Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Ấn trên cơ sở giá trị văn hóa chung của hai dân tộc (Phần 2)
Trên cơ sở phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ để làm rõ mục tiêu của Ấn độ trong quan hệ quốc tế hiện nay và trong tương lai, bài viết này mong muốn góp phần làm rõ việc phát triển quan hệ Việt-Ấn một cách bền vững và lâu dài không chỉ dựa trên lợi ích của mỗi quốc gia trên phương diện vật chất mà cần phải dựa trên cơ sở tăng cường sự hiểu biết các giá trị văn hóa của hai dân tộc.
Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Ấn trên cơ sở giá trị văn hóa chung của hai dân tộc
PGS.TS. Phạm Hồng Chương*
(Tiếp theo phần 1)
2. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ, do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã quyết định củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ mọi mặt với các nước Đông Nam Á để thực hiện hiện vòng đồng tâm chiến lược thứ hai của mình. “Chính sách hướng đông” có từ những năm cuối của thế kỷ XX đã được thay thế và hiện thực hóa bằng cái tên “Hành động hướng Đông”[1]
và thực hiện vòn tròn hướng tâm thứ ba. Thủ tướng Modi quan tâm xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ lâu đời. Giao lưu kinh tế và văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ thế kỷ thứ II sau Công Nguyên và đã đề lại những ảnh hưởng nhất định trong nghệ thuật và kiến trúc của Việt Nam. Trong thời hiện đại, Ấn Độ đã ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Việt Nam và cũng là một trong ít quốc gia hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề Cămpuchia. Từ năm 1992, hai nước thiết lập mối quan hệ kinh tế toàn diện, bao gồm thăm dò dầu khí, nông nghiệp và chế tạo và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và ngày càng được tăng cường, phát triển.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14-17/9/2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã phát biểu: “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt hơn ngày hôm nay”, đồng thời nhấn mạnh “để bảo vệ được lợi ích dân tộc và lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau” và “Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy và thủy chung của Việt Nam”. Đặc biệt, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nhiều lần khẳng định: “tại Ấn Độ, mọi đảng phái chính trị đều nhất trí coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam”[2].
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua có thể thấy, mối quan hệ này phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trên 5 lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục. Ấn Độ luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Với chính sách hướng Đông và nhất là với hành động hướng Đông của mình, Ấn Độ đã tăng cường về thực chất mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước: Về quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, đã lên tới so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2010 lên 6,2 tỷ USD năm 2012 và sẽ đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 15 tỷ USD vào cuối năm 2020. Hợp tác quốc phòng song phương bao gồm việc buôn bán thiết bị quốc phòng, chia sẻ tin tức tình báo, tập trận hải quân và diễn tập chống bạo loạn…được phát triển sau những sự kiện vũ lực của Trung Quốc ở Biển Đông đã biểu thị rõ thái độ của Ấn Độ.
Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ bền vững dựa trên cơ sở phát triển hợp tác kinh tế phải đồng thời dự trên cơ sở hiểu biết các giá trị văn hóa. Tại sao lại như vậy?
Một là, Sự tương đồng của hai dân tộc về văn hóa trong trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc với khát vọng chung về hòa bình của đất nước và khu vực để xây dựng đất nước thịnh vượng đã dẫn tới những suy nghĩ của Hồ Chí Minh được thể hiện trong những bài viết ủng hộ và tuyên truyền cho phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ, về M. Gandi ở những năm hai mươi của thế kỷ XX. Những quan niệm của Người về người bạn J. Nehru sau khi nước Việt Nam và Ấn Độ giành được độc lập cũng như cuộc đi thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ, Myanmar, Indonesia vào năm 1958 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói lên rất nhiều vấn đề. Trước hết, có thể nói tới mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong mối liên kết vùng giữa tiểu lục địa Nam Á với Đông Nam Á mà Hồ Chí Minh và J. Nehru là những người thiết kế và thực hiện trong những năm năm mươi của thế kỷ trước.
Ngày nay, Việt Nam và Ấn Độ đang hiện thực hóa ý tưởng của các thế hệ lãnh tụ của hai nước vì lợi ích chung của dân tộc là hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội thì cần phải thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế nhưng phải song hành cùng với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa của hai dân tộc. Phát triển quan hệ Việt Ấn trên cơ sở những giá trị văn hóa tương đồng sẵn có và rất trong sáng giữa hai nước là một lợi thế càn được tận dụng một cách triệt để.
Hai là, phát triển quan hệ Việt - Ấn trên cơ sở văn hóa đáp ứng chính mong muốn của Ấn Độ đang hướng tới là thúc đẩy sự lan tỏa của văn hóa Ấn cũng như ảnh hưởng mọi mặt của Ấn Độ trên thế giới.
Là một trung tâm văn hóa có một sắc thái riêng trong sự phát triển của mình trong tiến trình lịch sử và với mong muốn duy trì một trong những thành tựu chính trị lớn nhất của Ấn Độ sau khi dành được độc lập là bảo vệ các giá trị dân tộc dân chủ và xem dân chủ không phải là quà tặng mà nước này có thể làm cho nước khác. Vì vậy, Ấn Độ đã có sự không đồng tình trong việc sử dụng vũ lực trong cái gọi là để thúc đẩy tiến trình cải cách dân chủ đã diễn ra ở cuối thế kỷ XX và trong thập niên đầu thế kỷ XXI ở Bắc Phi, Trung Đông,... Ấn Độ cho rằng, với những thành công đã đạt được trong phát triển nền dân chủ của mình, Ấn Độ sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình và sẵn sàng giúp đỡ nhưng nước đang tìm kiếm tự do, dân chủ thực sự. Trên tinh thần đó, trong trong chính sách đối ngoại, Ấn Độ mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa hòa bình truyền thống của mình để nâng cao vị thế của mình trước một thực tế của một thế giới ngày nay luôn áp đặt và sử dụng bạo lực trong quan hệ quốc tế.
Có thể nói, Ấn Độ đang khẳng định sự hiện diện của mình bằng những giải pháp chưa từng có trước đây để thích ứng với những vận động mới trong quan hệ quốc tế với tư cách của một nước lớn nhưng tôn trọng giá trị văn hóa hòa bình của mình đã được kiến tạo bởi M. Gandhi và J. Nehru. Đó là điều cần suy nghĩ trong xây dựng mối bang giao với Ấn Độ.
Điều đó cho thấy, hiểu văn hóa của Ấn Độ biểu thị trong ý tưởng và hoạt động đối ngoại trên thực tiễn sẽ là cơ hội cho Việt Nam phát triển mối quan hệ bền vững trên tất cả các phương diện với Ấn Độ. Bởi vậy, cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu làm sâu sắc sự hiểu biết bằng khoa học là cơ sở cho sự phát triển bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Làm như vậy thì sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ có cơ sở vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta cần đi tới việc khẳng định một hành động cụ thể thiết thực trong nghiên cứu và làm lan tỏa văn hóa của hai dân tộc, cũng như “Chính sách hướng Đông” phải được thay thế bằng “Hành động hướng Đông” vậy.
* Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Sự thay đổi trên được nêu trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/9/1914.
[2]http://vov.vn/chinh-tri/quan-he-viet-nam-an-do-chua-bao-gio-tot-hon-hien-nay-360293.vov
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục