Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

03:48 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh*

 

b. Bản chất hòa bình của Phật giáo trong nền ngoại giao Việt - Ấn

Không đứng trên lập trường tư tưởng thống trị, quyền lực và quyền lợi, Phật giáo đã thể hiện tinh thần khoan hòa, khoan dung đối với những tư tưởng - giáo lý khác cũng như đối với dân chúng và thậm chí với kẻ địch. Vì thế, nó lý giải vì sao ở cả Ấn Độ và Việt Nam, Phật giáo có những thời đoạn lịch sử đứng ở vị trí trung tâm của hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, thậm chí trở thành tác nhân chính làm nên bản sắc văn hóa, bản sắc chính trị - ngoại giao.

Bản chất hòa bình của Phật giáo có được trước hết dựa trên sự bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau hay nói cách khác, đó là ý thức “tôn trọng những khác biệt của kẻ khác, để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta”, “tôn trọng những gì không giống ta mà bình đẳng với ta”[1]. Bởi thế, chưa bao giờ Đức Phật xem những điều mình dạy là chân lý tuyệt đối của vũ trụ và của những người khác[2]. Bản thân những quan điểm cơ bản của đạo Phật cũng không hề mâu thuẫn với quan điểm của các tôn giáo khác. Ngay cách thức truyền bá của nó cũng diễn ra vô cùng an hòa. Chính Thích Ca Mâu Ni, khi truyền bá đạo Phật đã không hề kêu gọi người khác chỉ trích và từ bỏ tôn giáo của họ. Ngài đã bảo mọi người đừng nghe theo lời dạy của Ngài chỉ vì niềm tin mù quáng, mà phải tự mình xem xét cho kỹ trước khi chấp nhận giáo huấn. Rõ ràng, đó chính là tinh thần tự nguyện, bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau. Tinh thần “bình đẳng” ấy chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở Phật giáo, chứ không thể tìm thấy trong tư duy của Ấn Độ giáo, một tôn giáo phân chia giai cấp triệt để ở Ấn Độ. Tinh thần bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt ấy xét trên phương diện ngoại giao chính là sự tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia dân tộc khác theo quan điểm “mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”. Bởi thế mà, “nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới”[3] . Câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một đặc trưng cốt lõi mang đậm Phật tính trong văn hóa ngoại giao dân tộc từ xưa đến nay, đó là luôn tôn trọng độc lập chủ quyền của mọi quốc gia, đặt các quốc gia trong thế bình đẳng và cùng với các quốc gia trên thế giới xây đắp một nền hòa bình chung cho toàn nhân loại. Tinh thần ấy chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp ở các bậc Chuyển luân Thánh vương trong lịch sử Ấn Độ, trong đó Hoàng đế Asoka là một ví dụ điển hình. Từ những trăn trở về hậu quả của cuộc chiến ở Kalinga đối với cả hai bên (bên thắng trận và bên bại trận), đặc biệt là những thường dân vô tội trong cuộc chiến đẫm máu này, Asoka đã quyết tâm trở thành một Phật tử, truyền bá và thực thi tư tưởng “không xúc phạm, không làm tổn thương, không sát sinh...” “cùng chung sống hòa bình” bình đẳng với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chính trong một chỉ dụ khắc trên đá[4], Hoàng đế Asoka đã chia sẻ: “... chinh phục một xứ sở độc lập chính là một hành vi sát nhân, gây ra cảnh chết chóc và lưu đày cho thật nhiều người: những ý nghĩ đó hiện lên thật mãnh liệt và dày vò người bạn của các vị trời... “, "Cũng như tôi mong cho con cái tôi được hưởng mọi hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau, tôi cũng cầu mong cho tất cả mọi người đều cũng được hưởng hạnh phúc và an lạc như vậy” (Phỏng dịch theo học giả Jules Bloch). Thật hiếm có ông vua nào công khai tỏ bày nỗi ân hận thực sự của mình về công cuộc xâm lăng sau ngày chiến thắng như đức vua Asoka. Sau chiến thắng Kalinga, khoảng năm 262 trước Công nguyên, Asoka tuyên bố từ bỏ chiến tranh, chủ trương đường lối hòa bình triệt để và xem việc chinh phục quân sự chẳng lấy gì làm vinh quang bởi “Dầu chiến thắng hàng vạn người trên chiến trường cũng không bằng tự chiến thắng mình. Tự thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất.”[5]. Và hơn ai hết, ông nhận ra rằng: Xưa nay, “Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù”[6], chỉ có tình thương mới hóa giải mọi sân hận trên thế gian này. Phải chăng Phật giáo đã thánh hóa con người Asoka và rồi chính con người ấy đã tin theo lời dạy của Đức Phật và vận dụng nó trong việc trị quốc, ngoại giao[7].

Tư duy mang đậm Phật tính ấy đã trở thành truyền thống của tư duy chính trị Ấn Độ. Tiếp sau Asoka, các nhà lãnh đạo Ấn đã tiếp truyền trọn vẹn tinh thần ấy. Hình ảnh M.Gandi vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XIX - một con người vĩ đại được tôn xưng vào bậc Thánh nhân, suốt đời rao giảng và thực hành sự đối xử bình đẳng cho tất cả dân chúng là một minh chứng sinh động. Ông từng nói rằng: “Mình không thể ghét bỏ bất cứ người nào trên quả địa cầu. Trải qua những ngày dài khép mình trong cầu nguyện, tôi đã ngưng, từ hơn bốn mươi năm nay, hận thù đối với bất cứ người nào”, “Chỉ khi nhìn trực diện cái tinh thần phổ biến và tỏa sáng của sự thật, người ta mới có thể yêu thương những kẻ thấp hèn nhất như yêu thương chính mình”[8]. Vậy là, bằng tinh thần bình đẳng, hòa ái của Phật pháp, Gandi đã bứt phá khỏi “tính ích kỷ cùng tham vọng trần tục” để mà “yêu thương tha thứ và không thù hận”, để tránh sự bạo động và hiểu biết sức mạnh của bất bạo động cũng như thấu suốt rằng “Sự bất bạo động thường đòi hỏi nhiều can đảm hơn cả sự bạo động”[9]. Tinh thần ấy chính là cội nguồn của đường lối ngoại giao hòa bình, bất bạo động mà ông theo đuổi suốt cuộc đời dẫu sinh ra, lớn lên trong một thế kỷ của “bạo lực tuyệt đối”[10].

Lý tưởng bình đẳng, từ bi ấy vừa là tư tưởng nền tảng của Phật giáo, của văn hóa ngoại giao Ấn Độ, vừa cũng là nguyên lý căn bản của chủ nghĩa hòa bình trong truyền thống ngoại giao Việt Nam. Dõi theo hành trình ngoại giao của dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy thấp thoáng bóng dáng của đức từ bi, tinh thần yêu chuộng hòa bình của Phật pháp trong con người của Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông, của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, của Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, của Hồ Chí Minh... (Xem tiếp phần 3)


[1] Xem thêm: Hoàng Ngọc Hiến: Luận bàn về minh triết và minh triết Việt, Nxb.Trí thức, H.2011, tr.89.

[2] Hajine Nakamura: “Tinh thần khoan dung và sự hòa giải trong tư duy người Ấn Độ”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2006, tr.77.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.11. 

[4] Các bia đá là trụ đá do chính Asoka dựng lên rải rác tại khắp nhiều nơi trên vương quốc rộng lớn của ông, mà các nhà khảo cổ phương Tây và Ấn Độ đã dần dần phát hiện được từ nửa cuối thể kỷ XIX trở lại đây.

[5] Pháp cú, kệ số 103.

[6] Bia ký XIII.

[7] Will Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb.Văn hóa - Thông tin, H.2004, tr.100.

[8] Michael Nicholson: Mahatma Gandhi- The Man who freed India and led the world in non-violent change (Mahatma Gandhi- Người đã giải phóng Ấn Độ và dẫn dắt thế giới vào cuộc thay đổi bất bạo động), Bản Việt ngữ, Nxb.Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.69, 71.

[9] William L.Shirer: Gandi a Memoir (Gandi, Một ký ức). Dẫn theo Michael Nicholson, tr.24.

[10] Cách dùng của Michael Nicholson: Mahatma Gandhi- The Man who freed India and led the world in non-violent change (Mahatma Gandhi- Người đã giải phóng Ấn Độ và dẫn dắt thế giới vào cuộc thay đổi bất bạo động), Bản Việt ngữ, Nxb.Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.79.

* Khoa Việt Nam học - Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguồn:

Cùng chuyên mục