Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 4)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 4)

03:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng

Ambassador Neeklakantan Ravi*

Năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã bắt đầu từ ba thập kỷ trước. Năm 1984, các nỗ lực ban đầu đã được thực hiện thông qua một nghiên cứu về nguồn dự trữ khí ga trên lưu vực sông Hồng ở phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực này không đem lại kết quả và vẫn còn ở giai đoạn nghiên cứu và phân tích dữ liệu, bởi cách khai thác của hai nước là khác nhau. Năm 1985, Ấn Độ bắt đầu thu mua nhỏ lẻ dầu thô của Việt Nam. Song, chất lượng đầu ra không tốt nên chỉ có thể xử lý được ở một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.

Tháng 5/2006, Công ty ONGC Videsh Limited (OVL) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết thỏa thuận khai thác dầu ngoài khơi khoảng 120km từ cảng Nha Trang. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp Ấn Độ liên tục nhận được thái độ chống đối của Trung Quốc, cho rằng, Ấn Độ đang khoan dầu ở vùng biển tranh chấp. Ấn Độ tỏ rõ quan điểm chỉ khai thác dầu như đã thỏa thuận và để vấn đề lãnh thổ cho Chính quyền Việt Nam giải quyết. Điều này đã được ngài Thủ tướng nhắc lại trước báo giới cuối năm 2011. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ tháng 10/2011, báo chí hai nước đã làm rõ: “Các tranh chấp như ở Biển Đông và Nam Trung Quốc nên được giải quyết bằng các phương pháp hòa bình kết hợp với quy tắc được công nhận rộng rãi như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về hành động của các bên trên Biển Đông”. Ấn Độ vẫn kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và sử dụng nguồn tài nguyên trên Biển Đông kết hợp với các quy tắc của luật quốc tế như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Tuy nhiên, giữa năm 2012, OVL thông báo rằng, họ sẽ không triển khai thêm các dự án vì thiếu khả năng kinh tế. Dù lý do là gì thì rõ ràng hành động này cũng thể hiện mong muốn rút lui của Ấn Độ khỏi vùng Biển Đông. Điều này cũng có thể cho thấy rằng, Ấn Độ không nên vượt quá khả năng trong những vấn đề tại Biển Đông. Việc Trung Quốc tăng cường “lợi ích cốt lõi” trên vùng Biển Đông cũng đã ảnh hưởng xấu tới Ấn Độ.

Tháng 11/2013, Việt Nam đề nghị Ấn Độ khai thác năm lô dầu và OVL đã xem xét mức độ khả thi của những lô này. Giữa năm 2014, Việt Nam gia hạn thêm một năm thời hạn cho Ấn Độ khai thác tiếp hai lô dầu khí trên Biển Đông. Lô dầu khí này đã hoạt động từ năm 2007 theo Hiệp định được ký kết giữa OVL và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháng 5/2006. Trong khi Trung Quốc phản đối các dự án khai thác dầu của Ấn Độ trên vùng biển “tranh chấp”, Việt Nam và Ấn Độ đang tìm cách củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. OVL và Tập đoàn PetroVietnam đã ký một Nghị định thư (Letter of Intent) trong chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tới Việt Nam vào tháng 9/2014. Nghị định thư sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này đồng thời tạo cơ hội cho những cộng tác trong tương lai.

Trong những năm qua, nhận thức chung ở Việt Nam là những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã phá vỡ thiện chí của hai bên. Dù là vụ việc tàu cá làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng năm 2016 (và đầu năm 2014) hay việc Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực của Tòa án Công lý Quốc tế tháng 6/2016 về “dẫn chứng lịch sử” của nước này về vùng biển; thái độ hung hăng của Trung Quốc bị coi là ngạo mạn. Điều này khiến Biển Đông trở thành khu vực thường xuyên diễn ra căng thẳng tiềm ẩn nhiều xung đột nghiêm trọng.

Để tạo ra một môi trường hòa bình, đòi hỏi phải đầu tư cho tương lai và có những bước đi đúng đắn. Quay lại thay đổi quá khứ là không thể: lịch sử tốt nhất chỉ nên để nhắc nhở chứ không phải sửa đổi. Việc sửa đổi sẽ phải trả giá đắt. Mỗi quốc gia đều có lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc, và sự thích nghi sẽ mang lại hòa bình. Xây dựng niềm tin đòi hỏi phải thuyết phục được đối tác về lợi ích của việc hợp tác, dựa trên sự trung thực và tôn trọng lẫn nhau.

