Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 3)

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 3)

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN mà với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN.

02:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Quan hệ n Độ - ASEAN và một số tác động đến
quan hệ
Việt Nam - n Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp*

 

Đôi lúc Ấn Độ tỏ ra lưỡng lự trong việc phát triển các mối quan hệ quốc phòng và chiến lược tại Đông Nam Á, song các nước Đông Nam Á đã coi Ấn Độ là một cường quốc và hiện có một tiềm năng to lớn cho mối quan hệ giữa hai bên phát triển vì ASEAN đang tìm kiếm sự cân bằng đối với vai trò  của Trung Quốc và sự nghi ngờ về những cam kết chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Về văn hóa

Từ quá khứ xa xôi, các sử gia đã đưa ra những giả thiết về những chuyến đi đầu tiên của người Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á vào khoảng  thế kỷ II trước Công nguyên. Các địa danh của Đông Nam Á xưa kia cũng như hiện nay đã cho chúng ta thấy được ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á. Dọc theo miền Trung và miền Nam Việt Nam, các địa danh như Champa hay Amaravati (Đà Nẵng), Kauthara (Nha Trang), Panduranga (Phan Rang) đều được du nhập từ các địa danh của Ấn Độ. Ở Thái Lan, địa danh Ayutthaya cũng lấy tên từ đất nước Nam Á này. Bước sang giai đoạn người phương Tây xâm lược Ấn Độ và Đông Nam Á, một lượng lớn người Ấn Độ đã di cư sang Đông Nam Á. Trong số các nước Đông Nam Á, Miến Điện, Malaysia và Singapore chiếm phần đông người Ấn. Những cuộc di cư lớn của người Ấn bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ XIX. Các cường quốc thực dân đòi hỏi nhiều lao động để đáp ứng việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Đông Nam Á có thể cung cấp.

Từ những năm đầu Công nguyên, văn hóa Ấn Độ đã để lại những dấu ấn đậm nét trên hầu hết các khía cạnh đời sống của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nét điển hình nhất cho mối giao thoa văn hóa này là nó diễn ra trong hòa bình, chưa bao giờ có xung đột hay chiến tranh. Ngài Narasimaha Rao, nguyên Thủ tướng Ấn Độ, đã từng nói: “Khi nhìn nhận Châu Á - Thái Bình Dương một cách khách quan, chúng tôi không thể lờ đi một thực tế rằng, các nền văn minh của chúng ta có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia - nhà nước Đông Nam Á…” Nguyên Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sing nhấn mạnh: “Với các nước ASEAN, chúng tôi đã có các mối quan hệ đặc biệt cũng như các mối liên kết lâu đời”[1].

Trong văn học - văn hóa truyền thống khu vực Đông Nam Á, văn hóa Ấn Độ đã phủ một lớp khá dày lên văn hóa bản địa, tạo thành một dấu ấn nổi bật không bao giờ bị phai mờ. Những dấu tích ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến ngày nay vẫn còn hằn nổi  trên các công trình kiến trúc điêu khắc và các loại hình khác nhau của khu vực Đông Nam Á.

Cùng với sự du nhập của Ấn Độ giáo và Phật giáo vào khu vực Đông Nam Á thì ngôn ngữ và văn tự cũng đi theo những tôn giáo này. Một nền văn học phong phú mang ảnh hưởng rõ nét của Ấn Độ giáo và Phật giáo cũng xuất  hiện. Ngoài ra sự du nhập của nền nghệ thuật Ấn Độ giáo và Phật giáo cũng phát triển mạnh mẽ và nhiều công trình kiến trúc còn tồn tại cho đến ngày nay. Tôn giáo Ấn Độ đã du nhập vào Đông Nam Á ngay từ đầu công nguyên mà đại biểu là hai tôn giáo lớn Ấn Độ Giáo và Phật Giáo, cả hai tôn giáo đều xâm nhập một cách hòa bình vào Đông Nam Á, đã được cư dân Đông Nam Á đón nhận và chính cư dân Đông Nam Á đã góp phần đưa hai tôn giáo này phát triển đến đỉnh cao. Trong quá trình phát triển của lịch sử các quốc gia Đông Nam Á, văn hóa Ấn Độ đã có những đóng góp nhất định đối với sự ra đời của một số Vương quốc. Nó cũng giữ vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của một số  quốc gia. Khi đã ăn sâu bám rễ vào mảnh đất Đông Nam Á, Ấn Độ giáo và Phật giáo đã được bản địa hóa, nhiều nơi đã trở thành phong tục tập quán của nhân dân. Và cũng chính tại những nơi mà nó đã du nhập đến, hai tôn giáo này đã phát triển đôi khi còn mạnh hơn cả ở Ấn Độ, nơi quê hương đã khai sinh ra các tôn giáo này. Đó là điều đặc biệt nhất mà văn minh Ấn Độ đã đem đến cho cư dân trong khu vực Đông Nam Á.

3. Quan hệ Ấn Độ - ASEAN tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vốn khởi nguồn từ lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Quan hệ này càng được phát triển khi Việt Nam gia nhập ASEAN. Ngày 7/1/1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua hơn 40 năm, quan hệ giữa hai nước về cơ bản là phát triển ổn định trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tích cực đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình và hữu nghị. Hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có mối quan hệ hợp tác chính trị hết sức tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Việt Nam và Ấn Độ có tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế và khu vực gắn với lợi ích hai nước. Với chính sách “Hành động phía Đông”, Ấn Độ rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy quan hệ toàn diện với ASEAN, nhất là trong bối cảnh chính sách này đang trong giai đoạn “Hành động hướng Đông”. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ liên tục tăng, Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong các nước ASEAN. Hiện nay, quan hệ Ấn Độ - ASEAN là hạt nhân quan trọng tác động nhiều mặt, đa lĩnh vực đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 07/01/1972 hai nước nâng quan hệ lên  cấp đại sứ.

Quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp và hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978 và 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ấn Độ (1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Ấn Độ (2009). Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Phía Ấn Độ thăm Việt Nam có: Tổng thống Rajendra Prasad (1959), Thủ tướng R.Gandhi (1985 và 1988), Tổng thống R. Venkatraman (1991), Phó Tổng thống K.R. Narayanan (1993), Thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1994), Thủ tướng A.B. Vajpayee (1/2001), Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Pratibha Patil (2008), Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukhejee (9/2014).

  Triển vọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là rất lớn, tuy nhiên sự ổn định và phát triển của mối quan hệ này sẽ phụ thuộc không nhỏ bởi những nhân tố tác động sau đây:

Thứ nhất là: ASEAN và Ấn Độ đã nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến vào năm 2012, điều này chứng tỏ mức độ tin cậy về chính trị giữa ASEAN và Ấn Độ ngày càng tăng, đây là một điểm tương đồng rất quan trọng, phù hợp với lợi ích thiết thực và lâu dài cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Sự tin cậy và gắn bó mật thiết giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, mà mối quan hệ này vốn đã có truyền thống tốt đẹp từ lâu giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước.

Trên cơ sở đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tại các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương cùng nhau tìm kiếm tiếng nói chung, ủng hộ lẫn nhau về quan điểm, lập trường và chính sách trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thứ hai là: Mục tiêu của Ấn Độ là thúc đẩy quan hệ với ASEAN nhằm xây dựng mối quan hệ lịch sử và văn hóa, mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao vị thế để trở thành một cường quốc khu vực. Ấn Độ hiện nay đang triển khai chính sách “Hành động phía Đông”, còn ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng của mình dựa trên 3 trụ cột “Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa – Xã hội”. Mục tiêu này của Ấn Độ - ASEAN và Việt Nam có mối quan hệ biện chứng với nhau, tương hỗ và tăng cường hợp tác cùng phát triển vì hòa bình và thịnh vượng. Việt Nam là một trong những nước có sức mạnh tổng hợp của một quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Là quốc gia bán đảo với bờ biển trải dài, với nguồn tài nguyên phong phú, quý hiếm và giàu khoáng sản. Sự hấp dẫn về vị trí và vị thế của Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân phải đương đầu với nhiều âm mưu áp đặt và can thiệp từ bên ngoài. Ngày nay, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á mặc dù đã thoát khỏi chế độ thực dân kiểu cũ nhưng chưa hoàn toàn tránh được sự nhòm ngó và can thiệp của các thế lực từ bên ngoài. Nguyên nhân trên đã làm cho Ấn Độ xích lại gần hơn với Việt Nam trong sự tương đồng vận mệnh trong quá khứ, đồng cảm, sẻ chia và vươn lên mạnh mẽ, quyết đoán hơn ở hiện tại và tương lai.

Thứ ba là: Thủ tướng N. Modi đắc cử tháng 5-2014, tiếp tục chính sách ngoại giao quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN, phát triển mục tiêu chiến lược, hành động thiết thực để bảo vệ các lợi ích của mình, đồng thời thể hiện một vai trò lớn hơn, xứng đáng hơn với vị thế cường quốc ở khu vực và thế giới. Hai bên đã nhất trí hoàn tất việc triển khai “Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015” tăng cường thực hiện hiệu quả “Kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016 - 2020”[2]. Chính phủ của Thủ tướng N.Modi mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, theo chiến lược này, Ấn Độ đặt trọng tâm duy trì quan hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng mở rộng, xác định lại “Chính sách hướng Đông” thành “Chính sách Hành động phía Đông”, theo đó cố gắng hết sức để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á. Theo suy nghĩ của Thủ tướng N. Modi, với Ấn Độ, Việt Nam vẫn là hòn đá tảng trong khuôn khổ ASEAN. Kể từ năm 2007, các quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam được dựa trên 3 tiền đề: Chính trị - Ngoại giao; Kinh tế - Thương mại; Văn hóa, Giáo dục, Khoa học – công nghệ. (Xem tiếp phần 4)


* Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] PM (Manmohan Singh)’s address at the 5th india – ASEAN Summit Cebu, Philippines, Jannuary 14, 2007.

[2] Tạp chí cộng sản – ASEAN trong “Hành động phía Đông” của Ấn Độ, 30/3/2016.

Nguồn:

Cùng chuyên mục