xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhà triết học Nga G.P.Plêkhanốp cho rằng, hiện tại thai nghén tương lai, vì vậy, không phải mọi suy đoán về tương lai không có cơ sở khoa học. G.P.Plêkhanốp đã hoàn toàn có lý khi nhận định: “việc chủ nghĩa xã hội không có khả năng tồn tại chỉ được chứng minh trong trường hợp không có khả năng tiên đoán một cách khoa học các hiện tượng xã hội”[1]. Như vậy, Plêkhanốp hiểu “chủ nghĩa xã hội khoa học là một nghiên cứu khoa học của Mác - Ăngghen về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phát hiện ra các mâu thuẫn đối kháng vốn có của phương thức đó, chứng minh tính chất quá độ của nó và tiên đoán một cách khoa học về những tính chất căn bản của chế độ xã hội hậu tư bản chủ nghĩa có tên gọi chủ nghĩa xã hộichủ nghĩa cộng sản[2]. PGS, TS lịch sử Đ.E.Slidốpxky khẳng định rằng, chỉ có học thuyết của C.Mác mới có sự phát hiện đầy đủ nhất về bản chất của hệ thống kinh tế xã hội tư bản thế kỷ XIX, từ đó xây dựng luận thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học cho tương lai[3]. GS, TS lịch sử S.A.Xtêpanốp cho rằng, “người ta thấy ở chủ nghĩa Mác một chìa khóa vạn năng có thể mở được bất kỳ cái khóa nào, thấy ở đó lời nói cuối cùng của khoa học”[4]. GS, TS triết học K.Kh.Delôcarốp nhấn mạnh: chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên tính thời sự… Tình thời sự, tính cấp bách của những vấn đề do chủ nghĩa Mác đặt ra là ở chỗ, nếu ở thời đại mình…, Mác đã tập trung sự chú ý vào sự phân hóa về xã hội ở những nước riêng biệt đã đạt được trình độ phát triển nhất định, thì ngày nay đang diễn ra việc phân hóa thành các nước giàu và các nước nghèo ở phạm vi toàn cầu, và những vấn đề như sự tha hóa, bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng môi sinh, năng lượng trên toàn thế giới đều đã được Mác dự báo trước. Vì vậy, cần có xã hội tương lai - xã hội xã hội chủ nghĩa - mới đủ sức giải quyết vấn đề[5]. PGS, TS Aleksandr Dzjura đã phê bình một số nhà khoa học xã hội nước Nga và thế giới rằng, “…Chính những nhà khoa học đó đã tụt hậu một cách tuyệt vọng so với cuộc sống, so với thực tiễn và so với hoạt động xã hội, lịch sử với tính cách là một bộ phận cấu thành đặc trưng, không thể tách rời của lý luận nhận thức mácxít. Họ đã mất ham thích về sự sáng tạo của chủ nghĩa Mác, mất thói quen tìm kiếm chân lý hợp lý từ di sản của chủ nghĩa Mác, đánh mất bí quyết khai thác nghị lực và tiềm năng đạo đức từ nguồn văn hóa lịch sử vô cùng sâu sắc này…”[6]

Học giả V.S.Semenov đã khái quát 9 đặc trưng quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin và khẳng định 11 quan điểm, kết luận và nguyên tắc có bản chất khoa học căn bản mà nếu không có chúng thì chủ nghĩa Mác sẽ không có tính sáng tạo, hoàn thiện. Các học giả Vasilij Colltashov và Boris Kagarlitxkij sau khi khẳng định giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng đã phê phán thái độ phản bội, phản khoa học của giới học thuật Nga khi loại bỏ chủ nghĩa Mác một cách có hệ thống ra khỏi hệ thống giáo dục. Khi bàn về các tính quy luật của sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội, GS, TS Triết học Épghênhi Xôlôpốp sau khi khái quát quá trình hình thành và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Nga, phê phán một số quan điểm sai lầm, nhận thức lệch lạc về lý luận chủ nghĩa xã hội, đã khẳng định: “chủ nghĩa Mác luôn luôn là phép biện chứng và, trước hết, là phép biện chứng giữa cái đơn nhất và cái phổ biến, cái chung và cái riêng, cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên,… là phương pháp luận hiện đại nhất”[7]. Tác giả X.Gôncharúc khi bàn quan điểm của Mác - Lênin về sự bắt đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bóc trần âm mưu của giai cấp tư sản Nga tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga vào đầu thế kỷ XXI, đã khẳng định tính khoa học trường tồn của học thuyết Mác. Ông viết: “Lênin không đơn giản chỉ là người kế tục học thuyết của Mác mà còn là người tiếp tục phát triển các luận chứng và kết luận từ quan niệm của Mác. Lý luận của Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa đã tỏ rõ tính khoa học và khả dụng thực tế”[8]. Các học giả Trình Ấn Học, Bôris Bêsônốp, B. Vinokurov đều đánh giá cao những cống hiến của Lênin về lý luận và tổ chức thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhiều học giả như: Terrell Carver, Joseph E. Stiglitz, Vađimia Saprưkin, La Chí Giai, Đinh Hiểu Khâm, Giáo sư Li Mingbin đi sâu phân tích, luận giải, nêu những quan điểm mới về xây dựng lý luận hiện đại về chủ nghĩa xã hội khoa học, phê phán hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thời đại tân mácxít và chủ nghĩa hậu mácxít, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và quyền lực của các hệ tư tưởng kinh tế, chủ nghĩa xã hội từ quá khứ đến tương lai, xem xét tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế qua các tác phẩm kinh điển, phân tích năm vấn đề về chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Phần 2, tập 1 giới thiệu 15 công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới bàn sâu về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XX: nội dung và cách thức tiến hành.

Giáo sư Xiao Feng khái quát bốn sự kiện lớn của phong trào xã hội chủ nghĩa thế kỷ XX: hai sự kiện đầu thế kỷ XX là Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và Cách mạng Trung Quốc thành công và sau Đại chiến Thế giới thứ hai, thành lập hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa. Hai sự kiện cuối thế kỷ XX là Liên Xô, Đông Âu tan rã làm cho chủ nghĩa xã hội thế giới gặp thất bại lớn; Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện cục diện phát triển mới. Giáo sư còn nêu bật hai sự việc không nhỏ và có ảnh hưởng rất lớn là: cuộc đại luận chiến của phong trào cộng sản quốc tế từ cuối năm 50 đến giữa những năm 60 thế kỷ XX và cuộc Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Đó là những sự kiện có ảnh hưởng sâu xa đến phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Giáo sư cũng nêu bật bốn tìm tòi trên một số vấn đề khó của lịch sử và cho rằng có hai chiến lược lớn dưới điều kiện một quả địa cầu hai chế độ[9](Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)


[1] G.P.Plêkhanốp, Tuyển tập các tác phẩm triết học, tập 3, M., 1956, tr.32.

[2] Xem: T.I.Orzerman, Tạp chí Những vấn đề triết học, 5-2-2003.

[3]  Xem “Chủ nghĩa Mác và thời đại”, Tạp chí Tri thức xã hội và nhân văn, số 1-2002.

[4] Xem “Chủ nghĩa Mác và thời đại”, Tạp chí Tri thức xã hội và nhân văn, số 1-2002.

[5] Xem: Delôcarốp, “Chủ nghĩa Mác và thời đại”, Tạp chí Tri thức xã hội và nhân văn, số 1-2002.

[6] Aleksandr Dzjura, “Tiềm năng của Chủ nghĩa Mác đã cạn kiệt rồi chăng”, Tạp chí Đối thoại (Nga), số 1-2004.

[7] E. Xôlôpốp: “Bàn về các tính quy luật của sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Đối thoại (Nga), số 2-2004.

[8] X. Gôncharúc: “Quan điểm của C.Mác và V.I.Lênin về sự bắt đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Người Cộng sản, số 5-2003.

[9] Xem: Xiao Feng, “Sơ lược hồi tưởng 100 năm thực tiễn của chủ nghĩa xã hội và tiền đồ của nó”, Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, số 1-2002.

Nguồn:

Cùng chuyên mục