Theo một số ước tính, thương mại quốc tế qua Biển Đông đạt khoảng 5 nghìn tỷ USD. Tuyên bố của Trung Quốc rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên một số đảo đang tranh chấp sẽ tăng cường an ninh cho khu vực, và các quốc gia duyên hải khác không cần quan tâm, là không hề có tính thuyết phục. Các nước khác liên quan đến tranh chấp lại cảm thấy ngược lại. Cả hai bên không thể đều đúng.

Hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ là một công cụ đảm bảo mối quan hệ song phương gần gũi có được khả năng tăng cường hỗ trợ lẫn nhau để có thể củng cố môi trường hòa bình cũng như duy trì các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là láng giềng của Trung Quốc và có chung một số đặc điểm về truyền thống khiến họ nhận ra giá trị của việc thích nghi chứ không phải là sự hung hăng quả quyết. Trong quá khứ, Trung Quốc và Việt Nam đã đề ra Thông cáo chung mười một điểm vào ngày 10/11/1991. Khoản 5 có ghi: “Hai bên nhất trí tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới và khuyến khích dân cư biên giới khôi phục và phát triển các giao lưu hữu nghị truyền thống để khiến biên giới Trung Quốc – Việt Nam hòa bình và hữu nghị…”. Ấn Độ và Trung Quốc đã ký hiệp định vào tháng 9/1993 nhằm duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới trong bối cảnh phát triển tình bằng hữu. Thế mà, thỏa thuận với Việt Nam dường như bị ảnh hưởng bởi căng thẳng trên biên giới biển trong khi thỏa thuận với Ấn Độ lại bị bao phủ bởi những căng thẳng cho dù không thường xuyên ở biên giới đất liền. Bởi vậy, mặc dù các hiệp định đã ký được hơn một phần tư thế kỷ, mục đích hòa bình vẫn chưa đạt được. Điều này có lẽ đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của tất cả các bên bằng tính trung thực để đảm bảo những sự việc đó sẽ không xảy ra. Với mục đích này, Ấn Độ và Việt Nam cần tăng cường hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực mà có vai trò tăng cường an ninh cho môi trường trong nước của mỗi bên để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam là một trong những ưu tiên ngoại giao đặc biệt của Ấn Độ bởi vai trò quan trọng của nước này đối với lợi ích kinh tế chiến lược của Ấn Độ. Các chuyến thăm cấp cao từ năm 2014 đến 2016 đã phản ánh hiện thực này. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Việt Nam, là cuộc viếng thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ kể từ năm 2001, đã đánh dấu sự khởi đầu một thời kỳ mới của quan hệ song phương. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi đã thông báo mở rộng hạn mức tín dụng quốc phòng lên 500 triệu USD và nâng cấp hợp tác chiến lược lên thành hợp tác chiến lược toàn diện, thể hiện cam kết rõ ràng của Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quốc phòng.

Hiệp định quốc phòng tăng cường này giữa Ấn Độ và Việt Nam phản ánh mối quan tâm của Ấn Độ muốn đóng góp và theo đó xây dựng trật tự an ninh chính trị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện tạo khuôn khổ lâu bền và giờ đây là lúc hai nước hành động để đạt mục tiêu đã đề ra.

Về phía Việt Nam gồm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, Phó Chủ tích nước Nguyễn Thị Doan năm 2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10 năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11 năm 2013, đã ký kết tổng cộng 8 hiệp định về nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm lần thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 11/2014 tới Ấn Độ thật sự là bước ngoặt trong quá trình phát triển quan hệ hai nước.

Về phía Ấn Độ gồm các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Shri Atal Behari Vajpayee năm 2001, Chủ tịch Hạ viện Shri Somnath Chatterjee tháng 3/2007, Tổng thống Pratibha Patil tháng 11/2008, Thủ tướng Manmohan Singh tháng 10/2010 tham gia cuộc Họp Thượng đỉnh lần thứ 8 ASEAN-Ấn Độ và cuộc Họp Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5, Tổng thống Ấn Độ Shri Pranab Mukherjee tháng 9/2014 và Thủ tướng Shri Narendra Modi tháng 9/2016.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


* Cựu Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và cựu Thứ trưởng (phụ trách Phương Đông), Bộ Ngoại giao Ấn Độ; chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục