Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và sự hợp tác nhiều mặt. Năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru đến thăm Việt Nam và năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ấn Độ đặt nền tảng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đến tháng 9 năm 1984, sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn là hai chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi đã nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, quan hệ nhiều mặt và tin cậy lẫn nhau. Cũng thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Ấn Độ đã tạo dựng cơ sở của mối quan hệ chiến lược phục vụ lợi ích thiết thực của hai dân tộc.

02:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

TS Lê Thị Thu Hồng*
ThS Huỳnh Ngọc An**

(Tiếp theo phần 1)

2. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

  Khái niệm “đối tác” lần đầu tiên được Đảng ta đưa ra trong Văn kiện Đại hội IX: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình và phát triển”[1]. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”, “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”[2]. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định, Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”[3].

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, từ năm 2001, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước (trong đó có hai đối tác chiến lược toàn diện là Nga và Trung Quốc, và có 11 đối tác chiến lược là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia, Inđônêsia, Singapore, Thái Lan, Pháp) và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác, qua đó cho thấy, vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam đã gia tăng trên trường quốc tế. Cụ thể, năm 2001, Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, đến năm 2012 nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Năm 2007, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Tây Ban Nha; năm 2008, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, năm 2009, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Hàn Quốc; năm 2010, với Anh; năm 2011, với Đức và năm 2013 với Italia, Indonesia, Thái Lan.

Ở mức độ thấp hơn, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với Hà Lan (2010) và quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch. Tháng 7 - 2013, Việt Nam và Mỹ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam còn có các đối tác toàn diện khác như Malaysia, Nam Phi, Chilê, Brazil, Vênêzuêla, Australia, New Zealand, Achentina, Ukraina.

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và sự hợp tác nhiều mặt. Năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru đến thăm Việt Nam và năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ấn Độ đặt nền tảng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đến tháng 9 năm 1984, sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn là hai chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi đã nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, quan hệ nhiều mặt và tin cậy lẫn nhau. Cũng thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Ấn Độ đã tạo dựng cơ sở của mối quan hệ chiến lược phục vụ lợi ích thiết thực của hai dân tộc.

Năm 2003, nhân chuyến thăm chính thức của nước Cộng hòa Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước đã ký tại New Delhi “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI”. Việc Việt Nam và Ấn Độ ký kết văn kiện này phản ánh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới, trên cơ sở hai nước là “đối tác tin cậy, lâu dài và toàn diện” của nhau. Có thể nói, đây là văn kiện đánh dấu mốc quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tháng 7 năm 2007, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn, nâng tầm quan hệ đối tác giữa hai nước lên một nấc thang mới. Năm 2007 cũng là năm đánh dấu một bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và Ấn Độ đứng thứ 6 trong nhóm 10 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất Việt Nam và Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong các nước ASEAN. Ngoài ra, Ấn Độ còn hỗ trợ Việt Nam một số dự án công nghệ thông tin, về giáo dục đào tạo...

Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong những năm gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2014 là một năm ghi dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam với một loạt các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước. Ngay sau khi Chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5/2014, vào tháng 8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã sang thăm Việt Nam và ngay sau đó, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2014. Tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ.

Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 1,5 tỷ USD và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, đã đạt trên 1 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất 978,92 triệu USD, tăng 110% và Việt Nam xuất 77,90 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đã xuất hiện một làn sóng các doanh nghiệp Ấn Độ vào tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Với việc các tập đoàn kinh tế Ấn Độ như ONGC, TATA, Essar…. đang triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD trong các lĩnh vực dầu khí, luyện thép, hóa chất, Ấn Độ trở thành một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2013, kim ngạch hai chiều đạt 5,23 tỷ USD, tăng trên 30% so với năm 2012. Hai nước đang nỗ lực để đạt tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Ấn Độ các sản phẩm như điện thoại, các loại linh kiện, thiết bị máy móc, cao su, cà phê, hóa chất, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắt thép các loại, than đá, hạt tiêu, sợi các loại, hàng dệt may,… Quan hệ hợp tác đầu tư giữa 2 nước có những dấu hiệu khởi sắc. Ấn Độ hiện có 78 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 254 triệu USD, xếp thứ 30 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ đầu tư giữa 2 nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp đến là lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được đẩy mạnh qua việc trao đổi hàng loạt các chuyến thăm quan trọng hằng năm cấp Bộ trưởng giữa hai nước. Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng là một trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Quan hệ quốc phòng được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, hợp tác trong công nghiệp quốc phòng,…

Hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo giữa hai nước tiếp tục phát triển. Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thực hiện Dự án phát triển nguồn nhân lực công nghệ phần mềm. Đây là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa đối Việt Nam trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân giữa 2 nước diễn ra sôi động. Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh...

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ở Liên Hợp Quốc, ASEAN, ARF, ADMM+, RCEP,…

Trong năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi Chính sách Hướng Đông sang một bước mới đó là chính sách Hành động hướng Đông. Mục tiêu của kế hoạch này hiện thực hóa những quyết định, trao đổi thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết qua các chuyến thăm cấp cao. Bởi vậy, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển trong thời gian tới. Trong xu thế của sự dịch chuyển cán cân quyền lực về phía Đông bán cầu đòi hỏi Việt Nam cần phải khôn khéo và uyển chuyển trong việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại của mình, góp phần vào việc củng cố an ninh, hội nhập khu vực và quốc tế. Việc phát huy các mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam với Ấn Độ một cách thực chất sẽ tạo điều kiện tận dụng lợi thế so sánh của các bên, đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của mỗi nước.

3. Thay lời kết luận

Như vậy, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, xu hướng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đang nổi lên thành một công cụ sắc bén của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế, mà các nước như Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và triệt để vận dụng.

Đối tác chiến lược phải phục vụ lợi ích quốc gia. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng góp phần không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa thiết lập và triển khai đối tác chiến lược. Đây là hai quá trình hoàn toàn khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau. Lựa chọn đối tác, tìm kiếm đồng thuận về nội hàm… để xây dựng đối tác chiến lược là một quá trình khó khăn, lâu dài và không phải lúc nào chúng ta muốn thúc đẩy đối tác chiến lược, phía đối tác cũng đồng ý và ngược lại. Phải có sự tương đồng cả về nhận thức, thời gian, mục tiêu… Thiết lập xong đối tác chiến lược mới là sự khởi đầu, trong quá trình triển khai không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Do đó, cần kiên trì, bền vững trên cơ sở nắm vững lợi ích quốc gia.

Trong quan hệ quốc tế hiện nay không có tiêu chí nào để định lượng bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ đối với mỗi quốc gia. Việc xác lập các quan hệ đối tác chiến lược tràn lan có thể gây ra một số hệ lụy cho Việt Nam như phân tán nguồn lực và khó có thể tập trung đầu tư thúc đẩy những mối quan hệ thực sự quan trọng nhất đối với mình. Do đó, Việt Nam phải căn cứ vào thực lực của mình, trong quá trình xây dựng và triển khai phải gắn chặt với thực tiễn và lấy hiệu quả làm thước đo trong từng dự án cụ thể. Đối với các nước trong khu vực, những nước láng giềng gần, là những nước có quan hệ hợp tác song phương vững chắc với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược là rất quan trọng đối với Việt Nam. Việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đối với các đối tác quốc tế, đi vào chiều sâu và thực chất sẽ giúp các bên đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự phồn vinh của khu vực và thế giới.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2001, tr.119.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.112.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.236.

* Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Đại học An Giang.

Nguồn:

Cùng chuyên mục