Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 3)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được Thủ tướng hai nước ký nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 7/2007 đã nâng quan hệ Việt - Ấn lên mức cao nhất giữa hai quốc gia. Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột then chốt của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn.
Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng
Đỗ Thắng Hải*
II. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN - ẤN ĐỘ
1. Giới thiệu chung về Hiệp định AITIG
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Ấn Độ vào tháng 8 năm 2009, hai bên đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AITIG). Hiệp định gồm 24 điều với nội dung chính là thiết lập lộ trình cam kết giảm thuế đã được các nước ASEAN và Ấn Độ thống nhất. Ngoài ra, AITIG cũng quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi quan thuế, minh bạch hoá chính sách, rà soát, sửa đổi cam kết, các biện pháp tự vệ và ngoại lệ.
Theo Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế được chia làm 5 danh mục có tiến độ và mức độ giảm thuế khác nhau, bao gồm Danh mục giảm thuế thông thường (NT), Danh mục nhạy cảm (SL), Danh mục nhạy cảm cao (HSL), Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục loại trừ (EL). Với tư cách là nước thành viên mới của ASEAN (CLMV), Việt Nam được cắt giảm thuế theo lộ trình dài hơn 05 năm so với các nước ASEAN và Ấn Độ. Tuy có lộ trình dài hơn nhưng Việt Nam vẫn được hưởng đầy đủ ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Ấn Độ và các nước ASEAN khác.
Về phía Ấn Độ, nước này cam kết cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, than đá, cao su, sắt thép, v.v. Ngoài ra, theo yêu cầu của Việt Nam, Ấn Độ nhất trí giảm thuế đối xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen, và 50% đối với hạt tiêu vào năm 2018. Đây là các sản phẩm được cho là rất nhạy cảm với Ấn Độ nhưng lại có lợi ích xuất khẩu đặc biệt đối với Việt Nam.
2. Tác động của Hiệp định đến quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ
Một trong những tác nhân quan trọng nhất thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa hai nước trong thời gian qua là việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa (AITIG) từ năm 2010 trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, mở đường cho quá trình thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước và góp phần không nhỏ trong việc tăng cường xuất khẩu của ta sang Ấn Độ. Tỷ lệ sử dụng quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Chính phủ Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định để xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ ngày càng tăng.
Sau khi FTA có hiệu lực, ngày càng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ như điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, phôi thép…
AITIG còn giúp ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu. Việc ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu nói riêng. Mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ tập trung chủ yếu vào các nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu, ngô, bông, dược phẩm, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Nhiều sản phẩm trên được hưởng thuế suất ưu đãi từ 0-9,4% khi vào thị trường Việt Nam theo cam kết khi thực hiện Hiệp định. Vì vậy hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ phần lớn có giá cạnh tranh, cùng với chất lượng khá và vận chuyển nhanh do ưu thế về khoảng cách địa lý, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ còn tác động tích cực tới việc thu hút FDI từ Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài và Ấn Độ khi xem xét đầu tư vào Việt Nam, nhìn nhận FTA mà ta đã ký là lợi thế lớn để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.
III. NHỮNG RÀO CẢN VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN QUAN HỆ KINH TẾ THƯƠNG MẠI VIỆT - ẤN
1. Rào cản trong quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Ấn Độ
Mặc dù quan hệ kinh tế - thương mại song phương có nhiều bước phát triển trong thời gian qua, Ấn Độ trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ ngày càng được củng cố, nhưng để đưa mối quan hệ này phát triển xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược thì vẫn tồn tại nhiều rào cản và thách thức không nhỏ.
a. Khung pháp lý và chính sách thương mại
Thứ nhất, mặc dù Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ đã có hiệu lực thi hành nhưng trong mức áp thuế nhập khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như hàng nông sản (hạt tiêu, hạt điều, cà phê, chè) vẫn còn cao hoặc nằm trong danh mục loại trừ. Trong quá trình đàm phán Hiệp định, dù có nhượng bộ nhất định nhưng Ấn Độ chỉ đồng ý giảm thuế xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen, và 50% đối với hạt tiêu vào năm 2018 do đây là những sản phẩm nhạy cảm với Ấn Độ nhưng lại có lợi ích xuất khẩu đối với Việt Nam.
Theo cam kết trong Hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam lại thuộc danh mục nhạy cảm của Ấn Độ, tức có lộ trình cắt giảm thuế chậm, như dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Còn một số mặt hàng như thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải… lại thuộc danh mục loại trừ, tức Ấn Độ không cam kết giảm thuế.
Theo WTO, mức thuế trung bình của Ấn Độ là 34,9% cao hơn nhiều so với mức thuế trung bình được áp dụng là 16,4%. Đối với các mặt hàng nông nghiệp, mức thuế áp dụng trong WTO của Ấn Độ thuộc loại cao nhất thế giới.
Bên cạnh các rào cản liên quan đến thuế, tại Ấn Độ còn tồn tại nhiều rào cản thương mại khác như hạ tầng cơ sở nghèo nàn, quản lý yếu kém, cơ chế giải quyết tranh chấp bảo thủ, chi phí sản xuất cao, nạn tham nhũng khá phổ biến ... Một số vấn đề liên quan đến áp dụng và thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, thủ tục đánh giá chất lượng hàng hóa, chi phí giám định không thực sự hỗ trợ hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, do chủ trương và chính sách bảo hộ ngành sản xuất nội địa, Ấn Độ hiện là một trong số các nước tiến hành điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu có liên quan tới Việt nam (05 vụ việc chống bán phá giá và 04 vụ việc tự vệ). Các sản phẩm bị điều tra tương đối đa dạng, từ đĩa DVD, đèn huỳnh quan cho đến sợi – một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. Trong thời gian gần đây, Ấn Độ có nhiều động thái gây khó khăn đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam như tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng điều nhân và điều tra tự vệ đối với thép cán nguội, máy chế biến nhựa, sản phẩm nhựa laminate.
Thứ ba, hệ thống pháp luật của Ấn Độ tương đối phức tạp dẫn đến hiểu biết của doanh nghiệp về luật pháp nước sở tại còn thiếu và yếu. Những thủ tục cần thiết giúp doanh nghiệp thâm nhập địa bàn và bám sát thị trường như thủ tục văn phòng đại diện, chi nhánh và công ty rất phức tạp, đòi hiểu nhiều loại giấy tờ, chi phí tư vấn cao, tốn nhiều thời gian và công sức.
Một vấn đề nổi cộm đối với các nhà xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ là mức độ phức tạp trong cấu trúc thuế và các phụ phí hải quan. Do cấu trúc tính thuế, miễn giảm thuế phức tạp, hải quan của Ấn Độ còn đòi hỏi các giấy tờ bổ sung dẫn đến khâu thủ tục giấy tờ nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Chính sách không rõ ràng, minh bạch và khó dự đoán của Chính phủ cũng gây ảnh hưởng tới xuất khẩu vào thị trường này.
b. Văn hóa và tập quán kinh doanh
Sự khác biệt về văn hóa được coi là trở ngại khá lớn đối với doanh nghiệp. Ấn Độ cũng như nhiều nước khác ở khu vực Nam Á có nền văn minh, phong tục tập quán, tôn giáo và thói quen tiêu dùng rất khác biệt với các nước Đông và Đông Nam Á. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này và tăng thị phần của hàng Việt Nam, các doanh nghiệp nước ta cần tìm hiểu thêm những nét cơ bản về lịch sử, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, khả năng kinh tế và sức mua của từng loại đối tượng khác nhau. Doanh nghiệp cần tránh tiếp thị, quảng cáo các nhóm mặt hàng không phù hợp với thói quen, tôn giáo và tín ngưỡng của người dân trong khu vực. Đây là khu vực sinh sống của người theo đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Phật, đạo Sikh. Do vậy, không tiếp thị quảng cáo thịt bò và sản phẩm thị bò vào thị trường Ấn Độ vì người dân thờ thần bò và không ăn thịt bò, không tiếp thị mặt hàng thịt lợn vào các khu vực nơi có người đạo Hồi sinh sống…
Sự khác biệt về tập quán kinh doanh cũng là một trở ngại không nhỏ. Ấn Độ là thuộc địa cũ của Anh và hệ thống pháp luật chủ yếu áp dụng mô hình pháp luật của Anh. Các công ty Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm làm thương mại, đồng thời không ít công ty có những tiểu xảo tinh vi trong giao dịch và thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp Việt Nam thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp do dễ dàng chấp nhận các điều khoản bất lợi, thiếu bình đẳng về thanh toán, giám định, chế tài… (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 4)
* Thứ trưởng Bộ Công thương.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục




