Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)

03:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Phật tính trong nền ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh*

 

Dưới triều đại được xem là “triều đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam”[1], dù đang ở vị thế của kẻ chiến thắng nhưng nhà Lý đã chủ động kết thúc cuộc chiến với nhà Tống bằng một hiệp định đình chiến giữa Quách Quỳ và Lý Nhân Tông, mở ra cho giặc một lối thoát trong hòa bình. Lòng nhân ái tuyệt vời mang đậm Phật tính ấy của nhà Lý một lần nữa được ngưng kết tuyệt đẹp trong thiện chí trao trả tù binh của vương triều Trần sau đó. Sự phóng thích 5 vạn tù binh sau chiến thắng Tây Kết; sự đại xá khoan hồng cho rộng đường về nước đối với quân lính và các tướng lĩnh cao cấp của nhà Nguyên (như Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ đại vương) sau chiến thắng Bạch Đằng[2]... của Trần Nhân Tông đã xoa dịu mối hận thù chất chứa sau thất bại nặng nề của Đại Nguyên trên đất Việt, tránh cho đất nước khỏi cuộc can qua một lần nữa. Vậy là, với những kẻ đã quy hàng, có thể hối cải, các vị vua nhà Lý, nhà Trần đã giang rộng lòng từ bi của những vị vua hướng Phật để khai mở cho họ một con đường sống.

Hơn 100 năm sau, chúng ta lại bắt gặp tinh thần từ bi, hòa hiếu mang đậm Phật tính ấy trong những nhà lãnh đạo lừng danh thế kỷ XV - Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Đã bao lần thiện chí hòa bình, lòng bao dung, nhân ái của hai ông được đáp lại bằng thái độ lật lọng, phản bội của kẻ thù ấy vậy mà Lê Lợi, Nguyễn Trãi không hề nhụt chí, kiên trì dùng ngòi bút viết thư dụ hàng, mở ra cơ hội thương lượng cho giặc[3]. Thậm chí, để giặc yên tâm hòa đàm rút quân về nước, Nguyễn Trãi còn thay mặt Lê Lợi viết thư phân tích thấu đáo lẽ thiệt hơn nhằm trấn an tinh thần quân giặc, nêu bật chủ nghĩa nhân đạo cao cả[4]. Rõ ràng, bấy giờ khi giặc đang bị vây ở thành Đông Quan (Thăng Long) và bị lâm vào bước đường nguy khốn, nếu Lê Lợi, Nguyễn Trãi chủ trương tiếp tục tiến công thì không bao lâu sau sẽ đánh bại chúng hoàn toàn, khó ai sống sót, song các ông đã không làm như vậy. Lê Lợi mở con đường hiếu sinh cho giặc bằng Hội thề Đông Quan (1427) để sau đó, chúng được rút hết về nước trong không khí hòa nghị, bao dung của lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn.

Lý tưởng từ bi, hòa hiếu dưới thời phong kiến đó đã tiếp tục được phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh và trở thành chủ nghĩa hòa bình - một đặc trưng căn cốt nhất trong nền ngoại giao Việt Nam thời hiện đại. Có lẽ, chỉ dựa trên chủ nghĩa hòa bình mang đậm Phật tính mới giúp chúng ta lý giải được căn nguyên của tinh thần quốc tế trong sáng thời đại Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chúng ta không được đồng nhất chủ nghĩa hòa bình đang bàn đến ở đây với sự khoan dung, nhân nhượng thiếu nguyên tắc. Bản thân Phật giáo xưa nay cũng không hề phủ nhận việc phải trang bị quân đội, điều quan trọng mà nó hướng tới là cách thức ứng xử ra sao khi những mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Đặc biệt, ở Việt Nam, dòng Phật Đại Việt do Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII cũng không hề chấp nhận “trì giới và nhẫn nhục”, nhất là nhẫn nhục cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù ngoại bang. Do đó, dù không muốn chiến tranh xảy ra gây bao đau thương cho người dân vô tội nhưng khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, độc lập, tự do của người dân bị mất đi - tức là nguyên tắc bất biến bị đe dọa - thì Ấn Độ cũng như Việt Nam sẵn sàng đấu tranh bằng nhiều phương thức khác nhau, chứ không “nhẫn nhục” chấp nhận một nền hòa bình giả hiệu. Điều này chúng ta thấy rất đậm nét trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Còn đối với Ấn Độ, dù trước sau theo đuổi đường lối ngoại giao hòa bình, bất bạo động, song như J.Neru đã từng tuyên bố vào năm 1946- thời điểm trước khi Ấn Độ được Anh trao trả độc lập, thì: Ấn Độ sẽ không thụ động trong những vấn đề như chiến tranh và hòa bình, cố gắng hết sức mình vì sự nghiệp hòa bình[5]. Câu nói đã đã phản ánh cho chúng ta thấy tinh thần hòa bình tích cực trong đường lối ngoại giao của Ấn Độ thời bấy giờ. Bởi thế, dù hòa bình là nguyên tắc ngoại giao cao nhất song Ấn Độ vẫn là một cường quốc hạt nhân, đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào những năm 1974, 1998 và là một quốc gia không ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT cũng như Hiệp ước cấm thử vũ khí toàn diện. Chỉ có điều, dù là cường quốc hạt nhân nhưng chính bản thân Ấn Độ lại là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc ủng hộ việc giải trừ quân bị toàn cầu, dành nhiều thời gian quý báu trên các diễn đàn quốc tế để kêu gọi giải trừ quân bị[6].

Chính những đặc trưng chung mang đậm chủ nghĩa hòa bình đầy tích cực nêu trên trong văn hóa ngoại giao của hai nước Việt - Ấn đã tạo ra chất keo gắn kết hai quốc gia trong suốt tiến trình lịch sử. Đặc biệt, hiện nay, khi cả hai bên đều đang phải đối mặt với những mối quan tâm chung trong việc giải quyết các vấn đề, lợi ích khu vực và quốc tế, nhất là vấn đề Biển Đông thì một lần nữa mối quan hệ ấy lại càng được xích lại gần nhau.

Thực tế cho thấy, đứng trước sự ngang ngược và công khai thách thức của Trung Quốc, tại cuộc họp báo 3-12-2012, Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm cứng rắn của mình qua tuyên bố của Tư lệnh hải quân Ấn Độ, trong đó nhấn mạnh: dù không phải là nước tuyên bố chủ quyền lãnh Hải tại Biển Đông, Ấn Độ sẵn sàng hành động, nếu cần, để bảo vệ các quyền lợi kinh tế và hàng hải trong khu vực. Đô đốc Joshi cũng đã phát biểu: "Trong các tình huống có liên quan tới các quyền lợi của Ấn Độ, ví dụ như liên quan tới ONGC, chúng tôi cần tới đó và đã sẵn sàng cho điều đó"[7]. Rõ ràng, tuyên bố này chính là một ví dụ sinh động nữa minh chứng cho tinh thần hòa bình tích cực của Ấn Độ. Và Việt Nam, với ảnh hưởng của mình, với vị trí địa chính trị quan trọng trên tuyến đường biển quốc tế phù hợp với chính sách “hành động phía Đông” của Ấn Độ, có thể kêu gọi sự đồng thuận giữa các nước trong khu vực để ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn ở biển Đông, tạo ra nhân tố kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong khu vực hiện nay và trong tương lai.

3. Kết luận

Như vậy, trong bối cảnh đất nước luôn đối mặt với biết bao thế lực bạo động, thù địch, trong một thế giới đầy rẫy những mối xung đột và luôn ẩn tàng nguy cơ chiến tranh, những nhà lãnh đạo Ấn Độ, Việt Nam từ xưa đã tìm về với Phật giáo, với những lời dạy sáng suốt giàu trí tuệ và đầy nhân ái của Ngài để thực thi một đường đường lối ngoại giao hòa bình tích cực mang đậm Phật tính và đã gặt hái được những thành công to lớn. Chính đường lối ngoại giao ấy đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại sức mạnh mềm vô giá cho Ấn Độ, cho Việt Nam trên hành trình hội nhập và phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Ngọc Hiến (2011), Luận bàn về minh triết và minh triết Việt, Nxb.Trí thức.

2. Hajine Nakamura: “Tinh thần khoan dung và sự hòa giải trong tư duy người Ấn Độ”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, năm 2006

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 

4. Will Durant (2004), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb.Văn hóa Thông tin.

5. Michael Nicholson: Mahatma Gandhi- The Man who freed India and led the world in non-violent change (Mahatma Gandhi- Người đã giải phóng Ấn Độ và dẫn dắt thế giới vào cuộc thay đổi bất bạo động), Bản Việt ngữ, Nxb.Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Hoàng Xuân Hãn (1998), Lý Thường Kiệt - Chính sách ngoại giao và tông giáo triều , , tập 2, Nxb.Giáo dục.

7. Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn (1963), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, Nxb.Giáo dục, Hà Nội

8. Nguyễn Lương Bích (1973), Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nội.

9. Ngô Minh Oanh: “Tư tưởng không liên kết ở Ấn Độ từ Jawaharlal Nehru đến Indira Gandhi”, Nghiên cứu Lịch sử, số 2-2005.

10. Ấn Độ sẵn sang triển khai tới Biển Đông để bảo vệ quyền lợi dầu khí, ngày 3-7-2013, nguồn: http://www.voatiengviet.com/articleprintview/1558163.html?displayOptions=2

11. Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại Thừa, http://phathocdoisong.com/news/nguyen-ly-hoa-binh-trong-phat-giao-dai-thua.d-2181.aspx


[1] Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt - Chính sách ngoại giao và tông giáo triều Lý in ở La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nxb.Giáo dục, H.1998, t.2, tr.249-563.

[2] Từ Minh Thiện: Thiên Nam hành ký. Dẫn theo: Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nxb.Giáo dục, H.1963, t.1, tr.296.

[3] Nguyễn Lương Bích: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb.Quân đội nhân dân, H.1973, tr.451.

[4] Nguyễn Lương Bích: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb.Quân đội nhân dân, H.1973, tr.466-467.

[5] Ngô Minh Oanh: “Tư tưởng không liên kết ở Ấn Độ từ Jawaharlal Nehru đến Indira Gandhi”, Nghiên cứu Lịch sử, số 2/2005, tr.54.

[6] Lời kêu gọi đáng chú ý cho việc giải trừ quân bị toàn cầu của Thủ tướng Rajiv Gandhi tại Liên Hợp Quốc vào năm 1988.

[7] Ấn Độ sẵn sang triển khai tới Biển Đông để bảo vệ quyền lợi dầu khí, ngày 3-7-2013, nguồn http://www.voatiengviet.com/articleprintview/1558163.html?displayOptions=2

* Khoa Việt Nam học - Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục