Phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học xã hội&Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội
Ngày 28/10/2015, nhận lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, đã đến thăm Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn và trình bày chuyên đề “Văn hóa Ấn Độ và hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa” và trao đổi, tọa đàm với các cán bộ, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn.
VĂN HÓA ẤN ĐỘ VÀ HỢP TÁC ẤN ĐỘ - VIỆT NAM
TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA
Kính thưa PGS. TS. Phạm Quang Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kính thưa PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
Kính thưa quý vị!
Tôi rất vui mừng có mặt tại đây ngày hôm nay trao đổi với các bạn chuyên đề “Văn hóa Ấn Độ và hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa”. Tôi xin cảm ơn PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS. TS. Đỗ Thu Hà, Chủ nhiệm Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông Phương học của Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có sáng kiến và mời tôi tới dự buổi tọa đàm hôm nay.
Chúng ta sẽ không thể bắt đầu bất cứ cuộc thảo luận nào về văn hóa Ấn Độ mà không hiểu điều gì đã làm nên một trong những nền văn hóa giàu bản sắc nhất trên thế giới, tại sao nó lại khác biệt với những nền văn mình cổ đại khác và bối cảnh hiện tại của văn hóa Ấn Độ trong thế giới hội nhập là thế nào.
Như các bạn đã biết, Ấn Độ là đất nước có dân số lớn thứ 2 trên thế giới, chúng tôi đại diện cho 1/6 công dân trên trái đất này; chúng tôi thực hành mọi tôn giáo của loài người, trong đó có ít nhất 4-5 tôn giáo, bao gồm cả Đạo Phật, ra đời tại Ấn Độ, chúng tôi có hơn 30 ngôn ngữ chính với chữ viết, văn học cổ riêng biệt và hơn 1000 ngôn ngữ địa phương.
Trải qua nhiều năm, chúng tôi đã du nhập và đồng hóa những ảnh hưởng từ bên ngoài, trong khi vẫn bảo tồn văn hóa Ấn Độ tinh túy. Điều khiến cho nền văn minh Ấn Độ khác hẳn những nền văn hóa cổ đại khác là nền văn minh Ấn Độ là nền văn minh duy nhất còn tồn tại một cách liên tục trên thế giới. Điều này có nghĩa là những vị thần chúng tôi thờ từ 5000 năm trước vẫn tiếp tục được tôn thờ ngày nay. Không có nền văn minh cổ đại nào khác, ở Trung Quốc, Ai Cập, Lưỡng Hà hay ở bất cứ đâu còn tồn tại trong triết lý và tư tưởng như triết lý, đặc trưng vùng miền và văn minh Ấn Độ cổ đại.
Những cuốn sách lịch sử sẽ cho các bạn biết về những nền văn hóa cổ đại, phong phú nhưng chúng không còn tồn tại tới ngày nay. Chúng chỉ còn trong những tượng đài cổ hoặc sử sách. Văn hóa Ấn Độ thì hoàn toàn khác. Văn hóa Ấn Độ ngày nay vẫn mang âm hưởng của triết lý và nét văn hóa có tuổi đời hàng ngàn năm trước.
Tại sao lại như vậy? Văn hóa của chúng tôi tồn tại, vì chúng tôi cho phép mình chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa khác, đồng thời bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng. Chúng tôi có sự bao dung. Chúng tôi tin tưởng rằng, thế giới là đại gia đình và thánh thần là một. Và rằng, có một vũ trụ duy nhất, cho dù có nhiều con đường khác nhau để tiếp cận được Ngài. Aryurveda, yoga, triết lý yoga, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng người cao tuổi, là một vài minh chứng cho sự thông thái của Ấn Độ cổ đại.
Về thể chế chính trị, chúng tôi có nền dân chủ đa đảng khá ồn ào, với báo chí tự do, tòa án độc lập và tranh luận công khai với bất cứ vấn đề nào được xã hội quan tâm. Những điều đó cũng len lỏi trong các giá trị xã hội và văn hóa Ấn Độ. Chúng tôi sản xuất hơn 1.000 phim/năm, hơn 700 chương trình truyền hình và xuất bản hơn 1000 báo và tạp chí. Chính điều đó giúp cho những ý tưởng mới nảy nở và phát triển mạnh mẽ.
Chúng tôi có hơn 7 loại hình múa cổ điển, vốn có tuổi đời hàng thế kỷ và có ít nhất 2 loại hình múa cổ điển độc đáo. Những bài hát dân gian và truyền thống nhảy múa cũng đã có tuổi đời hàng ngàn năm, làm phong phú nghệ thuật biểu diễn, múa, kịch và tất nhiên là cả điện ảnh, trong đó, phim Bollywood nổi tiếng trên thế giới là một thành phần vô cùng quan trọng. Điều khiến cho nền công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ khác với những nền điện ảnh khác bởi nó có tính tự lực. Nó tự mình phát triển lớn mạnh, mà không có sự bảo trợ của Chính phủ, hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của khán giả, mà ngày nay đã ở tầm toàn cầu. Nó có sức hấp dẫn bao quát, bởi nó phản ánh những giá trị của đời sống gia đình, của tình yêu và sự hòa hợp với vũ trụ.
Khát khao được sống trong hòa bình và hài hòa với vũ trụ, vốn là phần tinh túy trong văn hóa Ấn Độ cũng được thấy rõ trong lịch sử của chúng tôi. Trong hàng ngàn năm lịch sử Ấn Độ, các bạn sẽ thấy chúng tôi chưa bao giờ tấn công quốc gia nào khác. Ấn Độ ảnh hưởng tới các vùng miền khác trên thế giới không qua chinh phục hay chiến tranh mà đó là ảnh hưởng hòa bình, thông qua tôn giáo, triết lý và dựa trên những nguyên lý cùng tồn tại. Nó lan tỏa thông qua thương mại và trao đổi ý tưởng. Điều này hoàn toàn đúng khi xét đến mối liên hệ giữa khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, với Ấn Độ.
Khi Ấn Độ và Việt Nam cùng chiến đấu vì độc lập, các nhà lãnh đạo của các phong trào như cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên hệ trực tiếp với nhau. Từ trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho Nehru:
“Muôn dặm xa vời, chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.”
Mặc dù những vần thơ này được viết trong bối cảnh hai đất nước đang đấu tranh, chiến đấu cho độc lập, thoát khỏi ách cai trị thực dân, nó vẫn luôn phù hợp với liên hết văn hóa, văn minh giữa hai quốc gia. Vì lý do này, văn hóa, giáo dục và đào tạo vẫn luôn là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác phát triển của Ấn Độ với Việt Nam trong thời hiện đại.
Mối liên hệ về lịch sử và văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam vốn có từ nhiều thế kỷ trước. Những điều đó có thể thấy rành rành trong tập quán thực hành Phật giáo ngày nay ở cả Ấn Độ và Việt Nam. Những công trình Chăm Pa tuyệt đẹp ở Mỹ Sơn, Nha Trang, Phú Yên và những địa điểm khác ở miền Trung và miền Nam Việt Nam là những câu chuyện về mối liên kết lịch sử cổ đại của hai nước. Ẩm thực và cách sử dụng các loại gia vị trong các món ăn Việt Nam cũng có những ảnh hưởng nhất định từ Ấn Độ.
Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử và xã hội Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi một số nhân tố bên ngoài. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua một vài cuộc chiến tranh, với 18 cuộc xâm lăng lớn. Điều khiến cho mối liên hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam khác với những ảnh hưởng từ nước ngoài khác đó là sự thực rằng mối liên hệ này hoàn toàn hòa hảo; nó có được từ giao thương, văn hóa, tôn giáo, triết lý cùng tồn tại hữu hảo và phi bạo lực. Chưa bao giờ từng có mâu thuẫn. Điều đó, theo quan điểm của tôi, là đặc điểm quan trọng nhất trong các quan hệ từ cổ đại của chúng ta. Có lẽ chính là nhờ nền tảng hòa hảo mạnh mẽ này, mà mối quan hệ hai nước vẫn được tăng cường trong thời hiện đại và ngày càng trở nên vững mạnh hơn.
Nhiều năm qua, từ sau khi giành được độc lập, hai nước đã không ngừng tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng. Chúng ta đã đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giao lưu, kết nối giữa nhân dân với nhân dân thông qua giáo dục và đào tạo. Có cả một thế hệ các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách của hai nước lớn lên dựa trên những liên kết được tạo ra từ những mối quan hệ thời hậu độc lập. Trong thời gian 1 năm rưỡi của tôi tại Việt Nam, tôi đã gặp rất nhiều nhà khoa học, học giả, phóng viên báo chí, kỹ sư và triết gia Phật giáo, những người từng học ở Ấn Độ và mang theo mình những trải nghiệm tích cực, đóng góp vào việc đưa Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều học bổng nhất theo chương trình Hợp tác Kinh tế Ấn Độ (ITEC). Hiện tại, 150 suất học bổng ITEC được dành cho Việt Nam mỗi năm, cùng với 16 suất học bổng theo Chương trình Học bổng văn hóa tổng hợp (GCSS), 14 suất theo Chương trình Trao đổi giáo dục (EEP), và 10 suất học bổng theo Chương trình MGC.
Trong những năm qua, chúng tôi luôn cố gắng thiết lập những mối quan hệ giữa các cơ quan nghiên cứu để có trao đổi học thuật rộng rãi hơn. Từ năm 1976, hai nước chúng ta ký Hiệp định Song phương về văn hóa. Từ đó, một loạt những hoạt động giao lưu văn hóa đã diễn ra rất thành công. Tháng 3 năm ngoái, một lần nữa chúng ta tổ chức Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam thành công tốt đẹp, bao gồm một số chương trình như: Hướng dẫn múa cổ điển và dân gian, Lễ hội Phật giáo, Lễ hội Ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật Henna và những lớp học Yoga. Tiếp theo đó, một vài sự kiện văn hóa khác cũng diễn ra bao gồm Lễ Kỷ niệm ngày quốc tế Yoga lần thứ nhất thành công vang dội trong tháng 6 vừa qua.
Sự kiện đã cho thấy tầm quan trọng và sự liên quan của Yoga như một khoa học, giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, sự tĩnh tại, hài hòa và thống nhất của toàn vũ trụ. Cơ hội thì có rất nhiều, và chúng ta cần nỗ lực để không ngừng tiến lên dựa trên những thành công đã có. Chúng tôi sẽ sớm khai trương Trung tâm Văn hóa tại Hà Nội với một giáo viên Yoga thường trú từ Ấn Độ sang.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, hai bên đã nhất trí rằng, Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam trùng tu một tổ hợp tháp ở Mỹ Sơn, một địa danh vốn vẫn là biểu tượng lâu đời cho các mối liên hệ cổ đại của hai nước. Tôi tin rằng, dự án này sẽ góp phần thu hút nhiều khách du lịch Ấn Độ và những vùng khác trên thế giới tới Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, du lịch vẫn luôn là trụ cột quan trọng trong các quan hệ văn hóa, giao lưu nhân dân của hai nước. Còn có những tiềm năng rất lớn, chưa được khai thác trong du lịch, mà chúng ta phải tận dụng bằng việc mở đường bay thẳng, nâng cao nhận thức thông qua quảng bá và sử dụng nền điện ảnh Bolyllwood nổi tiếng.
Hai nước chúng ta đều có dân số trẻ, với tỉ lệ dân số dưới 25 tuổi cao. Những gì chúng ta bảo ban thế hệ trẻ ngày nay, sẽ là những gì họ thực hành trong tương lai. Trong khi chúng ta luôn tự hào về những mối quan hệ cổ đại, và hoài niệm về tình hữu nghị được đặt nền móng bởi những vị Cha già của các phong trào độc lập dân tộc, tương lai của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nằm trong tay thế hệ trẻ của hai nước. Các bạn sẽ là những nhà lãnh đạo tương lai. Chúng ta cần giáo dục giới trẻ về tiềm năng của mối quan hệ này. Nền móng được đặt bởi ảnh hưởng văn hóa, giáo dục và xã hội vừng chắc, bởi thế sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành công luận. Tôi mong mỏi được tiếp tục làm việc với Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cùng các bạn có mặt tại đây để đẩy mạnh hơn nữa những liên kết trong văn hóa, giáo dục với đất nước chúng tôi.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Sáng kiến Pariksha Pe Charcha của Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 11:00 22-07-2024
Công nghệ thông tin và giáo dục ở Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 08:00 31-01-2024