Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển sự hiệp lực giữa Ấn Độ Và Việt Nam: Phân tích theo ngành (Phần 2)

Phát triển sự hiệp lực giữa Ấn Độ Và Việt Nam: Phân tích theo ngành (Phần 2)

Quan hệ gắn bó truyền thống giữa Ấn Độ và Việt Nam đã góp phần hướng tới sự hội tụ trong các lĩnh vực khác nhau như quốc phòng và an ninh, kinh tế và thương mại cùng với đầu tư và năng lượng. Cần nhớ rằng mặc dù sự hợp tác giữa chính phủ hai nước khá thuận lợi và hiệu quả nhưng việc phát huy đầy đủ tiềm năng của Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện ký năm 2016 cũng đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của ngành.

03:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phát triển sự hiệp lực giữa Ấn Độ Và Việt Nam: Phân tích theo ngành

TS Sanghamitra Sarma*

Hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tổng quan

Toàn cầu hoá và tính liên kết ngày càng gia tăng đã  thúc đẩy nhu cầu về chia sẻ công nghệ. Nguyên nhân là do phát triển công nghệ  đang đóng vai trò  then chốt trong khả năng cạnh tranh của quốc gia bằng cách tạo ra ưu thế  cạnh tranh cho đất nước. Trong thế kỷ 21, nhu cầu công nghệ ngày càng tăng từ các nền kinh tế mới nổi đã thúc đẩy sự cần thiết phải hợp tác khoa học xuyên biên giới và trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu cá nhân, các tổ chức và chính phủ. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là một thành phần quan trọng trong quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Là một nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng và thiếu áp dụng những giải pháp mới, sản xuất và ít tập trung  cho nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, đòi hỏi nước này cần phải có lộ trình đầu tư và hợp tác trong khoa học và  công nghệ với các cường quốc mới nổi như Ấn Độ.

Đối với Ấn Độ, mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như khoa học và công nghệ tạo cơ hội để tăng cường mối quan hệ  hữu nghị và thân thiết với đất nước này. Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế thuận lợi từ nhân khẩu học và kết quả học tập tốt ở bậc trung học của Việt Nam.3 Mặt khác, Việt Nam có thể hợp tác để tận dụng tối đa kiến ​​thức về xây dựng cơ sở hạ tầng và những giải pháp tốt đã phát triển  và cơ sở thông tin của Ấn Độ. Trên thực tế, hợp tác về khoa học và công nghệ là một đặc điểm nổi bật của hợp tác song phương.

Nền tảng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là Hiệp định hợp tác song phương về khoa học và công nghệ giữa hai nước được ký kết năm 1978. Hiệp định này tạo cơ sở cho việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Khoa học và Công nghệ vào năm 1997. Tiếp theo đó,  hai bên đã ký Nghị định thư Ấn Độ-Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin vào năm 1999.

Trong lĩnh vực ICT (Công nghệ thông tin và Truyền thông), Ấn Độ đã thiết lập Trung tâm Tài nguyên Nâng cao Ấn Độ - Việt Nam về ICT tại Hà Nội với chi phí khoảng 1,8 triệu đô la Mỹ (100 triệu Rupi). Ấn Độ cũng cung cấp siêu máy tính PARAM cho Việt Nam với chi phí 8,3 triệu đô la Mỹ (460 triệu  Rupi).  Ngoài ra, Việt Nam là đối tượng chính nhận học bổng từ các chương trình đào tạo theo Chương trình Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế của Ấn Độ (ITEC) và các chương trình học bổng khác. Trung tâm Nguồn lực Chất lượng cao- Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ARC-ICT)  đã được khánh thành vào tháng 9 năm 2011 nhằm đào tạo sinh viên và các quan chức chính phủ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế  trang web, hệ thống mạng, chương trình phần mềm viết bằng java, ứng dụng GIS và quản trị điện tử.4 Biên bản ghi nhớ thành lập Phòng thí nghiệm chống tội phạm công nghệ cao đã được ký  vào tháng 11 năm 2013.  Việc thiết lập Trung tâm theo dõi và thu thập dữ liệu và  hình ảnh từ vệ tinh đang được tiến hành ở Việt Nam, và dự kiến Trung tâm này ​​sẽ sử dụng các dữ liệu do các vệ tinh viễn thám Ấn Độ cung cấp và khai thác chúng  cho nhiều ứng dụng phát triển.

Con đường phía trước:

Liên quan vấn đề hợp tác trong tương lai giữa Ấn Độ và Việt Nam, cả hai nước đều có thể hợp tác liên doanh  trong một số lĩnh vực. Trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, Ấn Độ và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác bằng cách cùng nhau phát triển các tên lửa tầm ngắn, bộ bánh xe máy bay, máy bay  trinh sát và kiểm soát, các cơ chế bảo vệ bờ biển và phát triển đội tàu ngầm. Việt Nam hiện  là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và đang tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Để tăng cường an ninh và quốc phòng, rất cần thiết phải có tàu hải giám, tàu tuần tra mang tên lửa, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và hệ thống tổ hợp tên lửa để xây dựng một nền tảng phòng thủ vững chắc. Mặt khác, New Delhi dự định tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu của mình thông qua việc nghiên cứu và phát triển  trong nước cũng như  mua sắm và sản xuất thiết bị phòng thủ chung với các đối tác. Ấn Độ có thể trở thành một đối tác có lợi  đối với Việt Nam vì  New Delhi đang tích cực tăng cường khả năng quân sự của mình và  hiện  có khả năng nghiên cứu và phát triển liên quan lĩnh vực quốc phòng được thừa nhận.

Trong lĩnh vực dân sự, cần tăng cường hợp tác kỹ thuật. Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) đã được thành lập năm 1977 với sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ. Ấn Độ đã giúp thành lập viện nghiên cứu này  tại đồng bằng sông Cửu Long, cử các chuyên gia nông nghiệp tới viện và giúp đào tạo chuyên gia nông nghiệp tại Ấn Độ. Trong sản xuất và quản lý lúa gạo, Ấn Độ và Việt Nam có thể mở rộng quan hệ đối tác để khám phá các lĩnh vực mới hơn  vì lợi ích chung. Ví dụ, các nhà khoa học Ấn Độ và Việt Nam có thể phát triển những giống lúa  mới có năng suất cao để tăng sản lượng lúa gạo và đáp ứng nhu cầu của tương lai. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu các kỹ thuật cải thiện gen thay thế  trong nông nghiệp và các hệ thống tưới tiêu hiệu quả  để phục vụ các kỹ thuật canh tác sản xuất lúa gạo trong điều kiện ít nước. Họ cũng có thể làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ vừa và nhỏ, lĩnh vực chế tạo rẻ tiền và sản xuất phần mềm cho các máy tính có độ bền cao, luyện kim và dược phẩm,  chia sẻ  những kinh nghiệm quý báu liên quan lĩnh vực chế biến thực phẩm và quản lý dây chuyền lạnh.  Liên quan lĩnh vực công nghiệp, điều cần thiết  là  phải có các dự án tương tác thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ, sự tương tác giữa các viện khoa học của hai nước và các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các nhà vật lý Việt Nam tại  Phòng Thí nghiệm Vật lý Quốc gia. Hơn nữa, cả hai nước cần tiến hành công tác nghiên cứu tiên phong về ứng dụng kỹ thuật cryogenics (kỹ thuật làm đông lạnh) trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, khoa học vũ trụ và công nghiệp chế tạo. Công nghệ cryogenics có thể được sử dụng để đóng băng thực phẩm thiết yếu và do đó kéo dài thời hạn sử dụng. Nông nghiệp là nền tảng của  nền kinh tế cả ở Ấn Độ và Việt Nam,  bởi vậy việc duy trì và bảo quản chất lượng các loại lương thực, thực  phẩm có thể làm giảm sự lãng phí và  giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Ngày 3 tháng 9 năm 2016, Ấn Độ và Việt Nam đã ký thỏa thuận về Hợp tác trong lĩnh vực  thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ cho các mục đích hòa bình,  việc áp dụng công nghệ cryogenics có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng  vận tải trong không gian và các sứ mệnh nghiên cứu khoa học trong và sau thời gian tiến hành các chuyến bay nghiên cứu.

Việc áp dụng công nghệ cryogenics trong các hoạt động sản xuất như mài và cán cũng làm tăng hiệu năng hoạt động. Bằng cách cùng nhau làm việc  trong lĩnh vực sử dụng công nghệ  cryogens trong ngành chế tạo, Ấn Độ và Việt Nam có thể nâng cao chất lượng sản xuất, do đó trong tương lai sẽ  tạo ra sự thay thế tốt hơn so với các quy trình sản xuất của Trung Quốc. (Xem tiếp phần 3)

* Nhà nghiên cứu, Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề Thế giới, New Delhi, Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục