Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mang tính chất chuyển đổi, không phải trao đổi (Phần 1)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mang tính chất chuyển đổi, không phải trao đổi (Phần 1)

03:11 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ash Narain Roy*

Có câu nói rằng địa lý sinh ra lịch sử. Ấn Độ và Việt Nam đều được liên kết với nhau bởi cả lịch sử và địa lý. Theo lời của cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee, “lịch sử và địa lý đã sắp đặt chúng ta là đối tác chiến lược”. Trong nhiều thế kỷ, Ấn Độ biết đến Việt Nam của ngày hôm nay thông qua các học giả, danh nhân tôn giáo cũng như thương nhân khi họ tìm đến bờ Suvarnabhoomi. Họ mang theo cùng họ những nguyên tắc của đạo Hindu và Phật giáo và những ý tưởng tri ết học mà ở đó con người dễ dàng chấp nhận nhau thông qua sự giác ngộ, chứ không phải vì bất kỳ lực lượng quân đội hay cuộc xâm chiếm nào.

Ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ ở Đông Nam Á nổi bật hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong hơn 1000 năm qua, Đông Nam Á đã sẵn sàng tiếp nhận các khía cạnh khác nhau của văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật cũng như công nghệ, thiên văn học, thần thoại và văn học Ấn Độ. Có thể nhìn thấy rõ rệt những ảnh hưởng này hơn ở Thái Lan, Campuchia và Indonesia, song Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Vượt ra khỏi Ấn Độ không chỉ là các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, thương nhân, nhà thiên văn học, và các đội tàu chiến, mà còn là những người truyền giáo Phật giáo và Hindu. Cả hai tôn giáo này, đặc biệt là Phật giáo, mang đến một loạt các khái niệm, giáo lý và niềm tin mới làm thay đổi thế giới vật chất của con người cũng như thế giới quan của họ.

Những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ được chấp nhận rộng rãi bởi chúng tương thích với các tiêu chuẩn và niềm tin địa phương hơn là những đóng góp nặng về đạo đức nhưng ít giá trị tinh thần của Trung Quốc. Các nền văn hóa thường lan truyền từ những cuộc chiến tranh, nhưng đối với Ấn Độ, các nhà cầm quyền của đất nước này không cố gắng xâm chiếm Đông Nam Á hoặc thực hiện bất kỳ kiểm soát chính trị gián tiếp nào.

Cách người Ấn Độ nhìn nhận về đất nước mình, nguồn gốc ra đời, sự phát triển xuyên suốt lịch sử và quan hệ trong quá khứ với các nước khác là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong cách họ tưởng tượng, xây dựng và khao khát phát triển quan hệ quốc tế của Ấn Độ đương thời.

K M Panikkar, nhà lịch sử Ấn Độ vĩ đại, từng nói rằng, người Ấn Độ, trước đây, rất ít quan tâm đến thế giới bên ngoài biên giới của mình. Ông nói thêm rằng, trong khi Ấn Độ phát triển một khuôn khổ phức tạp về quan hệ đối nội giữa các tiểu bang trong biên giới tự nhiên của tiểu lục địa, nó "thiếu đi sự quan tâm đến cân bằng quyền lực bên ngoài biên giới quốc gia". Theo nhà văn Hy Lạp cổ đại Arrian of Nicomedia, các nhà cầm quyền Ấn Độ không muốn mở rộng vương quốc của mình ra ngoài tiểu lục địa vì họ cho rằng đây là hành vi không đúng về mặt đạo đức. Có lẽ, người Ấn Độ cảm thấy được sự che chở từ phía bắc bởi dãy Himalaya khổng lồ, nơi mang đến cho họ một cảm giác rằng Ấn Độ đã có thể tự bản thân xoay xở được.

Trước khi phân tích bối cảnh tại sao Ấn Độ và Việt Nam có những lý do thực tế để tăng cường quan hệ đa phương, ta cần phải hiểu bối cảnh quốc tế đã thay đổi như thế nào.

Bối cảnh quốc tế

Đầu tiên, đó là trật tự thế giới phát triển từ Hòa ước Westphalia kéo dài trong 150 năm. Sau đó là đến hệ thống 100 năm lập ra bởi quốc hội Vienna và tiếp theo là 40 năm Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều thế kỷ, các trang lịch sử được viết lên xoay quanh sự đấu tranh về ảnh hưởng giữa các quốc gia. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quyền lực tổng hợp nào sẽ là tâm điểm của thế kỷ XXI: văn hóa, sức mạnh kinh tế, khu vực, tiểu khu vực hay các quốc gia hồi sinh.

Mỗi giai đoạn lịch sử đã tạo ra những kiểu mẫu quan hệ riêng giữa các cường quốc trên thế giới. Đế chế La mã và Vương quốc trung tâm - Trung Quốc đã gần như độc quyền. Cho đến Chiến tranh Lạnh, thế giới chia thành hai cực. Rồi có một khoảng thời gian ngắn, thế giới chỉ có đơn cực - Hoa Kỳ. Ngày nay, trật tự thế giới, theo cách gọi của Amitabh Acharya ở Đại học Mỹ, Washington, là "đa cực" - “multiplex” mà ở đó tồn tại các yếu tố của trật tự tự do, nhưng được sắp xếp vào một trật tự phức tạp với nhiều quan hệ chồng chéo. Ở một cấp độ khác, địa kinh tế dường như đã thay thế địa chính trị.

Thế kỷ XXI là thế kỷ mà toàn cảnh địa chính trị của thế giới thay đổi nhanh chóng. Thế giới đang chứng kiến ​​một mô hình địa chính trị mới -  kỷ nguyên Đại Tây Dương kết thúc, mở ra thế kỷ của châu Á. Đó là một thay đổi mang tính lịch sử. Theo UNDP, sự trỗi dậy của phía Nam, về quy mô và tốc độ, là điều chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ qua, những bất ổn trên toàn cầu gia tăng, các mối quan hệ truyền thống đang dịch chuyển liên tục và các tổ chức khu vực và thế giới phải đối phó với những bất ổn và thay đổi ngày càng mạnh mẽ trong các mối quan hệ giữa các cường quốc.

“Thế giới G-Zero” đã tạo ra những cơ hội to lớn cho một loạt các khung hợp tác khu vực và toàn cầu để phát triển thịnh vượng, mang lại lợi ích cho các thế lực tham vọng. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thế giới đã bắt đầu nhận ra rằng, các công cụ đòn bẩy truyền thống mà ta đang có không còn hiệu quả để có thể định hình kiến ​​trúc thế giới.

Ấn Độ: Từ đạo đức tối cao đến chủ nghĩa hiện thực cứng rắn

Trong vài năm qua, thế giới đồ dồn ánh mắt vào Ấn Độ. Nếu Ấn Độ cung cấp thị trường hấp dẫn cho các nước giàu tài nguyên thì Ấn Độ cũng đang tìm kiếm thị trường mới, các điểm đến đầu tư và cơ chế hợp tác để đáp ứng kịp nhu cầu của nền kinh tế phát triển nhanh. Nhờ vào tính dân chủ, sự tăng trưởng của tầng lớp thu nhập cao và khả năng quản lý sự đa dạng ở nhiều lớp của mình, thế giới có cái nhìn tích cực về sự trỗi dậy của Ấn Độ trên trường quốc tế. Ấn Độ từ lâu, vẫn là trục xoay tinh túy của thế giới. Trục xoay là nơi có nền kinh tế lớn và đang phát triển, chiếm vị trí trung tâm tại bản lề của nhiều khu vực và có những ảnh hưởng lớn hơn trên sân khấu quốc tế. Ngày nay, Ấn Độ đang dần thay đổi vai trò của mình từ một trục xoay, mang sức mạnh cân bằng trong bối cảnh toàn cầu đến trở thành một cường quốc toàn cầu hàng đầu. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của Ấn Độ với toàn bộ các đối tác trong các diễn đàn đa phương. Ngày hôm nay, Ấn Độ đang nỗ lực thực hiện điều đó một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết - khẳng định một vị trí hợp pháp dưới sự thấu hiểu giữa các quốc gia. Ấn Độ đang tìm kiếm một tiếng nói chung mạnh mẽ với mục tiêu giành được một vị trí cao tại bàn Liên hợp quốc. Ngày nay, đòi hỏi trật tự thế giới mới mà ở đó kiến ​​trúc chính trị, kinh tế và tài chính có tính bao hàm, đại diện và hợp pháp hơn, tiếng nói của Ấn Độ sẽ càng phải lớn hơn. Tham vọng của Ấn Độ là giành được vị trí có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.

Những cải cách kinh tế đã thay đổi cách cộng đồng quốc tế nhìn nhận Ấn Độ. Ấn Độ hiện nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đại cục chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng đã thay đổi.

Ấn Độ được thế giới biết đến với hiệu suất kinh tế. Chính sách đối ngoại của đất nước này không còn dựa trên nền tảng đạo đức tối cao của những năm đầu khi độc lập. Ngày nay, chủ nghĩa hiện thực cứng rắn định hướng các hoạt động toàn cầu của nó. Thực tế khó khăn về lợi ích quốc gia đã trở thành thước đo chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đó là chủ nghĩa thực dụng, không phải đạo đức - định nghĩa và định hình hành vi chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ đang vươn ra thế giới. Khu vực tư nhân của nó đang không ngừng nỗ lực, tự tạo ra thị trường cho chính nó trên sàn quốc tế, đầu tư rộng khắp các lĩnh vực và tiếp quản các biểu tượng công nghiệp và dịch vụ ở nước ngoài.

Vai trò của Việt Nam đang trỗi dậy

Tuy nhiên, có một quốc gia khác đều đặn đặt từng dấu chân lên bản đồ thế giới, đó là Việt Nam - một đất nước sôi động với sự lạc quan về tương lai của mình. Chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp sang một quốc gia hiện đại là kết quả của nỗ lực bền bỉ và chính sách đúng đắn của Việt Nam. Sự trỗi dậy của Việt Nam không chỉ là một hiện tượng kinh tế, nó còn có những ảnh hưởng về địa chính trị. Các nhà hiền triết địa chính trị chú ý quá nhiều đến Trung Quốc, có lẽ vì vậy mà bỏ lỡ đến vai trò địa chính trị của những trung tâm thịnh vượng song song khác.

Việt Nam là một thị trường lớn, mới nổi và là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đất nước này đang nhanh chóng nổi lên như một quyền lực có xếp hạng trung bình, theo đúng nghĩa của nó. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, “nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ động lực tăng trưởng cơ bản của nó - nhu cầu trong nước và sản xuất theo định hướng xuất khẩu”. Đúng như báo cáo của Brookings đã nêu, “Việt Nam không chỉ hòa nhập nhanh vào cộng đồng Đông Nam Á, mà còn chứng tỏ về khả năng giữ vai trò trung tâm hơn… Hai mươi năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam được cho là thành viên tích cực nhất trong khu vực, khi nói đến chính sách đối ngoại”. Tài sản quý giá nhất của Việt Nam là “dân số vàng” - lượng dân số dưới 30 tuổi rất lớn. Cũng không kém phần quan trọng là vị trí địa lý của nó. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, thu hút được nhiều hoạt động thương mại và hàng hải.

Đông Nam Á là một khu vực chiến lược quan trọng và Việt Nam đang nằm trên những tuyến đường huyết mạch vận tải giao thương trên biển giữa Trung Đông và Bắc Á. Đây cũng là đất nước giàu có về tài nguyên. Trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đã tăng lên đáng kể do những thay đổi lớn trong hiệu suất kinh tế và định hướng chính sách đối ngoại. Hồi sinh từ hai thập kỷ khi tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh và chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài, Việt Nam hiện là một thế lực mới nổi trong các vấn đề kinh tế và an ninh khu vực.

Một phép màu nông nghiệp đã thay đổi đất nước của hơn 90 triệu người đang sống trong nghèo đói. Việt Nam trở thành một con hổ mới đang gầm gừ; nó đã tạo ra thể chế phù hợp cho thành công kinh tế của mình. Việt Nam đã trở thành thung lũng Silicon của khu vực nhờ vào chương trình giáo dục thành công, hỗ trợ của chính phủ và môi trường thúc đẩy kinh doanh. Học sinh trung học Việt Nam giờ đây thường xuyên có kết quả vượt trội so với các bạn đồng lứa từ các nước phương Tây giàu có. Sinh viên Ấn Độ cũng đã và đang làm điều đó trong nhiều thập kỷ qua.

Từ lâu, Việt Nam là trung tâm sản xuất cho các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, L G Electronics, Panasonic và Toshiba. Bây giờ, Việt Nam đang dịch chuyển từ một nhà sản xuất hàng đầu về các thành phần điện tử chuyển đổi thành một trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển. (Xem tiếp phần 2)


* Giám đốc Viện Khoa học Xã hội, Delhi; Chủ tịch bảo trợ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi, Ấn Độ.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục