Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và sự hợp tác nhiều mặt. Năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru đến thăm Việt Nam và năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ấn Độ đặt nền tảng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đến tháng 9 năm 1984, sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn là hai chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi đã nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, quan hệ nhiều mặt và tin cậy lẫn nhau. Cũng thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Ấn Độ đã tạo dựng cơ sở của mối quan hệ chiến lược phục vụ lợi ích thiết thực của hai dân tộc.

02:41 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

TS Lê Thị Thu Hồng*
ThS Huỳnh Ngọc An**

Quan hệ quốc tế trong bối cảnh hiện nay đã thoát khỏi tư duy hai cực, các quốc gia lớn nhỏ với hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau trên thế giới đã không ngừng tìm ra các phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt để thúc đẩy quan hệ với nhau. Một trong các xu hướng mới là việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược thay thế cho các liên minh quân sự giữa các quốc gia.

Hiện nay, mô hình đối tác đang rất thịnh hành trong quan hệ đối tác đương đại, đây là một hình thức thể hiện cụ thể của sự tăng cường hợp tác trong quan hệ quốc tế. Các mối quan hệ đối tác chiến lược đó đã giúp Việt Nam xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược với các đối tác, mở ra nhiều kênh đối thoại quan trọng ở cấp chiến lược, góp phần thúc đẩy quan hệ và xử lý các bất đồng. Các mối quan hệ đối tác[1] đã giúp quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi vào ổn định, ngày càng có chiều sâu và bền vững, ngày càng chủ động trong hội nhập quốc tế. Quan trọng nhất, việc triển khai đối tác chiến lược đã góp phần gia tăng cả về số lượng và chất lượng các dự án, các cơ chế hợp tác quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.

1. Vài nét lý thuyết về đối tác chiến lược

Các lý thuyết cơ bản của lý thuyết quan hệ quốc tế đều bàn đến yếu tố hợp tác giữa các nước trong quan hệ với nhau. Thuyết hiện thực (Realism) bên cạnh việc nhấn mạnh lý giải xung đột quốc tế vẫn không loại trừ khả năng các nước hợp tác với nhau. Tuy nhiên, hợp tác theo lý thuyết này không có tính chất lâu dài, vì quan hệ giữa các nước không có bạn vĩnh viễn và cũng không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.

Thuyết thể chế tự do (Liberal institutionalism) thì định nghĩa hợp tác là quá trình phối hợp chính sách, trong đó các nước vì lợi ích mà điều chỉnh hành vi thuận theo lợi ích của nước khác trong mối quan hệ giữa các nước đó với nhau[2]. Thuyết thể chế cho rằng, tình trạng vô chính phủ (anarchy[3]) có thể được giảm bớt bằng sự xuất hiện của các thể chế và tổ chức quốc tế được lập ra để điều chỉnh một vài lĩnh vực trong đời sống quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ kinh tế quốc tế. Lý thuyết này cho rằng các nước lớn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên các tổ chức và các cơ chế quốc tế (thể chế quốc tế) với những điều luật, nguyên tắc và chuẩn mực hành vi (norms) điều chỉnh hành vi của các thành viên, kể cả thành viên sáng lập. Các thể chế quốc tế có vai trò điều tiết các quan hệ giữa các nước với nhau, góp phần giảm mức độ vô chính phủ và tinh thần tự cứu trong quan hệ quốc tế. Có thể thấy rằng, các thể chế quốc tế, như GATT, Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực… đã đẩy mạnh hợp tác giữa các nước với nhau.

Còn thuyết Kiến tạo (Constructivism) cho rằng, các nước dễ hợp tác với nhau khi giữa chúng tồn tại bản sắc (identity) chung, các quốc gia là các chủ thể có tính xã hội, tùy vào hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể và qua tương tác với nhau, các quốc gia phát triển những ý tưởng về nhau, những quan niệm đặc thù về mình và các nước khác, gọi là bản sắc, và các nước phát triển quan hệ với nhau trên những quan niệm đó. Vì vậy, thuyết này không coi sự thay đổi trong cán cân so sánh lực lượng giữa các nước có tính tự nhiên dẫn tới việc hình thành những mối đe dọa[4]. Mặt khác, thuyết Kiến tạo nhấn mạnh vào yếu tố xã hội và lịch sử, cho rằng, bản sắc là một quá trình xây dựng có tính chủ động trong đó các nước có thể tìm và chủ động lựa chọn cho mình và không chỉ tạo cho mình một bản sắc. Điều đó không có nghĩa là các nước chỉ lấy bản sắc làm tiêu chí cho việc xây dựng quan hệ hợp tác (hoặc đấu tranh) của mình. Bản thân quá trình chọn lựa bản sắc cũng được kết hợp với yếu tố lợi ích; bản sắc nào không phù hợp với lợi ích của các nước thì hầu như không nằm trong sự lựa chọn.

Thuyết chính trị thực tiễn áp dụng trong bối cảnh của các nước thuộc thế giới thứ ba lại cho rằng, sự tồn vong của chế độ - chứ không phải là sự tồn vong của quốc gia - chính là mối lo của giới cầm quyền. Tại các nước thế giới thứ ba, lợi ích quốc gia dường như bị đánh đồng với lợi ích của chính quyền: trên thực chất, giới tinh hoa cầm quyền (ruling elite) của các nước yếu thuộc thế giới thứ ba lo ngại về sự tồn vong chính trị của mình. Kết hợp với khả năng và tiềm lực kinh tế - quốc phòng yếu, lãnh đạo các nước này thường có xu hướng coi sự đe dọa đối với vị trí thống trị của mình quan trọng hơn sự đe dọa đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Như vậy, nhìn chung, các nước này sẽ lựa chọn chính sách phù thịnh (band wagonning): liên minh với các nước lớn, nhất là với các nước gần về địa lý để có sự công nhận và chỗ dựa chính trị từ bên ngoài mà mình đang liên kết[5].

Ứng với mỗi loại lý thuyết lại có một số mô hình hợp tác, như liên minh, cộng đồng an ninh, tổ chức an ninh chung, cộng đồng an ninh sơ khai, hài hòa quyền lực… Đối tác chiến lược (strategic partnership) có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng có thể hiểu, đó là một loại mô hình hợp tác trong quan hệ quốc tế, nó chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng (nhưng không nhất thiết chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh - quân sự), vừa có tính hướng vào những mục tiêu cụ thể vừa có hàm ý về mong muốn quan hệ lâu dài[6]. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, nhìn chung, các cặp quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới có 4 đặc trưng cơ bản như sau:

Một là, phải có một khuôn khổ quan hệ với những nội hàm hợp tác rộng lớn tùy thuộc vào ý chí chính trị và nguyện vọng hợp tác của các bên, được chính thức hóa thông qua các tuyên bố cấp cao, thông cáo chính thức.

Hai là, phải có các cơ chế vận hành thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu… nhất là ở cấp cao, kể cả định kỳ và đột xuất, để xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hữu nghị, sự hợp tác toàn diện.

Ba là, trước đây, khi xây dựng và triển khai đối tác chiến lược, các chủ thể thường coi trọng hợp tác về chính trị, an ninh và quốc phòng. Nhưng hiện nay, xu thế chỉ chọn một hoặc một vài lĩnh vực hẹp hoặc đa dạng hóa nội hàm để xây dựng đối tác chiến lược đang trở nên ngày càng phổ biến, miễn là có lợi cho cả hai phía.

Bốn là, có sự hợp tác kinh tế sâu rộng, mật thiết hơn mức thông thường, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa hợp tác và đối tác, tạo ra sự đan xen và gắn kết lợi ích tương đối bền vững trong một thời gian nhất định.

Mục tiêu của đối tác chiến lược là hướng tới các lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản, lâu dài giữa các bên tham gia. Quan hệ đối tác chiến lược có tính linh hoạt, không phải là bất biến, phát triển và thay đổi tùy vào từng đối tác, thời điểm, lĩnh vực và cách vận dụng của từng chủ thể. (Xem tiếp phần 2)

 

[1] Quan hệ đối tác có nhiều cấp độ: Cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời, hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Cấp độ thấp hơn là đối tác chiến lược trong một lĩnh vực hẹp hoặc là vì một mục tiêu cụ thể nào đó, ví dụ, đối tác chiến lược vì hòa bình hay đối tác vì hợp tác và phát triển… Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng. Mức độ thấp hơn nữa là đối tác toàn diện. Ở cấp độ này, thông thường, quan hệ giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm nghĩa nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.

[2] Robert Keohane, After Hegemony (Hậu bá quyền), Princeton, NJ: Princeton University Press, 1984, tr. 51-52.

[3] Tình trạng vô chính phủ: các quốc gia trong quan hệ quốc tế thiếu vắng một cơ chế có quyền lực bao trùm lên tất cả các quốc gia để điều hành quan hệ quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và điều hòa các tranh chấp quốc tế. Hệ quả của tình trạng vô chính phủ là tình trạng thường trực của khả năng chiến tranh giữa các nước vì các nước đều chạy theo lợi ích quốc gia của mình do đó va chạm quyền lợi với nhau.

[4] Ví dụ kinh điển của thuyết này là trường hợp nước Anh có bao nhiêu vũ khí nguyên tử cũng không làm Mỹ lo sợ, trong khi việc Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có thể có vũ khí nguyên tử cũng đủ để làm Mỹ lo ngại, bởi vì sự nhìn nhận của Mỹ về Anh và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hoàn toàn khác nhau về mặt bản sắc.

[5] Brian Job (ed.), The Insecurity Dilemma: National Security of Third World States (Tình trạng tiến thoái lưỡng nan: An ninh quốc gia của các nước thuộc thế giới thứ ba), Boulder: Lynner Rienner Publishers, Inc, 1992, tr. 50-76.

[6] Nguyễn Vũ Tùng, Hoàng Anh Tuấn, Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế: từ lý thuyết đến thực tiễn, Học viện Quan hệ quốc tế, H., 2006, tr. 47.

* Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Đại học An Giang.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục