Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nỗ lực hồi hương cổ vật của Ấn Độ

Nỗ lực hồi hương cổ vật của Ấn Độ

Cùng với nỗ lực của chính quyền, hoạt động của các tổ chức tình nguyện như mạng lưới Dự án Niềm tự hào Ấn Độ đã giúp hồi hương hàng trăm cổ vật đã bị đánh cắp của nước này. Hoạt động của nhóm cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật và lịch sử.

09:00 10-08-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Tình nguyện viên” di sản

Năm 2018, khi đang tìm tòi trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Viện Pondicherry (IFP) ở Pháp về các bức tượng trong những ngôi đền trên khắp bang Tamil Nadu của Ấn Độ từ năm 1956-1999, ông S.Vijay Kumar - giám đốc điều hành một công ty vận chuyển đường biển có trụ sở tại thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, tình cờ nhìn thấy một bức tượng thần Hanuman bằng đồng 500 tuổi đã bị đánh cắp khỏi một ngôi đền ở Ariyalur, bang Tamil Nadu. Sau đó, ông đã kiểm tra chéo trên trang web của Christie và xác định bức tượng trên trang web của nhà bán đấu giá này chính là bức tượng đã bị đánh cắp ở Tamil Nadu năm 2013. Ngay lập tức, ông Kumar liên lạc với cảnh sát. Đến đầu năm 2019, ông cùng với một nhóm đặc biệt của cảnh sát bang Tamil Nadu bắt đầu làm việc với cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ để tìm cách hồi hương bức tượng. Sau một quá trình làm việc lâu dài, đến ngày 22/2/2022, bức tượng đã được bàn giao lại cho phía Ấn Độ.

Ông Kumar, năm nay 50 tuổi, là người đồng sáng lập Dự án hồi hương cổ vật lấy tên là Niềm tự hào Ấn Độ (IPP). Được thành lập vào năm 2014, IPP là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với thành viên là những người đam mê nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới, tình nguyện sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm hồi hương những cổ vật đã mất của Ấn Độ. Ông Rajaram, quan chức cảnh sát Tamil Nadu xác nhận ông Kumar và IPP đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bức tượng thần Hanuman bằng đồng, lần theo dấu vết của nó, từ đó góp phần đưa món đồ quý về nước.

Trên thực tế, ngay từ đầu những năm 2000, vì đam mê với lĩnh vực nghệ thuật, ngoài thời gian dành cho công việc chính, ông Kumar đã lập một nhóm nhỏ những người có chung sở thích bắt đầu nghiên cứu, ghi chép dữ liệu về các di sản của Ấn Độ. Trong các chuyến đi đến những địa điểm như vậy, nhóm dần phát hiện ra nhiều cổ vật quý đã bị đánh cắp và bắt đầu tập trung tìm kiếm trên thị trường buôn lậu các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật Ấn Độ trên thế giới.

IPP hiện có một nhóm cộng tác viên thường xuyên gồm khoảng 30-40 người và gần 400 tình nguyện viên không thường xuyên. Các tình nguyện viên của IPP gồm nhiều thành phần khác nhau, từ các nhà nghiên cứu về lịch sử và kiến trúc, các sinh viên trẻ (đặc biệt là sinh viên luật), người điều hành một công ty công nghệ thông tin nhỏ ở Mỹ, một kỹ thuật viên trẻ người Anh gốc Ấn tranh thủ trao đổi công việc với IPP trên hành trình nửa giờ đi tàu điện ngầm đến công sở, một người nội trợ phụ trách việc dịch các tài liệu của IPP sang tiếng Hindi, hay những nhân viên bán nệm và mũ ở Tamil Nadu… Họ kết nối với nhau qua email, WhatsApp, Zoom và các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Đưa di sản về với cộng đồng

Một phần công việc quan trọng của các tình nguyện viên của IPP là đi đến các di sản để từ đó phát hiện, lập danh sách những tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác đã bị thất lạc hoặc đánh cắp. Cùng với đó, họ theo dõi thông tin, hình ảnh về các cuộc đấu giá công khai và riêng tư, danh mục cổ vật tại các bảo tàng…, có thể là qua mạng xã hội, internet hoặc tận nơi để xem xét, sau đó so sánh với hình ảnh, thông tin của những cổ vật mà họ xác định là đã bị đánh cắp.

Ngay khi chứng minh được rằng đồ vật được bán hoặc triển lãm là món đồ đã bị đưa bất hợp pháp khỏi Ấn Độ, họ sẽ liên hệ với cơ quan có liên quan để cung cấp bằng chứng và thúc đẩy việc đưa cổ vật về nước bằng nhiều biện pháp khác nhau. “Dự án Niềm tự hào Ấn Độ giống một mạng lưới hơn là một tổ chức, vì chúng tôi không có tiền, không có nhân viên hay thẩm quyền gì. Toàn bộ hoạt động của chúng tôi đều là tình nguyện”, ông Anuraag Saxena - đồng sáng lập IPP thừa nhận.

Theo ông Kumar, tính đến tháng 6/2023, IPP thông qua mạng lưới tình nguyện viên trên khắp thế giới đã giúp đưa 575 cổ vật của Ấn Độ về nước. Trong số này có một bức tượng Phật 1.200 năm tuổi từ Italy, hay 14 tác phẩm nghệ thuật từ Phòng Trưng bày Quốc gia Australia… IPP cũng nhận được một số yêu cầu hỗ trợ thông tin từ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Bộ An ninh nội địa Mỹ và lực lượng chức năng của nhiều nước khác, đặc biệt là sau khi các cơ quan này bắt đầu ưu tiên ngăn chặn chuỗi cung ứng các di sản nghệ thuật bị đánh cắp có liên quan hoạt động rửa tiền.

Nói về động lực mang các di sản bị đánh cắp trở lại cộng đồng địa phương, ông Saxena cho biết: “Tôi từng nhận được email từ những người ở các ngôi làng nhỏ. Họ nói rằng ở làng chúng tôi có ngôi đền, đó là nơi ông bà tôi được thực hiện những nghi thức cuối cùng trước khi qua đời, là nơi bố mẹ tôi đã kết hôn. Thế nhưng bây giờ, vị thần ở đền không còn ở đó nữa. Ông có thể giúp chúng tôi đưa vị thần trở về được không?”.

Sứ mệnh hồi hương cổ vật

Theo đài RT, trong những năm qua, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai một sứ mệnh ngoại giao nhằm hồi hương những cổ vật quý báu của Ấn Độ, vốn đã bị mất trong thời kỳ thuộc địa hoặc do bị đánh cắp và bán ra nước ngoài gần đây. Trong chương trình phát thanh hằng tháng của Thủ tướng Modi có tên “Mann ki Baat” số 86 được phát sóng vào tháng 2/2022, ông Modi cho biết, kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014 đến thời điểm bấy giờ, Ấn Độ đã hồi hương được hơn 200 cổ vật quý giá. Trong khi đó, trước năm 2014, Ấn Độ chỉ đưa về nước được 13 cổ vật.

Đến giữa tháng 10/2022, trong đợt bàn giao cổ vật được đánh giá là lớn nhất tính đến thời điểm đó, nhà chức trách Mỹ đã bàn giao lại cho Ấn Độ 307 cổ vật với tổng giá trị khoảng 4 triệu USD. Mới đây nhất, giữa tháng 7 vừa qua, trong một buổi lễ được tổ chức tại Lãnh sự quán Ấn Độ ở New York, giới chức Mỹ đã bàn giao cho phía Ấn Độ 105 món đồ cổ có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng đã bị buôn bán bất hợp pháp sang Mỹ.

Việc trao trả 105 cổ vật nêu trên là bước tiếp theo của thỏa thuận được thông qua trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ hồi tháng 6. Những món đồ này có nguồn gốc trải rộng khắp các vùng miền ở Ấn Độ, với niên đại từ thế kỷ thứ hai, thứ ba đến thế kỷ 18, 19. Chúng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau và khoảng 50 trong số đó có ý nghĩa tôn giáo. Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu nhấn mạnh: “Đối với người Ấn Độ, đây không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà là một phần di sản và văn hóa của họ”. Một tuyên bố từ Lãnh sự quán Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Mỹ cũng đã đồng ý hợp tác để hướng tới một thỏa thuận về tài sản văn hóa nhằm ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp các đồ tạo tác văn hóa trong tương lai.

Góp phần vào bước đột phá ngoại giao của Chính phủ Ấn Độ trong việc hồi hương các cổ vật, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, còn có đóng góp không nhỏ của những phong trào tình nguyện như IPP. IPP là một trong những đơn vị đã hỗ trợ Cơ quan Điều tra An ninh nội địa (HSI), thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ tiến hành điều tra và xác minh nguồn gốc của 307 cổ vật được bàn giao hồi tháng 10 năm ngoái.

Điều quan trọng hơn, theo các chuyên gia, IPP đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ di sản vật thể. Bởi, hoạt động của nhóm cho thấy cách thức một công dân có thể không chỉ hỗ trợ những nỗ lực của chính quyền trong việc bảo vệ kho báu quốc gia, mà còn hồi hương các cổ vật đã bị mất. Nhận thức và hiểu biết về vấn đề này còn góp phần xây dựng niềm kiêu hãnh về lịch sử dân tộc họ.

https://nhandan.vn/no-luc-hoi-huong-co-vat-cua-an-do-post766466.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục