Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh (Phần 1)

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh (Phần 1)

Từ năm 1991 khi các nước Trung Á giành được độc lập đến nay, chính sách Trung Á của Ấn Độ đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Từ năm 1991 đến năm 1998, nhiệm vụ chủ yếu của chính sách Trung Á giai đoạn này là tăng cường sự tiếp xúc với các quốc gia Trung Á mới độc lập, tạo nền móng cho sự phát triển mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Á. Từ năm 1998 đến năm 2001, cùng với tình hình quốc tế và nhu cầu phát triển Ấn Độ, các nước Trung Á đã trở thành đối tác quan trọng để Ấn Độ thúc đẩy phát triển kinh tế và chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Từ năm 2001 đến nay, Ấn Độ đã tăng cường sự quan tâm và đầu tư của mình ở khu vực Trung Á, nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước Trung Á về các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa v.v…, ảnh hưởng của Ấn Độ ở Trung Á cũng theo đó tăng lên. Mặc dù sự phát triển quan hệ của Ấn Độ với các nước Trung Á vẫn còn chịu một số hạn chế, nhưn

03:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích diễn biến chính sách Trung Á của n Đ sau Chiến tranh Lạnh

Chu Minh*

Sự trỗi dậy của Ấn Độ là một hiện tượng quốc tế rõ ​​ràng đầu thế kỷ XXI, điều này còn thể hiện ở sự tham gia can thiệp của Ấn Độ vào các vấn đề của Trung Á. Chính sách Trung Á là bộ phận không thể tách rời của chiến lược nước lớn Ấn Độ, phản ánh những thay đổi lớn trong quỹ đạo của ngoại giao Ấn Độ: Đi đôi với sự tăng cường lực lượng quân đội, kinh tế, sự can thiệp của Ấn Độ vào các vấn đề của khu vực Trung Á trải qua một quá trình từ quan sát không tập trung đến can thiệp toàn diện; Ấn Độ hy vọng thông qua tăng cường hợp tác với các nước Trung Á, nỗ lực khiến Ấn Độ không chỉ làm chủ đạo ở tiểu lục địa Nam Á, đồng thời còn trở thành lực lượng xây dựng lớn mạnh cho các vấn đề thế giới. Bài viết thông qua hồi cố sự phát triển chính sách Trung Á của Ấn Độ, để quan sát tình hình diễn biến vai trò nước lớn Ấn Độ.

I. Giai đoạn tiếp xúc ban đầu và thiết lập mối quan hệ hữu nghị (1991-1998)

Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, Ấn Độ phải đối mặt với những thay đổi lớn về tình hình trong nước và quốc tế. Sự thay đổi này được phản ánh ở ba khía cạnh. Thứ nhất, ở cấp độ hệ thống, bố cục thế giới có sự biến đổi mang tính kết cấu: sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, dẫn đến Ấn Độ mất đi sự hỗ trợ của Liên Xô, Ấn Độ cần phải dựa vào sức mạnh của chính mình để đối phó với tình hình quốc tế thay đổi. Thứ hai, ở cấp độ khu vực, tình hình chính trị ở châu Á cũng có sự thay đổi. Với khu vực Trung Á, sau khi Liên Xô sụp đổ, khu vực này xuất hiện năm quốc gia độc lập mới. Thế cục rối loạn, hình thái ý thức trống rỗng và kinh tế suy yếu, khiến nội bộ các quốc gia này xuất hiện các lực lượng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tôn giáo, hình thành 3 thế lực: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai, gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh khu vực, bên cạnh đó, lực lượng bên ngoài tăng cường tập trung can thiệp vào khu vực Trung Á, khiến cho tình hình địa chính trị trong khu vực trở nên phức tạp hơn. Thứ ba, ở cấp độ quốc gia, chính trị Ấn Độ đầu những năm 90 rơi vào tình trạng rối loạn, Rajiv Gandhi bị ám sát, khiến Ấn Độ rơi vào thời kỳ chính trị trong nước bất ổn, bộ máy chính phủ thay đổi thường xuyên. Ngoài sự bất ổn về chính trị, nền kinh tế Ấn Độ cũng rơi vào suy thoái. Như năm 1990 - 1991, khủng hoảng kinh tế bùng nổ nghiêm trọng ở Ấn Độ, thâm hụt ngân sách lên đến 8,5% GDP, tỷ lệ lạm phát đạt 17%, nợ nước ngoài tăng đến 7 tỉ USD1. Ngoài ra, về vấn đề dân tộc và tôn giáo, xung đột tôn giáo gây ra bởi chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo tiếp tục làm gia tăng sự bất ổn xã hội.

Sự thay đổi tình hình trong nước, khu vực và toàn cầu, càng làm hạn chế sự can thiệp của Ấn Độ đối với những vấn đề của Trung Á và thế giới. Sự sụp đổ của trật tự hai cực thế giới và những biến động của Liên Xô đã làm rung chuyển nền tảng và khuôn khổ chính sách đối ngoại của Ấn Độ, Ấn Độ cần phải điều chỉnh chính sách trong và ngoài nước để thích ứng với những thay đổi của môi trường quốc tế. Tháng 12 năm 1991, trong bài phát biểu của mình ở Quốc hội, Thủ tướng Narasimha Rao đã đưa ra tư duy và mục tiêu điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ: bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ, loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào đến sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ; thiết lập môi trường hòa bình ổn định lâu dài trong khu vực, đảm bảo sự an toàn của địa chính trị; tạo ra một môi trường kinh tế nước ngoài thân thiện, để thúc đẩy phát triển kinh tế của Ấn Độ. Trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau khi điều chỉnh, châu Á chiếm vị trí ưu tiên.2 Mặc dù các quốc gia Trung Á độc lập không lâu, vẫn còn là một phần của lục địa châu Á, nhưng lịch sử của Ấn Độ và khu vực này lại rất dài rộng, nên Trung Á bắt đầu xuất hiện trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ tin tưởng rằng Trung Á là khu vực ưu tiên cao trong chính sách ngoại giao của mình, hy vọng sẽ can thiệp sâu hơn vào các vấn đề của khu vực này. Với tư duy chính sách đối ngoại như vậy, Ấn Độ quy định các lợi ích chính của mình trong khu vực Trung Á bao gồm: phục hồi lịch sử văn hóa, chính trị, kinh tế và ngoại giao của cả hai bên, thiết lập quan hệ hữu nghị với năm quốc gia Trung Á, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì sự ổn định ở Trung Á, cùng chống lại thế lực cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố; loại trừ ảnh hưởng của Pakistan ở Trung Á. Có thể thấy, trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại, các quốc gia Trung Á từ lâu đã xuất hiện trong tầm nhìn của Ấn Độ. Tuy nhiên, do sức lực hạn chế, Ấn Độ không thể và không muốn tiêu tốn quá nhiều tài nguyên ở Trung Á.

Trong quá trình ban đầu phát triển mối quan hệ hữu nghị với các nước Trung Á, Ấn Độ thực hiện phương pháp tiếp cận thực tế tương xứng với sức mạnh của mình. Mặc dù ngay từ đầu, chính phủ Ấn Độ đã xếp Trung Á vào phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình, nhưng không có khả năng đầu tư các nguồn tài nguyên ngoại giao còn đang hạn chế vào Trung Á; đồng thời, các nước Trung Á sau khi độc lập, tình hình khu vực rất không sáng sủa, điều này tiếp tục hạn chế sự nhiệt tình của Ấn Độ khi can thiệp vào khu vực này. Do đó, ở giai đoạn này, mục đích của việc phát triển mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Trung Á, chủ yếu là thông qua sự tiếp xúc với các nước này, định hình và tạo nên một bầu không khí thân thiện, từ đó đặt nền tảng cho sự phát triển của quan hệ song phương. Do vậy, Ấn Độ công nhận sự độc lập của năm quốc gia Trung Á, năm 1992 thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, mời các nhà lãnh đạo của năm quốc gia đến thăm Ấn Độ, thậm chí chi trả mọi chi phí liên quan đến các cuộc viếng thăm này. Sau đó, trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng bình đẳng lẫn nhau, Ấn Độ và năm nước Trung Á bắt đầu phát triển mối quan hệ hợp tác về các mặt thương mại, văn hóa, công nghệ, năng lượng. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 1992, Ấn Độ lần lượt ký kết Hiệp định khung về hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, công nghệ, cũng như thỏa thuận hợp tác phát triển văn hóa và du lịch với các nước Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan. Sau đó, Ấn Độ cũng đã ký một thỏa thuận về hợp tác kinh tế với các nước Trung Á. Năm 1993, Ấn Độ và Ukraine đã quyết định dành đãi ngộ tốt nhất cho đối phương về thương mại, đồng thời ký kết 5 thỏa thuận tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ v.v…; năm 1994, Ấn Độ và Tajikistan đã ký sáu  thỏa thuận hợp tác về thương mại, đầu tư, công nghệ, bảo vệ môi trường, y tế, văn hóa; năm 1995, Ấn Độ và Turkmenistan đã ký một thỏa thuận xúc tiến và bảo hộ đầu tư; Ấn Độ và Kyrgyzstan đã ký thỏa thuận hợp tác thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ và du lịch; năm 1996, Ấn Độ và Kazakhstan đã ký thỏa thuận về cải cách thuế và thành lập một nhóm làm việc để giải quyết các công việc liên quan đến hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, an ninh quốc phòng v.v… Việc ký kết những thỏa thuận này có nghĩa Ấn Độ bắt đầu phát triển mối quan hệ hữu nghị thân thiện với các nước Trung Á.

Ngoài việc phát triển hợp tác kinh tế, Ấn Độ còn hợp tác với các nước Trung Á về vấn đề an ninh. Trong thời gian các lãnh đạo Ấn Độ và lãnh đạo các nước Trung Á tiến hành các cuộc gặp gỡ viếng thăm, hai bên đều biểu thị lập trường phản đối chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố liên thế giới, lên án các hành động bạo lực dưới mọi hình thức, tuyên bố liên hợp lại, đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, hành động buôn lậu thuốc phiện và vũ khí, để đảm bảo hợp tác kinh tế giữa các khu vực và quốc gia. Để duy trì sự ổn định khu vực Trung Á, Ấn Độ còn cung cấp cho các nước Trung Á một khoản vay và viện trợ nhân đạo nhất định.

Giai đoạn này, trọng điểm chính sách của Ấn Độ với các nước Trung Á đang dần khôi phục mối liên hệ lịch sử hai bên, xây dựng mối quan hệ hợp tác bước đầu về chính trị, kinh tế, an ninh, tạo nền móng vững chắc cho hợp tác song phương hai bên. Thời kỳ này, Trung Á không phải là phương hướng ưu tiên của ngoại giao Ấn Độ, nguyên nhân có một vài điểm sau. Thứ nhất, sau khi Liên Xô sụp đổ, điều chỉnh và ổn định mối quan hệ với Mỹ là nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao Ấn Độ, ảnh hưởng của các nước Trung Á không đủ lớn để Ấn Độ phải tiêu hao quá nhiều tinh lực. Thứ hai, trong toàn khu vực liên hợp các quốc gia độc lập, Ấn Độ càng coi trọng Nga hơn. Sau chiến tranh lạnh, việc Mỹ vượt lên địa vị độc quyền khiến cho Ấn Độ ra sức tăng cường tình hữu nghị truyền thống với Nga. Thứ ba, chính sách ngoại giao Ấn Độ trong giai đoạn điều chỉnh thay đổi, những người cầm quyền Ấn Độ không những không có khả năng đạt được những nhận thức chung về tính quan trọng lợi ích quốc gia khu vực Trung Á đối với Ấn Độ, mà còn đánh giá thấp tầm quan trọng này.3 Thêm đó, giới lãnh đạo mới của Ấn Độ chủ yếu quan tâm đến bảo vệ ổn định trong nước và ứng phó với các hình thái kinh tế khó khăn, những vấn đề về ngoại giao không phải những vấn đề ưu tiên của Ấn Độ. Không những thế, thời kỳ đầu sau chiến tranh lạnh, thân phận quốc tế của Ấn Độ chưa rõ ràng, làm gia tăng tính mơ hồ và căng thẳng của chính sách ngoại giao Ấn Độ. Thứ tư, tình hình trong nước của Ấn Độ và các nước Trung Á cùng với sức mạnh quốc gia còn hạn chế, thiếu khả năng để thực hiện các thỏa thuận. Từ năm 1991 đến 1998, các thỏa thuận được ký kết giữa Ấn Độ và 5 nước Trung Á đa phần về lĩnh vực kinh tế, rất ít thỏa thuận về lĩnh vực dầu khí. Thứ năm, thị trường Trung Á vẫn còn nhỏ, tài nguyên dầu mỏ của khu vực tuy phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để, do vậy không thể sánh được với các nước Trung Đông, những nước cung cấp năng lượng chủ yếu cho Ấn Độ, hơn nữa hai bên biên giới không liên kề, tồn tại không ít khó khăn về giao thông và vận chuyển qua biên giới, điều này làm giảm ý muốn phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước Trung Á. Vì Pakistan và các nước Trung Á cùng thuộc vòng tròn văn hóa Hồi giáo. Việc đánh giá cao ảnh hưởng của Pakistan ở khu vực Trung Á, đã kiềm chế tính chủ động về chính sách ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực này.4 Tóm lại, trong thời kỳ này, Ấn Độ sử dụng chính sách “phản ứng” đối với Trung Á, tức là trên cơ sở quan sát động thái của Pakistan đối với khu vực này, từ đó phản ứng một cách thụ động, thiếu đi tinh thần tích cực chủ động. (Xem tiếp phần 2)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


1 B.M.Jain, Sức mạnh toàn cầu: Chính sách đối ngoại của Ấn Độ, 1947-2006 ( NXB Lexington Books, 2008), tr.48.

2 Mã Anh. “Chính sách châu Á của Ấn Độ sau chiến tranh lạnh và những gợi mở”. Châu Á – Thái Bình Dương đương đại, số 10/2005, tr.45.

3 Devendra Kaushik. “Ấn Độ và Trung Á: Đổi mới mối quan hệ truyền thống”. Khảo sát Nam Á, số 2, tập 5, năm 1998, tr. 234.

4 D. Kaushik. “Ấn Độ và Trung Á: Mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, hy vọng trong tương lai”. Đương đại Trung Á, số 1, tập 1, năm 2005, tr. 226-239.


* Nghiên cứu sinh chuyên ngành Chính trị quốc tế, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

Nguồn: Nghiên cứu Nam Á (Tiếng Trung), Số 1/2012, Tr.15-29

Nguồn:

Cùng chuyên mục