Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 1)

03:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm

PGS, TS Lê Văn Toan*

1. Nhận định khái quát về Ấn Độ

Ấn Độ là nước có nền văn hóa phát triển lâu đời, từ thời cổ đại đã trở thành một trong bốn cái nôi văn minh của nhân loại. Đất nước Ấn Độ luôn có vai trò địa chính trị, địa kinh tế tự nhiên và địa chiến lược quan trọng. Sức mạnh mềm Ấn Độ luôn dẻo dai, lan rộng và tỏa sáng. Đơn cử như Đạo Phật đã thâm nhập, phát triển ở nhiều nước trên thế giới, không phải ngẫu nhiên mà nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX, A. Einstein đã nói với Thủ tướng Jawaharlal Nehru tại Hoa Kỳ năm 1947 rằng: “nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”[1]. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Dự tính đến năm 2030 của thế kỷ XXI, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ ba thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, tiềm lực quốc phòng đứng thứ tư thế giới sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Với dân số đứng thứ hai thế giới và lực lượng lao động trẻ, dồi dào, tư duy phát triển năng động, Ấn Độ có khả năng trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực thi thể chế dân chủ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Ấn Độ là một đỉnh lớn trong khối kim cương bốn đỉnh là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và bang Hawaii (Mỹ) của an ninh để đảm bảo các lợi ích triển khai trải dài từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương. Tinh thần giao lưu hội nhập được giới lãnh đạo Ấn Độ nuôi dưỡng từ nhiều thập kỷ, đến nay đang được kế thừa và phát triển. Hiện nay, Thủ tướng Narendra Modi nêu quyết tâm: phát triển kinh tế, ổn định nội bộ, chấn hưng và cách tân đất nước, tăng năng lực quốc phòng, đổi mới chính sách đối ngoại, trong đó, ngoại giao kinh tế và việc mở rộng các mối quan hệ đối tác chiến lược là hai trọng tâm ưu tiên. Điều này càng chứng tỏ vị thế và vai trò của Ấn Độ trong việc đảm bảo cân bằng an ninh chiến lược trong khu vực.

2. Nhận định khái quát về Việt Nam

Việt Nam là đất nước trải dài bên bờ Biển Đông. Do vị trí địa chiến lược, điều kiện tự nhiên của mình, Việt Nam sớm có xu thế giao lưu, hội nhập, phát triển và tiếp biến văn hóa. Nền văn minh Đại Việt được xếp là một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Nhiều học giả thống nhất rằng, bản sắc văn hóa Việt Nam được tạo ra ở vùng lúa nước sông Hồng cách đây rất nhiều ngàn năm, được tôi luyện và khẳng định trong 2000 năm đấu tranh giành độc lập, đủ tầm cỡ để tiếp biến văn hóa thành công, vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hiện đại hóa phù hợp với văn minh nhân loại.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, đổi mới tư duy phát triển theo hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy con người là trung tâm, vì con người, mọi người có cơ hội được tham gia và mọi người đều được hưởng lợi vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam vận hành cơ chế thị trường để huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực. Nhờ đổi mới và hội nhập, Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng nhanh ở châu Á, trở thành nước xuất khẩu gạo và một số sản phẩm nông nghiệp lớn trên thế giới. Việt Nam là một nước được Liên hợp quốc đánh giá là nước có chính sách giảm nghèo ấn tượng với tỷ lệ nghèo chỉ còn dưới 10%. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục thiết lập nhiều quan hệ đối tác hợp tác, chủ động tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Ấn Độ.

3. Về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

 Việt Nam và Ấn Độ vốn có quan hệ lịch sử văn minh lâu đời từ hơn hai thiên niên kỷ. Đạo Phật và đạo Hindu đã có những đóng góp không nhỏ trong giao lưu văn hóa giữa hai nước. Điều đặc biệt là văn hóa, văn minh Ấn Độ đến Việt Nam bằng con đường hòa bình, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đúng như điều Thủ tướng Narendra Modi chia sẻ khi đến thăm Việt Nam vào tháng 9/2016, rằng, những kẻ xâm lược mang chiến tranh đến Việt Nam thì giờ đây đã sạch bóng trên đất nước Việt Nam. Nhưng Phật giáo của Ấn Độ và tư tưởng hòa bình, bác ái, triết lý nhân văn sẽ luôn còn mãi ở Việt Nam. Thực tế lịch sử minh chứng rằng, những tôn giáo khác đến Việt Nam cùng với bước chân của đoàn quân xâm lược, còn Phật giáo và Hindu giáo Ấn Độ đến Việt Nam bằng con đường hòa bình nên được Việt Nam tiếp nhận và tiếp biến theo yêu cầu xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ hiện đại, quan hệ gần gũi của hai nước luôn được thắt chặt có được nhờ sự tương đồng trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của hai dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru. Người chủ động, dày công đặt nền tảng cho quan hệ hai nước là Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã 3 lần đến Ấn Độ, đã viết gần 50 bài báo về Ấn Độ và các thư từ trao đổi với các vị lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ. Đó là chưa kể, ngay từ năm 1943, khi còn bị giam trong nhà tù Quốc Dân Đảng, Người đã viết bài thơ “Gửi Nehru”, trong đó có câu: “Vạn lý dao dao vị kiến diện/ Thần giao tự tại bất ngôn trung” (“Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt/ Không lời mà vẫn cảm thông nhau”)[2]. Mối quan hệ “trong sáng như bầu trời không một gợn mây” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định đã được hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước năm 1972, nâng cấp thành Đối tác chiến lược năm 2007, tiếp tục nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.

45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã trải qua một con đường dài, ngày càng được nâng cao về chất lượng và mở rộng không ngừng trên tất cả các lĩnh vực. Đương nhiên, điểm nổi bật trong quan hệ song phương đã nổi lên 5 trụ cột chủ yếu: chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, năng lượng, văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ, ngoại giao nhân dân.

- Về chính trị - ngoại giao

Có thể nói, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ chính trị - ngoại giao hết sức tốt đẹp, có độ tin cậy chính trị rất cao do hai nước không có bất cứ sự vướng mắc nào và hơn nữa, lại có sự song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng tin tưởng, chia sẻ lẫn nhau trên hầu như tất cả các vấn đề song phương cũng như đa phương, kể cả vấn đề luôn nóng và gay cấn như vấn đề Biển Đông.

Sự tin cậy chính trị đó luôn được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Những năm gần đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ; cũng tương tự như vậy, cả Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Nghị viện Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao không những đặt nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước[3].

- Về quốc phòng – an ninh

Hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp bộ trưởng quốc phòng, xác lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng, cùng tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, đưa ra lộ trình quan trọng trong hợp tác song phương. Hai nước phối hợp chặt chẽ trên các mặt hợp tác an ninh khác bao gồm cả vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; chống khủng bố, chống tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia và tăng cường an ninh mạng. Ấn Độ đã từng ủng hộ Việt Nam gói tín dụng 100 triệu USD và 500 triệu USD để tăng cường năng lực quốc phòng và chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Xem tiếp phần 2)


* Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Phạm Đức Dương: “Giao lưu văn hóa và thế giới”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 152, ngày 10-7-2009.

[2] Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù - Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn), in lần thứ ba, Nxb. Giáo dục, H., 1995, tr.481-482.

[3] Tính đến năm 2016, Việt Nam hiện có ba đối tác chiến lược toàn diện (Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ); 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện. Ấn Độ có quan hệ đối tác kinh tế toàn diện)

Nguồn:

Cùng chuyên mục