Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam (Phần 3)
Phật giáo là một trong những tinh hoa văn hóa tinh thần của Ấn Độ, có nguồn gốc dài lâu, nội dung rộng lớn, giáo lý sâu sắc, với tinh thần từ bi hỉ xả, đáp ứng được việc giải tỏa những khổ đau của nhân sinh nơi trần thế, cho nên Phật giáo đã quy tụ được hàng triệu tín đồ và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Ấn Độ mà còn lan tỏa ra khắp thế giới trong đó có Việt Nam.
Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam
PGS. TS. Trần Lê Bảo*
d. Mặc dù là hai mô hình xã hội kế tiếp nhau trong lịch sử Việt Nam, song có thể thấy sức mạnh của thời đại Lý - Trần không giống với sức mạnh của thời đại Lê - Nguyễn. Một bên là sức mạnh của nền “quân chủ Phật giáo” có được từ trạng thái nhân ái khoan dung. Một bên là sức mạnh của một nền “quân chủ Nho giáo” chuyên chế tập quyền được tổ chức quy mô và chặt chẽ song vẫn không hoàn toàn đoạn tuyệt với Phật giáo.
Trong hai mô hình xã hội Việt Nam có ba nhân vật tiêu biểu cho mối quan hệ vương quyền và thần quyền - nhà vua và nhà sư. Đó là Lý Công Uẩn là nhà sư trở thành nhà vua, tiếp đến là Trần Nhân Tông là nhà vua thành nhà sư và Nguyễn Phúc Chu là nhà vua gắn với nhà sư. Từ ba nhân vật tiêu biểu này người ta có thể thấy diễn trình cũng như cấu trúc của Phật giáo và vương quyền Việt Nam trong lịch sử xã hội và vai trò quan trọng của những nhà vua gắn bó với Phật giáo trong việc trị quốc an dân cũng như đối ngoại tài giỏi và dung hợp văn hóa khéo léo làm thăng hoa Phật giáo.
2.2. Hệ thống đạo lí - hệ quả của quan hệ giữa nhà vua và Phật giáo. Mối quan hệ gắn bó này đã tạo thành hệ thống đạo lí cơ bản để xây dựng quốc gia qua các thời đại. Nó vừa là bản địa hóa vừa hoằng dương Phật pháp. Hệ thống đạo lý này được thể hiện thành ba mối quan hệ như sau:
a. Đạo đức nhà vua mang tinh thần Phật: đề cao sứ mạng chính đáng của vương quyền, dựa trên bốn điều kiện: được thần dân tin yêu, trao cho đế vị, chỉ đạo việc nước với lòng nhân từ, tức là “có đạo”, làm nước giầu dân mạnh, coi quyền lợi dân gắn với quyền lợi vua.
b. Đạo đức về nghiã vụ tương hỗ giữa người với người mang tinh thần Phật: giữa vua nhân và tôi trung, cha nghĩa và con hiếu, chồng tín và vợ trinh; thực hành trên cơ sở ngũ giới và thập thiện của đạo Phật.
c. Đạo đức yêu nước mang tinh thần Phật: Giữ gìn giang sơn gấm vóc, bằng cách trị nước với tình thương (từ bi, bác ái), hoặc bằng cách bảo vệ nền văn hóa dân tộc; lo lắng về thảm cảnh mất nước, quyết tâm giành lại đất nước từ trong tay giặc với tâm Bồ Tát.
Tất cả các thành tố nói trên, như đạo đức vương quyền, đạo đức nhân dân, đạo đức ái quốc, đã tạo nên sức mạnh tinh thần của toàn dân trong việc giữ gìn quốc gia độc lập, chống được ngoại xâm, bảo vệ quyền dân tộc tự quyết trong bang giao với các nước.
3. Sự dung hợp chính quyền và thần quyền - vua và sư tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có một loại hình kết hợp giữa chính quyền và thần quyền đó là Nhà vua gắn liền cuộc đời, tư tưởng với Phật giáo. Những vị vua này là những bậc hiền tài nhân đức, đem lại sự vững bền thịnh vượng cho đất nước và hạnh phúc cho muôn dân. Lý Công Uẩn Thái Tổ từ một nhà sư thành vua mở đầu vương triều Lý. Triều Trần có Ngự hoàng Trần Nhân Tông từ vua thành sư - người khai sáng Thiền phái trúc Lâm Yên Tử. Sau đó là Bồ tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu tín sùng đạo Phật xây dựng thời đại hưng thịnh, có công bình định mở mang bờ cõi Đàng Trong như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
3.1. Xét từ tâm thức văn hóa dân tộc, cả ba vị vua này đều đã được tâm thức dân gian chuẩn bị đầy đủ cho mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền.
Cả ba vị này đều có những huyền thoại được ghi chép đầy đủ báo trước mối quan hệ nhân duyên với Phật giáo:
Lý Công Uẩn chẳng những ra đời kì lạ mà việc ông lên làm vua cũng có cả sấm kí. "Thái Tổ hoàng đế, họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh. (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, quyển II, Kỷ nhà Lý, Thái Tổ hoàng đế, trang 240)
Đại Việt sử ký tiền biên, bản kỷ, quyển II, trang 192 chép: "Theo bài Tiêu Sơn tự ký thì Thái hậu cảm thụ tinh con khỉ bạch mà sinh ra vua ở chùa này, sư Vạn Hạnh đưa về nuôi. Theo Ngoại truyện thì: mẹ vua năm 20 tuổi, do nghèo túng lam lũ không có chồng, nương tựa vào vị sa môn già ở chùa Ứng Thiên cho làm việc nấu bếp, hằng đêm dậy đồ xôi. Một hôm bà ngủ quên, lửa tắt, sa môn vô tình chạm phải, giật mình tỉnh dậy thấy lòng xáo trộn rồi có thai, bị sa môn đuổi đi, bà vào chùa khác, đủ tháng thì sinh ra vua...
Ngự Hoàng Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật đầu thai gắn liền huyền sử. Tam Tổ thực lục ghi rằng: Trần Nhân Tông “vừa sinh ra màu da như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn”.
Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cũng được sách Đại Nam Thực lục tiền biên ghi lại rằng: “Mẹ của Quốc chúa trước đây được dâng vào hậu triều, sau đó được tuyển làm cung tần. Đến khi có thai, ở nơi phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vây bọc xung quanh, giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở. Người thức giả cho là điềm tốt. Đến lúc sinh thì được một trai, ánh sáng tỏa rực khắp nhà, đấy chính là Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế” tức Chúa Nguyễn Phúc Chu.
3.2. Những điều kiện xã hội cụ thể thúc đẩy mối quan hệ giữa vua và sư
Mỗi con người đều là con đẻ của một hoàn cảnh nhất định. Điều này quyết định cả quan niệm sống lẫn lối sống và con đường sống của mỗi người.
a. Lý Công Uẩn (974 – 1028) trước khi lên ngôi, đã được nhà sư Vạn Hạnh đào luyện theo tinh thần Phật giáo và con đường đi lên của Lý Công Uẩn vẫn là con đường của các anh hùng dựng nghiệp bằng võ lực trước đó như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… Những vị vua này luôn cần có sự giúp đỡ của thần quyền lúc này là Phật giáo thì mới có thể mở nghiệp thành công. Nói cách khác việc Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế chính là sự thắng lợi của Phật giáo Việt Nam. Đó như là một tất yếu lịch sử muốn khép lại thời đại nô lệ đau thương, chiến tranh đẫm máu, hướng về xã hội yên ổn thái bình, phù hợp cả với lòng dân và việc ổn định để xây dựng thiết chế chính trị vững chắc, có thể đối nội và đối ngoại tốt nhất. Vị Thái tổ mở đầu triều đại nhà Lý này đã xây dựng được chế độ quân chủ Phật giáo vững chắc. Điều này không thể không nói tới vai trò của Phật giáo với vương quyền của Thái tổ Lý Công Uẩn. Tiêu biểu cho mối quan hệ này là quan hệ giữa thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn là sản phẩm của chính quá trình vận động và vươn lên của Phật giáo. Thiền sự Vạn Hạnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Thiền sư là người truyền đạo cũng là người đưa Lý Công Uẩn vào triều để chuẩn bị nắm quyền điều khiển đất nước. Lý Công Uẩn là sản phẩm của chính quá trình vận động và vươn lên của Phật giáo Việt Nam - Phật giáo gắn liền với chính trị.
b. Khác với Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông (1279-1293) là dòng dõi nhà vua, nên ông đã sớm được đào luyện thành một minh quân gồm đủ tài văn võ, tư tưởng có cả tinh hoa của Nho - Phật - Đạo. Cũng giống như Lý Công Uẩn, vua Trần Nhân Tông được tiếp nhận triết lí, tinh thần và không khí Phật giáo còn thấm đẫm trong nền tảng tinh thần văn hóa tâm linh và nhân văn thời đại. Ngài đã có duyên kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền từ Tùy tục của Thường Chiếu, Biện tâm của Trần Thái Tông tới Hòa quang đồng trần của Thượng Sĩ. Chính những triết lí này sau này được Trần Nhân Tông phát triển thành tư tưởng tùy duyên và cư trần lạc đạo. Chính ngài là người chứng ngộ cao nhất và điển hình nhất của Thiền tông Việt Nam. Nhập thế lãnh đạo toàn dân chống giặc Nguyên Mông để cứu khổ cho sinh linh Đại Việt cũng là tinh thần cứu thế của Đức Phật. Xây dựng một triều đại thịnh trị lấy dân làm gốc cũng vì hạnh phúc muôn dân Đại Việt và rũ bỏ mọi quyền uy, mọi vật dục vào núi tu luyện để trở thành Phật, tìm đường cứu rỗi chúng sinh mê đắm trong tham sâm si, chỉ ra con đường hướng về sự an vui thanh thản nơi tâm linh mỗi con dân Đại Việt cũng chính là tìm lại sự yên ổn cho xã hội và dẫn đến sự phát triển của đất nước. Từ bỏ vương quyền trở thành Giác hoàng Điều ngự, Tổ đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là sự chứng ngộ sáng suốt, là lựa chọn điển hình và cao cả của Trần Nhân Tông trong việc xử lí mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền: nhà vua thành Phật trong điều kiện thực tiễn của thời đại. Theo gương Ngài, nhiều vị vua đời Trần đã biết lui về đúng lúc để truyền ngôi cho các thái tử trẻ lãnh đạo đất nước.
c. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là vị vua thứ 6 triều Nguyễn, là một trong những vị chúa hiền tài. Giống như Trần Nhân Tông, ông cũng sinh ra để làm vua và được chuẩn bị đầy đủ để thành một ông vua của triều đại phong kiến chuyên chế. Chúa Nguyễn Phúc Chu được nối nghiệp chúa khá sớm, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể với việc mở đất Đàng Trong đầy gian khổ, cần xây dựng văn hóa tinh thần để tập hợp và phổ độ cho sinh dân nơi đây. Với kiến thức uyên bác và nhãn quan rộng mở, Chúa đã áp dụng nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, chịu nghe lời nói phải, gạt bỏ xa hoa lãng phí, giảm nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ ai ai cũng vui mừng. Chúa, một mặt, phải tổ chức lại chính quyền trung ương về mọi mặt, mặt khác, lại phải lựa chọn Phật giáo làm ngọn cờ để tập hợp sinh dân Đàng Trong. Chính điều này đã đem lại sự vững bền và phát triển quốc gia dưới thời kì Chúa cai quản.
Thời bấy giờ, ở Đàng Trong các chúa đời trước vẫn duy trì khuynh hướng “bế quan tỏa cảng”. Nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn xa trông rộng, đã cho phép nhiều thương thuyền người nước ngoài như Tây phương, Trung Quốc, Nhật Bản ra vào buôn bán, trao dổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết dùng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật cho quân đội, tiếp thu khoa học và kỹ thuật mới. Vì vậy, quân đội cũng đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh nhờ thường xuyên thao luyện. Chúa cũng giỏi điều khiển các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi, bao dung những người thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Mặt khác, Chúa cũng cải cách cơ chế tổ chức chính quyền trung ương, định lại quan tước, phẩm hàm; Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Đặc biệt, Chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. Rõ ràng, với quyền lực của nhà vua, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những đường lối đúng trong việc xây dựng chính quyền phong kiến chuyên chế vững mạnh, có công lao mở mang bờ cõi, đối nội và đối ngoại có hiệu quả. (Xem tiếp phần 4)
*Đại học Sư phạm Hà Nội
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục