Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 01 năm 1972 và tuy trải qua nhiều chính phủ thuộc các đảng khác nhau cầm quyền, nhưng Ấn Độ luôn duy trì quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam. Một trong những lĩnh vực đó là hợp tác quốc phòng.

02:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân*

Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 01 năm 1972 và tuy trải qua nhiều chính phủ thuộc các đảng khác nhau cầm quyền, nhưng Ấn Độ luôn duy trì quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam. Một trong những lĩnh vực đó là hợp tác quốc phòng.

Tiếp xúc quốc phòng trước khi lập quan hệ ngoại giao

Ấn Độ là một trong những nước tham gia dàn xếp một cách thiện chí để ký kết Hiệp định Geneva. Ngay từ năm 1953, Ấn Độ đã đưa ra một chương trình 6 điểm đối với hòa bình tại Đông Dương. Tại Hội nghị Geneva, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì đấu tranh khôn khéo, tranh thủ sự trợ giúp của các nước bạn bè, trong đó có Ấn Độ để có được Hiệp định Geneva ký kết vào ngày 20/7/1954. Hiệp định là thắng lợi lớn, mang ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên Chính phủ Pháp và các nước tham dự Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định cũng mang tầm quan trọng về pháp lý và tạo nền móng vững chắc cho nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh trên các mặt trận để giành thắng lợi hoàn toàn. Hiệp định cũng là một minh chứng khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Ấn Độ. Việt Nam tự hào đã có Ấn Độ là người bạn rất thân thiện từ thời điểm đó.

          Tiếp đó, Ấn Độ làm Chủ tịch Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương - cơ quan thành lập theo Hiệp định Geneva 1954 - để giám sát và báo cáo lên hai đồng Chủ tịch Hội nghị là Anh và Liên Xô. Mục đích của Ủy hội là củng cố, tăng cường nền hòa bình tại Đông Dương. Ba quốc gia tham gia Ủy hội là Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, có nhiệm vụ giám sát và tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, nhưng đã không thực hiện được do chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối tổ chức.

Ấn Độ là nước đầu tiên giữ chính sách “cân bằng” với cả hai chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa như việc cùng lúc cử hai tàu chiến đến thăm thiện chí cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn (năm 1956). Trong những năm tháng Việt Nam kháng chiến, Ấn Độ vẫn luôn theo dõi, cảm thông với sự nghiệp của nhân dân Việt Nam.

Đẩy mạnh quan hệ quốc phòng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 1/1972)

Sau cuộc tiến công Mậu Thân (1968), nhận thấy chiều hướng Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam, Ấn Độ chủ động xúc tiến để sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1/1972) trước khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973).

Tám năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là sau khi xảy ra xung đột ở biên giới phía Bắc Việt Nam, tháng 3-1980, Ấn Độ cử Đại tá công binh V.M. Patin làm Tùy viên quân sự đầu tiên tại Việt Nam. Những năm tháng khó khăn, khi một số nước xã hội chủ nghĩa rút Tùy viên quân sự tại Hà Nội về nước, nhưng Ấn Độ vẫn duy trì liên tục cho đến hiện nay. Tương tự như vậy, từ năm 1980, Việt Nam cử Tùy viên quân sự đầu tiên tại Ấn Độ và đến nay vẫn duy trì. Tùy viên quân sự hai nước thực sự phát huy vai trò là cầu nối cho quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước.

Tạo dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc phòng

Từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, trước xu thế phát triển chung của tình hình thế giới, khu vực, hai Bộ Quốc phòng của hai nước chủ động tạo dựng cơ sở pháp lý, nền tảng cho hợp tác quốc phòng song phương.

Cho tới nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký với Bộ Quốc phòng Ấn Độ các Bản ghi nhớ về hợp tác và  trao đổi quốc phòng (tháng 11/2009), Thỏa thuận về Bảo vệ Tương hỗ đối với Trao đổi Thông tin mật (tháng 11/2013), Biên bản ghi nhớ về đào tạo sĩ quan hải quân và không quân Việt Nam (tháng 11/2013), Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung (tháng 5/2015) giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ; đặc biệt Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020. Những văn bản này tạo cơ sở pháp lý rộng rãi và quan trọng để hợp tác quốc phòng hai nước đi vào chiều sâu, vững chắc, theo đúng định hướng vì lợi ích của mỗi nước, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích của hai bên, không làm tổn hại lợi ích của các bên thứ ba.

Liên tục trao đổi, tiếp xúc quốc phòng cấp cao

Hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam bao gồm: các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao, đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm, giao lưu cấp quân chủng, các chuyến thăm của hải quân hai nước, đóng tàu, huấn luyện và xây dựng năng lực, hỗ trợ  bảo quản trang thiết bị quân sự…

Trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX đến nay, hầu như hàng năm hai bên đều trao đổi đoàn cấp cao như Bộ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Gần đây nhất là chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 23 - 26/5/2015 của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, theo lời mời của Ngài Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ. Đây là cơ hội để mỗi bên bày tỏ quan điểm về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, bàn thảo những nội dung gắn bó quan hệ quốc phòng song phương.

Từ năm 2010, hai bên duy trì thường niên Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ và hiện nghiên cứu khả năng nâng cấp thành Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng[1].

Không chỉ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương, hai nước còn tích cực hợp tác tại tại các diễn đàn khu vực, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Việc Ấn Độ đồng ý tham gia ADMM+ ngay từ lần đầu tiên thể hiện thiện chí ủng hộ mạnh mẽ vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

Tự nguyện, vô tư giúp đỡ Việt Nam nâng cao tiềm lực quốc phòng

Ấn Độ rất tích cực, chủ động giúp Việt Nam đào tạo cán bộ quân sự, đồng thời tiếp tục cử học viên theo học các khóa học do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức.

Về cơ bản, Việt Nam đã đào tạo được sĩ quan Hải quân, Không quân; tuy nhiên, Việt Nam rất cần huấn luyện nâng cao cho sĩ quan hai Quân chủng này. Đây cũng là những lĩnh vực đào tạo, huấn luyện không ít tốn kém. Mấy năm gần đây, Ấn Độ sẵn sàng huấn luyện nâng cao cho sĩ quan hai quân chủng này, như nâng cao trình độ chuyên môn cho sĩ quan tàu ngầm Việt Nam, đào tạo thợ sửa chữa cho nhân viên kỹ thuật Việt Nam tại Ấn Độ. Vào tháng 10-2013, Ấn Độ đã tiến hành huấn luyện tác chiến dưới nước cho 500 thủy thủ Việt Nam trong 50 đợt, mỗi đợt kéo dài hơn 1 năm, nhằm vận hành hạm đội tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt sản xuất từ Nga.

Bên cạnh đó, Ấn Độ sẵn sàng đào tạo phi công, thợ sửa chữa, cung cấp hoặc bán các loại trang bị phụ tùng cho các loại máy bay mà Không quân, Không quân Hải quân Việt Nam đang sử dụng tương tự của Ấn Độ như Su - 30, Su - 27, một số loại máy bay vận tải và trực thăng. Ấn Độ có thể hỗ trợ đào tạo từ 6-8 phi công Su-30 cho Việt Nam mỗi năm, đào tạo phi công máy bay vận tải, trực thăng khác; đào tạo thợ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, hợp tác trong lĩnh vực y học hàng không và tình báo ảnh.

Bên cạnh việc huấn luyện cho hai quân chủng Hải quân và Không quân, Ấn Độ còn tiến hành đào tạo công nghệ thông tin và tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam. Ngày 28-10-2013, Ấn Độ và Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Việt Nam - Ấn Độ tại trường Đại học Thông tin liên lạc (Trường Sĩ quan thông tin) của Bộ Quốc phòng Việt Nam tại thành phố Nha Trang. Đây là cơ sở để hai bên tiến tới hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Ấn Độ còn giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực cho lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; hỗ trợ đào tạo để Việt Nam triển khai 01 bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. (Xem tiếp phần 2)


* Viện Chiến lược quốc phòng - Bộ Quốc phòng.

[1] Có thể họp 02 năm/ lần và tổ chức bên lề ADMM+. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục