Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược”

Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược”

03:18 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
tại hội thảo khoa học quốc tế
Việt Nam - Ấn Độ:  45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2017

 

Thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên BCHTW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh!

Thưa ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam!

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Tôi rất vui mừng đến dự Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm Quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Trước tiên, thay mặt lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới toàn thể quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học, các học giả Việt Nam - Ấn Độ đến tham dự Hội thảo lời chào mừng và những lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu!

Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Ấn Độ hôm nay là một trong những sự kiện mở đầu cho loạt sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược giữa hai nước. Song có thể nói rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm trước, khi đạo Phật và đạo Hindu du nhập vào Việt Nam (bằng chứng là tư tưởng đạo Phật, các chùa phật giáo, tháp Chàm Hindu còn hiện hữu ở Việt Nam đến ngày nay). Mối quan hệ lịch sử đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tạo dựng, cùng lãnh đạo và nhân dân 2 nước dày công vun đắp ngày càng phát triển. Thủ tướng Jawaharlal Nehru là một trong những chính khách quốc tế đầu tiên đến thăm Việt Nam sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ năm 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ (1958) thì 01 năm sau Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đã sang thăm Việt Nam (1959). Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc đã luôn bền vững, kiên định và phát triển ngày càng sâu rộng hơn. Đảng, Nhà nước và nhân dân Ấn Độ đã luôn dành sự quan tâm, ủng hộ Việt Nam  trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy, kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 7/1/1972), quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng an ninh, đối ngoại nhân dân... Hai bên xác định mục tiêu chung là hợp tác phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, quan hệ ngoại giao 2 nước Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được nâng cấp, từ quan hệ hữu nghị truyền thống lên quan hệ đối tác chiến lược (7/2007) và tiếp tục nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ chuyến thăm Việt Nam 2-3/9/2016 của Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ 2 nước. Từ đó, nhiều cam kết, hợp tác quan trọng được phát triển một cách sâu sắc như:

- Tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh: Đảng, Chính phủ, Quốc hội, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban Liên chính phủ, tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách quốc phòng, hợp tác kinh tế, năng lượng, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục; thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước;

- Ấn Độ luôn coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách "Hành động hướng Đông" và tin tưởng vai trò "cầu nối" của Việt Nam thúc đẩy quan hệ Ấn Độ và ASEAN.

- Nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác về quốc phòng an ninh. Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tín dụng, đào tạo, nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh, chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, kinh nghiệm phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, khoa học hình sự cũng như lĩnh vực an ninh mạng,...;

- Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, coi tăng cường hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương, phấn đấu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

- Nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC);

- Tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Việt Nam mong muốn Chính phủ Ấn Độ hàng năm cung cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam du học tại Ấn Độ. Ấn Độ cũng tích cực đầu tư cho Việt Nam trong việc xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, tính toán hiệu năng và một số lĩnh vực khác như sử dụng công nghệ hạt nhân, viễn thám, thăm dò ngoài không gian cho mục đích hòa bình; tăng cường kết nối đường không, đường bộ, đường biển; tổ chức hiệu quả Liên hoan hữu nghị Việt - Ấn hằng năm trên các lĩnh vực văn hóa văn nghệ, điện ảnh, du lịch, v.v..

Như vậy, có thể nói rằng, quan hệ hữu nghị, hoà bình, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ 45 năm qua ngày càng được nâng cấp, đi vào chiều sâu và có chất lượng. Thành tựu đạt được trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ hiện nay đang có những bước tiến triển rất khả quan (Thương mại 2 chiều tăng từ 2,36 tỉ USD (2009) lên 5,4 tỷ USD (2016)....; giao lưu văn hoá, đối ngoại, hợp tác quốc phòng,... được tăng cường). Song những thành quả mà hai nước đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Kính thưa Qúy đại biểu!

Trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới, yêu cầu 2 nước cần chủ động phát huy những nhân tố tương đồng, đánh giá đúng tiềm năng hợp tác toàn diện và trên từng lĩnh vực; tập trung tháo gỡ những rào cản về chủ quan và khách quan làm chậm tiến độ hợp tác, trên cơ sở đó xác định hướng ưu tiên, thế mạnh của mỗi bên trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước; khẳng định rõ hơn vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại Hướng Đông của Ấn Độ cũng như vai trò "Cầu nối" giữa Ấn Độ và ASEAN,... để Việt Nam - Ấn Độ cùng nhau xây dựng quan hệ hợp tác phát triển tương xứng với tiềm năng và khát vọng của hai dân tộc.

Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng Hội thảo khoa học quốc tế lần này tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa không chỉ về mặt học thuật, mà còn góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ một cách mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, vì lợi ích của hai Nhà nước, hai dân tộc và vì sự hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới. Vì vậy, tôi đề nghị các vị đại biểu, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các học giả của 2 nước Việt Nam - Ấn Độ cần nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan về những vấn đề trọng tâm trong quan hệ giữa 2 nước trên các lĩnh vực. Sự tham gia nhiệt tình của quý vị đại biểu sẽ góp phần làm sáng tỏ và tìm ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới.

Chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, các học giả mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn./.

Nguồn:

Cùng chuyên mục